Doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các quy định thị trường nhập khẩu

16/09/2023, 17:17

Cục Bảo vệ thực vật đã có thông tin phản hồi với cơ quan báo chí và cho biết doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật.

Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Trước thông tin gần đây nhiều doanh nghiệp chở trái cây ra cảng Cát Lái, Tp. Hồ Chí Minh để xuất sang Trung Quốc thì nhận được thông báo tạm dừng xuất khẩu do các lô hàng có mã nằm trong vùng trồng, mã cơ sở đóng gói thuộc danh sách vi phạm quy định bảo vệ thực vật,  các doanh nghiệp cho rằng, với doanh nghiệp vi phạm, Cục Bảo vệ thực vật không có động thái đưa ra thông báo trước hoặc thời hạn thực hiện quy định dẫn đến doanh nghiệp bị bất ngờ khi làm thủ tục xuất khẩu.
 
Về vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông tin phản hồi với cơ quan báo chí và cho biết doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật.
 
Theo Cục Bảo vệ thực vật, cục này đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.
 
Vì vậy, ngày 5/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã ký văn bản gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11 tỉnh gồm: Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Trà Vinh và các Chi cục Kiểm dịch thực vật về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
 
Cục Bảo vệ Thực vật đánh giá, việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
 
Lý giải thêm về việc này, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, theo quy định của Nghị định thư, tại thời điểm kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến nếu phát hiện vi phạm, Việt Nam hoặc Trung Quốc sẽ tạm dừng xuất khẩu với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đó trong thời gian còn lại của mùa vụ. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói đó sẽ phải khắc phục vi phạm, gửi lại hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật và gửi cho cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét.
 
Theo bà Hương, việc tạm dừng hay thu hồi có hai cách làm. Đó là Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật) sẽ tự tạm dừng, thu hồi hoặc Trung Quốc sẽ làm.
 
Kinh nghiệm từ thị trường quốc tế, Việt Nam tự tạm dừng, thu hồi, rủi ro sẽ thấp hơn và việc khắc phục sẽ có tính chủ động hơn. Còn khi Trung Quốc thông quan việc khắc phục sẽ phải chờ lịch của họ và quá trình lên lịch đó rất dài. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã chọn phương án chủ động dừng. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật có văn bản gửi một số địa phương tạm dừng, thu hồi các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
 
Làm rõ thêm vấn đề này, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong văn bản gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Chi cục Kiểm dịch thực vật, Cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng tạm ngừng xuất khẩu, rà soát xác định rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Trên cơ sở đó hoàn thiện Báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.
 
Cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để kiểm soát chặt. Cục Bảo vệ thực vật sẽ có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý các trường hợp không tuân thủ. Do vậy hoạt động xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường không bị ùn tắc về kiểm dịch thực vật.
 
Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định, các biện pháp nêu trên là rất cần thiết đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các Nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại 2 bên và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
Về tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm quản lý cửa khẩu (Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn) Đinh Trung Kiên cho biết, những ngày qua, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, không có hiện tượng ách tắc hàng hóa. Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu vẫn luôn tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho xuất khẩu các loại mặt hàng.
 
Tại Lạng Sơn hiện có 6 cửa khẩu đang duy trì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; trong đó cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là hai cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất.
 
Với cửa khẩu Tân Thanh, mặt hàng thông quan chủ yếu là hoa quả tươi chiếm khoảng 85% tổng lượng hàng xuất khẩu qua cửa khẩu. Với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mặt hàng hoa quả tươi chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng xuất khẩu.

HỒNG DUY/TTXVN