Tiên phong “mở đường” làm chủ công nghệ ra-đa

19/08/2023, 10:15

Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong Quân đội đã ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, trở thành hoạt động tự giác, thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành, Trưởng phòng Xử lý cấp 2, Trung tâm Ra-đa, Khối 1, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội là một trong những cá nhân điển hình, tiêu biểu như vậy.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định tuyển dụng, phong quân hàm Đại úy QNCN cho Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân Nguyễn Như Thành tại Lễ Tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022, ngày 16/3/2023 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Luôn đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân và sản phẩm
 
Lựa chọn học theo chuyên ngành Điện tử - Viễn thông do đam mê công nghệ, muốn khám phá và tìm hiểu về hệ thống thu phát thông tin, vô tuyến và các linh kiện, thiết bị điện tử. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2012, anh Nguyễn Như Thành quyết định về làm việc ở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) từ đó đến nay. “Tại thời điểm sắp tốt nghiệp, một số công ty đã mời tôi về làm việc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi thấy Viettel là nơi có môi trường làm việc tốt, nơi có nhiều cơ hội để thể hiện và phát triển bản thân mình. Ngay buổi đầu phỏng vấn, năng lượng tích cực và sự tâm huyết trong công việc của những người trong Ban tuyển dụng Viettel đã khiến tôi thật sự rất ấn tượng. Vì vậy tôi đã quyết định làm việc tại Viettel” - Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho biết.
 
Ngay từ những ngày đầu tham gia vào công tác nghiên cứu ở Viettel, bằng sự tận tụy, chủ động, tích cực tự học tập, nghiên cứu, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm của Viettel. Trong đó, nổi bật là công nghệ mở rộng dải đo vận tốc cho đài ra-đa (năm 2014). Trong quá trình nghiên cứu về ra-đa, anh đã phát hiện ra những hạn chế chung, mấu chốt của hầu hết các hệ thống ra-đa sử dụng giải pháp kỹ thuật cũ đó là dễ bị nhiễu bởi tín hiệu phản xạ từ địa hình, địa vật... Từ đó, anh đã quyết tâm nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục. Với sự sáng tạo của tuổi trẻ và miệt mài trong nghiên cứu, anh đã sớm tìm ra giải pháp giải quyết triệt để hạn chế trên. Giải pháp này của anh đã được các cấp đánh giá rất cao và nhanh chóng được triển khai áp dụng rộng rãi. Năm 2020, giải pháp này của Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành còn được Hội nghị Ra-đa Quốc tế (International Radar Symposium 2020 -  IRS20) tại Đức đánh giá cao và ghi nhận.
 
Theo Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay thì dừng lại là tụt hậu. Trong suốt quá trình công tác tại Viettel, anh luôn đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân và sản phẩm. Anh luôn cảm thấy không bằng lòng với những gì mình đạt được, từ đó không ngừng nỗ lực học hỏi để vươn lên. Đối với anh, khó khăn, thử thách như là một người bạn đồng hành, là động lực để anh nỗ lực hơn nữa trong công việc. “Thay vì phàn nàn hay tìm lý do né tránh khó khăn, thử thách thì tôi luôn suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết” - Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành chia sẻ.
 
Để có được những thành công này, anh cùng đồng nghiệp đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong suốt quá trình làm việc. Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, khi giải pháp trên được cho phép áp dụng vào sản xuất. Trong quá trình triển khai ban đầu, mỗi khi gặp thời tiết xấu (có nhiều mây, mưa…) thì hệ thống gặp một vấn đề đó là khả năng chống nhiễu khí tượng không hiệu quả. Do tính cấp thiết của giải pháp, cấp trên đã yêu cầu anh và nhóm nghiên cứu trong vòng 2 tuần phải tìm ra cách khắc phục.
 
“Đây là một nhiệm vụ gần như không tưởng chỉ trong việc tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục, chứ chưa nói đến việc là phải tìm ra một giải pháp đơn giản và tối ưu nhất để áp dụng đồng bộ lên tất cả các sản phẩm. Lúc đó, nhóm do tôi phụ trách đã gần như không ngủ, ngày, đêm bám trụ tại thực địa. Một tuần đầu, không có một chút tiến triển gì, vì mọi giải pháp đưa ra đều không hiệu quả. Thế rồi, trong một khoảnh khắc, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. Ngay lập tức, tôi miệt mài đặt bút tính toán và từng bước triển khai mô phỏng trên máy tính. Sau nhiều lần áp dụng, thử nghiệm và kiểm tra thì cuối cùng giải pháp của tôi đã thành công và được áp dụng với hiệu quả rất ấn tượng trên dữ liệu ghi lưu” - Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành chia sẻ thêm.
 
Sau đó không lâu, sáng kiến này của anh đã được áp dụng lên toàn bộ các sản phẩm ra-đa cùng chủng loại và cho khả năng lọc nhiễu khí tượng lên tới 98% mà không ảnh hưởng đến khả năng quan sát mục tiêu. Đến nay, sản phẩm này đã được áp dụng sản xuất hàng loạt và mang lại giá trị kinh tế hàng nghìn tỉ đồng cho Viettel.
 
Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các nhà khoa học quốc tế bên lề Hội nghị IRS20 (ảnh do nhân vật cung cấp).
 
Tiên phong “mở đường” làm chủ công nghệ ra-đa
 
Nói về lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Viettel đối với công nghệ ra-đa, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho rằng, ngành ra-đa của Viettel sau thời gian nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm thì đã bước đầu sáng tạo ra những sản phẩm ngang tầm thế giới. Đến năm 2019, anh và cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng thành công kiến trúc hệ thống đài ra-đa 3D. Đặc biệt là đã làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm này; đồng thời tiến hành tích hợp, tối ưu các thành phần lên sản phẩm hệ thống đài ra-đa 3D. “Đây là lần đầu tiên người Việt Nam có thể làm chủ và sản xuất 1 đài ra-đa 3D hoàn toàn mới với các tính năng tương đương các sản phẩm tiên tiến của nước ngoài. Qua đó, mở ra một kỷ nguyên mới về nghiên cứu, sản xuất ra-đa cho Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung” - Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho biết.
 
Bày tỏ về sự đam mê trong công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ rằng, không được bằng lòng với những gì đang có. Khi một chiếc xe đang lên dốc thì không được dừng lại”.
 
Không dừng lại ở những gì mình đã có, ngay sau khi hoàn thành sản xuất loạt các sản phẩm ra-đa thế hệ thứ 2 (2015 - 2016), anh đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm và công nghệ ra-đa thế hệ thứ 3. Đối với các sản phẩm có độ phức tạp và hàm lượng khoa học cao như ra-đa, để rút ngắn thời gian chế tạo sản phẩm thì các công nghệ lõi cần được nghiên cứu và làm chủ từ trước, việc này tiết kiệm rất nhiều chi phí chế tạo. Để tạo ra sản phẩm ra-đa với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ngoài việc nỗ lực tự học tập, nghiên cứu, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành còn chủ động bố trí sắp xếp công việc và dành thời gian đi nước ngoài tham dự các hội nghị, hội thảo uy tín về lĩnh vực ra-đa để học hỏi, định vị bản thân cũng như các sản phẩm của Viettel với thế giới. Anh cho biết, năm 2016 - 2017 là khoảng thời gian anh đã đi nghiên cứu, học hỏi rất nhiều từ các sản phẩm, chuyên gia trên thế giới về công nghệ ra-đa để về áp dụng, sản xuất và phát triển nền tảng ra-đa 3D cho Viettel. Tuy nhiên, các kiến thức thu lượm được chỉ là những kiến thức chung, cơ bản, không đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Các kiến thức công nghệ lõi đều được giữ bí mật và không thể tiếp cận.
 
Với vai trò là kỹ sư thiết kế hệ thống, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành được Ban Lãnh đạo giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng kiến trúc hệ thống đài ra-đa 3D và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm này trong 2 năm. Một nhiệm vụ hết sức nặng nề cả về khoa học - công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về thời gian hoàn thành thiết kế, làm chủ các dòng sản phẩm tương đương với của nước ngoài là chỉ trong 2 năm.
 
Nhắc lại thử thách này, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cho biết: “Năm 2018, khi nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng nhưng tôi đã chủ động và bắt tay vào nghiên cứu ngay. Sau thời gian tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đã dần dần từng bước hoàn thành thiết kế kiến trúc hệ thống, phân tách các chỉ tiêu tham số, yêu cầu về các thành phần như: ăng ten, thu phát, xử lý tín hiệu… Cùng với đó, tôi cũng đã hoàn thành nghiên cứu, làm chủ các công nghệ chính của sản phẩm. Trong năm 2019, tôi đã tích hợp thành công và tối ưu hóa các thành phần lên sản phẩm”.
 
Theo Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành, một trong những thời điểm khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là lúc bắt đầu tích hợp sản phẩm ra-đa 3D. Đây là lần đầu tiên anh và đồng nghiệp làm một sản phẩm ra-đa 3D hoàn chỉnh nên chưa có kinh nghiệm trong quá trình kiểm soát và tích hợp các thành phần cũng như các công cụ đo đạc.
 
Cho đến nay, Viettel đã làm chủ hoàn toàn các công nghệ ra-đa thế hệ thứ 3 bằng việc sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm ra-đa 3D chiến thuật, ra-đa 3D tầm trung. Đặc biệt, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cùng các kỹ sư trong nhóm cũng đã hoàn thành làm chủ một số công nghệ của ra-đa thế hệ thứ 4 và dự kiến ra mắt trong 1-2 năm tới.
 
Thời gian tới, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành cùng các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ra-đa, hướng tới mục tiêu có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. “Dư địa trong lĩnh vực ra-đa còn rất nhiều, từ các sản phẩm vũ trụ công nghệ cao cho đến các sản phẩm ứng dụng dân sinh hàng ngày để chúng tôi nghiên cứu, chinh phục. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ, phải nghiêm túc và quyết tâm trong từng công việc nhỏ nhất với mục tiêu: Còn sức là còn chiến đấu” - Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành chia sẻ về quyết tâm của mình.
 
Trung tá Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Ra-đa cho biết, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành là một đảng viên trẻ, có tinh thần và thái độ nghiêm túc trong học tập và làm theo Bác. Dù trên lĩnh vực công tác nào, đồng chí Thành cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trên cương vị là một trưởng phòng, đồng chí Thành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong đổi mới phong cách, tác phong công tác, lề lối làm việc. Đồng chí luôn tích cực, chủ động rèn luyện nâng cao bản lĩnh, tác phong công tác. Bên cạnh đó, đồng chí Thành cũng tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Trung tâm Ra-đa trong trong thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực ra-đa, đồng chí Thành đã có nhiều đề tài, sáng kiến có tính cấp thiết và hàm lượng khoa học cao, được áp dụng thành công và hiệu quả trong thực tế; đồng thời đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Viettel. Đồng chí Thành thực sự là hạt nhân đoàn kết, cổ vũ tinh thần cán bộ, nhân viên trong đơn vị và cũng là một tấm gương điển hình, tiêu biểu để mọi người trong Trung tâm học tập, noi theo.
 
Ngoài việc là Chủ nhiệm đề tài về ra-đa và hoàn thành nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại cho các đài ra-đa 3D trong năm 2022, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành còn là tác giả của 7 công nghệ lõi, 3 bài báo khoa học quốc tế, 6 sáng chế, 2 sáng kiến và 10 ý tưởng cấp tổng công ty... Với những thành tích đã đạt được, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành đã được Bộ Quốc phòng, Viettel nhiều lần tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 2021, Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành và nhóm nghiên cứu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình “Thiết kế, chế tạo ra-đa cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam”; năm 2022 được Bộ Quốc phòng tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân…
 
Có thể nói, những cá nhân điển hình tiêu biểu như Đại úy QNCN Nguyễn Như Thành đã góp phần làm sáng rõ hơn những cống hiến, hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là những hình mẫu thiết thực, cụ thể và chân thực. Thông qua đó, tạo nên những hiệu ứng tích cực trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua quyết thắng tại các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

ĐỨC ANH/BQP.VN