Bao vây cắt cầu hàng không của địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

08/05/2022, 14:52

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có nghệ thuật tổ chức bao vây cắt cầu hàng không của địch.

Máy bay của quân Pháp bị bắn hạ ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Bằng sức mạnh tổng hợp của các biện pháp tác chiến, ta đã triệt tiêu hoàn toàn khả năng tăng viện, tiếp tế của địch bằng đường không cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...
 
Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi đó (gồm 49 cứ điểm, có 8 trung tâm đề kháng, chia làm 3 phân khu: Trung tâm, bắc và nam). Bộ chỉ huy quân đội Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.
 
Thực tế, Điện Biên Phủ nằm lọt trong vùng rừng núi Tây Bắc, rất xa hậu phương chiến lược của địch, vì vậy, nếu tiếp tế bằng đường bộ từ Đồng bằng Bắc Bộ lên thì rất xa, đường sá hiểm trở và dễ bị ta đánh chặn. Nếu tiếp tế bằng đường bộ từ Lào sang thì việc cung cấp cho hơn một vạn quân và rất nhiều vũ khí, trang bị là vấn đề vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, với lợi thế phương tiện vận tải bằng đường không, địch sẽ tổ chức tăng viện, tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng lên. 
 
Hiểu sâu sắc chỗ yếu chí mạng của địch ở Điện Biên Phủ là con đường tiếp tế, ngay trong lúc chỉ đạo chuẩn bị và quá trình chỉ huy tác chiến, bộ tư lệnh chiến dịch đã lập kế hoạch và chỉ đạo sát sao việc bố trí thế trận, mở những chiến dịch đánh địch để bao vây, ngăn chặn tất cả các đường tăng viện tiếp tế trên bộ, làm cho cầu hàng không trở thành con đường duy nhất để tăng viện, tiếp tế của địch.
 
Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954), ta tổ chức một trung đoàn chủ lực triển khai chốt chặn ở cửa khẩu Tây Trang, ngăn chặn khả năng địch tiếp tế từ Lào sang, hoặc rút chạy qua khi bị ta tiến công ở Điện Biên Phủ. Tiếp đó, sử dụng Đại đoàn 308 sang phối hợp với lực lượng Pa thét Lào mở chiến dịch tiến công đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu, cắt đứt hoàn toàn con đường địch có thể tăng viện tiếp tế đường bộ từ Lào sang Điện Biên Phủ, làm toàn bộ quân địch đồn trú ở Điện Biên Phủ chỉ còn trông chờ vào con đường duy nhất là tăng viện, tiếp tế bằng cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng lên. Nếu đường tiếp tế hàng không của địch bị ta cắt nốt thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ sụp đổ.  
 
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chưa có lực lượng không quân để tác chiến ngăn chặn, tiêu diệt địch trên không; lực lượng phòng không của ta mới có một trung đoàn pháo cao xạ 37mm và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm biên chế trong các đại đoàn bộ binh, nên chưa đủ lực lượng để triển khai thế trận đánh không quân địch vận tải tiếp tế. Vì thế, chúng ta tập trung bao vây cắt cầu hàng không địch ở cả hai đầu vận chuyển: Đánh địch ngay từ căn cứ xuất phát ở hậu phương kết hợp với đánh địch ở chiến trường Điện Biên Phủ.
 
Ở hậu phương địch, ta tổ chức từng đơn vị đặc công nhỏ, tinh nhuệ, tập kích táo bạo, bất ngờ vào các sân bay, căn cứ, kho tàng, những nơi có sinh lực cao cấp và các loại vũ khí, trang bị hiện đại của địch (Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ) liên quan đến nguồn cung cấp tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Điển hình là những trận ta tập kích vào các sân bay: Đồ Sơn, Gia Lâm, Cát Bi (hơn 80 máy bay địch đã bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu và kho bom bị cháy). 
 
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ta thực hiện nhiều hình thức tác chiến, trong đó sử dụng pháo binh tiến hành pháo kích sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm, khống chế không cho địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp tế từ trên không; đồng thời, ta tổ chức các đội “săn tây, bắn tỉa”, tranh đoạt dù, không cho địch nhận hàng tiếp tế thả xuống.
 
Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng bộ binh, công binh xây dựng hệ thống chiến hào, bao vây thu hẹp phạm vi hoạt động của địch; lực lượng phòng không khống chế, bao vây trên không, ngăn chặn, cắt đứt cầu hàng không của địch. Nhờ các hình thức, biện pháp tác chiến bao vây, triệt phá cầu hàng không của địch trên nhiều địa bàn, ta từng bước khống chế, tiến tới triệt hẳn các đường tiếp tế của địch, siết chặt vòng vây cả dưới mặt đất và trên không, làm cho địch ở Điện Biên Phủ bị cô lập.
 
Cùng với bao vây cắt cầu hàng không của địch, ta tập trung tiến công tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tổng công kích ngày 7-5-1954, tiêu diệt và bắt toàn bộ chỉ huy, cơ quan tham mưu, buộc hơn một vạn quân địch được trang bị xe tăng, trọng pháo hiện đại ở Điện Biên Phủ phải đầu hàng.
 
Tổ chức bao vây cắt cầu hàng không tăng viện, tiếp tế cho quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ là một trong những biện pháp tác chiến độc đáo và hiệu quả của ta. Các hoạt động bao vây cắt cầu hàng không, triệt đường tiếp tế của địch không chỉ bó hẹp trong phạm vi chiến dịch, mà còn được tổ chức phối hợp giữa chiến trường Điện Biên Phủ với các chiến trường sau lưng địch, kết hợp chặt chẽ giữa bao vây địch ở mặt đất với bao vây trên không, tiến tới cắt đứt hoàn toàn cầu hàng không của địch tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây thực sự là sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.