Sau chiến dịch Biên giới, tuyến biên giới Việt - Trung được khai thông, quan hệ ngoại giao giữa nước ta với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN được thiết lập; đường ô tô được mở thông từ Cao Bằng qua Việt Bắc về Phú Thọ và đang chuẩn bị mở tiếp qua thị xã Hòa Bình vào Liên khu 4. Thu đông 1951 -1952, Tổng Quân ủy mở đợt hoạt động trên chiến trường chính là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nơi ta huy động được nhân, vật lực dồi dào.
Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong Chiến dịch Hòa Bình.
Để chuẩn bị cho đợt hoạt động này, Tổng cục Cung cấp gấp rút làm đường ô tô từ Phú Thọ qua Đồn Vàng, Hòa Bình vào Liên khu 4 và tranh thủ chở vũ khí đạn về Liên khu 3. Nhằm phá chuẩn bị tác chiến của ta, từ ngày 9 - 14/11/1951, Pháp cho 20 tiểu đoàn chiếm Hòa Bình và khu vực sông Đà. Sau khi chiếm các vị trí then chốt khu vực Hòa Bình - Đường 6, Sông Đà - Ba Vì, quân Pháp tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: Sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và Hòa Bình - Đường 6 (khu Nam), trong đó thị xã Hòa Bình được xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm và phân khu Chợ Bến là tiền đồn phía đông bảo vệ Hòa Bình; lực lượng gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội công binh và 1 trung đội xe tăng.
Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công Hòa Bình với sự tham gia của các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 304 và Đại đoàn công pháo 351, cùng LLVT địa phương nhằm tiêu diệt địch, đập tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của chúng. Đại đoàn 316 và 320 tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cùng LLVT địa phương đánh địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá tề, trừ gian, mở rộng khu du kích và phối hợp tác chiến với chiến dịch.
Việc bảo đảm vũ khí đạn cho chiến dịch rất khẩn trương do không được chuẩn bị trước, nhu cầu lại lớn. Cơ quan cung cấp chiến dịch đã được huy động 12 xe ô tô chở vũ khí đạn từ Đoan Hùng qua Phú Thọ tới Đồn Vàng để cấp phát cho các đơn vị. ở mặt trận phía nam Hòa Bình, ta tổ chức chuyển vũ khí đạn hàng từ Đồn Vàng qua Tu Lý đến Mãn Đức và từ Nho Quan qua Chi Nê, Đầm Đa đến Bãi Khoai. Trên từng tuyến vận tải, ta còn tổ chức các kho, trạm trung tuyến dùng dân công vận chuyển theo dây chuyền, kết hợp dùng thuyền vận chuyển theo đường sông (từ Nho Quan đi Chi Nê, Đầm Đa). Vì vậy giảm được số lượng dân công tham gia, chuyển được khối lượng lớn vũ khí trang bị kịp thời phục vụ chiến dịch.
Lúc đầu, Ban quân khí chiến dịch chưa được thành lập, Cục Quân khí sử dụng lực lượng vận chuyển cho kế hoạch BKI để chuyển vũ khí đạn ở phía nam Hòa Bình; tổ chức các kho ở Bãi Khoai, Suối Chuồn bảo đảm vũ khí đạn cho Đại đoàn 304. ở bắc Hòa Bình, ta bố trí các kho ở Đồn Vàng, Thục Luyện, Đồng Cốt, Bản Thôn, cung cấp vũ khí, đạn cho các Đại đoàn 308 và 312. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, đã vận chuyển và cấp cho các đơn vị được 104.6 tấn đạn các loại. Lúc này, các kho đã hết đạn pháo, đạn cối, bộc phá dự trữ; Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị các đơn vị phải sử dụng tiết kiệm và giao nhiệm vụ cho Sở Quân giới Liên khu 3, 4 sản xuất gấp một số đạn cối, bộc phá sẵn sàng bổ sung đơn vị.
Chiến dịch diễn ra ba đợt. Đợt 1 (10 - 26/12/1951), ta tập trung đột phá tuyến Sông Đà: đánh địch càn quét ở nam Ba Vì, tiến công diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh nhiều trận phục kích cắt đứt tuyến vận chuyển của địch trên Sông Đà, uy hiếp Đường 6, đồng thời đánh mạnh ở vùng địch hậu Bắc Ninh. Pháp rút bớt lực lượng cơ động từ Hòa Bình về Bắc Ninh để đối phó, nhưng ngay sau đó phải đưa quân trở lại cứu nguy cho Hòa Bình.
Ở hướng Đường số 6 và 21, ngày 02/12/1951, Trung đoàn 66/Đại đoàn 304 tiêu diệt đoàn xe vận tải 34 chiếc và 1 đại đội hộ tống (cách đông Hòa Bình 15 km) và đánh nhiều trận phục kích trên Đường số 6, nổi bật là trận Giang Mô (tây thị xã Hòa Bình 8 km), diệt 200 tên địch, phá hủy 10 xe, có cả xe tăng và thiết giáp. Trong trận này, Cù Chính Lan đã dùng lựu đạn diệt xe tăng địch. ở hướng phối hợp, Đại đoàn 316 hoạt động ở nam Bắc Ninh, diệt các mục tiêu Thửa, Bốt Dầu, Vệ Linh. Đại đoàn 320 hoạt động ở Hà Nam, Ninh Bình diệt các mục tiêu Ngô Khê, Phát Diệm, Yên Mô Thượng, Cầu Xanh… Đợt 1, ta giành được thắng lợi lớn, tạo thế khoét sâu vào lòng địch, làm cho hậu phương địch mất ổn định phải bị động đối phó. Tổng Quân ủy nhận định: "Ta vẫn còn lực lượng để tiếp tục chiến đấu, vừa qua ta cũng bỏ lỡ nhiễu cơ hội tiêu diệt địch".

Bộ đội pháo binh ta đón đánh địch trên sông Đà trong trận Tu Vũ, mở màn Chiến dịch Hòa Bình.
Chuẩn bị đợt 2, Tiểu đoàn công binh 333 được giao nhiệm vụ sửa đường và bắc cầu cho ô tô từ Yên Mao qua Tu Vũ đến Đồng Việt. Cán bộ, chiến sĩ đã có sáng kiến đan sọt đổ đá làm chân cầu, mặt cầu lát 2 vệt sát mặt nước để giữ bí mật và 27 chuyến ô tô đã chở hàng qua sông an toàn kịp tiếp tế cho các đơn vị. Đợt 2 (27 - 31/12/1951), ta đánh mạnh hướng Sông Đà - Ba Vì, tập kích diệt địch ở các điểm cao 500 và 564; trên hướng Đường 6 tiến công các cứ điểm Đồi Mồi, Hàm Voi, diệt được một bộ phận địch. Pháp cố gắng tăng viện cho Hòa Bình, nhưng vẫn không đánh thông được tuyến Sông Đà, phải chuyển sang củng cố tuyến Đường 6, bảo vệ thị xã Hòa Bình.
Để phục vụ cho đợt 2, Ban quân khí chiến dịch đã tổ chức tổng kho khoảng 50 tấn ở Đồn Vàng, một kho trung tuyến khoảng 30 tấn ở Đèo Lường, 2 kho tạm khoảng 30 tấn ở Đoan Hùng và Đồng Cốc. Việc cấp phát bổ sung cho đơn vị chia làm 2 đoạn: từ tổng kho ra kho trung tuyến do ban quân khí phụ trách, còn từ trung tuyến đến hỏa tuyến do quân khí đơn vị phụ trách. Hàng từ hậu phương gửi ra để tại tổng kho và được chuyển về kho trung tuyến theo nhu cầu từng đợt, từng kế hoạch.
Trong đợt 2, đã chuyển được 20,3 tấn vũ khí đạn từ Đoan Hùng tới Đồng Cốc; 32,6 tấn vũ khí đạn từ Phong Thịnh, Thanh Hà đi Đồn Vàng; 12,2 tấn vũ khí đạn từ Đồn Vàng đi Đồng Cốc và giao 3,5 tấn vũ khí đạn ở Đồng Cốc cho các dơn vị ở Liên Minh; chuyển 1,8 tấn vũ khí đạn ở Đồng Cốc giao cho Quân báo Cục 3; chuyển từ Đồng Cốc đi Mu Hang 13 tấn… và 156 dân công đã được huy động để chuyển vũ khí cho Liên khu 3, chuyển 1 tấn thuốc nổ từ Đồng Cốc đi Chợ Bờ (Hòa Bình). Các kế hoạch vận chuyển đều được thực hiện và cung cấp đủ vũ khí, đạn dược cho tác chiến.
Đợt 3 (7/01 - 25/02/1952), ta chuyển hướng tiến công chủ yếu sang Đường 6 và bao vây thị xã Hòa Bình với nghệ thuật “Đánh điểm diệt viện, nhưng phải hết sức linh hoạt”; tập kích tiêu diệt trận địa pháo và 4 vị trí địch ở trung tâm và ngoại vi thị xã; đánh cắt giao thông, làm tê liệt vận chuyển của địch trên Đường 6, nhưng đánh cứ điểm Pheo và Đầm Huống không dứt điểm được.
Trong đợt này, ta dùng ô tô vận chuyển 31 tấn vũ khí đạn từ Đoan Hùng về Ngọc Tháp và Đồng Cốc; đồng thời sử dụng dân công chuyển 32,5 tấn từ Đồng Cốc, Đồn Vàng đi Luồng và Mu Hang. Ban Quân khí còn phối hợp với vận tải sử dụng 300 dân công chuyển 1 tấn thuốc nổ và 1,6 tấn đạn cối 60 ly từ Đồng Cốc đi Chợ Bờ, dùng 4 xe ô tô chuyển 7,5 tấn vũ khí đạn từ Đồng Cốc xuống Tu Vũ. Những ngày cuối chiến dịch, dân công đã chuyển qua sông 7,5 tấn vũ khí và giao cho kho quân khí ở chân đèo Mòn, hoàn thành kế hoạch chuyển hơn 10 tấn vũ khí đạn cho Liên khu 3.
Bị bao vây, cô lập ở Hòa Bình, lại bị đánh mạnh ở trung du, đồng bằng, sáng 23/02/1952, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hòa Bình. Ta không tổ chức tốt việc đánh địch rút lui nên chỉ diệt được một số, còn phần lớn địch chạy thoát về Xuân Mai. Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 6.000 địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá hủy 12 khẩu pháo, hàng trăm xe vận tải. Ta thu được gần 150 tấn vũ khí đạn dược chiến lợi phẩm (trong đó có 788 súng các loại, 88 máy vô tuyến điện, 24 khẩu pháo), sau đó chuyển cho Liên khu 3 khoảng 30 tấn, còn 60 tấn phải sửa chữa đã đưa về kho D5 ở Đoan Hùng; giải phóng khu vực Hòa Bình - Sông Đà, rộng khoảng 1.000 km2 và 20.000 dân; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp. ở mặt trận địch hậu trung du, Liên khu 3, ta giải phóng một khu vực rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 1,9 triệu dân, tiêu diệt 15.237 tên, thu 6.126 súng các loại, 10 khẩu pháo các loại 41 máy vô tuyến.
Tuy nhiên, về mặt bảo đảm kỹ thuật chiến dịch Hòa Bình cũng còn thiếu sót như chưa quy định rõ mối quan hệ giữa Cục Quân khí và Ban Quân khí chiến dịch; giữa Ban Quân khí với các Trạm Quân khí và Xưởng Quân giới. Mặt khác, do thiếu kiểm tra nên có 16 quả đạn đại bác 75 ly của Mỹ, đạn 12,7 ly bị rỉ vẫn chuyển cho đơn vị... hoặc ngòi nổ đạn cối 81 ly của Pháp gửi nhầm ngòi đạn đại bác 75 ly; phụ tùng đạn gửi đi thiếu đồng bộ ngòi nổ, liều phóng (đạn cối); kíp nổ, dây cháy chậm và thuốc nổ (mìn)... nên ảnh hưởng đến tác chiến (như trận đánh Tu Vũ ở đợt 1). Hòm đạn đóng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng không đúng (hòm đạn cối 82 ly đem đựng lựu đạn, hòm đạn 12,7 ly đựng đạn Macxim...), ký mã hiệu không rõ, đã gây khó khăn cho vận chuyển, tiếp nhận, cấp phát.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do ta còn chưa có kinh nghiệm tổ chức bảo đảm cho chiến dịch lớn, dài ngày, phạm vi rộng; trình độ hiểu biết về kỹ thuật còn thấp kém… Nhưng nhờ có nhân dân giúp đỡ cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm nên cán bộ, nhân viên cơ quan cung cấp chiến dịch đã khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, trang bị, góp phần tạo nên thắng lợi chung của chiến dịch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh - Tư lệnh chiến dịch đánh giá: “Chiến dịch này là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay, ta đã phối hợp nội, ngoại tuyến hết sức chặt chẽ. Ta phối hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích trên một quy mô rộng lớn... Thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình là thắng lợi quân sự, chính trị, kinh tế. Nó đánh bại âm mưu cố gắng giành lại quyền chủ động của Đờ lát Đờ tát xi nhi”. Công tác bảo đảm trang bị, vũ khí đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và địa phương tiếp tế phục vụ kịp thời vũ khí đạn cho tác chiến góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến. Những bài học kinh nghiệm bảo đảm vũ khí trang bị trong chiến dịch Hòa Bình đã được nghiên cứu kế thừa trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến nay, những bài học đó vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu kế thừa và phát triển sáng tạo trong điều kiện mới, góp phần xây dựng ngành và quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển bách khoa quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, tr.176.
2. Lịch sử ngành Kỹ thuật, tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1996, tr.131-144.
TRUNG TÁ KIỀU VĂN TÂN/Cục Kinh tế/BQP