Bảo vệ hậu cần trong chiến tranh công nghệ cao - Một số vấn đề mới đặt ra

26/12/2022, 18:11

Tình hình thế giới và khu vực hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động ly khai, răn đe quân sự, tạo cớ, tạo thời cơ can thiệp từ bên ngoài... và tiến hành chiến tranh kiểu mới: kết hợp tác chiến với đấu tranh chính trị, kinh tế, tình báo, ngoại giao... nhanh chóng đánh bại ý chí, khuất phục đối phương, dựng nên chính quyền tay sai phục vụ lợi ích của chúng.

Biên đội 2 chiếc SU-30MK2 của Không quân Việt Nam cất cánh huấn luyện

Trong chiến tranh tương lai, với ưu thế của vũ khí công nghệ cao (VKCNC), ngay từ đầu địch sẽ khống chế, làm chủ trên không, trên biển, thực hiện đòn hỏa lực phủ đầu mãnh liệt “làm mềm chiến trường”, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm quốc gia như: sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông, cơ sở kinh tế quan trọng, hệ thống chỉ huy, thông tin... các cơ sở công nghiệp quốc phòng; các cơ sở và căn cứ hậu cần (CCHC) các cấp để đánh sập tiềm lực quân sự, hậu cần đối phương. Sau đó, tiến công trên nhiều hướng (hướng biển là chủ yếu), kết hợp với bọn phản động nội địa từ trong đánh ra; chia cắt chiến lược, chiến dịch, chiếm các mục tiêu trọng yếu, đẩy đối phương vào thế rối loạn. Ranh giới, quy mô giữa chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong tác chiến tương lai xích lại gần nhau, “mập mờ” và chuyển hóa lẫn nhau... thời gian tác chiến ngắn lại, không gian mở rộng; ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương trở nên “mờ nhạt”. Vì vậy, ngay từ đầu tác chiến có thể xảy ra trong tung thâm đất nước, nơi có hậu phương chiến lược, chiến dịch, bố trí các cơ sở kho tàng, CCHC các cấp. Trong đó, hệ thống giao thông vận tải của ta luôn là mục tiêu địch tập trung đánh phá, nhằm ngăn chặn, làm tê liệt khả năng lưu thông hàng hóa, cơ động lực lượng vũ trang (LLVT), chặn nguồn tiếp tế bổ sung sức người, sức của cho các chiến trường.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, địch đã huy động lớn lực lượng không quân đánh phá giao thông ở miền Bắc, đường Hồ Chí Minh và trên các chiến trường. Ở Trị Thiên, trên khu vực hậu phương chiến dịch (Bãi Hà tới động Ông Do) từ tháng 5/1972 đến tháng 1/1973, máy bay địch đã trinh sát 20 lần chiếc/ngày, đánh phá 40 lần chiếc/ngày, ném 630 quả bom/ngày, hậu cần chiến dịch bị tổn thất 15% quân số, 70% xe vận tải, 9% tổng số vật chất.
 
Trong chiến tranh vùng Vịnh (1991), sau 38 ngày đêm Mỹ và liên quân tiến công hỏa lực, các tuyến giao thông huyết mạch của Irắc bị tê liệt, vật chất bổ sung cho lực lượng ở Côoét từ 20.000 tấn/ngày giảm còn 100 tấn/ngày; sức chiến đấu của quân đội Irắc giảm đi 90%, dẫn tới thất bại. Trong 78 ngày đêm chiến tranh Côxôvô, cùng với bao vây phong tỏa, Mỹ và liên quân đã tập trung tiến công các mục tiêu trọng điểm bằng VKCNC; hơn 70% cầu qua sông Đa Núp, phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã bị phá hủy... Gần đây, trong cuộc chiến ở Lybi, liên quân đã xiết chặt bao vây, phong tỏa, thiết lập “vùng cấm bay”, không kích các mục tiêu trọng điểm, hỗ trợ “quân nổi dậy”... lật đổ chính phủ của Tổng thống Gadaphi.
 
Trong chiến tranh tương lai, với hệ thông trinh sát và vũ khí trang bị hiện đại thông minh, có độ chính xác cao, bố trí nhiều tầng, nhiều lớp, có khả năng tiến công từ rất xa... liên kết chặt chẽ với nhau, “chiến trường trở nên trong suốt”, có thể xác định chính xác và tiêu diệt nhanh các mục tiêu. Vì vậy, các tuyến hậu cần, nhất là các tuyến vận tải đều có thể bị chia cắt hoặc tê liệt, việc cơ động lực lượng, vận chuyển vật chất, thương binh rất khó khăn. 
 
Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần ngày càng lớn và phức tạp cho tác chiến trong mọi tình huống, đòi hỏi phải bảo vệ, duy trì được thế trận và tiềm lực hậu cần, khắc phục kịp thời hậu quả địch đánh phá, đây là trọng tâm của công tác hậu cần trong tác chiến tương lai.
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ta có thuận lợi cơ bản là dựa vào và phát huy tối đa nguồn lực của đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thế trận và tiềm lực hậu cần đã và sẽ được xây dựng ngày càng hoàn thiện; kinh nghiệm BĐHC trong các cuộc chiến tranh và các cuộc diễn tập được kế thừa, phát triển... Song trong điều kiện bị địch bao vây, phong tỏa gắt gao, BĐHC dựa vào nguồn lực của đất nước là chủ yếu, trong khi nhu cầu rất lớn... Mặt khác, phần lớn trang thiết bị hậu cần cũ, kém hiện đại và không đồng bộ, trình độ năng lực tổ chức bảo đảm, khả năng cơ động, ngụy trang, nghi binh bảo toàn lực lượng duy trì khả năng bảo đảm kịp thời, liên tục trong tác chiến hiện đại còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ. Địa hình nước ta dài và hẹp, có nhiều đồi núi, sông, suối; bờ biển dài hơn 3.260km, có hàng nghìn đảo, rất dễ bị chia cắt trong chiến tranh, việc tổ chức cơ động, ngụy trang, bảo vệ hậu cần rất khó khăn, phức tạp... BĐHC cho LLVT cùng toàn dân đánh giặc trong chiến tranh BVTQ phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, trong đó cần chú trọng tổ chức bảo vệ, nâng cao khả năng cơ động của hậu cần các cấp với các vấn đề cơ bản sau:
 
Một là, triệt để tận dụng và tích cực cải tạo địa hình để triển khai hậu cần các cấp trong tác chiến. Rừng cây có khả năng hấp thụ mạnh các sóng ra đa, hồng ngoại, vô hiệu hóa trinh sát quang học. Tính chất che khuất của địa hình còn được đặc trưng bởi sự tồn tại các vùng “không nhìn thấy” đối với các phương tiện trinh sát mặt đất và quan sát phía trước của máy bay do sự không bằng phẳng của dáng đất và địa vật. Các chuyên gia thấy rằng, đồi núi có tác động lớn đến kết quả trinh sát mặt đất vì các sóng ra đa, hồng ngoại, quang học do gặp đồi núi thì phản xạ trở lại; phía sau đồi núi là “vùng mù” đối với các phương tiện trinh sát mặt đất và ảnh hưởng nhiều đến trinh sát đường không. Rừng cây, đồi núi có tác dụng lớn trong làm suy giảm các sóng xung kích của bom, đạn và giảm khả năng đánh trúng mục tiêu của các phương tiện hỏa lực (kể cả vũ khí chính xác cao) do ảnh hưởng đến góc chạm của bom, đạn và sự suy giảm trường điện từ dẫn đến hiệu suất dẫn vũ khí thấp đi.
 
Vì vậy, cần triệt để tận dụng thế lợi địa hình, hệ thống hang động sẵn có và tích cực cải tạo (nhưng không phá vỡ, làm thay đổi dáng của địa hình tự nhiên), bố trí kho trạm, bệnh viện, sở chỉ huy... để tăng độ vững chắc, kiên cố của các công trình, giảm công sức, chi phí xây dựng và hạn chế khả năng đánh phá của địch. Từ kinh nghiệm các cuộc chiến tranh vừa qua và ứng dụng công nghệ bản đồ số 3D, nghiên cứu mô phỏng quỹ đạo của các tên lửa hành trình, từ đó xác định những "vùng chết" với tên lửa địch, giúp xác định chính xác vị trí bố trí các thành phần LLHC, nâng cao sức sống của mục tiêu.
 


Xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham chiến tại Vùng Vịnh năm 1991.
 
Hai là, bố trí hậu cần phân tán hợp lý, có đủ hầm hào, công sự cho các thành phần lực lượng trong các căn cứ, bộ phận hậu cần các cấp. Phân tán hợp lý lực lượng, kho trạm hậu cần sẽ dễ lợi dụng được thế lợi của địa hình, việc nhận biết, phát hiện, đánh phá của đối phương sẽ khó khăn và tốn kém hơn. CCHC, bộ phận hậu cần từng cấp cần triển khai linh hoạt theo địa hình cụ thể, phân tán hợp lý. Các kho, bến bãi giao nhận vật chất có quy mô trung bình và nhỏ, thời gian giao nhận hàng hóa phải linh hoạt; các phân đội hậu cần phân tán, bám theo các trục đường... có vị trí dự bị được chuẩn bị trước, bảo đảm bí mật, khi cần có thể dịch chuyển, di chuyển nhanh chóng. Một số kho, cơ sở hậu cần có thể bố trí xen lẫn với cơ sở kinh tế, khu dân cư. Ngụy trang phải đồng bộ cả kho, vật chất và phương tiện... 
 
Cần có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất và đưa đến dự trữ trước trên các địa bàn chiến lược trọng điểm các loại vật chất, phương tiện hậu cần thiết yếu, quý hiếm, hạn chế tối đa vận chuyển cơ động từ nơi khác đến trong thời chiến, hạn chế thiệt hại do địch gây ra. 
 
Trong tác chiến tương lai, sẽ rất khó giữ bí mật, an toàn tuyệt đối các mục tiêu. Vì vậy, từng cơ sở, CCHC phải có hầm, công sự tương đối vững chắc cho người, vật chất và phương tiện. Xu hướng chung là nâng cao tốc độ cấu trúc công sự dã chiến để đáp ứng nhanh. Ngoài các kết cấu bê tông cốt thép sử dụng xây dựng một số công trình trọng điểm, có thể sử dụng một số bộ công sự đa năng bằng thép và vật liệu composit kết cấu kiểu mô đun với các kích cỡ và khả năng chịu lực khác nhau (do BTL Công binh thiết kế), lắp đặt rất tiện. Mặt khác, cần tích cực khai thác vật liệu tại chỗ để xây dựng các công sự gỗ, đất... Các hầm họp và sinh hoạt phải có hệ thống thông, lọc gió và có biện pháp chống vũ khí hóa học, sinh học. 
 
Ba là, tích cực ngụy trang các thành phần lực lượng trong các căn cứ, bộ phận hậu cần các cấp. Ngụy trang, nghi trang trong tác chiến luôn là vấn đề lớn được các bên tham chiến quan tâm. Tác chiến tương lai, “chiến trường trở lên trong suốt” việc ngụy trang hết sức quan trọng, phải nghiên cứu phát triển các biện pháp chống được trinh sát ra đa, hồng ngoại, quang học, âm thanh, trinh sát mặt đất và trên không có hiệu quả. Khu vực bố trí hậu cần các cấp là mục tiêu tĩnh, diện rộng nên phải triệt để tận dụng lợi thế của địa hình, màn ngụy trang thiên nhiên và kết hợp chặt chẽ giữa ngụy trang và nghi trang, giữa kỹ thuật thô sơ và hiện đại, giữa kỹ thuật và chiến thuật, tại chỗ và cơ động.
 
Ngụy trang cần kết hợp khéo léo với nghi trang (làm giả, mô phỏng cái có thật) nhằm đánh lừa địch. Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ ngụy trang thì làm giảm bộc lộ mục tiêu khoảng 30%, nhưng ngụy trang kết hợp nghi trang sẽ làm cho địch không phân biệt được thật, giả dẫn đến nhầm lẫn, sai lệch trong nhận định và phân tán hỏa lực, bom đạn vào cái giả, làm cho sức sống các mục tiêu (cái thật) được nâng cao. Các phương tiện hậu cần dùng nghi trang có thể là: phương tiện, xe hỏng; tạo giả mô hình kho, bệnh viện bằng cao su, tôn lắp ghép để dễ sản xuất và vận chuyển. Khoảng cách tối thiểu giữa mục tiêu thật và mục tiêu giả phải lớn hơn bán kính phá hoại của vũ khí tính toán cộng với 1 đến 2 lần độ lệch xác suất của vũ khí đó. 
 
Những ngày đầu chiến tranh vùng Vịnh (1991), liên quân đã đánh trúng hầu hết các mục tiêu của Irắc, nhưng 80% là mục tiêu giả. Trong chiến tranh Côxôvô, nhờ “bày giả, giấu thật” kết hợp với cơ động, dùng các màn khói, phương tiện ngụy trang, làm hầm..., Nam Tư bảo toàn được 90% tiềm lực sau 78 ngày đêm Mỹ và Liên quân liên tục tiến công bằng VKCNC.
 
Các biện pháp ngụy trang truyền thống (dùng cành cây, vầng cỏ...) vẫn có giá trị trong tác chiến tương lai, nhưng phải bảo đảm tươi, tạo thành các tấm đệm có đủ độ dầy cần thiết chống được trinh sát ra đa, hồng ngoại của địch theo các nguyên lý khác nhau. Ngoài ra, diềm của các tấm đệm không được làm vuông vắn để giảm bộc lộ dấu hiệu hình học trước trinh sát quang học. Với sự phát triển của đất nước, trong tác chiến tương lai, nhiều phương tiện ngụy trang hiện đại như: tấm phủ đa năng chống trinh sát quang học, ra đa, hồng ngoại để ngụy trang các phương tiện kỹ thuật, sở chỉ huy; các góc phản xạ, lưới kim loại để gây nhiễu chống trinh sát ra đa... sẽ được sử dụng rộng rãi.
 
Ngoài ra, cần hết sức quan tâm đến phòng, chống trinh sát tín hiệu sẽ được địch sử dụng rộng rãi trên các trục đường cơ động, nơi nghi ta tập kết lực lượng, triển khai CCHC... Các máy trinh sát tín hiệu có các sensơ cảm biến điện tử, biến đổi âm thanh, sự rung động, sự chấn động thành tín hiệu điện phát về trung tâm theo dõi có thể nghe được tiếng người, tiếng động của máy móc... phát hiện xe cộ, bộ đội hành quân. Các tổ hợp trinh sát tín hiệu có các máy trinh sát tín hiệu, các trạm chuyển tiếp và thu tin, có thể phát hiện mục tiêu người quanh bán kính 30m, phương tiện kỹ thuật quanh bán kính 300m và truyền về trung tâm cách xa 20 km, nếu có trạm chuyển tiếp sẽ là 100 km. Trong chiến tranh tương lai, chúng ta phải đối phó rộng rãi với loại trinh sát này ở các cấp. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch đã sử dụng “cây nhiệt đới” trên đường Hồ Chí Minh và hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra ở Quảng Trị để thực hiện ý đồ trên.
 
Để chống trinh sát tín hiệu, cần theo dõi phát hiện khu vực địch thả máy thu tín hiệu, tổ chức tìm kiếm, phá hủy; giảm nhỏ tiếng động khi xây dựng hầm hào, công sự, các hoạt động hậu cần; tổ chức nghi binh bằng các biện pháp đơn giản như tạo âm thanh giả, chấn động giả tạo nên từ cuốc xẻng, đào đất trên trận địa giả, tạo tiếng xe trên đường không có xe đi qua... đặt hố tiêu âm cho công sự máy nổ.
 

Bộ đội tên lửa Việt Nam luyện tập nâng cao khả năng SSCĐ.
 
Bốn là, nâng cao khả năng cơ động, di chuyển, dịch chuyển của các thành phần LLHC. Cơ động là giải pháp hiệu quả trong phòng chống VKCNC của địch. Trong chiến tranh Côxôvô, Nam Tư đã bố trí nhiều trận địa pháo dự bị được chuẩn bị trước nên khi có lệnh đã di chuyển nhanh chóng, liên quân NATO rất khó tìm thấy mục tiêu đã được chỉ định trước đó để đánh phá.
 
Với kỹ thuật tự động hóa trinh sát, điều khiển hỏa lực thì thời gian phản ứng của đối phương có thể ngắn hơn thời gian tổ chức di chuyển của ta. Để di chuyển, dịch chuyển đạt độ an toàn mong muốn phải nghiên cứu nâng cao khả năng cơ động của LLHC để rút ngắn thời gian di chuyển, dịch chuyển (khi có dấu hiệu bị lộ) so với phản ứng của địch, đồng thời vẫn phải duy trì bảo đảm liên tục. Quá trình di chuyển, dịch chuyển phải tổ chức chỉ huy, chỉ đạo hiệp đồng chặt chẽ, triệt để tận dụng điều kiện và thời cơ có lợi (đêm tối, sương mù, thời gian giữa các đợt đánh phá của địch...); đội hình cơ động di chuyển cần phân tán và hòa lẫn vào các hoạt động kinh tế - xã hội thời chiến. Các phương tiện cơ động phải được ngụy trang phù hợp với môi trường. 
 
Để nâng cao khả năng cơ động, di chuyển, dịch chuyển của các thành phần LLHC các cấp, cần giải quyết tốt các vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, chuẩn bị kế hoạch di chuyển chu đáo, xác định rõ vị trí dự bị, đường di chuyển, thành phần từng nhóm... phân công và chỉ huy. Kho, trạm, đơn vị nào có dấu hiệu bị lộ, bị địch uy hiếp cần di chuyển ngay, nhưng phải hiệp đồng và tổ chức chặt chẽ, bí mật. Tổ chức đội hình cơ động phải gọn, phân tán, hòa vào các hoạt động dân sự thời chiến và ngụy trang phù hợp với môi trường hoạt động. Riêng kho xăng dầu cần có chuẩn bị đường ống dã chiến khi cần vận hành nhiên liệu đến kho dã chiến dự bị.
 
Thứ hai, chuẩn bị trước khu vực (vị trí dự bị), gồm: vị trí dự bị từng thành phần LLHC, cấu trúc sẵn công sự, hầm cho người, vật chất; có phương tiện thông tin liên lạc... Do VKCNC rất chính xác nên vị trí dự bị cách vị trí cũ 200 - 300m là an toàn; nếu địch sử dụng vũ khí thông thường, cự ly cần dịch chuyển khoảng 01 km. Khi lựa chọn vị trí dự bị phải nắm chắc địa hình, đường sá đảm bảo tiện bảo đảm, cơ động và bảo vệ. Cần triệt để tận dụng hầm hào, công sự cũ của lực lượng tại chỗ và thế lợi của địa hình.
 
Thứ ba, vận dụng linh hoạt các phương thức, hình thức vận tải; cả lực lượng quân sự và dân sự trong cơ động lực lượng vận chuyển vật chất, thương binh, di chuyển kho trạm trong các giai đoạn tác chiến phù hợp với từng cấp, trên từng khu vực, địa bàn... Nâng cao trọng tải cũng như khả năng việt dã cho lực lượng xe vận tải quân sự chiến lược, chiến dịch. Chú trọng mua sắm xe vận tải trọng tải trung bình và nhỏ nhưng có tính việt dã cao, thích ứng với nhiều loại địa hình trang bị cho các đơn vị chiến thuật. Đồng thời, nâng cao khả năng bốc xếp, giải tỏa nhanh hàng hóa và phương tiện.
 
Thứ tư, chú trọng huấn luyện thực hành di chuyển, dịch chuyển và cách xây dựng, lắp đặt thiết bị hầm hào, công sự, sử dụng các phương tiện ngụy trang... có thể kết hợp trong các cuộc diễn tập hậu cần các cấp.
 
Năm là, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các phương án chiến đấu bảo vệ cơ quan, đơn vị hậu cần, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tác chiến, KVPT trên địa bàn trong xây dựng môi trường an ninh và chiến đấu bảo vệ hậu cần. LLHC các cấp phải được trang bị hợp lý, luyện tập thành thục các phương án chiến đấu. Định kỳ và kết hợp diễn tập để kiểm tra; có biện pháp nâng cao khả năng tự bảo vệ của hậu cần các cấp.
 
Bảo vệ hậu cần, duy trì khả năng bảo đảm liên tục, kịp thời mọi nhu cầu hậu cần cho LLVT tác chiến thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề chiến lược, phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trước hết, cần nâng cao khả năng cơ động, ngụy trang, nghi binh của hậu cần các cấp. Đây là những vấn đề mới phát triển nhanh, cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu và không ngừng hoàn thiện. Với bản lĩnh và trí tuệ, ngành Hậu cần cùng toàn quân sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức trong chiến tranh tương lai (nếu xảy ra), cùng toàn Đảng  toàn, dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang