Binh đoàn 15 chủ động cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

16/09/2019, 08:03

Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Đề án 80 về “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020”, Binh đoàn 15 đã và đang tích cực triển khai các bước cụ thể của tiến trình cơ cấu lại, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn.

Chế biến sản phẩm mủ cao su.

Binh đoàn 15 được giao nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trải qua hơn 34 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của Binh đoàn đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Chấp hành chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội, Binh đoàn đã chủ động xây dựng Đề án cơ cấu lại và xử lý tài chính Tổng Công ty 15, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng. Theo nội dung của Đề án, Binh đoàn sẽ tổ chức triển khai thu gọn lại các đơn vị đầu mối trực thuộc để tổ chức thành đoàn kinh tế - quốc phòng, hoạt động trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Về phương án xử lý tài chính, gắn với cơ cấu lại đất đai, đối với diện tích vườn cây trong nội địa là các vị trí có giá trị về kinh tế, nhưng giá trị về quân sự, quốc phòng ít hơn thì thực hiện chuyển nhượng để tạo nguồn thanh toán các khoản phải trả và giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Đối với diện tích thuộc các xã biên giới, thực hiện chuyển sang đoàn kinh tế - quốc phòng để giao lại cho nhân dân và các hộ gia đình là người lao động của Binh đoàn tiếp tục tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm và thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn biên giới. Đồng thời, chuyển giao cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, bệnh xá, trường học, một số cơ sở chế biến,…) cho địa phương; bàn giao các tổ chức quần chúng, các khu dân cư của cán bộ, công nhân viên của Binh đoàn cho địa phương quản lý; giải quyết chính sách cho lao động dôi dư, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hình thức phù hợp khi chuyển giao vườn cây.
 

Lực lượng tự vệ diễn tập.

Song song với việc xây dựng Đề án cơ cấu lại và xử lý tài chính, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Binh đoàn chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số văn bản thuộc hệ thống quy chế quản lý nội bộ; tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hạn chế lãng phí, thất thoát trong đầu tư, bảo đảm chất lượng các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, duy trì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho người lao động, trực tiếp là công nhân người dân tộc thiểu số trong trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su; rà soát, sắp xếp, định biên biên chế, kiện toàn tổ chức nhân sự theo hướng: tinh, gọn, phù hợp, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị doanh nghiệp; đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, quản lý phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, do địa bàn quản lý rộng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, lực lượng lao động tuy đông đảo nhưng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nên việc chuyển Binh đoàn sang hoạt động theo cơ chế mới sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước đây, Binh đoàn thực hiện nhiệm vụ tổ chức sản xuất, bố trí, sử dụng lực lượng, hình thành các cụm, điểm dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng luôn gắn với việc phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, tạo lập thế trận trong khu vực phòng thủ, lấy cơ sở (cấp xã) làm nền tảng, kết hợp với các bộ phận khác trong khu vực thành thế trận chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, nhất là khả năng, sức mạnh tại chỗ theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” được chuẩn bị ngay từ thời bình. Đến nay, cùng với việc mở rộng sản xuất, Binh đoàn đã hình thành 09 cụm, 255 điểm dân cư ổn định, nhất là trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, Kon Tum, gắn với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường học, bệnh xá,…) phục vụ đời sống dân sinh của các hộ gia đình công nhân và nhân dân trên địa bàn. Đây là một thành phần rất quan trọng trong thế trận khu vực phòng thủ trên tuyến biên giới. Thực hiện cơ cấu lại, diện tích sản xuất thu hẹp đồng nghĩa với việc sắp xếp, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng được chuyển giao cho địa phương hoặc doanh nghiệp ngoài Quân đội. Như vậy, việc thực hiện chức năng phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trong xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ của Binh đoàn sẽ khó được phát huy một cách chủ động, thường xuyên, nhất là việc bám dân, giữ dân, nắm và quản lý các khu dân cư trên tuyến biên giới.

Để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động trong Binh đoàn cần đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

1. Tổ chức quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ cơ cấu lại các doanh nghiệp Quân đội - xu hướng tất yếu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội. Đồng thời, khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa trong Quân đội. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Binh đoàn cần quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả bằng nhiều biện pháp khoa học, phù hợp; trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng để cán bộ, đảng viên và người lao động nhận thức đúng vai trò, sự cần thiết phải cơ cấu lại doanh nghiệp. Từ đó, chấp hành tốt sự điều động, sắp xếp, phân công của cấp ủy, chỉ huy các cấp và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đóng quân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

2. Chủ động sắp xếp, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng gắn với sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, lộ trình thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị và giải quyết kịp thời, thỏa đáng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động khi chuyển ra. Quá trình chuyển giao cho địa phương tiếp nhận các cụm, điểm dân cư, cơ sở hạ tầng đường giao thông, đường điện, hồ, đập, bệnh xá, trường mầm non,… của các đơn vị, thực hiện chuyển nhượng vườn cây để quản lý, sắp xếp, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, ổn định đời sống và nơi cư trú phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khu vực phòng thủ của địa phương; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và mục tiêu lâu dài của quốc phòng - an ninh trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đề nghị với địa phương tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non, cán bộ, nhân viên y tế để duy trì hoạt động của hệ thống các trường mầm non, cơ sở khám chữa bệnh cho con em các dân tộc trên địa bàn được đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác dân vận; hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

3. Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Trước mắt, tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế của lực lượng tự vệ cho phù hợp, nhất là các đơn vị trên tuyến biên giới, huấn luyện theo chương trình của Bộ Quốc phòng quy định. Lực lượng này vừa thực hiện nghĩa vụ theo Luật Dân quân tự vệ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ sở, địa bàn sản xuất và là lực lượng chính của Binh đoàn tham gia diễn tập, xử trí các tình huống trong tác chiến bảo vệ biên giới, tác chiến trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm và các lực lượng khác bảo vệ rừng, ứng phó với các tình huống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, lũ quét, sạt lở, phòng, chống cháy nổ,… góp phần củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn.

Hiện nay, Binh đoàn đã ký Quy chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Quân sự, Công an, Biên phòng và chính quyền các địa phương (thành phố Pleiku, các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi) thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Đây là nội dung quan trọng, giúp Binh đoàn cùng với các lực lượng giữ vững an ninh địa bàn, an ninh biên giới, nhất là “thế trận lòng dân”. Nếu triển khai cơ cấu lại, quân số giảm, công tác phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương trong nắm tình hình, chuẩn bị lực lượng, phương án xử trí các tình huống, bảo đảm an ninh chính trị địa bàn, an ninh biên giới, đấu tranh ngăn chặn vượt biên, xâm nhập, móc nối, tiếp tay cho lực lượng phản động sẽ khó khăn, hiệu quả hạn chế. Mặt khác, diện tích cao su trong nước của Binh đoàn ở các xã nội địa là vùng đệm tiếp giáp với khu vực biên giới, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong kế hoạch phòng thủ và tác chiến bảo vệ biên giới; là điểm dừng chân của các đối tượng vượt biên qua biên giới và xâm nhập vào nội địa.

Cơ cấu lại để phát triển là chủ trương đúng và phải được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hết sức chặt chẽ, thận trọng, nhất là vấn đề đất đai và đời sống của người lao động dân tộc thiểu số tại chỗ. Đối với đất quốc phòng, Binh đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trong việc chuyển mục đích sử dụng, chuyển giao, bàn giao; trọng tâm là công tác giải quyết lấn chiếm, chống lấn chiếm đất quốc phòng phải thực hiện từng bước thận trọng, tuân thủ quy định của pháp luật, lấy tuyên truyền, vận động là chính, đảm bảo thu hồi đất và quản lý, sử dụng đúng mục đích, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đối với đất sản xuất, phần lớn diện tích vườn cây do Binh đoàn thuộc địa bàn các xã biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, là đối tượng dễ bị các thế lực phản động, cơ hội, chống đối chính trị lợi dụng kích động. Do vậy, phải thí điểm thực hiện từ cơ sở (cấp đội sản xuất gắn với địa giới hành chính cấp xã, thôn, bản), rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện các bước tiếp theo; lấy yên dân, ổn định cuộc sống của dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm mục tiêu, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng vấn đề đất đai, người dân tộc để gây mất ổn định tình hình trên địa bàn.
 
Đại tá HOÀNG VĂN SỸ, Tư lệnh Binh đoàn