Hậu phương - Căn cứ địa và căn cứ hậu cần với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

02/01/2022, 13:31

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), nước ta tạm chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam nằm dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đảng ta xác định con đường giải phóng miền Nam là bạo lực cách mạng. Vì vậy, phải “Củng cố hậu phương về mọi mặt, vì hậu phương vững chắc là nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định thắng lợi của chiến tranh...; phải tăng cường tổ chức hậu cần và công tác hậu cần quân đội”(1) và củng cố, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, căn cứ hậu cần (CCHC) trên chiến trường miền Nam.

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam

Ngày 17/6/1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị chủ trì Hội nghị bàn xây dựng miền tây các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thành khu vực hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, Hạ Lào và củng cố, xây dựng hệ thống đường giao thông ở Quân khu 4(2). Tháng 5/1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559, Đoàn 759 mở đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển để chi viện cho miền Nam(3).
 
Năm 1961, đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam và đẩy mạnh chống phá miền Bắc. Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm hậu cần cho năm đầu chiến tranh. Trong đó, có xây dựng các CCHC chiến lược, gồm: căn cứ 1 ở Yên Bình - Đan Phượng; căn cứ 2 ở Cao Kỳ - Chợ Mới - Thái Nguyên; căn cứ 3 ở Bình Giã - Bắc Sơn; các phân căn cứ 4 Thanh sơn - Hòa Bình, phân căn cứ 5 ở Na Lương - Phổng, phân căn cứ 6 ở Gia Phù, phân căn cứ 7 ở Phủ Quỳ. Các quân khu cũng triển khai các CCHC(4). Hậu cần cấp chiến lược cũng đã nhanh chóng dồn dịch các kho tàng trước đây, xây dựng mới các kho dự trữ vũ khí, đạn dược và phương tiện, vật chất kỹ thuật theo hướng vững chắc, lâu bền, đặt ở nơi có thế che đỡ, kín đáo và các hang động được cải tạo... trên các hướng chiến lược(5)
 
Hệ thống đường giao thông chiến lược, chiến dịch được củng cố và tăng cường; năm 1964, hậu cần chiến lược đã vươn tới các chiến trường. Việc xây dựng lực lượng hậu cần theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ được chú trọng... khả năng SSCĐ của hậu cần các cấp được nâng lên. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho bảo vệ miền Bắc còn yếu, dự trữ vật chất còn quá mỏng, chuẩn bị động viên kinh tế đất nước và triển khai trên thực tế việc xây dựng CCHC chiến lược chưa nhiều(6).
 
Ở miền Nam, các CCHC gắn với các căn cứ địa cách mạng trước đây được củng cố, tạo thế trận vững chắc trên từng hướng chiến trường. Ở Tây Nam Bộ có căn cứ U Minh, Năm Căn, Đồng Tháp Mười. Đông Nam Bộ có Chiến khu D với căn cứ Suối Linh, Mã Đà; Chiến khu Long Nguyên, Chiến khu Dương Minh Châu. Cực Nam Trung Bộ có căn cứ Bắc Ái, Anh Dũng (Ninh Thuận); Khu 5 có căn cứ Hiên (Quảng Nam), Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Tây Vĩnh Thạch - Bắc Đường 19 (Bình Định), Thồ Lồ - Ma Dú (Phú Yên). Ở Tây Nguyên có các căn cứ Huyện 2, Huyện 7 (Gia Lai); Tùng Bùng, Kô Sia, Tân Túc, Đắc Min, Xã Đoàn, Xã Hiến (Công Tum), Đlây Nga (Đắc Lắc). Ở Trị Thiên có căn cứ Cô Tà, Ca Chê, Ca Dền, A Sen, Ba Lòng(7).
 
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang thực lược “Chiến tranh cục”, bộ leo thang đánh phá miền Bắc (ngày 5/8/1964); năm 1965, chúng đưa 50 vạn quân vào miền Nam, cả nước có chiến tranh. Tổng cục Hậu cần, hậu cần các quân khu, quân binh chủng nhanh chóng sơ tán, di chuyển (kho tàng được sơ tán, phân tán vào hang, làng bản, trong hầm... ưu tiên sơ tán các kho xưởng trước, bệnh viện sau; đạn dược vũ khí, xăng dầu trước, hàng khác sau). Trong thời gian ngắn, hậu cần chiến lược đã sơ tán được trên 6 vạn tấn vật chất (51.000 tấn thuộc về kho, 6.500 tấn thuộc về xưởng, 2000 tấn thuộc về bệnh viện) đến nơi an toàn; riêng kho quân khí sơ tán 31.159/31.160 tấn. Nhờ vậy, đã bảo toàn được lực lượng, mặc dù trên 80% cơ sở kho, doanh trại bị đánh phá, 73,1% diện tích nhà kho (cũ) bị phá hủy, nhưng tổn thất không đáng kể (riêng vũ khí tổn thất 2,5%)(8).
 
Các cơ sở, đơn vị hậu cần cũng điều chỉnh, bố trí phân tán theo khu vực, kết hợp với cơ sở của Nhà nước thành hệ thống bảo đảm cho từng chiến trường. Các cơ sở của Tổng cục Hậu cần được điều chỉnh bố trí thành các CCHC, kho tàng, trạm xưởng, bệnh viện, đội điều trị trên từng hướng chiến lược. Đồng thời, bố trí lực lượng tạo thế vươn sâu tạo chân hàng bảo đảm cho lực lượng vận tải chiến lược ở Khu 4 và các hướng, khu vực trọng điểm; cùng với hậu cần các quân khu, quân binh chủng hình thành các khu vực hậu cần có khả năng bảo đảm đồng bộ trên từng hướng, đáp ứng nhu cầu của tác chiến phòng không, chi viện cho chiến trường và sẵn sàng bảo đảm cho đánh địch tiến công đường bộ ra miền Bắc(9).
 
Giữ vững giao thông vận tải thông suốt đến từng hướng chiến trường là công tác trọng tâm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Bởi, đánh phá giao thông vận tải là âm mưu chiến lược nhất quán của đế quốc Mỹ, nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam (52,3% số lần đánh phá của Không quân Mỹ là mục tiêu giao thông). Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kết hợp với quân đội xây dựng, sử dụng và bảo vệ các tuyến giao thông chiến lược và thành lập Ban điều hòa giao thông Trung ương, thành lập các đội thanh niên xung phong. Trong quân đội, Cục Vận tải được thành lập lại, các binh trạm được củng cố, mở rộng phân cấp vận chuyển cho quân khu, quân chủng, đơn vị... Công tác bảo vệ hậu cần và giao thông vận tải được chỉ đạo chặt chẽ, là nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng phòng không ba thứ quân. Đặc biệt, tháng 8/1968, địch tập trung đánh phá quyết liệt vùng cán xoong (Nam Khu 4), Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đảm nhiệm đã được thành lập. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhân dân Khu 4 đã giữ vững mạch máu giao thông chi viện hậu cần cho chiến trường.
 

Hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam
 
Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, ngày 01/11/1968, Mỹ phải tạm dừng đánh phá miền Bắc và chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam. Ta tranh thủ điều kiện đó khôi phục giao thông, phát triển kinh tế, chấn chỉnh hoạt động vận tải chiến lược, đẩy mạnh chi viện cho chiến trường. Một số cơ sở điều trị, kho, trạm, xưởng của Tổng cục Hậu cần, Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc, Quân khu Tây Bắc di chuyển về gần các thành phố, thị xã, bám theo trục giao thông chủ yếu để tiện bảo đảm, nhưng vẫn giữ mối quan hệ với nơi sơ tán cũ... Các CCHC trên từng chiến trường được củng cố hoàn chỉnh(10). Trên hướng Khu 4, nhiều kho chiến lược (quân nhu, quân y, quân khí, xăng dầu…) được xây dựng. Trong 9 tháng đầu năm 1969, đã tiếp nhận từ nguồn viện trợ được: 2.448 tấn vũ khí, 28.817 tấn đạn, 20.925 tấn xăng dầu, 3.008 tấn quân trang, 448 tấn thuốc quân y. Từ năm 1969 - 1971, sản xuất, giao thông, thương nghiệp, hệ thống bệnh viện... ở miền Bắc được khôi phục; đã chi viện cho miền Nam 60 vạn người (trong đó ngành Hậu cần bổ sung 9.592 người, gồm 48 phân đội, 47 tổ hậu cần)(11). Tổng cục Hậu cần đã củng cố, hoàn chỉnh tổ chức, bố trí các CCHC chiến lược, kết hợp với hậu cần các cấp tạo thành thế bậc thang vươn từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, có đủ năng lực bảo đảm vững chắc trên từng chiến trường, gồm: 
 
Căn cứ 1: Ở vùng Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, giữa Đường 1A và 1B; có nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ quân sự quốc tế, dự trữ chiến lược của toàn quân, trực tiếp bảo đảm cho LLVT khu vực tả ngạn sông Hồng.
 
Căn cứ 2: Ở vùng Hòa Bình, Tây Bắc Thanh Hóa, dựa vào Đường 12 và 15; có nhiệm vụ dự trữ bảo đảm cho LLVT khu vực hữu ngạn sông Hồng đến Thanh Hóa. Căn cứ 1 và 2 tạo nên tuyến căn cứ vững chắc ở phía sau, tập trung tuyệt đại bộ phận các cơ sở kho tàng chiến lược, nhà máy sửa chữa, sản xuất, cơ sở điều trị có khả năng cao nhất của quân đội, là tuyến cuối cùng của hậu cần quân đội.
 
Căn cứ 3: Ở vùng Nam sông Mã đến Bắc sông Lam, với Phủ Quỳ là trung tâm, dựa trên Đường 15 đến Bắc Đường số 7; có nhiệm vụ tiếp chuyển từ hậu phương xuống phía nam, trực tiếp bảo đảm cho LLVT khu vực Bắc Khu 4 và Thượng Lào.
 
Căn cứ 4: Ở vùng phía Tây Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, dựa trên Đường 15 và 20; có nhiệm vụ dự trữ bảo đảm chân hàng cho tuyến giao thông vận tải quân sự chiến lược để vận chuyển cho các tuyến đường phía Nam, trực tiếp đảm bảo cho khu vực phía Nam Khu 4.
 
Căn cứ 3 và 4 làm nhiệm vụ hậu phương trực tiếp của các chiến trường kế cận miền Bắc, đã tổ chức kho hàng, xưởng, trạm, cơ sở điều trị khá ổn định và hoàn chỉnh, có khả năng giải quyết về cơ bản các nhu cầu về bảo đảm vật chất, điều trị thương bệnh binh cho các chiến trường kế cận(13).
 
Năm 1970, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Lào và Cămpuchia. Ta đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, bảo vệ vững chắc tuyến hậu cần chiến lược 559 và chớp thời cơ xoay chuyển lại tình thế, đánh bại các cuộc tiến công của Mỹ - Ngụy, giải phóng phần lớn lãnh thổ Cămpuchia, mở ra hậu phương chiến lược tại chỗ. Quán triệt quan điểm: Đông Dương là một chiến trường, tích cực xây dựng hậu phương tại chỗ, mở rộng căn cứ địa chiến lược trên chiến trường, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, Hậu cần Miền đã chủ động điều chỉnh lực lượng xây dựng 5 “Quân khu căn cứ” (C10, C20, C30, C40 và Đoàn Phước Long) trên đất Cămpuchia. Mỗi “Quân khu căn cứ” có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, quân số 2.000 - 4.000 người, vừa xây dựng căn cứ địa - hậu phương tại chỗ về mọi mặt, vừa thực hiện chức năng của Đoàn hậu cần khu vực (CCHC) của Miền. Ngày 12/6/1970, Cục hậu cần Miền cho thành lập tiếp các Đoàn hậu cần 500, chuyên lo tạo nguồn ở khu vực Biển Hồ, Kompongthom, Xiêm-Riệp, Bát-Tam-Bang, Kompongchơnăng. Tháng 7/1970, Đoàn 770 được thành lập, chuyên lo tiếp nhận hàng của Đoàn 559. Tháng 12/1970, Đoàn 340 cũng được thành lập, triển khai dọc hai bờ sông Mê Công từ Kompongcham lên Krachiê để nhận hàng của Đoàn 500 chuyển xuống C10, C20; nhận vũ khí, đạn của Đoàn 770 chuyển cho Đoàn 884 và 220 (ở Tây Ninh) để chuyển cho Đoàn 235; đưa cán bộ, bộ đội từ Bắc vào qua Đoàn 770 về Miền và xuống các đơn vị... Nhờ vậy, Hậu cần Miền đã giải quyết được vấn đề sản xuất, cung cấp tại chỗ và mở thông đường với tuyến 559 để tiếp nhận hàng của Trung ương; đồng thời chiến đấu bảo vệ căn cứ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.052 tên địch, bắt sống 32 tên, bắn rơi 3 máy bay, phá huỷ 25 xe quân sự(14)...
 
Một trong những thành công kiệt xuất của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là đã xây dựng, duy trì và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn là quân khu liên hợp hậu phương có tính chiến lược của các chiến trường miền Nam Đông Dương. Trải dài trên 20 tỉnh của 03 nước Đông Dương (9 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào, 4 tỉnh của Cămpuchia), trên diện tích hơn 100.000 km2, với lực lượng binh chủng hợp thành trên 120.000 người, gồm: 04 sư đoàn công binh, 02 sư đoàn ô tô vận tải, 01 sư đoàn phòng không, 01 sư đoàn công binh, 01 đoàn chuyên gia giúp bạn, 12 trung đoàn binh chủng cơ động, 01 trung đoàn cao xạ, 01 trung đoàn tên lửa; được trang bị trên 10.000 xe vận tải, 1.500 xe máy binh chủng; tuyến hậu cần Trường Sơn thực chất là CCHP - CCHC chiến lược. Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng hệ thống đường liên hoàn dài trên 20.000 km, trong đó có 17.000 km đường vận tải cơ giới (có trên 800 km đường kín); mạng đường ống xăng dầu dài 1.399 km với 114 trạm bơm có sức bơm 60 - 800 m3/ngày cùng 50 khu kho tổng trữ lượng 27.000 m3 xăng dầu; trên 10.000 km đường dây thông tin, hơn 1.000 máy thông tin vô tuyến; hệ thống kho chiến lược có trữ lượng hàng chục vạn tấn vật chất các loại…; cùng 4 bệnh viện, 18 bệnh xá, 27 đội điều trị, 90 đội phẫu. Nhờ vậy, đã liên kết chặt chẽ được CCHC chiến lược phía trước, phía sau và CCHC của các chiến trường, kịp thời đáp ứng mọi nhu cầu hậu cần cho thời cơ chiến lược. Trong 16 năm, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển hơn 01 triệu tấn vật chất, vũ khí, trang bị; bảo đảm cho hơn 02 triệu lượt người hành quân; cơ động 10 lượt sư đoàn, hộ tống 90 đơn vị kỹ thuật vào các chiến trường; cứu chữa gần 01 triệu lượt thương bệnh binh. Đặc biệt, trong Tổng tiến công Xuân 1975, bộ đội Trường Sơn đã cơ động thần tốc 03 quân đoàn, 05 sư đoàn và 02 trung đoàn binh chủng vào chiến dịch, phục vụ 41 vạn người hành quân vào các chiến trường.
 
Trong 16 năm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 733.000 lần chiếc máy bay (có 26.539 lần chiếc B52) đánh 152.000 trận, ném xuống Trường Sơn gần 04 triệu tấn bom đạn và gần 1 triệu galông chất độc hóa học (1 galông = 4,4 lít hàng khô và 3,78 lít hàng lỏng). Hơn 02 vạn người đã ngã xuống, 03 vạn người bị thương, 14.500 xe máy, hơn 90.000 tấn hàng bị đánh cháy, hàng vạn người bị nhiễm chất độc màu da cam của Mỹ… Song, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã “Sống bám xe, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, tiêu diệt và bắt sống 18.470 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay; cùng với Bạn giải phóng 6 tỉnh Trung, Hạ Lào(15) mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ và phát triển tuyến hậu cần chiến lược ngày càng vững mạnh, làm tròn sứ mệnh bảo đảm thắng lợi. 
 
Sau trận “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972) ở Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari (ngày 27/1/1973). Trước thời cơ mới, ngành Hậu cần đã nhanh chóng chấn chỉnh lại tổ lực lượng, tập trung củng cố thế trận, đẩy mạnh chi viện cho các chiến trường chuẩn bị cho thời cơ lớn. Do vậy, ngành Hậu cần đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Xây dựng hậu phương - căn cứ địa vững mạnh về mọi mặt, trong đó có hệ thống giao thông vận tải thông suốt, giữ được giao lưu với quốc tế, với đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là cầu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với hậu phương tại chỗ miền Nam và căn cứ cách mạng của hai nước láng giềng, tạo thành hệ thống căn cứ địa - hậu phương liên hoàn ngày càng rộng lớn, vững mạnh là thành công có tính quyết định của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, những bài học đó vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện mới; nhằm xây dựng hậu phương, CCHC chiến lược, chiến dịch và khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

TÀI LIỆUTRÍCH DẪN
1, 2, 3, 4. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập II, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr.62, 83, 103, 134.
5. Tổng kết công tác hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 2001, tr.39 - 40.
6, 7. Tổng kết công tác hậu cần...  Sđd, tr.56, 73, 52.
8, 9. Tổng kết công tác hậu cần... Sđd, tr.168 &177.
10, 11. Tổng kết công tác hậu cần... Sđd, tr.368 - 370.
12, 13. Tổng kết công tác hậu cần... Sđd tr.306 & 311.
14. Lịch sử hậu cần Quân khu 7 (1945 - 1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2000, tr.473.
15. Đường Hồ Chí Minh một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr.192, 376, 390.


THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP