Bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay

29/06/2022, 14:00

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một nội dung, bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống chỉnh thể phong cách của Người; là một trong những di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân; là chuẩn mực cho việc giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung rất phong phú, được hình thành, phát triển gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của Người.

Người làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951.

Phong cách làm việc của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách làm việc người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Học tập và làm theo phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cho cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phong cách làm việc ngày một hiệu quả hơn. Học tập và làm theo phong cách của Người để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
 
1. Một số vấn đề lý luận về phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
 
1.1. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh
 
Theo cách tiếp cận của tác giả Đặng Xuân Kỳ trong cuốn “Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh” thì “nghiên cứu phong cách Hồ Chí Minh là nghiên cứu theo nghĩa rộng của khái niệm phong cách” . Do đó, có thể hiểu phong cách Hồ Chí Minh là vẻ riêng của Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi hoạt động như tư duy, làm việc, học tập, sinh hoạt, ứng xử.
 
Phong cách làm việc là cái đời thường, dung dị nhưng lại phản ánh các phẩm chất bên trong của con người, phản ánh tâm hồn, tư tưởng, đạo đức của mỗi người.
 
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh được hiểu là vẻ riêng của Người thể hiện trong tổng thể các phương pháp, biện pháp, cách thức làm việc mang tính ổn định, tạo nên nét riêng biệt của Người khi tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy dệt 8-3 (1965)
 
Như vậy, phong cách Hồ Chí Minh và phong cách làm việc Hồ Chí Minh có mối liên hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ trong tư tưởng và hành động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là cái chung, là một chỉnh thể thống nhất từ tư duy, đến hành động và đến thực tiễn. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một nội dung, một khía cạnh trong phong cách Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Về mặt lý luận, Người đã để lại cho chúng ta những bài nói, bài viết ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng chứa đựng trong đó là những bài học sâu sắc, ý nghĩa về phong cách làm việc của cán bộ. Đặc biệt là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - được Người viết với bút danh XYZ vào tháng 10 năm 1947 và được Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu tiên vào đầu năm 1948, Hồ Chí Minh nêu ra ba vấn đề cần phải sửa chữa lề lối làm việc của Đảng, đó là chủ quan, ích kỷ, hẹp hòi và gọi mỗi thứ bệnh đó là kẻ địch. Người cho rằng: mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài, địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá hoại ra. Suy cho đến cùng, trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đãđưa ra nhiều phương thức chỉ đạo có tính chất lâu dài về đổi mới phong cách làm việc, lãnh đạo của Đảng, đó là phong cách gần dân, sát dân để nói lên tiếng nói của nhân dân. Về mặt thực tiễn, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã nêu lên một tấm gương sáng về phong cách làm việc. Có những điều mà Người nói ít, thậm chí không nói mà vẫn làm. Bởi tự việc làm đã bộc lộ tư tưởng, quan điểm của Người. Chính điều đóđã tạo nên sức hấp dẫn và sự lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và phong cách làm việc Hồ Chí Minh nói riêng.
 
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa tư tưởng, đạo đức với những trải nghiệm thực tiễn trong suốt hành trình cứu nước, đọng lại ở lối sống, hành vi ứng xử của Người. Những đặc điểm đó thống nhất trên cả bình diện lý luận cũng như hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Về mặt lý luận, phong cách làm việc Hồ Chí Minh được xuất phát từ giá trị nội tại, vốn có của phong cách Hồ Chí Minh tạo nên “văn hóa chính trị”. Về mặt thực tiễn, phong cách làm việc Hồ Chí Minh định hướng cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hơn nữa, do đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam hiện nay là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ, công chức các cấp là hiện thân cho giá trị tốt đẹp của dân tộc, của chủ nghĩa xã hội. Nhận thức được điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn là nhiệm vụ, giải pháp có tính chất đột phá, then chốt trong xây dựng xã hội mới. Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức cơ sở cần phải nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách làm việc. Kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được biểu hiện cụ thể trong suy nghĩ và việc làm hàng ngày; trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy diêm Thống Nhất trong những ngày đầu khôi phục kinh tế (1956)

 
1.2. Những đặc trưng chủ yếu trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh
 
Phong cách làm việc dân chủ. Phong cách làm việc dân chủ là nội dung quan trọng hàng đầu trong quan điểm của Hồ Chí Minh về phong cách. Cơ sở của phong cách dân chủ là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của dân, quan hệ tốt với dân, học hỏi dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
 
Trong công tác lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ cần thực hành dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người nhằm phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người nhấn mạnh: Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau . Cách làm việc dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm, mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” hay còn gọi là nguyên tắc “dân chủ tập trung”. Đối lập với phong cách làm việc dân chủ là phong cách làm việc quan liêu. Đồng thời, một vấn đề quan trọng trong phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên là phải chống chủ nghĩa cá nhân.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (01/5/1952)

 
Phong cách làm việc khoa học. Phong cách làm việc khoa học là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và sức sống lâu bền của phong cách Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và thế giới. Phong cách làm việc khoa học của Người có sự thống nhất, hòa quyện chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm. Do đó, mỗi người Việt Nam dù ở cương vị nào cũng đều có thể học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh.
 
 Người cán bộ, đảng viên làm việc phải có mục đích rõ ràng, biết quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy. Chương trình, kế hoạch đặt ra trong làm việc phải sát hợp. Phải kiểm tra việc thực hiện của bản thân và đơn vị. Phải thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm.Những yêu cầu về phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh tập trung ở những nội dung chủ yếu sau: 1) Làm việc phải có mục đích, thống nhất giữa kế hoạch biện pháp và quyết tâm. 2) Làm việc phải điều tra cẩn thận, nghiên cứu rõ ràng. 3) Làm việc phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, kiểm tra, giám sát. 
 
Phong cách làm việc kỹ lưỡng. Phong cách làm việc kỹ lưỡng là cách làm việc kỹ, cẩn thận, không để cho có sai sót. Vấn đề này, Hồ Chí Minh đã có nhiều giáo huấn rất sâu sắc và chính Người là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên. Người căn dặn: “Có việc gì, phải bàn tính kỹ lưỡng” , “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tập, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” . Phong cách làm việc kỹ lưỡng Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn là cách làm việc phải biết xem xét trước sau, trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Đối với những vấn đề mới, phức tạp, quan trọng đặc biệt, có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội thì càng cần phải kỹ lưỡng. Không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả; tránh chủ quan, duy ý chí. Phong cách làm việc kỹ lưỡng Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên là “phải cẩn thận”, nhưng “cẩn thận không phải là nhút nhát do dự”, mà phải chủ động nắm thời cơ để làm việc có hiệu quả nhất.
 

Đến thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.

 
Phong cách làm việc cụ thể. Để có quyết định đúng, người cán bộ, công chức phường phải có phong cách làm việc cụ thể. Cụ thể để hiểu rõ tình hình công việc, hiểu rõ tình hình đơn vị, từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “nồi vuông úp vung tròn”, tức hỏng việc. Phong cách làm việc cụ thể đòi hỏi người cán bộ, công chức phường phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình, “phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”, “Cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể”, “phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời”. Phong cách làm việc cụ thể đòi hỏi phải “đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu”, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Đây là một nội dung rất quan trọng đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, công chức phường trong quá trình nghiên cứu khoa học, khảo sát số liệu, thực tế, hoàn chỉnh đề tài khoa học, luận văn.
 
Phong cách làm việc tới nơi, tới chốn. Phong cách làm việc tới nơi, tới chốn là cách làm việc chu đáo, triệt để, không bỏ dở. Người cán bộ, đảng viên khi ra các quyết định, kế hoạch cần căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của tổ chức, của đội ngũ cán bộ, trình độ, thói quen, tâm lý, nguyện vọng của quần chúng, luôn tính đến hiệu quả công việc, chỉ nói những điều cần thiết, chỉ hứa những điều có thể làm, điều nhất định làm. Đã ra nghị quyết, quyết định là phải chỉ đạo làm đến nơi, đến chốn, kiểm tra ráo riết. Trong bất kỳ công việc gì cũng phải bắt đầu từ chỗ chính, từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, không nên tham mau, tham nhiều trong một lúc; nói đi đôi với làm.
 
Phong cách làm việc có những đặc trưng chủ yếu là: dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn. Mỗi đặc trưng trên đều phản ánh một khía cạnh riêng trong việc tiến hành và giải quyết công việc của Người, song nó gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một cách làm việc hiệu quả. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, dảng viên. Mặt khác, trước sự chống phá của các thế lực thù địch bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực xã hội… đã và đang đặt ra những yêu cầu mới năng lực, trình độ và phương pháp tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tình hình đó cũng đòi hỏi những yêu cầu mới về công tác bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay.
 

Người chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ sau chiến thắng Điện Biên Phủ
 
2. Thực trạng công tác bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay
 
Cấp ủy Đảng các cấp đã có sự đổi mới trong nhận thức đề cao trách nhiệm, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và làm theo, nắm vững tiêu chuẩn người đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, cấp ủy Đảng các cấp và lực lượng làm công tác xây dựng Đảng đã quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện, cả về phẩm chất và năng lực; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhấn mạnh đến vấn đề học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, xác định đây là một trong những nội dung, nhiệm vụ cấp bách của các cấp ủy, chi bộ, đặc biệt là trong tình hình hiện nay. Trong đó nhấn mạnh phải xây dựng các tổ chức đảng TSVM gắn với xây dựng đảng bộ VMTD, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực hoạt động thực tiễn giỏi, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, phương pháp, tác phong công tác khoa học.
 
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm nhất định: Một số cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng chưa quan tâm đúng mức tới lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nội dung, hình thức và biện pháp bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên còn chậm được đổi mới ở một số chỉ bộ, đảng bộ. Sau các đợt học tập nghị quyết, sinh hoạt chính trị, nghiên cứu chuyên đề ở nhiều đơn vị tuy có tổ chức hướng dẫn viết thu hoạch và kiểm tra đánh giá kết quả, nhưng kết quả đó chưa phản ánh đúng thực chất trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mức độ, kết quả trong việc bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, cá biệt có trường hợp cònviphạm về phẩm chất đạo đức lối sống, bị thi hành kỷ luật. Việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị chưa gắn chặt với cương vị, chức trách được giao, mà chủ yếu tập trung giữ gìn bản thân, cho nên vai trò tiền phong, gương mẫu chưa được phát huy đầy đủ trước tập thể. Một số cán bộ, đảng viên còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi thường kỷ cương, kỷ luật, chấp hành chưa nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của trên; nóng vội, cảm tính trong xử lý công việc, chưa coi trọng tính nguyên tắc, tính khoa học trong công việc nên hiệu quả công tác chưa cao.
 

Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958)
 
3. Một số biện pháp tăng cường bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay
 
Một là, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng tham gia bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong việc bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Lý luận và thực tiễn đều đã chỉ rõ, mọi hoạt động của con người phải được bắt đầu từ nhận thức; nhận thức đúng mới có cơ sở để xây dựng ý chí quyết tâm cao và hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy: Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được.
 
Công tác bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là hoạt động có mục đích, chủ động, tự giác của mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên, tất yếu phải dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn và khoa học. Thực tiễn hoạt động bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên những năm qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thật đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết phải bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Vì vậy, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm các tổ chức trong bồi dưỡng, rèn luyện học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên đang là vấn đề cần thiết hiện nay. Để thực hiện tốt biện pháp này, đòi hỏi các đảng bộ phường, trong bồi dưỡng, học tập cần phải tập trung vào một số nội dung sau:
 
- Nhận thức đúng vị trí, vai trò và sự cần thiết của việc bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải tăng cường phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là yêu cầu rất quan trọng, nhằm thống nhất về nhận thức, đề cao trách nhiệm của chủ thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu xác định chính xác nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp; trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tiến hành được chặt chẽ, khoa học, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
 
- Nhận thức, đánh giá đúng thực trạng, kết quả của bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên những năm vừa qua. Bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là quá trình thường xuyên, liên tục, cần sự đồng thuận, nhât trí, nỗ lực chung của mỗi cán bộ, đảng viên. Cần phải nắm rõ, đánh giá chính xác thực trạng, kết quả. Đây chính là cơ sở để xác định đúng phương pháp, cách làm hiệu quả trong việc bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh chô đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, còn là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng có căn cứ xác định những trọng tâm cần đột phá, những vướng mắc cần tháo gỡ, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 
 

Bác Hồ thăm hỏi chiến sỹ thi đua Phạm Trung Pồn, bị mù cả hai mắt nhưng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ

 
Hai là, đổi mới nội dung, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp tăng cường phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ đảng viên hiện nay. Thực hiện biện pháp này, cần tập trung vào làm tốt những vấn đề cơ bản sau:
 
Xác định nội dung học tập. Việc xác định nội dung học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một khâu rất quan trọng, bởi nó trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả tăng cường phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, các chủ thể phải xác định đúng nội dung sao cho phù hợp với thực tiễn, sát với vị trí, chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi xác định nội dung học tập phải thể hiện được tính toàn diện, hệ thống và khoa học, tăng cường tính thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống với hiện đại, cần làm tốt các nội dung sau:
 
- Bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, những nội dung cơ bản phong cách làm việc Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng đất nước.
 
- Bồi dưỡng, rèn luyện phong cách, lối sống lành mạnh, hành vi ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ hàng ngày. Trước hết là phải làm cho phong cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành nhân tố ổn định, bền vững, thành nếp sống, thói quen, phong cách công tác, hành vi ứng xử trong giải quyết các mối quan hệ hàng ngày. Tập trung xây dựng nếp sống có văn hóa, rèn luyện, phát triển các đức tính: trung thực, dũng cảm, khiêm tốn, lễ độ, cầu thị; ý thức và thói quen cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; chấp hành nghiêm kỷ luật, phục tùng tổ chức, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, phê phán cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu.
 
Vận dụng tổng hợp các phương pháp tăng cường phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phương pháp tăng cường bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh là cách thức, biện pháp mà chủ thể sử dụng để tác động vào ý thức, tình cảm và hành vi của đối tượng nhằm thực hiện mục tiêu và yêu cầu đã đề ra, đó là những “con đường”, để chuyển tải nội dung, chuyển tải các giá trị làm cơ sở để tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải sử dụng nhiều phương pháp học tập, bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng cần tập trung, chú trọng vào một số phương pháp chủ yếu sau: Phương pháp nêu gương về đạo đức; tự phê bình và phê bình; thông qua hoạt động thực tiễn; thông qua giáo dục chung và giáo dục riêng. Cần coi trọng việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng như: các phong trào toàn dân xây dựng nếp sống mới, “nói lời hay, làm việc tốt”; phòng trào lao động giúp đỡ nhân dân địa phương; phong trào xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; phong trào “tự quản” xây dựng nếp sống văn hóa có kỷ luật kỷ cương; phong trào giúp đỡ người nghèo; phong trào ủng hộ giúp đỡ nhân dân bị thiên tai, dịch họa… Thông qua đó để giáo dục, bồi dưỡng tình cảm, thái độ hành vi đạo đức tốt đẹp, không ngừng phát triển, hoàn thiện phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một gia đình nông dân vừa được chia ruộng đất
 
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cán bộ, đảng viên trong tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Đây là biện pháp rất quan trọng trong tăng cường bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tự học tập, rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh là hoạt động có ý thức của từng cán bộ, đảng viên hướng vào bồi dưỡng, rèn luyện làm biến đổi chính bản thân mình, đó là quá trình tự định hướng, tự tổ chức, tự kiểm tra, tự điều chỉnh hành vi để hình thành những thói quen, hành vi đạo đức tốt đẹp, loại trừ những thói hư tật xấu, những hành vi phi đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao. Để hoạt động bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả cao, cần làm tốt những vấn đề cơ bản sau:
 
- Xây dựng động cơ, trách nhiệm tự học tập, tự rèn luyện đúng đắn. Hoạt động tự học tập, tự rèn luyện phong cách làm việc Hồ Chí Minh chỉ thực sự có hiệu quả khi đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhu cầu tự hoàn thiện mình để vươn tới chân giá trị, nhận thức được mục đích việc làm của mình và ý chí vươn lên. Vì thế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có nhu cầu, động cơ, thái độ tự học tập, rèn luyện đúng đắn; phải luôn coi vấn đề tự học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh là nghĩa vụ, là trách nhiệm chính trị của bản thân đối với Đảng, đối với nhân dân. Nếu thỏa mãn dừng lại, bằng lòng với những gì đã có, thiếu chí tiến thủ, không tích cực và tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên sẽ không theo kịp sự phát triển tình hình, sẽ bị tụt hậu, thoái bộ. 
 
- Xác định nội dung, phương pháp tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, học tập và làm theo của đội ngũ đảng viên đòi hỏi phải có nội dung toàn diện, phải tu dưỡng, rèn luyện cả về ý thức và phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật... Tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, tự đẩy mạnh học tập và làm theo được thể hiện ở ý thức mưu cầu tiến bộ, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết và năng lực công tác, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, khắc phục mọi biểu hiện trì trệ, lười học tập, lười suy nghĩ, không tích cực trong tiếp thu những tri thức mới, kiến thức mới. 
 
- Tăng cường sự định hướng, quản lý, kiểm tra, giúp đỡ của các cấp ủy, chi bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với hoạt động tự bồi dưỡng. Tự hoc tập, rèn luyện phong cách làm việc bao giờ cũng dựa trên cơ sở định hướng của chủ thể. Điều đó, đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy phải thường xuyên quan tâm đến việc định hướng chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, bồi dưỡng thế giới quan, tư duy khoa học, tạo nhu cầu và động lực tự bồi dưỡng, rèn luyện có hiệu quả; thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ, đảng viên lựa chọn và phát triển những giá trị đạo đức tốt đẹp, có phương pháp tự bồi dưỡng, tự rèn luyện phù hợp. 
 
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấy được sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh, coi đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày của mọi cán bộ, đảng viên. Kết hợp chặt chẽ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua. Cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tích cực đấu tranh khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tổng kết việc tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiên nay.
 
Năm là, xây dựng môi trường thuận lợi để tăng cường bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp nhằm tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thực tiễn mang lại hiệu quả cao và qua đó phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng, tham gia hoạt động bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng môi trường dân chủ rộng rãi, kỷ luật nghiêm. Thực hiện công bằng, bình đẳng về mọi mặt trong đơn vị, mà trước hết là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm theo chức trách, nhiệm vụ được giao của từng người. Mặt khác, xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị; từng bước hiện đại hóa và khai thác hiệu quả các trang thiết bị.
 
⃰    ⃰
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu nhất và trong sáng nhất về tư tưởng, đạo đức và phong cách để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Việc tăng cường bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Để hoạt động này đạt chất lượng và hiệu quả cao, cần tiến hành động bộ các biện pháp trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương (2016), Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hà Nội.
2. Cục Tuyên huấn (2017), Tài liệu Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
3. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG, Hà Nội.
4. Phạm Thị Huyền (2018), Xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc theo phong cách Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
5. Đặng Xuân Kỳ (2013), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb CT - HC, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, 6, 7 Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP