Các đơn vị kinh tế-quốc phòng giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

01/11/2019, 16:02

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 1-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay địa bàn này vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Đề án là cần thiết, cấp bách, khắc phục sự dàn trải các chính sách về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi hiện nay, đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với khu vực này. Các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý về nhiều vấn đề nhằm hoàn thiện Đề án.

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nói về vai trò của Quân đội tham gia vào Đề án. Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Đề án đã thể hiện rất toàn diện tất cả các lĩnh vực, trong đó đã đặc biệt quan tâm, xác định rõ nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là địa bàn góp phần quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, và phát triển lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, là nơi nuôi dưỡng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhấn mạnh, “các đơn vị quân đội đa số đứng chân trên các địa bàn vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhiều đơn vị đứng chân trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Những năm qua, cùng với chức năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thì với chức năng là đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, các đơn vị quân đội cùng với Trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương đã tích cực tham gia vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Gần đây, thực hiện Nghị định số 44 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Quân đội triển khai 33 khu kinh tế-quốc phòng ở các địa bàn chiến lược trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, các đơn vị kinh tế-quốc phòng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm rõ rệt...; đồng thời góp phần đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ tại chỗ là đồng bào dân tộc. Các đoàn kinh tế-quốc phòng đã giúp các địa phương đưa nhân dân ra sinh sống trên các địa bàn các khu vực biên giới, nơi phên giậu của Tổ quốc, giúp nhân dân lập nghiệp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần cùng các lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới ngày càng vững chắc.

Theo đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện nay, Quân đội đang thực hiện Kết luận 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh-gọn-mạnh; đồng thời tiếp tục khẳng định 3 chức năng của quân đội là chức năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, chức năng công tác và chức năng đội quân lao động sản xuất làm kinh tế. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, là một trong những chức năng cơ bản, trở thành truyền thống tốt đẹp của quân đội, bởi vì quân đội tham gia lao động sản xuất làm kinh tế, nhất là thực hiện vai trò là đơn vị kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo, vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần phát huy tối đa nguồn lực của quân đội, củng cố các khu kinh tế-quốc phòng, góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh.

Khẳng định Quân đội tham gia Đề án cũng là tham gia vào chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, vừa qua, Quân ủy Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, đề xuất và được Bộ Chính trị kết luận là: Tiếp tục thực hiện kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh; có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực để phát triển kinh tế quốc phòng an ninh, trong đó tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ, củng cố, phát triển các khu kinh tế, quốc phòng ở các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo.

Để hoàn thiện đề án, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị bổ sung nội dung củng cố, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các đơn vị kinh tế-quốc phòng, mở rộng chức năng là đơn vị nào đứng chân trên địa bàn đều phải tham gia Đề án này, trong đó có vai trò của các đơn vị kinh tế-quốc phòng. Đồng thời, đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Chính phủ tạo hành lang pháp lý để chức năng làm kinh tế-quốc phòng và các đơn vị kinh tế-quốc phòng tham gia Đề án đạt hiệu quả tốt hơn.

Ở góc độ khác, đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) chỉ ra thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc thiểu số thời gian qua còn tồn tại một bất cập. Đó là, nhà nước thường ban hành chính sách chung thực hiện cho nhiều vùng miền, nên có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị bổ sung quan điểm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về đặc điểm, nhu cầu của từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không nên đánh đồng mọi đối tượng, mọi vùng miền.“Chính phủ chỉ nên quy định chính sách khung, còn lại giao tự chủ cho các địa phương thực hiện”, đại biểu kiến nghị.

Về các giải pháp thực hiện đề án, đại biểu kiến nghị cần rà soát, cân đối nguồn lực, bố trí đủ vốn cho đề án đúng theo quy định, không để tình trạng chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực, khiến chính sách dân tộc như “một loại quả đẹp nhưng không ăn được”. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo đất ở, sinh kế cho đồng bào, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi theo đại biểu, “nếu chúng ta đã tập trung để tạo ra những cái cần câu tốt, những hồ câu tốt mà người cầm cần không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó thành công được”.
Còn đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) thì cho rằng phải đánh thức được tiềm năng, phát huy lợi thế vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đại biểu đề nghị cần có chính sách khuyến khích bà con xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; có chính thu hút các doanh nghiệp, các dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp...

 

PHƯƠNG HẰNG