Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch tiến công Xuân Lộc

20/04/2022, 18:06

Sau những thất bại nặng nề liên tiếp ở Tây Nguyên và miền Trung, địch rút tàn quân về cùng Quân đoàn 3 co cụm lớn, tổ chức các tuyến phòng ngự từ xa nhằm bảo vệ Sài Gòn. Nhưng thế và lực của chúng đã suy yếu nghiêm trọng, tinh thần vô cùng hoang mang, có khả năng bị suy sụp nhanh và tan rã lớn. Vì vậy, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn ngay trong tháng 4/1975. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê chuẩn Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh với tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. 

Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Xuân Lộc

Thời điểm này, địch đã tăng cường lực lượng cùng với lực lượng nòng cốt là Sư đoàn 18 Ngụy, xây dựng Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh thành khu vực phòng thủ vững chắc, chúng coi đây “cánh cửa thép”, là điểm then chốt trên tuyến phòng ngự sống còn của Sài Gòn và Vùng 3 chiến thuật. Nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực, mở toang “cánh cửa thép” của địch trên hướng Đông và Đông Bắc, tạo bàn đạp đưa lực lượng lớn áp sát mục tiêu Sài Gòn, thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ chỉ huy Miền đã quyết định mở chiến dịch tiến công giải phóng Xuân Lộc (9 - 21/9/1975).
 
Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 và Quân khu 7 phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa, Long Khánh và huyện Xuân Lộc đập tan tuyến phòng thủ Long Khánh - Xuân Lộc của địch. Lực lượng tham gia có Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) được tăng cường 12 xe tăng T59, các loại pháo, cối, cùng Sư đoàn 6/Quân khu 7, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa, Long Khánh; đội biệt động Long Khánh; bộ đội địa phương và du kích huyện Xuân Lộc. 
 
Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, chiến dịch Xuân Lộc mở màn. Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, gay go, ác liệt, ta đã bao vây Xuân Lộc, chiếm Trảng Bom... tiêu diệt, tiêu hao lớn quân địch. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, lúc 8 giờ sáng ngày 21/4/1975, Ngụy quân, Ngụy quyền tỉnh Long Khánh phải tháo chạy theo Đường số 2 về Vũng Tàu và tan rã. Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng hoàn toàn, ta đã mở toang cửa ngõ hướng Đông để đại quân cùng các hướng khác tiến vào giải phóng Sài Gòn.
 

Bộ binh cùng xe tăng tiến công Xuân Lộc
 
Trong chiến dịch này, hậu cần các cấp đã khẩn trương, nỗ lực dốc sức khắc phục mọi khó khăn để vừa bảo đảm cho tác chiến giải phóng Xuân Lộc, vừa chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc này, miền Trung và Tây Nguyên đã được giải phóng, tuyến chi viện chiến lược đã nối liền từ hậu phương tới hậu cần chiến dịch, vì vậy nguồn lực được tăng thêm gấp bội. Ở Đông Nam Bộ, hậu cần Miền đã tạo được thế và lực tại chỗ vững chắc, gồm 3 đoàn hậu cần phía sau và 4 đoàn hậu cần phía trước cùng với hậu cần Quân khu 7, Quân khu 8, Thành đội Sài Gòn - Gia Định... hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc với dự trữ vật chất tại chỗ hơn 40.000 tấn, rất thuận lợi trong bảo đảm cho tác chiến nói chung và chiến dịch tiến công Xuân Lộc. 
 
Đoàn hậu 814 được Miền giao nhiệm vụ phối hợp với hậu cần Quân khu 7 trực tiếp bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tiến công giải phóng Xuân Lộc. Từ cuối năm 1974, Đoàn đã được bổ sung lực lượng, trở thành đoàn hậu cần mạnh với 2.658 người. Trong kế hoạch mùa khô 1974 - 1975, Đoàn 814 phải chuẩn bị 2.000 tấn vật chất các loaị ém sẵn ở Quốc lộ 1, phía Tây Đường 15 và 14…  riêng tuyến Quốc lộ 13 bố trí 1.000 tấn lương thực thực phẩm. Cục hậu cần Miền chịu trách nhiệm chuyển đạn dược xuống, còn các vật chất khác Đoàn 814 chịu trách nhiệm thu mua tại chỗ và móc nối mua từ Sài Gòn đưa ra; trong khi đó lực lượng, phương tiện thiếu, lại bị địch đánh phá, khống chế rất gắt gao…
 
Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đoàn hậu cần 814 đã khẩn trương điều chỉnh lực lượng, đổi mới phương thức hoạt động; thành lập 5 cánh hậu cần trên địa bàn sông La Ngà; sáp nhập Bệnh viện K11 và K74 thành Bệnh viện K17 làm bệnh viện trung tâm của Đoàn; sáp nhập Bệnh xá 1 với Đội điều trị 14 thành Đội điều trị 111; củng cố Đội điều trị 13 và Bệnh xá 3; sáp nhập Kho quân khí 12 và 13 thành C123; bổ sung lực lượng cho Kho B24 thành C124; củng cố binh trạm đường dây gồm 3 đại đội bố trí thành 7 trạm từ Đồng Nai đến Suối Rạt... Ở Cụm Vĩnh An (thuộc Cánh 3), Đoàn 814 đã huy động 3 ghe máy, 2 ô ô, bố trí 1 cụm kho quân nhu và Đội phẫu 11; Cụm Tà Lài (Cánh 4) có các kho (quân giới, xăng dầu, quân nhu), Đội điều trị 13, đội vận tải ôt ô. Đoàn 814 còn tổ chức thêm Cánh hậu cần 7 bảo đảm cho chủ lực Miền tác chiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa. 
 
Nhằm chuẩn bị và bảo đảm cho chiến dịch tiến công Xuân Lộc và hướng Đông chiến dịch Hồ Chí Minh (gồm Quân đoàn 2 và 4, lực lượng địa phương, đặc công, biệt động...), từ Nam Đồng Xoài, Đoàn 814 đã được lệnh chuyển xuống khu vực Nam sông Đồng Nai - Quốc lộ 20 - Quốc lộ 1 (gần Bà Rịa), tạo thế liên hoàn với hậu cần Quân khu 7 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo đảm cho tác chiến. Các kho vật chất đã được điều chỉnh, bố trí áp sát các mục tiêu quan trọng như: Xuân Lộc, Định Quán, Túc Trưng, Trảng Bom, bắc Phước Vĩnh, Chơn Thành. 
 

Bản đồ chiến dịch Xuân Lộc
 
Hậu cần Miền đã phối hợp với công binh quân khu làm cầu đường, bến phà, bến vượt trên sông Đồng Nai, làm đường vận tải “Dốc 5 cua”, sửa lại Đường 322, làm cầu Mã Đà…  Trong thời gian ngắn, hậu cần Miền đã mở 75,6 km đường ô tô, 12,3 km đường xe thồ, sửa 130,8 km đường ô tô, chống lầy 15,4 km, làm 24 cầu, xây dựng 75 kho loại trữ lượng 15 - 20 tấn hàng/kho, đóng 3 ghe trọng tải 2 - 3 tấn/cái…  Đoàn 814 đã hoàn thành vận chuyển hơn 10.000 tấn vật chất các loại ém sẵn trên các hướng tác chiến chiến dịch. Các cụm kho quanh khu vực La Ngà, Tà Bông, Tịnh Vân, bắc Gia Ray có các kho dự trữ 600 - 700 tấn gạo, bố trí cách đường 20 khoảng 300 m, đã đáp ứng kịp thời cho đánh Xuân Lộc. 
 
Quá trình tác chiến, Đoàn hậu cần 814 đã phối hợp chặt chẽ với hậu cần Quân khu 7 và hậu cần nhân dân Xuân Lộc trong huy động nhân tài, vật lực trên địa bàn phục vụ tác chiến. Cán bộ cơ sở, cán bộ kinh tài Xuân Lộc đã đến từng gia đình vận động đồng bào ủng hộ lương thực, thuốc men, huy động nhân lực và phương tiện tham gia vận chuyển vật chất và thương binh. Các kho hậu cần của Đoàn 814, Quân khu 7 và của huyện Xuân Lộc ở Suối Tre, nam sông Là Ngà, đông Cẩm Mỹ có dự trữ đầy đủ lương thực thực phẩm. Huyện Xuân Lộc, đầu năm 1975, dự trữ được 7.500 tấn gạo, 17.000 ống thuốc cầm máu, 43.000 lọ thuốc kháng sinh, 4 tấn bột ngọt và hàng chục triệu đồng thực phẩm…  sẵn sàng huy động bảo đảm cho tác chiến. Quá trình chiến đấu, các phân đội quân y đã kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương thu dung điều trị được 811 thương binh, bệnh binh. 
 
Chiến thắng Xuân Lộc có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào chiến thắng trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh, nó đã đập tan tuyến phòng thủ trực tiếp mạnh nhất, mở toang “cánh cửa thép” của địch trên hướng Đông để đại quân áp sát tiến vào giải phóng Sài Gòn. Về mặt hậu cần, sau chiến thắng Xuân Lộc, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 đã có điều kiện thuận lợi để tổ chức bố trí hậu cần linh hoạt, tiếp cận phía trước và nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị để bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trên cơ sở thế trận hậu cần chung của chiến dịch, hậu cần Quân đoàn 2 đã tổ chức trạm hậu cần cơ bản ở Nam Xuân Lộc (24/4/1975) và cụm hậu cần cơ động ở Long Thành - Nước Trong (26/4/1975); tuyến sau của Quân đoàn 2 dựa vào cơ sở bảo đảm của tiền phương Tổng cục Hậu cần trên hướng Đông và Đoàn 559 theo hướng Quốc lộ 1 vào kết hợp với Đoàn hậu cần 814 (ở khu vực Xuân Lộc) và hậu cần Quân khu 7 ở Bình Sơn để bảo đảm. Sau chiến thắng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 được hậu cần chiến dịch tổ chức các đoàn xe chở đạn và xăng dầu chuyển thẳng xuống, cùng với chiến lợi phẩm thu được ở Lâm Đồng và Xuân Lộc, được tiền phương Tổng cục Hậu cần và Quân đoàn 2 chi viện kịp thời nên Quân đoàn đã bảo đảm đủ nhu cầu trước khi nổ súng, trong đó có 220 tấn đạn pháo. 
 
Thành công của công tác hậu cần trong chiến dịch Xuân Lộc đó là: hậu cần các cấp đã luôn bám sát chủ trương, quyết tâm của Bộ Chính trị và Bộ chỉ huy chiến dịch, chủ động khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị chu đáo, toàn diện, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ hậu cần chiến lược với hậu cần chiến dịch, hậu cần nhân dân... tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu hậu cần cho tác chiến giành thắng lợi trọn vẹn. 47 năm đã trôi qua, những kinh nghiệm đó vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa và phát triển phù hợp với điều kiện mới trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công tác hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 1998.
3. Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.
4. Lịch sử hậu cần Quân khu 7 (1945- 2000), Nxb QĐND, Hà Nội, 2000.

THƯỢNG TÁ, THS. HOÀNG VĂN HÀ