Cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên

12/04/2019, 13:56

Chiều 11-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Tờ trình dự án Luật lực lượng dự bị động viên, do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày, đã nêu rõ sự cần thiết ban hành luật. Theo đó, qua tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Cùng với đó, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo trong tương lai, vấn đề xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu theo hướng tinh, gọn, mạnh là nhiệm vụ chiến lược phải được thực hiện trong thời bình, có trọng tâm, trọng điểm để củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc xây dựng Luật lực lượng dự bị động viên là cần thiết.

Việc xây dựng dự án luật nhằm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 
 
Dự thảo luật gồm 5 chương, 47 điều, quy định một số nội dung như: Nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, các hành vi bị nghiêm cấm; kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; xây dựng lực lượng dự bị động viên; huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên...
 

Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình. Ảnh: TTXVN.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với các nội dung nêu trong tờ trình và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh song cũng kiến nghị, dự luật cần kế thừa các quy định có trong pháp lệnh, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.
 
Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật cần tiếp tục quán triệt để bảo đảm phù hợp với các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước mới được ban hành; đồng thời, giải quyết hài hòa, hợp lý giữa chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu mà vẫn bảo đảm tinh gọn theo tổ chức bộ máy biên chế, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. Cùng với đó, Luật phải tạo được điều kiện để xây dựng và tổ chức lực lượng dự bị động viên một cách khoa học, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; việc xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bám sát công tác đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay.
 
Báo cáo tổng kết thi hành luật cũng đã chỉ ra 6 nhóm vấn đề còn bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để dự luật có thể giải quyết các hạn chế, tồn tại hiện nay, như: Vấn đề quân số chênh lệch vùng miền; việc đăng ký huấn luyện, sử dụng lực lượng dự bị động viên đang làm nhiệm vụ ở các doanh nghiệp; công tác thống kê công tác dự bị động viên trong điều kiện công dân di chuyển địa bàn; vấn đề di cư; rà soát phương tiện kỹ thuật...
 
Nhấn mạnh vấn đề xây dựng lực lượng dự bị động viên là nội dung quan trọng, có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của lực lượng dự bị động viên, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ giữa các quy định về nội dung này.
 
Qua thảo luận cũng cho thấy, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính khả thi của đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số có số lượng dự phòng từ 10-15%. Về vấn đề này, theo báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, tỷ lệ dự phòng 10% đến 15% quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật kế thừa Điều 11 Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động. Ngoài ra, thực tiễn, trong những năm qua triển khai, thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định số lượng dự phòng đối với các đơn vị dự bị động viên là cần thiết để bảo đảm tính chủ động, kịp thời về nguồn dự bị trong sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu theo Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã được Chủ tịch nước phê chuẩn, hoặc điều chỉnh địa giới hành chính, điều chỉnh địa bàn động viên...; số lượng dự phòng từ 10% đến 15% như trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, tính cơ động, phù hợp với từng vùng, miền về nguồn động viên trong triển khai, thực hiện; số lượng dự phòng nhằm xử lý bù đắp khi huy động thiếu chỉ tiêu được giao.
 
Tuy vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn rằng có nên quy định quá cụ thể như vậy hay không; và với số lượng như vậy thì liên quan đến vũ khí, trang bị như thế nào?
 
Thống nhất cho rằng cần có chính sách, chế độ thiết thực để xây dựng, động viên lực lượng dự bị động viên hoàn thành nhiệm vụ song các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc này cũng cần được rà soát, làm rõ các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, bảo đảm tương quan giữa các lực lượng, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương của Đảng. Theo tờ trình, việc thực hiện các chế độ chính sách như trong dự thảo luật dự kiến sẽ làm tăng ngân sách lên khoảng 545 tỷ đồng/năm. Các ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của vấn đề này và nhấn mạnh, vấn đề không phải là tăng thêm bao nhiêu mà là phải chi đúng đối tượng, đúng mục đích, tính chất công việc, tránh dàn trải; đồng thời, cần làm rõ việc tăng thêm chi phí như vậy đã đủ chưa, có đáp ứng được yêu cầu hay chưa.
 
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình dự án luật ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7; đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra chính thức để gửi dự án luật ra Quốc hội theo đúng quy trình.

THẢO NGUYÊN