Đề xuất giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường vốn

07/06/2022, 10:00

Từ một số rủi ro thực tế của thị trường vốn như thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, che dấu thông tin hay công bố thông tin sai lệch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu… các diễn giả tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm giúp thị trường vốn phát triển ổn định, lành mạnh.

Ảnh minh họa.

Một số rủi ro, bất cập của thị trường vốn cần được nhìn nhận, đánh giá lại
 
Chia sẻ những vấn đề liên quan đến thị trường vốn thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, các chính sách và giải pháp phát triển thị trường vốn thời gian qua đã được quan tâm để hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường vốn minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh đầu tư và huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp (DN) để phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Đỗ Doãn

 
Trong giai đoạn 2016 - 2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình cổ phần hóa DN nhà nước và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
 
Các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, là cơ sở để thị trường tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cụ thể, quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021. Đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP (trong đó trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu DN là 16,4% GDP).
 
‘‘Từ đầu tháng 4/2022, thị trường có nhiều đợt điều chỉnh, trong đó nhóm cổ phiếu của DN bất động sản (BĐS) có sự điều chỉnh nhiều nhất. Việc phát hành trái phiếu DN của các DN BĐS tăng trưởng nhanh về quy mô, nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập. Vấn đề này cần được nhìn nhận, đánh giá sâu hơn để có giải pháp phát triển thị trường bền vững trong thời gian tới…’’ - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
 
Rủi ro ở đây là hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, hiện tượng che giấu thông tin hay công bố thông tin sai lệch của DN phát hành trái phiếu, hay những phát sinh rủi ro đến từ những hạn chế trong kiến thức pháp luật của một số nhà đầu tư cá nhân…
 

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam. Ảnh: Đỗ Doãn
 
Lưu ý 5 nhóm giải pháp phát triển thị trường vốn
 
Nhằm đem lại các giải pháp để thị trường chứng khoán (TTCK) trở thành kênh huy động và phân bổ vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế, trên cơ sở nhìn nhận mặt tích cực và đánh giá những hạn chế của thị trường vốn, các chuyên gia, diễn giả tại diễn đàn đã đóng góp ý kiến, đề xuất 5 nhóm giải pháp cần lưu ý.
 
Nhóm giải pháp thứ nhất, là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường vốn, bao gồm cả thị trường ngân hàng, theo hướng tăng cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững, tạo điều kiện đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trên thị trường vốn và ngân hàng; nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường.
 
Thứ hai là đẩy mạnh vai trò của Nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hướng đầu tư tư nhân vào các mục tiêu phát triển phục hồi kinh tế, phát triển xanh... đáp ứng các cam kết về giảm phát thải.
 
Thứ ba là tích cực triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam, trong đó chú trọng các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm thông qua thúc đẩy cổ phần hóa và tăng cường tính minh bạch trong quản lý, quản trị DN.
 
Thứ tư là tích cực triển khai lộ trình xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, hình thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
 
Thứ năm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm tăng cường kênh dẫn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho ngân hàng, tạo môi trường thử nghiệm có điều kiện Sanbox; xây dựng trung tâm quản lý và khai thác dữ liệu tập trung của hệ thống ngân hàng và đầu tư phát triển nguồn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số.
 
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, những giải pháp đề xuất này đều xuất phát từ những ý kiến tâm huyết, khoa học; sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất với Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo và chính sách, pháp luật về phát triển thị trường vốn để thị trường này vận hành một cách minh bạch, hiệu quả và bền vững; góp phần xây dựng nền kinh tế của Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới.

ĐỖ DOÃN (THỜI BÁO TÀI CHÍNH VIỆT NAM)