Eurozone cần những biện pháp gì để ổn định nền kinh tế?

29/05/2022, 16:07

Giáo sư thuộc Đại học Columbia Adam Tooze ngày 25/5 cho hay Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) sẽ cần các biện pháp ứng phó sáng tạo mới để ổn định nền kinh tế này.

Biểu tượng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone). Ảnh: Reuters

Nhà kinh tế cấp cao, giáo sư thuộc Đại học Columbia Adam Tooze ngày 25/5 cho hay Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) sẽ cần các biện pháp ứng phó sáng tạo mới để ổn định nền kinh tế này, khi những tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục lan rộng.
 
Trả lời báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ, chuyên gia này cho hay nguy cơ suy giảm đến từ cuộc xung đột Ukraine thực sự rất lớn và giới nghiên cứu chưa thể xác định điểm dừng của chúng.
 
Ông lưu ý thêm rằng những sự kiện bất lợi này diễn ra khi chưa có vấn đề nào của khu vực Eurozone được giải quyết tận gốc. Chúng bao gồm tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng các khoản nợ quốc gia kéo theo sau đó và mới nhất là đại dịch COVID-19.
 
Một loạt sự kiện này cho thấy rằng sự sống còn của khu vực Eurozone phụ thuộc vào việc triển khai một loạt các biện pháp ứng biến mà các nước thực sự phải tiến hành thành công toàn bộ.
 
Gần đây nhất, vào năm 2020, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đối phó với đại dịch COVID-19 với kế hoạch "Thế hệ Tiếp theo của EU". Các nước cùng vay hàng trăm tỷ euro để tài trợ cho quá trình phục hồi hậu đại dịch, song phải đảm bảo với các quốc gia thành viên bảo thủ nhất rằng đó chỉ là lần duy nhất.
Mặc dù vậy, khoản vay chung vẫn chưa đến được mức hàng nghìn tỷ euro mà ông Tooze tin rằng là cần thiết để giảm bớt lo ngại về tình trạng nợ quốc gia, đồng thời tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của lục địa.
 
Bị ràng buộc bởi biến động địa chính trị và tác động của chúng đối với giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát tăng vọt đang thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến tới việc kết thúc chương trình kích thích mua trái phiếu lớn kéo dài nhiều năm qua và nâng lãi suất ra khỏi vùng âm.
Cả hai biện pháp can thiệp gây tranh cãi trên đều được thiết kế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do ECB đề ra, cũng như xoa dịu những lo lắng về các nước mắc nợ nhiều nhất của khu vực Eurozone.
 
Tuy nhiên, châu Âu khó có thể hiện thực hóa những dự báo về sản lượng kinh tế - vốn đã khá yếu nếu ECB hạn chế nguồn cung tiền. Chính khả năng đó đã làm dấy lên những lo ngại cũ về nền kinh tế Eurozone.
 
Quá trình suy thoái sẽ khiến các nhà đầu tư cùng chính phủ của khu vực Eurozone nhận ra rằng tình hình nợ thậm chí còn kém bền vững hơn so với trước dịch COVID-19 ở các nền kinh tế lớn như Italy (I-ta-li-a), Pháp và Tây Ban Nha.
 
Tuy nhiên, ông Tooze cho rằng cuộc xung đột Ukraine cũng chính là loại tình huống ngoại lệ có thể biện minh cho các giải pháp mới và sáng tạo của Eurozone.
Theo gợi ý của giáo sư Tooze, với tư cách là các nhà sản xuất ngũ cốc lớn, châu Âu và Mỹ có thể tạo ra một số tác động nhanh chóng bằng cách loại bỏ hoàn toàn trợ cấp cho nhiên liệu sinh học làm từ cây trồng.
 
Nhưng ông cũng thận trọng chỉ ra rằng thế giới phương Tây có lịch sử khá tệ về xử lý các vấn đề quản trị toàn cầu muộn màng. Vị giáo sư viện dẫn việc các nước tích trữ vaccine ngừa COVID-19 và thiếu các khoản giảm nợ cho nhóm quốc gia nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Ông Tooze lập luận rằng trong số các tổ chức có thể hành động, Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không có lợi thế vì họ chỉ đại diện cho một phần nhỏ dân số thế giới.
 
Trong khi đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từng được coi là cơ quan đằng sau các sáng kiến quản trị toàn cầu, và ít nhất Trung Quốc cùng Nga đều sẽ đồng ý tham gia những nỗ lực đó. Giờ đây, vị thế của G20 lại khá chênh vênh.

H.THỦY (THEO AFP)