Còn nhiều không gian cho tăng trưởng xuất khẩu

12/02/2022, 19:40

Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam.

Bước sang năm 2022, ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
 
Xuất khẩu tăng mạnh, nhưng vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI
 
Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thương mại toàn cầu suy giảm, tuy nhiên, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phá, vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh ở những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, như: EU, Nhật Bản, Mỹ...
 
Kết thúc năm 2021, kim ngạch XK ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%), đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tính chung năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD.
 
Hoạt động XK có nhiều cải thiện, song theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động này còn những yếu tố thiếu bền vững, như: Giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn XK sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến.
 
Trong cơ cấu XK nông sản qua các cửa khẩu đất liền thì hình thức trao đổi thương mại biên giới còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến ùn tắc cục bộ. Nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại của hoạt động XK, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, lợi thế cạnh tranh của hàng XK Việt Nam vẫn dựa trên giá cả chứ chưa dựa trên giá trị.
 
Cùng với đó, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch XK của khối doanh nghiệp (DN) FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch XK.
 
Trong khi đó, kim ngạch XK của khối DN trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng XK chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch XK (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).
 
Tận dụng triệt để cơ hội từ 15 FTA
 
Năm 2022, ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch XK tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi kéo theo nhu cầu tiêu dùng của thế giới gia tăng.
 
Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tạo ra tâm lý lạc quan, tạo đà cho XK hàng hóa của Việt Nam tiếp tục khởi sắc.
 
Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Standard Chartered mang tên “Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm”-báo cáo được thực hiện dựa trên mô hình kinh tế dự báo XK, trong đó bao gồm một cuộc khảo sát với hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các DN toàn cầu-nhận định, tổng kim ngạch XK của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm và đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030.
 
Phân tích về triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, với lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu và chính sách cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất của thế giới, thu hút các DN nước ngoài đầu tư.
 
Việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy XK, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao. Chia sẻ về tiềm năng XK trong năm 2022, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, năm 2022, nhu cầu thực phẩm và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn, du lịch hồi phục.
 
Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, ông đề xuất Bộ Công Thương tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tiếp cận các thị trường tiềm năng, như: Nga, Australia, Mexico...
 
Đề cập các giải pháp giúp Việt Nam từng bước XK bền vững hơn, bớt phụ thuộc khối FDI, Tiến sĩ Lê Quốc Phương cho rằng cần thực hiện nhanh, quyết liệt giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Làm được điều đó mới giúp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng trong XK, tăng hàm lượng nội địa, từ đó giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện, bớt phụ thuộc nước ngoài.
 
Cùng với đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ thì bản thân các DN phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động XK, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do 15 hiệp định thương mại tự do mang lại; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
 
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục tổ chức nghiên cứu, nắm chắc diễn biến kinh tế thế giới, cập nhật chính sách xuất, nhập khẩu của các quốc gia. Cùng với đó, cần phối hợp với các đơn vị, ngành và các địa phương thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để XK vào các thị trường lớn, thị trường đối tác.

KHÁNH AN (QĐND ONLINE)