Chuyển đổi số - Bài toán cho Doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19

13/07/2020, 16:49

Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão của chuyển đổi số hiện nay, các chuyên gia nhận định chỉ trong 10-15 năm nữa nếu doanh nghiệp nào không kịp thích ứng sẽ phải sớm dừng cuộc chơi. Đối với nước ta, cuộc khủng hoảng do Covid - 19 đã khiến các doanh nghiệp  gặp không ít khó khăn, thách thức để giữ nhịp độ sản xuất, nhưng nó cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp học cách “tăng sức đề kháng”, sự dẻo dai, sáng tạo, thích ứng và hồi phục... Đặc biệt, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số giai đoạn này sẽ là giải pháp giúp các doanh nghiệp sớm giải được bài toán về phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh thời kỳ hậu Covid - 19. 

Toàn cầu đang sống trong giai đoạn hết sức quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó trí tuệ nhân tạo đang thay thế nhiều chức năng mà con người lâu nay vẫn làm. Và trong một tương lai không xa, mỗi một nhà lãnh đạo sẽ là nhà lãnh đạo số, mọi ngân sách chi tiêu là ngân sách số, mọi tổ chức sẽ là tổ chức số. Mỗi một doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số. Đặc biệt, trong công nghệ số, không phải doanh nghiệp lớn có thể thắng DN nhỏ mà ai nhanh hơn thì người đó thắng thế. Điều đó, buộc mỗi doanh nghiệp phải chuyển đổi, hoặc chấp nhận thất bại trên thương trường.
 
Xử lý rào cản cho quá trình chuyển đổi số
 
Theo tài liệu được công bố tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 summit 2019 cho biết: GDP sẽ tăng thêm 162 tỷ USD sau 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công; Kinh tế số của Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 và trên 30% vào năm 2030; Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 đạt khoảng 30% và đạt tối thiểu 50% vào năm 2030.
 
Đó là những con số đầy triển vọng, tuy nhiên sẽ là thách thức rất lớn khi mà có đến hơn một nửa doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng cho chuyển đổi số. 
 
Các khái niệm “nền kinh tế số”, “chuyển đổi số” thời gian qua được nhắc tới rất nhiều, song với không ít doanh nghiệp, hiểu biết thực sự về vấn đề này để đưa vào ứng dụng còn rất hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này. Mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp. 
 
Quá trình khảo sát cho thấy, với rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thì các khái niệm trên mới chỉ “nghe”, chứ để hiểu về chuyển đổi số, kinh tế số còn là quá trình dài. Cùng với việc thiếu thông tin về hoạt động này, bản thân doanh nghiệp cũng còn hạn chế về tư duy, kiến thức về chuyển đổi số do chưa có sự đào tạo bài bản trong lĩnh vực này, trong khi đối với việc cung ứng giải pháp công nghệ, doanh nghiệp phải tiếp cận với nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Bên cạnh hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức chuyển đổi số, nhân lực để vận hành nền tảng công nghệ số mới cũng là một thách thức đối với hầu hết các doanh nghiệp.
 
Hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều đang theo đuổi công việc hiện tại, trong khi chuyển đổi số lại bao gồm nhiều hình thức hoàn toàn mới. Các nhân viên Việt Nam lại có thói quen thích làm theo kinh nghiệm nên rất ít muốn thay đổi theo các tiêu chuẩn từ bên ngoài. Bởi vậy, nếu muốn chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đào tạo nguồn lực mới mà chính xác là làm thay đổi nhận thức mới cho những con người đang hoạt động trong một lĩnh vực cũ. Khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới. Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì không có nhân lực thực thi.
 
Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang theo đuổi hai cách tiếp cận khác nhau để chuyển đổi kỹ thuật số: bên ngoài và bên trong. Cách tiếp cận bên ngoài chủ yếu là do thị trường điều khiển và nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số mới. Cách tiếp cận từ bên trong là hiện đại hóa các hệ thống cốt lõi và kiến trúc kinh doanh của doanh nghiệp để thay đổi. 
 
Bên cạnh đó, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp của Việt Nam hiện còn thấp, có đến 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. 
 
Chính việc gặp khó khăn ngay từ ban đầu, cộng thêm khả năng nắm vững công nghệ mới còn bỏ ngỏ nên nhiều doanh nghiệp hiện không dám mạnh tay đầu tư cho chuyển đổi số. Và nếu như các rào cản này chưa được xử lý triệt để, số hóa doanh nghiệp sẽ diễn ra rất chậm và có thể thất bại trên thực tế. 
 
Xây dựng chiến lược để thích ứng
 
Chuyển đổi số đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...
 
Trong công tác chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hoá, mọi thứ lên môi trường số. Chuyển đổi số là sự chuyển đổi từ phương thức làm việc truyền thống sang dùng kỹ thuật số để tiết kiệm thời gian và kinh phí, chứ không phải là số hóa những tài liệu giấy tờ đã có dưới dạng PDF hay ảnh rồi lưu trữ vào máy tính.
 
Có ba thay đổi lớn trong phương thức quản trị, đó là tốc độ - các cấp quản lý cần phải đáp ứng nhanh với vấn đề xảy ra, khách quan - quy trình vận hành rõ ràng và minh bạch tạo ra các số liệu cho việc ra quyết định khách quan, trao quyền – người quản lý và nhân viên đều tiếp cận vấn đề giống nhau về mặt thông tin dẫn tới quản lý cần trao quyền quyết định mạnh mẽ hơn cho nhân viên. 
 
Trong những năm gần đây, nhiều khái niệm mới như Chuyển đổi số, Học máy, Điện toán đám mây, Dự liệu lớn, IoT, 5G... trên các phương tiện truyền thông gây nhầm lẫn cho những người ngoài đạo – không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin hay viễn thông.
Một trong những bước đầu của quá trình chuyển đổi số đó là việc đưa toàn bộ dữ liệu cần thiết của doanh nghiệp lên đám mây (điện toán đám mây), nhất là trong thời đại số hóa này. Điện toán đám mây cho phép mọi người tiếp cận được những công nghệ mà trước đây chỉ có ở các tổ chức lớn, từ đó mở đường cho việc tăng cường khả năng kết nối, đổi mới sáng tạo. 
 
Đối với thế giới, điện toán đám mây hiện nay đang trở thành cuộc đua “nóng” giữa các tập đoàn công nghệ lớn cũng như các cường quốc lớn trên thế giới. Điện toán đám mây phát triển nhanh chóng và mang đến giá trị hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin. 
 
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo các nhà khoa học, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Trong khi quan điểm của FPT lại khẳng định: chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp lại nghĩ chuyển đổi số là số hóa, bằng cách quét các thông tin từ các văn bản giấy, lưu các tập tin dưới dạng khác nhau như ảnh hay PDF trên máy tính chủ, hay dùng chữ ký điện tử là đã số hóa xong quy trình báo cáo của mình, và các lãnh dạo vẫn tiếp tục ký trên các văn bản giấy. Một số doanh nghiệp khác dùng hệ thống báo cáo Netezza hay Oracle nhưng cứ nghĩ mình đã có nền tảng Dữ liệu lớn để khai thác hành vi của khách hàng và không cần đầu tư gì nữa.
 
Chính vì nhận thức chưa đúng nên đã từng có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhưng lại thất bại. Vì vậy, vấn đề sống còn với doanh nghiệp là phải có chiến lược thích ứng. Nếu chúng ta có chiến lược phát triển hoành tráng nhưng không tương xứng với năng lực, nguồn lực của mình thì đó là không phù hợp. Bây giờ, đôi khi nhỏ thắng lớn chính vì yếu tố là làm sao linh hoạt, thích ứng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
 
Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Đây là quá trình đang được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, nhằm đưa những ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh tế số cũng tạo ra những luật chơi mới đòi hỏi doanh nghiệp nội địa phải sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để thích ứng nhanh với mọi tình huống, mọi thay đổi bất ngờ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
 
Câu hỏi mà các doanh nghiệp phải đặt ra vẫn không thay đổi: làm thế nào để tăng trưởng, để có khách hàng, để có lợi nhuận, nhưng cách trả lời rất khác biệt và những công ty chuyển đổi số sẽ thể hiện sự vượt trội. Nói cách khác, nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải dừng bước.
 
Cũng cần nhận thức rõ rằng, việc chuyển đổi số không chỉ dựa vào công nghệ mà yếu tố quan trọng nhất đem đến sự chuyển dịch lớn của các doanh nghiệp, tổ chức là văn hóa làm việc, nhận thức của người đứng đầu. 
 
Chuyển đổi số chính là sự phát triển của nhân viên, sự lãnh đạo và thay đổi công việc kinh doanh trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn theo một con đường đột phá. Tất cả các doanh nghiệp đều sẽ là doanh nghiệp số trong tương lai. Công nghệ, quy trình kinh doanh và sự chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng sẽ song hành cùng nhau. 
 
Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi, cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự.
 
Tóm lại, doanh nghiệp trước tiên phải hiểu thì mới nắm được giá trị, từ đó đưa vào chiến lược kinh doanh. Khi cả cộng đồng doanh nghiệp cùng chung một kế hoạch, trong đó có kinh tế số và chuyển đổi số, thì lúc đó trụ cột kinh tế số mới có thể phát huy hiệu quả.
 
Chuyển đổi số doanh nghiệp rõ ràng là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho doanh nghiệp giảm nhanh. Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói "không" với chuyển đổi số. Chuyển đổi số là con đường tất yếu, do đó các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của quá trình này.

TUẤN VƯƠNG