Công tác Hậu cần - Kỹ thuật trong Chiến dịch Tây Nguyên (Tháng 3/1975)

28/03/2022, 10:01

Sau những thất bại to lớn trên các chiến trường, đặc biệt sau trận “Hà Nội - Điên Biên Phủ trên không”, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút”, tạo ra cục diện mới và thời cơ lớn để “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.
Đầu tháng 01/1975 ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long; phản ứng của địch rất yếu ớt. Bộ Chính trị nhận định: Mỹ khó quay lại can dự trực tiếp, quân Ngụy suy yếu, bị động chống đỡ… và đề ra kế hoạch thời cơ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, xác định Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu.

Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược rất quan trọng, có thể phát triển vào Đông Nam Bộ theo Đường 14 hoặc xuống đồng bằng Trung Bộ theo Đường 19, 7 và 21. Lực lượng địch ở Tây Nguyên có Sư đoàn 23 bộ binh, 07 liên đoàn biệt động quân, 04 thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp, 10 tiểu đoàn Pháo binh và 01 sư đoàn không quân. Địch cho rằng nếu đánh Tây Nguyên, ta sẽ tập trung đánh từ hướng Bắc, nên chúng tăng cường lực lượng phòng thủ giữa Pleiku và Kon Tum. Ở Nam Tây Nguyên, địch bố trí lực lượng ít hơn. Lúc đầu ta dự định đánh Đức Lập, mở thông đường vận tải chiến lược vào Đông Nam Bộ. Nhưng sau khi phân tích tình hình, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đánh Buôn Ma Thuột - mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt quyết định mở màn chiến dịch, giải phóng các tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn và Quảng Đức.
 
Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng được cử vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận. Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Đại tá Nguyễn Lang, Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn làm Phó Tư lệnh phụ trách vận chuyển chi viện hậu cần cho chiến dịch và Thượng tá Cấn Văn Tại, Chủ nhiệm hậu cần mặt trận Tây Nguyên làm Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch. Để đảm bảo chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tập trung lực lượng mạnh, tác chiến hiệp đồng binh chủng; công tác hậu cần -  kỹ thuật có vị trí quan trọng bảo đảm cho trận đánh then chốt mở đầu và toàn chiến dịch.
 

Vận chuyển vũ khí bảo đảm cho chiến dịch Tây Nguyên
 
Ngày 03/02/1975, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch phê chuẩn quyết tâm chiến đấu và kế hoạch bảo đảm hậu cần. Tổ chức hậu cần chiến dịch dựa trên bộ máy hậu cần Mặt trận Tây Nguyên tách ra từ cơ quan hậu cần chiến trường và các căn cứ khu vực (Binh trạm hậu cần), một bộ phận lực lượng gồm 05 đại đội kho, 02 tiểu đoàn vận tải, 04 đội điều trị, 04 trạm sửa chữa xe và pháo, 01 tiểu đoàn Công binh, 01 đại đội thông tin; Tổng cục Hậu cần tăng cường 01 tiểu đoàn ô tô vận tải, 01 đội điều trị và Tổng cục Kỹ thuật tăng cường 01 trạm sửa chữa xe ô tô, 01 trạm sửa chữa xe xích. Hậu cần chiến dịch tổ chức 03 căn cứ (căn cứ phía sau ở Đức Cơ, 02 căn cứ phía trước là K10 ở Ya Khanh và K20 ở Đắc Đam) có đủ các thành phần tạo thế liên hoàn, sử dụng phương tiện cơ giới là chủ yếu; kết hợp với vận chuyển thô sơ chi viện lẫn nhau. Việc bảo đảm cho hướng phối hợp Bắc Tây Nguyên do các binh trạm hậu phương mặt trận đảm nhiệm.
 
Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật tổ chức Tiền phương nhẹ gồm một số cán bộ chủ chốt của 02 Tổng cục và các chuyên ngành, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.
 
Từ 12/1974 - 02/1975, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và hậu cần mặt trận Tây Nguyên khẩn trương tổ chức chuẩn bị bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật phục vụ chiến dịch. Hơn 1.000 xe ô tô vận tải gồm cả xe của Tổng cục Hậu cần, của các quân khu, các địa phương và Bộ Giao thông vận tải ngày đêm vận chuyển vật chất vào Tây Nguyên. Sư đoàn 471 ô tô vận tải đã khẩn trương đưa 5.096 tấn hàng vào các cụm kho K10A và K10B (bắc Chư Pông), hơn 1.300 tấn vào cụm kho B38 và K400; đồng thời bí mật cơ động Sư đoàn 968 đến Bắc Tây Nguyên. Trung tuần tháng 02, cơ bản hoàn thành vận chuyển vật chất cho chiến dịch Tây Nguyên. Lượng vật chất dự trữ phục vụ chiến dịch là 10.603 tấn, trong đó có 2.824 tấn đạn, 1.421 tấn xăng dầu, 6.289 tấn hàng quân nhu. 04 sư đoàn (10, 320A, 316, 968) và 04 trung đoàn bộ binh, 01 trung đoàn đặc công, 02 trung đoàn pháo mặt đất, 03 trung đoàn pháo cao xạ, 01 trung đoàn xe tăng, 02 trung đoàn công binh, 01 trung đoàn thông tin, 01 trung đoàn và 01 tiểu đoàn ô tô vận tải, 01 đội điều trị, 01 trạm sửa chữa xe tăng xích, 01 trạm sửa chữa ô tô do Tổng cục Kỹ thuật tăng cường… (tổng quân số hơn 47.000 người) cùng binh khí kỹ thuật được cơ động đến vị trí tập kết nhanh, gọn, an toàn, đúng quy định.
 

Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên
 
Gần ngày nổ súng, Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch kiểm tra lần cuối các mặt bảo đảm, phát hiện ở các kho tiếp chuyển không còn đạn cối 160mm để đánh vào các công sự, hầm ngầm kiên cố của sở chỉ huy địch. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật - thành viên Đoàn đại diện Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận đã lệnh chuyển ngay loại đạn này từ hậu cần miền ra kịp phục vụ chiến dịch.
 
 Từ ngày 04 - 09/3, ta thực hiện các hoạt động nghi binh, tạo thế. Ngày 04/3, Sư đoàn 3, Quân khu 5 và Trung đoàn 95B đánh cắt Đường 19. Ngày 05/3, Trung đoàn 25 đánh cắt Đường 21. Ngày 08/3, Sư đoàn 320 tiêu diệt căn cứ Thuần Mẫn, cắt Đường 14 đoạn Bắc Buôn Ma Thuột. Ngày 09/3, Sư đoàn 10 tiêu diệt căn cứ Đức Lập. Đến đây, địa bàn Nam Tây Nguyên bị chia cắt hoàn toàn.
 
Sáng ngày 10/3 chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng trận tiến công Buôn Ma Thuột. Địch dùng máy bay đánh chặn, bộ binh và xe tăng địch phản kích dữ dội. Sau hơn 32 giờ tiến công mãnh liệt bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Các đội thu hồi chiến lợi phẩm tiến vào thu giữ các loại đạn pháo 105mm, 155mm, xăng dầu và nhiều trang thiết bị khác. Sư đoàn 470, Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm nhiệm vụ quân quản, bắt giữ những tên phản động, giữ gìn trật tự trị an, ổn định đời sống nhân dân.
 

Giải phóng căn cứ Đức Lập
 
Do phải giữ bí mật bất ngờ nên các đơn vị đột phá từ các hướng Bắc, Tây và Nam không được đưa lực lượng hậu cần vào chuẩn bị trước. Khi bộ đội vào chiếm lĩnh vị trí (ngày 08/3), hậu cần mới triển khai bảo đảm đủ lương thực, đạn pháo, xăng dầu theo quy định. Ở hướng Tây và hướng Bắc, lực lượng hậu cần dùng xe ô tô chở đạn, xăng dầu theo đội hình đơn vị, trực tiếp bảo đảm cho các trận địa pháo và xe tăng. Trong tác chiến, tất cả xe vận tải chạy suốt ngày đêm vận chuyển vật chất và thương binh cho các đơn vị.
 
Trận then chốt quyết định mở màn chiến dịch đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch ở Tây Nguyên; chúng điên cuồng phản kích nhằm chiếm lại Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 10 và Trung đoàn bộ binh 235 tiêu diệt quân địch đổ bộ xuống Phước An (Đông Buôn Ma Thuột), đập tan phản kích của chúng, kết thúc giòn giã trận then chốt thứ hai.
 
Bị thất bại nặng nề, ngày 15/3/1975 địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Các đơn vị nhanh chóng truy kích tiêu diệt địch. Hậu cần chiến dịch điều xe vận tải ngược lên Đường 14 đón Sư đoàn 320A cơ động ra Đường số 7 đánh chặn địch. 01 phân đội kho/căn cứ hậu cần K10 với đầy đủ vật chất và 01 đội điều trị được lệnh cơ động theo đội hình chiến đấu của Sư đoàn 320A truy kích địch đến Tuy Hòa. Trên Đường số 21, hậu cần chiến dịch tổ chức phân đội hậu cần cơ động gồm vật chất và 01 đội điều trị theo sát đội hình Sư đoàn 10 truy kích địch đến Nha Trang. Ở phía Bắc, trong hai ngày 17 và 18/3/1975, Sư đoàn 968 giải phóng Kon Tum, Gia Lai, sau đó truy kích địch trên Đường số 19 và giải phóng tỉnh Bình Định. Ngày 25/3/1975, Tây Nguyên sạch bóng quân thù.
 

Giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh
 
Trong chiến dịch này, các lực lượng bảo đảm đã huy động hàng nghìn xe ô tô cơ động bộ đội, vận chuyển 3.145 tấn vật chất, trong đó có 690 tấn đạn, 1.324 tấn xăng dầu, 1.081 tấn lương thực thực phẩm, thu dung cứu chữa được 2.416 thương binh, 72 - 78% xe vận tải, 79,7% pháo; sửa chữa vừa và nhẹ 476 lượt khẩu pháo, 4.215 lần xe ô tô các loại... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chiến dịch, ta thu hơn 10.000 tấn chiến lợi phẩm, trong đó có 3.855 tấn đạn, 1.160 khẩu súng, 418 xe các loại. Nhiều loại chiến lợi phẩm được bổ sung, kịp thời tăng cường sức chiến đấu của các đơn vị.
 
Chiến thắng vang dội của chiến dịch Tây Nguyên thể hiện bước trưởng thành mới của Quân đội ta trong nghệ thuật tác chiến. Trong đó có phần đóng góp xứng đáng của công tác hậu cần - kỹ thuật đã đảm bảo cho chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, sử dụng nhiều binh khí trang bị kỹ thuật hiện đại giành thắng lợi nhanh chóng. Có được điều đó là do sự chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh; nỗ lực vượt bậc của lực lượng hậu cần - kỹ thuật Mặt trận Tây Nguyên và sự chỉ đạo đúng đắn, chi viện to lớn, kịp thời của hậu cần - kỹ thuật cấp chiến lược trong quá trình xây dựng thế trận, tiềm lực và bảo đảm… 47 mùa Xuân trôi qua, nhưng bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa; nhằm xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần - kỹ thuật trên các địa bàn chiến lược, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG