Công tác Xúc tiến thương mại Quân đội 2018 - Kết quả và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động

14/02/2019, 14:44

Năm 2018, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) trong Quân đội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp quân đội nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại Việt Nam 2018 tại Campuchia

Năm 2018, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại leo thang (đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung) đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh (SXkD) cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Trong bối cảnh đó, hoạt động XTTM trong Quân đội được nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng với nhiều hình thức, biện pháp cả trong lẫn ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả trong công tác này.

Một số kết quả nổi bật của công tác XTTM 2018

Ngay từ đầu năm 2018, việc triển khai nghiệm thu và đưa vào khai thác Sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) tại địa chỉ www.dnqd.vn đã đánh dấu sự thay đổi cơ bản về hình thức XTTM bằng việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động thương mại hàng hóa của các DNQĐ.

Sàn giao dịch là kênh thông tin tập trung cho các DNQĐ giới thiệu năng lực, là nơi hàng hóa và dịch vụ của DN được mang ra trao đổi giữa một khối lượng lớn nhà cung cấp và người tiêu thụ. Sàn là giải pháp hợp tác và giao dịch giữa rất nhiều đối tượng khác nhau cho phép các DN mua, bán và hợp tác hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu, giúp DN tiết kiệm chi phí và đạt lợi nhuận mong muốn thông qua việc đặt hàng, xác nhận giao dịch diễn ra tự động và cập nhật thông tin về việc thực hiện đơn hàng một cách thường xuyên.

Sàn giao dịch cho phép các DN vượt qua những rào cản về địa lý, vươn ra thị trường toàn cầu, đồng thời giúp tiến trình mua hàng được tiến hành thuận lợi hơn nâng cao hiệu quả hoạt động mua hàng, giảm bớt chi phí hành chính của việc mua hàng truyền thống.

Hiện nay, các DNQĐ đang tích cực cung cấp, cập nhật thông tin về năng lực doanh nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ để chủ động khai thác Sàn vào hoạt động thương mại hàng hóa. Dự kiến Quý 2/2019, các hoạt động xúc tiến bán hàng, quảng bá, quảng cáo, giao dịch trực tuyến sẽ khiến Sàn hoạt động mạnh mẽ, hỗ trợ tối đa cho các DNQĐ giao thương hàng hóa.

Đơn vị đầu mối thực hiện các công tác XTTM của Bộ Quốc phòng là Trung tâm Triển lãm và XTTM Quân đội đã tổ chức thành công 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiến thức ngành kinh tế quân đội năm 2018 tại Hà Nội (Học viện Hậu cần) và Đà Nẵng (Đoàn An dưỡng 27/QK5). Lớp tập huấn thu hút gần 300 học viên/1 lớp, thành phần là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các Đoàn kinh tế - quốc phòng, các đơn vị quản lý kinh tế và các DN trong toàn quân. Các nội dung tập huấn tập trung phổ biến cụ thể các văn bản pháp luật, chính sách mới liên quan đến công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, công tác XTTM, thương mại điện tử, doanh nghiệp quân đội trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện các chương trình XTTM là gần 8 tỷ đồng, trong đó 75% kinh phí dành cho XTTM bằng hình thức tổ chức các cuộc triển lãm hội chợ tại Lào và Campuchia. Các cuộc hội chợ là hoạt động kết hợp kinh tế - thương mại và chính trị - văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Tại Lào, Hội chợ Thương mại Việt Nam 2018 đã diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, với quy mô 300 gian hàng của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tại Campuchia, Hội chợ Thương mại Việt Nam đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Đảo kim Cương, Thủ đô Phnôm Pênh với sự tham gia của hơn 155 đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia với hơn 220 gian hàng tiêu chuẩn. Nhiều hoạt động XTTM, nghiên cứu thị trường, xúc tiến bán hàng được tổ chức tại Hội chợ.

Tại Hội chợ, các doanh nghiệp đã mang nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã bán hết sản phẩm ngay từ những ngày đầu, nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác. Qua báo cáo kết quả Hội chợ, đã có hơn 100  thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam - Lào và Campuchia, giá trị hàng hóa tiêu thụ và các hợp đồng tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm ký kết tại Hội chợ đạt khoảng 15 triệu USD tại Lào, 8 triệu USD tại Campuchia.

Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngành kinh tế quân đội do Cục Kinh tế/BQP tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng năm 2018. Ảnh: Hà Linh

Có thể nói, hoạt động Hội chợ thương mại Việt Nam tại Lào và Campuchia đã giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với các đối tác tiềm năng, các tập đoàn thương mại lớn để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ sang thị trường Lào và Campuchia, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất phục vụ mục đích xuất khẩu hoặc hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ… Thúc đẩy quá trình giao lưu, trao đổi, hợp tác nghiên cứu, chế tạo, tiêu thụ sản phẩm quốc phòng, lưỡng dụng; đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - quốc phòng, thương mại quân sự và công nghiệp quốc phòng, tạo cơ sở để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh của đất nước.

Thực tế cho đến nay, nhiều doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường Lào và Campuchia. Trong đó, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với 2 mạng Unitel và Metfone. Sau nhiều năm hoạt động hiện đã trở thành nhà mạng hàng đầu tại hai quốc gia này với cơ sở hạ tầng lớn mạnh và vùng phủ đạt tới hơn 90%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã có chỗ đứng vững chắc, với mạng lưới trên 5.000 đại lý khắp của tỉnh, thành các nước bạn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người.

Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp có điều kiện tạo được kênh phân phối, tìm hiểu, đầu tư và tiếp tục mở rộng thị phần tại thị trường các nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào gia tăng thương mại và đầu tư, các dự án hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Các doanh nghiệp thông qua Hội chợ có điều kiện tìm hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và tập quán kinh doanh của người dân để đưa ra định hướng chiến lược kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường, đưa sản phẩm có thế mạnh của các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng. Cùng đó, mở ra khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lân cận như Thái Lan, Myanmar…

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ, năm 2018 đã tổ chức được 2 Đoàn giao thương, khảo sát thị trường tại tỉnh Luông Pra Bang (Bắc Lào) và tỉnh Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan) cho các doanh nghiệp. Chương trình đã tổ chức cho gần 20 doanh nghiệp quân đội kết nối với hơn 50 doanh nghiệp tại 2 tỉnh của Lào và Thái Lan, mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác, XTTM giữa các doanh nghiệp về lĩnh vực cơ khí, xây dựng, du lịch, chế biến lâm sản... Đoàn giao thương cũng làm việc với các cơ quan ban ngành của các tỉnh về cơ chế hỗ trợ, xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp khi tiến hành xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Nhiều năm qua, đồng thời với các hoạt động tổ chức tập huấn, hội chợ, triển lãm, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hoạt động hỗ trợ DNQĐ nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử Ngành kinh tế quân đội, cung cấp thông tin thương mại, hoạt động hợp tác, quan hệ với các tổ chức XTTM trong nước và quốc tế… được thực hiện có chiều sâu và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trong năm 2018, Cục kinh tế/BQP đã chủ trì tổ chức nhiều đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế kết hợp kiểm tra hoạt đồng đầu tư nước ngoài tại Lào, Myanmar, Peru, Cuba...

Bên cạnh đó, việc duy trì và xuất bản các số Tạp chí kinh tế quốc phòng cũng được thực hiện chất lượng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền chính trị, hướng dẫn hoạt động kinh tế quân đội; đồng thời cũng là kênh quan trọng của hoạt động XTTM của quân đội. Tạp chí đã luôn chủ động đi cơ sở thu thập tài liệu, hình ảnh viết tin bài, biên tập, thiết kế, in ấn và phát hành với chất lượng ngày càng cao, bảo đảm mục đích xuất bản đề ra. Trong năm, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí. Thường xuyên phối hợp với các báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, các hoạt động SXkD của các DNQĐ. Ngoài ra, đã phối hợp với Cục Tuyên huấn xây dựng hoàn thiện Đề án Tăng cường công tác tuyên truyền về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội trong tình hình mới đã được Bộ trưởng BQP phê duyệt.

Gian hàng của các Doanh nghiệp tại Hội chợ thương mại Việt Nam tại Campuchia năm 2018.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động XTTM quân đội. Điển hình như công tác phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị liên quan có lúc chưa chặt chẽ, chưa đạt hiệu quả cao. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình, khắc phục xử lý công việc đôi lúc còn chậm trễ. Chất lượng công tác XTTM còn rời rạc, chưa hệ thống. Về phía doanh nghiệp khi tham gia các chương trình XTTM của Bộ còn thiếu chủ động, chưa có kế hoạch cụ thể và chiến lược giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp mình. Sản phẩm của các doanh nghiệp giới thiệu tại các Hội chợ còn chưa thực sự có tính cạnh tranh cao, mẫu mã bao bì còn hạn chế; công tác maketing chưa thật sự hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác XTTM quân đội

Thời gian tới, DN Việt Nam nói chung, DNQĐ nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để khai thác hiệu quả hơn các lợi ích từ việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua các hoạt động XTTM, DNQĐ cũng có cơ hội từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm; phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững. Để có thể tận dụng được cơ hội, cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý

Thứ nhất, cần tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ XTTM, xúc tiến xuất khẩu, khảo sát thị trường nước ngoài với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: Tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng… Trong đó hướng sự chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các FTA, nơi các sản phẩm của DNQĐ sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hội chợ, phương thức triển khai tổ chức một cách chuyên nghiệp, khoa học, sát thực tế, nội dung phong phú, đa dạng. kết hợp tổ chức hội chợ với hội nghị, hội thảo chuyên sâu, hình thức phù hợp. Nghiên cứu kỹ, khảo sát, lựa chọn thị trường, đối tượng phù hợp với nhu cầu quảng cáo tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ tham gia Hội chợ cần có tính cạnh tranh cao, các sản phẩm mới, công nghệ cao phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chú trọng công tác trưng bày, trang trí gian hàng bắt mắt, nâng cao chất lượng thẩm mỹ, tổ chức người thuyết minh giới thiệu tại gian hàng phải nắm vững về thông số kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ của công ty mình.

Phối hợp và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về hội chợ, doanh nghiệp tham gia hội chợ trên hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình trước, trong và sau hội chợ. Tích cực đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh của DNQĐ; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến bán hàng để tạo được điểm nhấn thu hút khách tới tham quan mua sắm.

Thứ ba, khai thác ứng dụng CNTT, thương mại điện tử vào các hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ giao dịch thương mại hàng hóa qua Sàn giao dịch TMĐT dành cho các DNQĐ, huy động tối đa các nguồn lực để phục vụ hoạt động thông tin XTTM trên mạng internet. Từ đó, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng thông tin XTTM. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động thu thập, trao đổi, mua bán thông tin XTTM từ các tổ chức kinh tế, thương mại và chuyên ngành XTTM trong nước và ngoài nước để phục vụ nhu cầu DN.

Thứ tư, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, cho các DNQĐ nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tính sẵn sàng thực hiện các hoạt động XTTM quốc gia, tập huấn cho DN các kỹ năng XTTM trước, trong và sau khi tham gia sự kiện XTTM.

Về phía doanh nghiệp

Một là, chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng và thị trường, phát huy tốt tinh thần Nhà nước và DN cùng đồng hành. Nhà nước sẽ không làm thay DN mà chỉ hỗ trợ DN trong các hoạt động XTTM.

Hai là, DNQĐ cần chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, DNQĐ cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới XTTM để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động XTTM đem lại.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn thông tin XTTM đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tích cực tham gia các Sàn giao dịch giúp tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp tham gia thành công vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Có thể nói, năm 2019 sẽ là một năm đầy thử thách đối với các DNQĐ, nhưng chúng ta lạc quan, tin tưởng với các hoạt động mạnh mẽ của công tác XTTM sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp duy trì, phát triển tăng trưởng, cùng với sự cố gắng vươn lên hội nhập của doanh nghiệp, thì khó khăn thách thức hiện nay sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, định hướng chiến lược phát triển, tố chức cơ cấu lại sản xuất, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các thị trường trong nước và quốc tế.

Một số chương trình XTTM dự kiến trong năm 2019

Năm 2019 là năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước và quân đội, như: kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12 - 1989/22/12/2019), công tác XTTM cần phát huy những kết quả đã đạt được, phát triển hơn cả về nội dung và hình thức, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực hơn.
Một số chương trình dự kiến thực hiện năm 2019:
- Tổ chức hội chợ - Triển lãm kinh tế quốc phòng Việt Bắc tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
- Tổ chức hội chợ thương mại Việt nam tại Lào, Myanmar, Campuchia.
- Tham gia triển lãm quốc tế kết hợp tổ chức đoàn giao thương tại hội chợ quốc tế La Habana-FIHAV tại Cuba.
- Chương trình khảo sát thị trường, XTTM đầu tư tại Nga, Isarel, Cuba…
- Tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo nghiệp vụ kinh tế và XTTM.
- Vận hành và quảng bá Sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các DNQĐ. - Phát hành 04 số Tạp chí Kinh tế quốc phòng.
- Tiếp tục thực hiện các công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm hệ thống phân phối hàng hóa và xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

ĐẠI TÁ BÙI VĂN TIẾN/Giám đốc Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội