Vận dụng và phát triển bài học kinh nghiệm tạo nguồn hậu cần "Vành đai diệt Mỹ" trong tạo nguồn hậu cầ khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay

30/05/2022, 09:49

Ngày 8/3/1965, đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng; từng bước chuyển cuộc chiến tranh xâm lược nước ta từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Tính đến tháng 10/1965, tổng số quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ở Khu 5 có khoảng 120.000 tên (3 sư đoàn) cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại. Địch nhanh chóng thiết lập căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng; cụm cứ điểm Chu Lai; cụm cứ điểm An Khê. Để bảo vệ an toàn các mục tiêu trong hệ thống cứ điểm, quân Mỹ thiết lập căn cứ đến đâu là mở rộng vòng vây, lùng sục, đánh phá quyết liệt tới đó. Ở Đà Nẵng, chúng đánh phá, cày ủi quyết liệt 3 huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc. Ở Chu Lai, chúng đánh phá, san bằng hầu hết các xã phía nam của huyện Tam Kỳ và một số xã phía bắc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ở An Khê (Gia Lai), địch cày ủi thành vùng cát trắng 4 xã xung quanh căn cứ Tân Tạo.

Đội nữ du kích của các đơn vị Khu 5 trong Vành đai diệt Mỹ

Ngay sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và Chu Lai, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã mở hội nghị chiến tranh du kích vào cuối tháng 3/1965. Hội nghị đã thảo luận và quyết định 3 vấn đề lớn: phát động toàn Đảng bộ và quân dân trong Quân khu kiên quyết đánh thắng quân Mỹ; khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, quân sự ở cơ sở, đặc biệt ở vùng ven, vùng sâu, vùng dự kiến địch sẽ đóng quân; xây dựng làng, xã chiến đấu liên hoàn từ căn cứ rừng núi đến đồng bằng và ven đô thị, tổ chức "Vành đai diệt Mỹ" ở những nơi quân Mỹ vừa đổ quân vào. Hội nghị cũng quyết định giao cho các địa phương có quân Mỹ chiếm đóng phải kịp thời rút kinh nghiệm đánh Mỹ để phổ biến rộng cho các nơi khác; các địa phương chưa có quân Mỹ tới thì tổ chức đưa du kích ra đánh Mỹ ở các "Vành đai diệt Mỹ" và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho địa phương mình. Thực hiện quyết định trên, ngay trong năm 1965, trên địa bàn Khu 5 đã xây dựng được các "Vành đai diệt Mỹ":
 
- “Vành đai diệt Mỹ” Đà Nẵng - Hòa Vang, là vành đai bao vây thành phố Đà Nẵng; bao gồm các huyện Điện Bàn, Hòa Vang và phần lớn huyện Đại Lộc. Lực lượng trên vành đai lúc đầu chỉ có du kích, bộ đội địa phương huyện; sau dần được tăng thêm từ 1 - 2 tiểu đoàn chủ lực, 1 - 2 tiểu đoàn đặc công, 1 - 2 tiểu đoàn pháo mang vác, pháo phản lực của tỉnh và các đơn vị đặc công nước của Khu 5.
 
- “Vành đai diệt Mỹ” Chu Lai, là vành đai bao vây căn cứ liên hợp và căn cứ chỉ huy của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ; bao gồm huyện Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam và huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Lực lượng trên vành đai này ngoài du kích, bộ đội địa phương của 2 tỉnh còn có 1 tiểu đoàn đặc công và đơn vị pháo chuyên trách của Khu 5.
 
- “Vành đai diệt Mỹ” An Khê, là vành đai bao vây căn cứ của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ; bao gồm toàn bộ huyện An Khê. Lực lượng trên vành đai ngoài du kích, bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai còn có 1 tiểu đoàn đặc công của Khu 5.
 
Để tạo nguồn hậu cần cho “Vành đai diệt Mỹ”, với quan điểm tự lực tự cường, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trên vành đai đã có kế hoạch vận động, khai thác các nguồn bảo đảm vật chất trang bị cho lực lượng trên vành đai chiến đấu. Lương thực, thực phẩm, thuốc men chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân; nhất là nhân dân ở vùng giải phóng, vùng căn cứ. Cán bộ hậu cần đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kinh tài vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ; thực hiện huy động lương thực theo nghĩa vụ. Ngoài ra còn mở các cửa khẩu, hành lang để thu mua, vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm từ vùng địch ra vùng giải phóng và ngược lại. Các luồng khai thác, vận chuyển trên gọi là “K”; do phái viên của các ngành trực tiếp chỉ đạo. Ta cũng đã liên hệ với một số nhà buôn có cảm tình với cách mạng để khai thác, mua bán, trao đổi một số vật chất hậu cần (VCHC) quan trọng như các loại thuốc chữa bệnh, vải vóc, lương thực, thực phẩm…; sau đó tổ chức chuyển ra các vùng ven bảo đảm trực tiếp cho bộ đội chiến đấu trên vành đai; một phần tổ chức vận chuyển dự trữ tại các căn cứ hậu cần. Cùng với đó, ta còn tổ chức các “căn cứ lõm” trong lòng địch để tạo nguồn bảo đảm hậu cần (BĐHC). “Căn cứ lõm” là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và của các cơ sở hậu cần; bề ngoài có vỏ bọc làm ăn hợp pháp nhưng thực chất là cơ sở đứng chân của lãnh đạo, chỉ huy, nơi che giấu cán bộ, giấu quân, nơi chuẩn bị và dự trữ vũ khí đạn dược cho các trận đánh trong thành phố, đồng thời còn làm cả nhiệm vụ khai thác một số VCHC - kỹ thuật cần thiết cho kháng chiến. 
 
Để thực hiện khai thác nguồn hậu cần trong nhân dân, các tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy phân công đảng viên tập trung bám dân, vận động nhân dân trở về bám trụ quanh căn cứ, về làng cũ sống hợp pháp làm ăn; khi quân Mỹ càn đến thì ở lại giữ hoa màu, của cải, chống dồn dân, đòi bồi thường tài sản… Cán bộ, bộ đội công tác trực tiếp hướng dẫn nhân dân sản xuất từng mùa vụ; tổ chức các tổ "mậu dịch" để thu mua, trao đổi hàng hóa; cung cấp muối, vải và nông cụ cho nhân dân ổn định sản xuất; tích cực vận động nhân dân giúp đỡ du kích và bộ đội. Nhân dân trong "Vành đai diệt Mỹ" hăng hái sản xuất tạo nguồn lương thực, vũ khí… hỗ trợ cho du kích và bộ đội bám đánh địch bảo vệ xóm làng. Mùa thu năm 1965, nhân dân huyện 4, huyện 5 của tỉnh Gia Lai chỉ để lại lúa giống cho mùa sau; số còn lại nộp hết cho cách mạng; nhân dân còn ủng hộ một số trâu, bò làm thực phẩm dự trữ... 
 
Bộ đội chiến đấu, việc vận chuyển thương binh từ vùng chiến sự về căn cứ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy lúc lui quân, đơn vị nào cũng thường gửi lại trong dân hàng chục, có khi hàng trăm thương binh. Nhân dân đã đảm nhận che giấu, nuôi dưỡng số thương binh gửi lại, sau đó dần trả về cho đơn vị. Hình thức "Bệnh xá trong lòng dân" cũng xuất hiện trong thời kỳ này. Các đơn vị chiến đấu cử một số nhân viên quân y cùng thuốc men, trang bị dụng cụ đến phối hợp cùng địa phương tổ chức thành các bệnh xá nhẹ hoặc đội an dưỡng, điều dưỡng nằm ngay tại các "vùng lõm"; du kích dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân về điều kiện sinh hoạt, ăn ở để thu nhận và điều trị thương bệnh binh. Trong trận Vạn Tường, nhân dân ở 2 xã Bình Trị và Bình Hải (Bình Sơn) đã dũng cảm khiêng 130 thương binh vượt vòng vây của quân Mỹ; nhân dân các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Đông đã chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình và chuyển 10 thương binh còn lại trong địa đạo thoát khỏi vòng vây của địch; du kích các xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Tân, Bình Thạnh chuyển tiếp số thương binh này vượt qua Quốc lộ 1 về tuyến sau an toàn.
 
Công tác vận chuyển nguồn hậu cần cũng được thực hiện rất linh động, với nhiều biện pháp linh hoạt. Ta đã sử dụng hàng ngàn dân công vùng nông thôn giải phóng và cả vùng địch kiểm soát dọc đồng bằng ven biển Đà Nẵng, Hòa Vang, Điện Bàn đêm đêm luồn lách qua các đồn bốt, các ổ phục kích của địch để vận chuyển gạo và nhu yếu phẩm lên vùng giáp ranh rồi chuyển súng đạn về lót sẵn ở vùng ven. Công nhân xe lam, xe xích lô bí mật vận chuyển vũ khí từ bàn đạp xã Điện Thắng, Điện Bàn vào lót sẵn trong thành phố Đà Nẵng. Ông Võ Xuân Định đã nhiều lần dùng xe lam, xe honda chuyển được 141 thùng vũ khí, đạn dược từ Điện Thắng, Điện Ngọc, Bà Rén… về thành phố để trang bị cho lực lượng đặc công, biệt động... 
 
Bên cạnh công tác khai thác tạo nguồn hậu cần trong nhân dân và nhận từ cấp trên; các đơn vị còn khai thác nguồn hậu cần từ tự tăng gia sản xuất (TGSX) của lực lượng vũ trang (LLVT) trên vành đai. Bộ đội thực hiện tốt chỉ tiêu sản xuất; chủ lực quân khu mỗi năm sản xuất 20 ngày, bộ đội địa phương tỉnh mỗi năm 30 ngày, bộ đội địa phương huyện mỗi năm 40 ngày. Bộ đội tham gia sản xuất với dân, khai hoang, khẩn hóa, làm phân bón, thủy lợi; góp phần thâm canh tăng năng suất, tăng thu nhập cho dân, nâng cao mức đóng góp cho kháng chiến. Quân khu, sư đoàn, tỉnh đội thành lập một số đội sản xuất chuyên nghiệp; ngoài chỉ tiêu sản xuất hàng năm, phải sản xuất để dự trữ lâu dài; chủ yếu là sắn. Thực hiện tốt kế hoạch dự trữ vũ khí, lương thực; xây dựng và củng cố các cơ sở quân giới, may mặc, bào chế thuốc, bệnh xá, bệnh viện...
Chính nhờ những biện pháp tạo nguồn VCHC như trên cho nên dù chiến đấu trên các vành đai rất gay go, ác liệt, ngay bên cạnh địch; song hậu cần Khu 5 và hậu cần quân sự các địa phương đã làm tốt công tác tạo nguồn hậu cần để bảo đảm cho bộ đội chiến đấu. Trong các năm từ 1965 đến 1968, ngành hậu cần Khu 5 đã khai thác một số lượng VCHC lớn, đảm bảo cơ bản cho LLVT chiến đấu trên các vành đai; trong đó tính riêng lương thực thì vành đai Đà Nẵng - Hòa Vang khai thác được khoảng 5.000 tấn, vành đai Chu Lai khai thác được khoảng 3.200 tấn, vành đai An Khê khai thác được khoảng 1.100 tấn.
 
Qua nghiên cứu tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ”, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: 
 
- Công tác tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ” đã được cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo sâu sát; được hậu cần Khu 5 chỉ đạo chặt chẽ. Việc thực hiện tốt khẩu hiệu ba bám "Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám đánh địch"; kết hợp xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh là yếu tố quan trọng; là điều kiện để thực hiện tốt BĐHC nói chung, tạo nguồn hậu cần nói riêng cho các LLVT chiến đấu. 
 
- Công tác tạo nguồn hậu cần "Vành đai diệt Mỹ" trên chiến trường Khu 5 đã thể hiện đầy đủ quan điểm "Hậu cần nhân dân", "Hậu cần tại chỗ" của Đảng ta. LLVT trên các “Vành đai diệt Mỹ” được nhân dân địa phương chăm sóc, nuôi dưỡng; tổ chức hành lang vận chuyển, cất giấu vũ khí trang bị; xây dựng hầm hào, địa đạo; xây dựng làng chiến đấu liên hoàn giữa các thôn, xã, cụm chiến đấu… Nhân dân trên các "Vành đai diệt Mỹ" phải chịu đựng bom đạn, càn quét rất ác liệt của địch nhưng phong trào du kích vẫn được giữ vững; "Vành đai diệt Mỹ" vẫn ngày đêm bao vây, áp sát các căn cứ của địch. Nhân dân vẫn sẵn sàng đóng góp những vật chất còn lại của mình để bảo đảm nuôi quân. Đây là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta; là bài học quý giá; là kinh nghiệm để thực hiện tạo nguồn hậu cần cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
- Để chủ động trong tạo nguồn VCHC, lực lượng hậu cần trên vành đai không những làm tốt việc huy động từ nhân dân, thu mua trong nhân dân, tiếp nhận từ nguồn của cấp trên, mà còn đẩy mạnh phong trào TGSX, với nhiều hình thức như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá, tôm ở các sông, ngòi; khai thác các loại cây lương thực, cây rau dại ăn được..., góp phần giải quyết nhanh những khó khăn khi nguồn của trên và nguồn của hậu cần nhân dân chưa bảo đảm kịp thời. Bên cạnh đó, chúng ta đã tận dụng thế xen kẽ với địch để “lấy vũ khí địch đánh địch”; khai thác sử dụng tốt các chiến lợi phẩm thu được của địch. Nguồn này cũng đã giải quyết được một phần khó khăn về vật chất; nhất là thuốc quân y và súng đạn. 
 
Trên cơ sở nghiên cứu bài học kinh nghiệm tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ”, có thể vận dụng và phát triển trong tạo nguồn hậu cần KVPT tỉnh, thành phố hiện nay như sau:
 
Một là, cần có đường lối, chính sách, biện pháp xây dựng hậu cần KVPT đúng đắn để tạo nguồn hậu cần. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối quân sự của Đảng ta là quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; thực hiện toàn dân đánh giặc. Để bảo đảm cho chiến tranh nhân dân thì phải thực hiện hậu cần nhân dân; đó là cơ sở để tạo nguồn hậu cần bảo đảm cho tác chiến phòng thủ đạt hiệu quả thiết thực, vững chắc. Thực tiễn tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ” cho thấy, do Khu ủy Khu 5 và các tỉnh ủy trên địa bàn có chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn nên đã huy động được nguồn lực hậu cần to lớn để bảo đảm cho các lực lượng đánh Mỹ. Do vậy, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Trung ương và các địa phương cần có những chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng hậu cần KVPT đúng đắn; quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của từng cấp, từng ngành đối với tạo nguồn hậu cần KVPT; chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều chỉnh, phân bố lực lượng lao động và dân cư; thực hiện định canh, định cư... làm cơ sở cho tạo nguồn hậu cần KVPT đạt hiệu quả cao.
 
Hai là, chăm lo xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ rộng khắp, vững chắc ngay từ thời bình. Thực tiễn tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ” cho thấy, ta đã thực hiện tạo nguồn cả ở vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng chiến sự và vùng địch chiếm đóng (căn cứ lõm). Trong giai đoạn hiện nay, chăm lo xây dựng tiềm lực hậu cần và chuẩn bị nguồn hậu cần tại chỗ rộng khắp, vững chắc ngay từ thời bình là cơ sở để khai thác, huy động, bảo đảm kịp thời hậu cần cho các hoạt động tác chiến của LLVT trong KVPT khi có tình huống. Để thực hiện được mục tiêu trên, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, các ngành. Thực hiện quy hoạch phân vùng kinh tế nhằm phát huy thế mạnh kinh tế từng vùng. Xây dựng các cơ sở sản xuất, kết cấu hạ tầng gắn với chuẩn bị cơ sở hậu cần tại chỗ và chuẩn bị phương án chuyển hướng sản xuất phục vụ cho tác chiến bảo vệ KVPT. Tổ chức sản xuất, phân công lao động hợp lý trong các cơ sở sản xuất, các ngành kinh tế. Xây dựng các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần vững chắc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong tạo nguồn hậu cần. Tập trung đầu tư tạo nguồn ở những vùng trọng điểm. Tích cực chuẩn bị các loại VCHC cần thiết đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho dân sinh cũng như bảo đảm cho hoạt động tác chiến của LLVT.
 
Ba là, dựa chắc vào dân để tạo nguồn hậu cần cả trong thời bình và thời chiến. Dựa vào dân để khai thác, tạo nguồn hậu cần tại chỗ là bài học, truyền thống, kinh nghiệm quý báu mà lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta để lại. Trong tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ”, các LLVT của ta đã dựa chắc vào dân để khai thác, vận chuyển vật chất; cứu chữa, vận chuyển thương binh... Trong tình hình hiện nay, tạo nguồn hậu cần KVPT bị chi phối bởi nhiều yếu tố mới nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Quá trình động viên nền kinh tế cho quốc phòng, huy động nguồn lực VCHC từ nhân dân, nhất là đối với thành phần kinh tế tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc xây dựng những hành lang pháp lý cần thiết cho công tác tạo nguồn, cấp ủy và chính quyền địa phương cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo cơ sở để khi cần có thể huy động các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tạo nguồn hậu cần và BĐHC cho tác chiến phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với tổ chức dự trữ và quản lý vật chất trong nhân dân cũng như trong các ngành kinh tế - xã hội địa phương. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa hậu cần LLVT với hậu cần nhân dân trong KVPT. Tạo mọi điều kiện để hậu cần nhân dân địa phương tỉnh, huyện; hậu cần nhân dân cơ sở xã, phường ngày càng phát triển về mọi mặt.
 
Bốn là, chỉ đạo các LLVT tích cực TGSX và tham gia phát triển kinh tế địa phương để tích lũy vật chất hậu cần tại chỗ. Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, BĐHC cho LLVT khu vực phòng thủ tác chiến chủ yếu vận dụng phương thức BĐHC tại chỗ. Muốn thực hiện phương thức này, phải tạo ra được nguồn VCHC tại chỗ. Nguồn này được hình thành từ việc huy động vật chất từ các ngành kinh tế - xã hội của địa phương và từ TGSX, làm kinh tế của LLVT trong KVPT. Do vậy, LLVT địa phương cần áp dụng linh hoạt những hình thức TGSX như: tổ chức TGSX tại chỗ theo mô hình VAC, VACR; tổ chức các tổ, đội chuyên làm kinh tế; phát triển các mô hình TGSX trong các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần của KVPT tỉnh, huyện; kết hợp với các đoàn kinh tế - quốc phòng của Bộ và Quân khu triển khai các dự án làm kinh tế, phát triển TGSX... Đồng thời tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế; tham gia cùng địa phương xây dựng các công trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế...; đặc biệt là trên những địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn...
 
٭    ٭
٭
 
Tạo nguồn hậu cần “Vành đai diệt Mỹ” là sự kế thừa truyền thống tạo nguồn hậu cần của ông cha ta; là sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật BĐHC thời đại Hồ Chí Minh. Nó cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển trong tạo nguồn hậu cần hiện nay; nhất là trong tạo nguồn hậu cần KVPT tỉnh, thành phố. Có như vậy, ngành Hậu cần mới có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐHC cho Quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG - CỤC KINH TẾ/BỘ QUỐC PHÒNG