Công tác kỹ thuật trong chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không"

20/05/2022, 09:47

Sau những thất bại nặng nề trên các chiến trường, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận các điều khoản trong dự thảo Hiệp định Pari do phái đoàn Việt Nam đưa ra. Nhưng sau đó, Mỹ đã lật lọng, tráo trở trong đàm phán, với ý đồ chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, giành thế mạnh về mọi mặt. Cuối tháng 11/1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: có khả năng địch đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội và Hải Phòng.

Pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng

Nhân dân các địa phương được lệnh tiếp tục sơ tán; kho tàng, nhất là các nơi dự kiến B52 sẽ oanh tạc, việc sơ tán cũng được tiến hành rất khẩn trương.
 
Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) được Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ tổ chức, triển khai chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng (18-29/12/1972); lực lượng tham gia gồm: 6 trung đoàn tên lửa PK, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo PK, 4 trung đoàn rađa, 346 đơn vị pháo và súng máy PK của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch là: “Tập trung lực lượng, phương tiện chủ yếu đánh địch ở hướng chủ yếu, đánh địch từ ngoài vào trong, từ xa đến gần; có lực lượng phục kích, bất ngờ đánh đánh địch từ xa, có lực lượng đánh cạnh sườn hỗ trợ cho các hướng”.
 
Theo đó, cùng với việc tổ chức lại hệ thống sở chỉ huy, mạng thông tin liên lạc các cấp... Quân chủng PK-KQ tập trung lực lượng cao xạ và tên lửa vào các khu vực tác chiến chủ yếu, ưu tiên cho cho hướng chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu phía trước...; kiên quyết đánh bại âm mưu của địch dùng máy bay chiến lược B52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng. Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng PK vào phía Nam Vĩ tuyến 20; bổ sung thêm lực lượng, phương tiện cho tuyến giao thông vận tải, tranh thủ vận chuyển lập chân hàng dự trữ ở Nam Thanh Hóa, tích cực khôi phục các tuyến giao thông ở phía Bắc Vĩ tuyến 20...
 
Tổng cục Hậu cần nhanh chóng bổ sung vũ khí, khí tài, đạn và vật chất thiết yếu cho Quân chủng PK-KQ, các quân khu, đơn vị ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Đến đầu tháng 12, các đơn vị PK Hà Nội được bảo đảm 5,7 cơ số đạn phòng không các loại, 2,2 cơ số đạn tên lửa; các đơn vị PK Hải Phòng được bảo đảm 1,8 cơ số đạn tên lửa, 6,8 cơ số đạn pháo phòng không; lực lượng PK tỉnh Thanh Hóa có trên 3 cơ số, Hà Tĩnh trên 2,5 cơ số... Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo kết hợp quân y của các phân đội PK với lực lượng dân y ở các cơ sở để cấp cứu theo khu vực và theo tuyến ở các địa phương. 
 
B52 là loại máy bay chiến lược - Pháo đài bay rất hiện đại, có tính năng đa dạng, được trang bị 16 máy gây nhiễu tích cực điện tử, 4 máy gây nhiễu tiêu cực bằng sợi kim loại; có thể mang 27 tấn bom/chiếc, có khả năng hoạt động ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu. Mỗi khi hoạt động, B52 được các máy bay tiêm kích bay xung quanh hộ tống bảo vệ. Giới quân sự Mỹ cho rằng hệ thống PK Bắc Việt Nam khó tìm ra, tiếp cận và bắn hạ được B52. Chúng hy vọng thứ vũ khí chiến lược “át chủ bài” này có thể đè bẹp ý chí của quân và dân ta. 
 

Bộ đội tên lửa trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
 
Từ năm 1965, Mỹ đã sử dụng B52 đánh phá một số căn cứ của ta ở miền Nam và từ năm 1966 đánh ra miền Bắc. Trong một lần làm việc với Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Hồ Chủ tịch nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa máy bay B52 ra Hà Nội, có thua, nó mới chịu thua” và Người giao nhiệm vụ cho Quân chủng phải nghiên cứu cách đánh B52 từ những năm đó. Thực hiện nhiệm vụ Người giao, Quân chủng PK-KQ đã phái nhiều kíp tên lửa PK, ra đa, máy bay tiêm kích vào Nam Quân khu 4 nghiên cứu cách đánh B52. Từ thực tiễn bắn rơi B52 đầu tiên của Trung đoàn tên lửa 238 (ngày 17/9/1967) ở Vĩnh Linh; trận chiến đấu đêm 20/11/1071 của phi công Vũ Đình Rạng lái máy bay MiG21 tiếp cận, phóng tên lửa nhưng chưa bắn rơi tại chỗ B52...; từ kinh nghiệm trên tuyến 559, Quân khu 4 và các nguồn thông tin khác, Quân chủng PK-KQ từng bước nghiên cứu, hoàn thiện phương án tác chiến và cách đánh B52. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng, công tác chuẩn bị cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tiến hành rất sớm và được đẩy nhanh hơn từ tháng 4/1972 đến ngày 31/10/1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và thông qua tài liệu “Cách đánh B52”; sau đó nhanh chóng phổ biến huấn luyện cho bộ đội cả về mặt chiến thuật và kỹ thuật đánh B52. Nhiều kíp chiến đấu của tên lửa, không quân, ra đa... tiếp tục được phái vào Quân khu 4, sang Lào nghiên cứu rút kinh nghiệm về chống nhiễu, bắt mục tiêu và cách đánh B52. Các cơ quan chức năng của Bộ, đặc biệt là Viện Kỹ thuật Quân sự cũng tập trung nghiên cứu về nhiễu và cách chống nhiễu của B52. Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263/Sư đoàn PK 367 bắn rơi 1 chiếc B52 ở biên giới Việt - Lào, cách trận địa khoảng 200 km, đây không chỉ là chiến công về kỹ thuật mà còn tạo và nâng cao niềm tin đánh thắng B52 trong toàn quân chủng.
 
Quân chủng PK-KQ xác định tên lửa PK là lực lượng chính đánh B52 và tập trung chỉ đạo nghiên cứu cải tiến kỹ thuật tên lửa, ra đa, để đánh địch có hiệu quả. Công tác bảo dưỡng, lắp rắp đạn tên lửa được tăng cường, nhiều hội nghị bảo đảm đạn cho trận đánh lớn này được tổ chức; các tổ sửa chữa cơ động hình thành, sẵn sàng làm nhiệm vụ...; nhờ vậy đã bổ sung kịp thời khí tài và có thêm 140 quả đạn tên lửa dự trữ cho chiến đấu. Một số máy bay mới nhận cũng được lắp ráp nhanh để kịp đưa vào chiến đấu. 
 
Các đơn vị ra đa, pháo phòng không, tên lửa, không quân tích cực chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh. Sư đoàn 361 và 363/Quân chủng PK-KQ là lực lượng nòng cốt bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đã khẩn trương kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng khôi phục vũ khí, khí tài, bảo đảm hệ số kỹ thuật tên lửa đạt 100%, pháo cao xạ hơn 90%, ra đa 98%, khí tài khác 75 - 100%. Máy bay chiến đấu phản lực hệ số kỹ thuật đạt 71%. Đến ngày 18/12/1972, các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đã chuẩn bị được 1,8 - 2,1 cơ số đạn. Về xăng dầu cho máy bay, Quân chủng PK-KQ dự trữ đầy đủ tại các kho ở Bắc sông Hồng để bảo đảm cho sân bay Nội Bài, Yên Bái, Kép và ở Nam sông Hồng bảo đảm cho sân bay Hòa Lạc, Thọ Xuân... Mỗi sân bay dự trữ xăng dầu đủ cho 30 - 40 ngày chiến đấu; riêng sân bay Đa Phúc dự trữ lớn hơn... Các phương án tác chiến cũng được hoàn thiện và thông qua. Ngày 03/12/1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ báo cáo Bộ Tổng Tham mưu: mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B52 xong, quyết tâm của Quân chủng không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B52.
 
Từ giữa tháng 12/1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương và phức tạp: Hội nghị Pari bế tắc, do Mỹ lật lọng; Mỹ đưa thêm tàu sân bay đến Vịnh Bắc Bộ, liên tục cho máy bay trinh sát Hà Nội, Hải Phòng và thả thủy lôi phong tỏa vùng biển miền Bắc; Tổng thống Mỹ - Níchxơn thông qua kế hoạch Lainơbêchcơ II tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng.
 
Ngày 17/12/1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội PK-KQ chuyển lên trạng thái chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B52 đánh đêm từ Vĩ tuyến 20 trở ra. Do chuẩn bị khá chu đáo, ra đa ta có thể phát hiện B52 vào sớm 30 đến 10 phút, các lực lượng PK-KQ đã sẵn sàng tác chiến. Đêm ngày 18/12, Mỹ huy động 129 lần chiếc B52 và trên 160 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng; quân dân ta đã bắn rơi 8 máy bay của Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52 và 1 chiếc F111. Các ngày sau, ta tiếp tục bắn rơi 45 chiếc nữa, trong đó có 15 B52, 4 F111 (riêng đêm 20/12 ta bắn rơi 7 B52 và 7 máy bay chiến thuật). Ngay đêm 18/12, Binh trạm 20 cùng Tiểu đoàn 936 của Cục Vận tải và các lực lượng tăng cường khác tập trung lực lượng giải tỏa xong 4.000 tấn hàng quân sự và trên 1.000 tấn hàng kinh tế của Nhà nước ở khu vực Đông Anh, Yên Viên đưa đến nơi an toàn. 
 

Xác B52 trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội.
 
Sau đợt 1 (18-24/12), ta tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại đội hình, khẩn trương khắc phục về mặt kỹ thuật, sửa chữa, bổ sung, thay thế, điều chỉnh thêm lực lượng pháo PK và tên lửa cho Hà Nội. 
 
Trong đợt 2 (26-29/12) Mỹ đã huy động đến mức cao nhất lực lượng KQ chiến lược và chiến thuật, với thủ đoạn liên tục thay đổi hướng bay và đánh ồ ạt hơn vào Hà Nội, Hải Phòng, các trung tâm công nghiệp trên miền Bắc. Chủ yếu chúng đánh về ban đêm và ném bom rải thảm, làm thương vong nhiều dân thường. Đặc biệt, đêm 26/12, Mỹ huy động 129 lần chiếc B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên; tập trung vào các khu đông dân cư như phố Khâm Thiên, khu lao động Phương Mai, Mai Hương, bệnh viện Bạch Mai, thành phố Hải Phòng, thị xã Thái Nguyên, giết hại hàng ngàn dân thường. Trận chiến đấu chỉ diễn ra 1 giờ, nhưng lực lượng PK Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B52, bắt nhiều giặc lái.
 
Những đêm 27, 28/12, máy bay B52 Mỹ liên tục bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội. Bị tổn thất lớn mà không đạt được mục tiêu, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và ngừng ném bom từ Bắc Vĩ tuyến 20 trở ra; đồng thời, đề nghị gặp đại diện Chính phủ ta ở Pari để bàn việc ký Hiệp định. Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật F111, sử dụng nhiều khí tài điện tử gây nhiễu hiện đại, ném gần 2.000 tấn bom xuống các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của địch, lập nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111 là những loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. 
 
Trong 12 ngày đêm đó, hậu cần - kỹ thuật đã bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu chiến đấu của lực lượng PK ba thứ quân. Đạn tên lửa và cao xạ tiêu thụ rất lớn; riêng Sư đoàn phòng không 361 bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm, tiêu thụ 2.500 tấn đạn các loại (bằng 12% tổng số đạn tiêu thụ của cả Quân chủng PK-KQ trong chống hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ). Quá trình chiến đấu căng thẳng, ác liệt, địch đánh mạnh vào các trận địa, nhưng việc sửa chữa, khôi phục bổ sung và thay thế vũ khí, trang bị được tiến hành nhanh chóng; cứu chữa thương binh và nhân dân bị thương được thực hiện khẩn trương, kịp thời... 
 
٭    ٭
٭
 
Thắng lợi to lớn của cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973, rút hết quân Mỹ về nước. Quân và dân ta đã thực hiện “Đánh cho Mỹ cút...” và tạo ra điều kiện rất thuận lợi để tiến lên “đánh cho Ngụy nhào” trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu./.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Từ điển Bách khoa quân sự. Nxb QĐND. H 2005. tr179,189.
2. Tổng kết công tác kỹ thuật trong KCCM cứu nước. Nxb QĐND. H 2001. tr121- 123.
3. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam. Nxb QĐND, tập 2. H 1999. tr452-456.
4. Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam trong KCCM cứu nước. Nxb QĐND. H 2006. tr336-343.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng