Đất cằn sỏi đá hóa… rau xanh

28/04/2020, 09:44

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, chất đất, đơn vị phân tán…, nhưng Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) luôn bảo đảm tốt công tác hậu cần.

Vườn bầu ở Lữ đoàn Công binh 25 luôn trĩu quả.

Với đặc thù nhiệm vụ xây dựng công trình quân sự, đường tuần tra biên giới và bảo đảm vượt sông, các đơn vị của lữ đoàn đóng quân ở địa bàn biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do vậy, việc bảo đảm hậu cần gặp không ít khó khăn. Đại tá Phạm Hữu Quỳnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25 cho biết: Khó khăn nổi bật trong công tác tăng gia sản xuất (TGSX) của lữ đoàn là quân số ít, lại phân tán nhiều nơi, chủ yếu đóng quân ở gần biên giới, vùng sâu, vùng xa; vào mùa khô, lượng nước phục vụ tưới tiêu giảm mạnh… Do vậy, lữ đoàn chỉ đạo cơ quan hậu cần phải chủ động khảo sát điều kiện thời tiết, khí hậu, chất đất, quyết tâm khắc phục khó khăn để tăng gia, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn cho bộ đội.
       
Thực hiện chỉ đạo của lữ đoàn, cơ quan hậu cần đã thành lập đoàn khảo sát, thử nghiệm, xây dựng mô hình vườn rau, ao cá, chuồng gà, nuôi thêm vịt, cừu, bò, heo… để tận dụng diện tích nuôi, trồng khép kín; hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch TGSX chi tiết, luân canh theo mùa và đặc trưng thổ nhưỡng. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn đóng quân nên hiện tại lữ đoàn có 3 khu tăng gia tập trung, thì hai khu phải bố trí ở nơi khó khăn về thời tiết, khí hậu và điều kiện đất canh tác cằn cỗi. Trong đó, vị trí gần bến vượt thì gió to, độ dốc cao, đất bạc màu; vị trí gần rừng cao su thì nhiều sỏi đá và mủ cao su rất khó để TGSX. Để khắc phục, đơn vị phải tổ chức cho bộ đội đào bỏ lớp sỏi đá bên trên, ủ mùn và vận chuyển đất màu về trồng rau xanh; đồng thời tính toán loại rau, con giống và quy hoạch khu tăng gia hợp lý.
       
Tham quan khu TGSX do Phòng Hậu cần quản lý ở gần rừng cao su, chúng tôi nhận thấy hệ thống vườn, giàn khá quy củ, nhiều chủng loại, bảo đảm tính gối vụ, đan xen để luôn có rau xanh phục vụ bộ đội và tận dụng hợp lý chất dinh dưỡng. Gần đó là ao cá và đàn vịt hàng nghìn con. Chuồng gà được làm chắc chắn, có hệ thống xử lý phân kết hợp mùn rác ủ mục để tăng gia… Đại úy QNCN Nguyễn Quốc Minh, cán bộ Phòng Hậu cần, phụ trách khu tăng gia tập trung cho biết: “Lúc đầu, nhìn đất khô cằn, cỏ không mọc nổi vì dính mủ cao su; nước thì thiếu, điện sinh hoạt thì yếu, xa chợ, xa khu dân cư… chúng tôi ai nấy đều lo lắng. Tuy nhiên, sau khi Phòng Hậu cần khảo sát, lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tăng gia, chúng tôi tập trung xử lý đất, thử nghiệm con giống, cây giống thích hợp, chịu hạn, thích nghi với khí hậu rừng núi, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu… Đến nay, đơn vị đã có hơn 50 con heo lai, heo rừng, hơn 20 con trâu và đàn gà, vịt khoảng 2.000 con… phục vụ chu đáo đời sống cán bộ, chiến sĩ xây dựng công trình quân sự, thậm chí còn dư cung cấp thêm cho các đơn vị khác của lữ đoàn khi cần thiết”.
       
Ở khu TGSX gần bến vượt thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), do địa hình dốc, trống trải nên đất bạc màu và có gió thường xuyên, lữ đoàn chỉ đạo mua đất mới để cải tạo vườn tăng gia, che chắn kỹ xung quanh. Vật nuôi chủ yếu được lựa chọn thích nghi với đặc điểm khí hậu tại đây là gà, vịt, bò, cừu… Hiện tại, khu TGSX này đã có hệ thống vườn, giàn xanh tốt và gần 100 con cừu cùng đàn bò hơn 20 con.
   
Không chỉ bảo đảm tốt đời sống, đưa vào cải thiện bữa ăn cho bộ đội hơn 2.000 đồng/người/ngày và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành hậu cần Lữ đoàn Công binh 25 còn chủ động tham mưu xây dựng, sửa chữa doanh trại, doanh cụ, áp dụng mô hình, sáng kiến kỹ thuật để tiết kiệm kinh phí; trồng thêm nhiều cây xanh, củng cố cảnh quan, môi trường đơn vị xanh-sạch-đẹp… Đại tá Lê Văn Hinh, Chính ủy lữ đoàn khẳng định: Với tinh thần nỗ lực, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã quyết tâm chinh phục những khó khăn của địa hình, thời tiết, biến đất cằn sỏi đá thành rau xanh, ao cá phục vụ cuộc sống, nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

NGUYỄN MINH THUẬN