Huy động vốn qua thị trường vốn bằng 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

07/06/2022, 09:49

Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP). Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Ảnh: Duy Dũng.

Đây là số liệu về sự phát triển của thị trường vốn vừa được Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3.
 
Huy động vốn qua thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng
 
Theo báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Bộ Tài chính cho biết, với khung khổ pháp lý được hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường vốn, khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn, thị trường đã có bước phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào việc huy động nguồn lực của Chính phủ, các ngân hàng chính sách cho đầu tư phát triển và thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
 
Theo đó, chính sách phát triển thị trường đã thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hiện bao gồm: 1 luật, 8 nghị định, 15 thông tư.
 
Cùng với đó, thị trường đã hình thành và vận hành đầy đủ cấu phần bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh; đồng thời, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán đã được hiện đại hóa, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường.
 
Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021 (cổ phiếu: 93,8% GDP; trái phiếu chính phủ: 22,7% GDP; trái phiếu doanh nghiệp: 16,4% GDP), qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP).
 
Thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (trái phiếu chính phủ: trên 318 nghìn tỷ đồng; phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa: khoảng 143,5 nghìn tỷ đồng; trái phiếu doanh nghiệp: trên 637 nghìn tỷ đồng), tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong 5 tháng đầu năm 2022, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu (cả chính phủ và doanh nghiệp) là trên 250 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021.
 
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021. Quy mô giao dịch bình quân trái phiếu chính phủ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11.915 tỷ đồng/phiên; giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.
 
Thị trường phát triển nhanh hé lộ một số rủi ro cần chấn chỉnh
 
Đánh giá về những điểm tồn tại, hạn chế, Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
 
Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro. Theo đó, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cùng với đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.
 
Lý giải về những tồn tại trên, Bộ Tài chính cho hay, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường. Bên cạnh đó, hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, theo tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư, thậm chí có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn, do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.
 
Ngoài ra, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân, có trường hợp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
 
Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây đã phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật, trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.
 
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh; đồng thời, điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp.
 
Ngoài ra, về mặt truyền thông, do thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý; trước tác động của các thông tin quốc tế và trong nước bất lợi, các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm mạnh thời gian gần đây.

DUY THÁI/BNews.vn