Vận chuyển tiền mặt vượt Trường Sơn chi viện miền Nam

15/03/2022, 10:14

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 của quân dân ta đã giáng cho Mỹ - Ngụy những đòn chí mạng, làm rung chuyển toàn miền Nam, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới rất thâm độc và xảo quyệt. 

Vận chuyển tiền bằng ô tô vượt Trường Sơn vào miền Nam

Từ cuối năm 1968 đến 1969, lợi dụng sơ hở của ta ở vùng nông thôn, đồng bằng, Mỹ - Ngụy đẩy mạnh kế hoạch “bình định cấp tốc”, thực hiện âm mưu “quét và giữ” với trọng điểm là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven các đô thị ở Đông Nam Bộ; đồng thời, chúng tổ chức phòng thủ từ xa gồm 3 tuyến (ven đô, trung tuyến, biên giới) với sự tham chiến của 40% quân Mỹ ở miền Nam và 30% tổng quân số Nguỵ(1). Mặt khác, địch tăng cường rải chất độc hoá học, dùng phi pháo, máy bay (kể cả B52)... đánh phá có tính hủy diệt các vùng giải phóng, các căn cứ và khu vực quanh các căn cứ của ta và vùng chúng không kiểm soát được; nhằm bao vây, phong tỏa, triệt phá nguồn cung cấp cho lực lượng vũ trang ta. Dần dần địch đã khôi phục lại các vùng bị mất trong Tết Mậu Thân 1968 và lấn chiếm thu hẹp các vùng giải phóng cũ của ta. Từ cuối năm 1968 đến 1970, địch đã đẩy phần lớn lực lượng chủ lực và Hậu cần Miền (B2) lên vùng trung tuyến, vùng biên giới và sau đó sang Campuchia. Vùng giải phóng ngày càng bị thu hẹp, những “vành đai trắng” quanh các đô thị Đông Nam Bộ, đặc biệt là Sài Gòn đã được địch thiết lập và kiểm soát chặt chẽ; các tuyến vận tải của Hậu cần B2 nhiều lúc bế tắc... 
 
Ngày 18/3/1970, Lon Non được Mỹ giật dây đã đảo chính Chính phủ của Hoàng thân Xi-ha-núc. Chiến tranh lan rộng ra toàn cõi Đông Dương. Tuyến chi viện chiến lược 559 của ta bị địch ngăn chặn, đánh phá rất ác liệt. Mỹ - Ngụy đã tổ chức nhiều chiến dịch lớn xâm lược Campuchia. Đồng thời, chúng sử dụng tối đa phi pháo, máy bay các loại - nhất là B52 và các chất cháy, chất độc hóa học đánh phá huỷ diệt vùng “đất thánh” dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, nơi các căn cứ hậu cần B2 đứng chân. Abram - người thay thế Oét-mo-len đã tuyên bố: Nếu phá được “thánh đường” của Việt cộng ở sát biên giới Việt Nam - Campuchia thì chiến tranh sẽ kết thúc trong vòng một năm(2). Với sự đánh phá ác liệt của địch, hơn 40% vật chất của Hậu cần B2 (gồm 3.500 tấn gạo, 120 tấn muối, 700 tấn vũ khí đạn, 60 tấn thuốc và y cụ) bị tổn thất và 80% phương tiện vận tải bị hư hỏng (có 180 xe ôtô, 5.692 xe đạp thồ)(3); Đoàn hậu cần 17 của B2 (trên đất Campuchia) phải ngừng hoạt động, ta mất nguồn cung cấp từ địa bàn kế cận... Do mất đất, mất dân, mất cơ sở, Hậu cần B2 không thể thu mua được vật chất, lương thực thực phẩm nên khẩu phần ăn của bộ đội phải cắt giảm (từ 8/1969, tiêu chuẩn gạo từ 19kg giảm còn 14 kg/người/tháng, sau đó còn thấp hơn và phải độn củ, quả, rau rừng...); gạo dự trữ của Cục Hậu cần Miền có thời gian còn không đủ 1 tháng. Đại tướng Lê Trọng Tấn, khi ấy là Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam, trong buổi làm việc với Đoàn hậu cần 86 - Hậu cần B2, đã nói: “Gạo và đạn là tư lệnh tối cao trong lúc này; còn gạo, còn đạn thì còn đánh; hết gạo, hết đạn phải lo rút sớm. Hằng ngày giao ban tác chiến, tôi hỏi trước hết về hậu cần: Gạo, đạn còn bao nhiêu?”(4). 
 
Việc thu mua, khai thác vật chất trang bị hậu cần tại chỗ cũng rất khó khăn do phải gửi tiền từ miền Bắc vào, khi “chế biến” - chuyển đổi lại rất phức tạp và bị địch phá giá... Vì vậy, để giải quyết được vấn đề cung cấp tại chỗ phải giải quyết đồng bộ cả vấn đề cơ sở chính trị quần chúng, cơ sở đảng; kết hợp chính trị, quân sự, hậu cần (cả trong sản xuất tại chỗ; thu mua trong dân và của địch để trang bị cho ta). Trong khi đó, nguồn tài chính của B2 để thu mua, tạo nguồn tại chỗ ngày càng cạn dần. Đoàn hậu cần 81 chuyên lo tạo nguồn cho B2, tồn quỹ cuối tháng 10/1970 chỉ còn 1.000 đôla(5)... hậu cần đứng trước những khó khăn, thử thách gay gắt chưa từng có.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương đã sớm chỉ đạo Bộ Tư lệnh 559 thành lập Đoàn vận tải khu vực 470, khẩn trương mở đường vươn sâu vào B2 và “kiên quyết thay đổi cách tổ chức vận chuyển... đặc biệt là vận chuyển vũ khí, đạn dược cho B2 và cho Campuchia”. Lúc này, đường vận chuyển từ Bắc vào Nam chủ yếu là đường Trường Sơn. Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Tổng cục Hậu cần: Bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa bằng được hàng hóa tiếp tế cho chiến trường B2. Sau khi nắm, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình, mọi yếu tố và tính toán cân đối khả năng... phương án chuyển một lượng lớn tiền mặt các loại từ Hà Nội theo đường Trường Sơn vào B2 do Bộ Tham mưu Hậu cần và Cục Tài vụ đề xuất đã được chỉ huy Tổng cục Hậu cần phê chuẩn. Sau khi khảo sát đường sá, theo dõi tình hình đánh phá của địch và các điều kiện khác có liên quan, các cơ quan tham mưu thống nhất dùng loại xe Gát 69 thùng vuông để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Vì Gát 69 thùng vuông dễ cơ động, luồn lách trên các tuyến đường. Một chuyến cả đi và về mất khoảng 2 tháng. Ngày 27/4/1970, Đại đội xe con C100 được thành lập, trực thuộc Bộ Tham mưu Hậu cần - Tổng cục Hậu cần, chuyên lo chở tiền mặt các loại (Đô la Mỹ, Riên -tiền Campuchia, tiền Ngụy Sài Gòn...) từ Hà Nội vào Đông Nam Bộ theo đường Trường Sơn. Đội ngũ cán bộ đại đội và lái xe Đại đội C100 đều được lựa chọn kỹ càng cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lái xe, chuyên môn kỹ thuật sửa chữa xe, khả năng xử trí các tình huống trên đường... Ban chỉ huy đại đội gồm: Đồng chí Ninh (Đại đội trưởng), Đồng chí Cao (Chính trị viên), Đồng chí Nhã (Đại đội phó) và Đồng chí Chí (Chính trị viên phó). Chuyến đi đầu tiên do Chính trị viên đại đội chỉ huy, sau một tháng ròng rã vượt hàng ngàn km đầy gian nguy, thử thách, đoàn xe chở chuyến “hàng đặc biệt” đầu tiên vào đến Đông Nam Bộ an toàn và bàn giao trọn vẹn 10 triệu Đô la Mỹ cho Ban Kinh tài - Cục Hậu cần B2 quản lý để tạo nguồn hậu cần cho tác chiến. Đồng chí Bùi Phùng - Chủ nhiệm hậu cần Miền (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) rất vui mừng và đề nghị Bộ Tư lệnh Miền điện ra Tổng cục Hậu cần khen ngợi cán bộ chiến sỹ Đại đội C100 về chiến công này. 
 
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo - Chỉ huy Tổng cục Hậu cần, sự phối hợp chặt chẽ của Cục Tài vụ và Ngân hàng Nhà nước... những chuyến “hàng đặc biệt” tiếp theo đều lần lượt được hoàn thành tốt. Mặc dù khối lượng tiền vận chuyển rất lớn, nhiều loại, nhưng do tổ chức hiệp đồng, giao nhận chặt chẽ giữa Ngân hàng với C100 và giữa C100 với Hậu cần B2 nên quá trình thực hiện đã không để xảy ra sai sót, mất mát nào. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, những người thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này đã tích cực nghiên cứu, cải tiến hòm hộp đựng tiền đảm bảo chắc chắn, an toàn và có các thiết bị phòng cháy, chống nước thấm; đồng thời luôn nắm vững tình hình, quy luật hoạt động của địch và xử trí linh hoạt mọi tình huống trên đường... đưa hàng tới đích an toàn tuyệt đối. Từ 27/4/1970 đến 22/10/1971, Đại đội xe con C100 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển an toàn tuyệt đối và bàn giao đầy đủ cho Cục Hậu cần B2 tất cả 1.875 kiện tiền các loại(6), bảo đảm đúng thời gian và địa điểm quy định.
 
Với sự chỉ đạo kịp thời của Quân uỷ Trung ương, sự chi viện to lớn, kịp thời và hiệu quả của hậu phương lớn miền Bắc về nhân lực, vật chất, trang bị... trong đó có nguồn tài chính, và được nhân dân các địa phương hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, cùng với sự nỗ lực vượt bậc về mọi mặt... Hậu cần B2 và các chiến trường đã vượt qua thế bao vây, phong tỏa ngặt nghèo của kẻ thù sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thế trận và tiềm lực hậu cần các chiến trường được khôi phục, phát triển ngày càng vững mạnh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu hậu cần cho LLVT chiến đấu và chiến thắng, cùng  toàn dân làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.                           

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Lịch sử hậu cần Quân khu 7 (1945-1975). Nxb QĐND, H. 2000, tr. 438.
2. Lịch sử Tham mưu hậu cần QĐNDVN . Nxb QĐND, H 1993, tr. 177.
3. Lịch sử hậu cần... Sđd, tr. 473.
4, 5. Lịch sử hậu cần... Sđd, tr. 441, 443
6. Lịch sử Tham mưu... Sđd, tr. 179.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG