Vũ khí trang bị của quân đội thời xưa

07/12/2021, 09:22

Trải hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã giải quyết thành công nhiều vấn đề chiến lược, để lại hệ thống tri thức phong phú, trong đó có vấn đề xây dựng, nuôi dưỡng, trang bị cho quân đội cùng toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân. Để bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang nói chung, quân chủ lực (quân cấm vệ) nói riêng, các triều đại đã dựa vào huy động nguồn lực nhân dân, tổ chức các cơ sở tập trung chế tạo vũ khí, trang bị và lấy của địch trang bị cho ta...

Thủy quân Đại Việt trong trận Bạch Đằng năm 1288 (Ảnh minh họa).

Thời Hùng Vương, An Dương Vương đã tổ chức quân đội tập trung. Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đều có các kho tàng tích trữ lương thực, có tổ chức sản xuất vũ khí tập trung để cung cấp cho lực lượng vũ trang khi có chiến tranh xảy ra. Trong chiến tranh, lực lượng vũ trang địa phương phải tự cấp, tự túc vũ khí trang bị và có gì đánh nấy; quân chủ lực được cung cấp các loại vũ khí trang bị phù hợp yêu cầu nhiệm vụ tác chiến tập trung, nặng nề, khó khăn hơn với các binh chủng như bộ binh, thủy binh, đội quân bắn nỏ...
 
Thời Hùng Vương, đã có các đội quân thường trực nên việc rèn, đúc giáo, kiếm, mũi tên đồng, chế tạo cung, nỏ đòi hỏi phải có lượng kim loại và vật liệu lớn, kỹ thuật luyện kim và chế tạo tinh xảo; những việc ấy phải dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Hàng vạn mũi tên bằng đồng mà ngành Khảo cổ đã phát hiện ở Cổ Loa chứng tỏ thời đó tổ tiên ta đã tổ chức được những xưởng chế tạo vũ khí tập trung của Nhà nước. Việc luyện được hợp kim đồng thau tốt nhất, tạo dáng mũi tên nhỏ gọn, có cánh hình tam giác, có lỗ lắp chuôi làm cho tên bay nhanh, đi trúng đích, xuyên sâu, chứng tỏ trình độ kỹ thuật khá cao thời đó. Khu "Vườn thuyền" nơi đậu hàng trăm thuyền chiến cũng chứng tỏ đã có những xưởng đóng thuyền chiến tập trung.
 
Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... đều tấn công vào các châu, quận nơi đóng đại bản doanh của địch, có thành cao, hào sâu, quân đông và tinh nhuệ, bố phòng nghiêm ngặt, có nhiều vũ khí; đòi hỏi nghĩa quân phải có đủ gươm, giáo, cung, nỏ và các phương tiện đánh thành... Các cuộc khởi nghĩa thường kéo dài (vài tháng hoặc hàng năm), nghĩa quân phải có cơ sở làm vũ khí, tích trữ lương thực, có tổ chức vận chuyển, tiếp tế mới đánh thắng quân thù.
 
Sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ, nhờ có chính quyền nhà nước, có tài sản quốc gia dự trữ tập trung, quân đội chủ lực được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, gồm: bộ binh, kỵ binh, tượng binh, thủy binh, pháo binh; đồng thời, lực lượng vũ trang các châu, xứ, lộ, hương cũng được xây dựng; các cơ sở sản xuất vũ khí trang bị được tổ chức ngày càng chu đáo để phục vụ quân đội tác chiến thắng lợi.
 
Các đời Lý, Trần, Hồ, Lê, đều thành lập các xưởng của Nhà nước (quân xưởng), là một bộ phận của Cục Bách công (Bách Tác cục) để chế tạo các loại vũ khí đánh gần như trượng, giáo, mác, kiếm, đao, thương, mâu, dao găm... và các loại vũ khí đánh xa như cung, nỏ, máy bắn đá, hỏa pháo... 
 
Lúc bình thường, vì lý do an ninh xã hội, các triều đình phong kiến thường cấm dân chúng rèn, đúc và tàng trữ vũ khí; nhưng khi có chiến tranh, lại ra lệnh cho phép cả nước sắm sửa vũ khí đánh quân thù. Tháng 12/1044, vua Lý "xuống chiếu cho quân sĩ sửa soạn giáp binh". Trước cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất, tháng 11/1257, nhà Trần "truyền lệnh cho trong nước sắm sửa binh khí". Tháng 6/1286, để sẵn sàng đối phó với cuộc xâm lược lần thứ ba của nhà Nguyên, vua Trần ra lệnh cho các vương hầu, tôn thất mộ thêm binh lính và đồ khí giới, thuyền bè.
 
Với lối tổ chức quân đội “thời bình làm ruộng, thời chiến làm binh", các loại vũ khí thông thường như giáo, mác, cung, nỏ... do quân lính ở các lộ của vương hầu tự trang bị, sắm sửa. Các triều đại đều có những công xưởng của Nhà nước, gọi là quan xưởng, để chế tạo đồ dùng cho nhà vua và đồ quân dụng cho quân cấm vệ. Quan xưởng có thuê một số thợ lưu động từ các vùng quê, còn căn bản là cưỡng chế, bắt buộc thợ giỏi các nơi tập trung cưỡng bức lao động theo chế độ binh dịch hay phu dịch. Tù binh, người bị tội là thợ khéo cũng đựơc sung vào làm ở các quan xưởng.
 

Hồ Nguyên Trừng - người chế tạo ra súng Thần công
 
Các kho vũ khí được bảo vệ rất cẩn mật. Năm 1150, vua Lý Anh Tông ra lệnh: “Kẻ nào phạm việc qua lại ngoài địa đầu chái chứa khí giới của đô Phụng quốc vệ (cấm quân) thì xử 80 trượng tội đồ, còn nếu đã vào bên trong chái ấy thì xử tử. Quân Phụng quốc vệ ở trong chái ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, nếu không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá ra ngoài địa đầu thì xử tử”. Đời Hồ, năm 1405, Hồ Hán Thương đặt bốn kho quân khí, không kể là quân hay dân, người nào giỏi nghề sung vào làm việc.
 
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), nghĩa quân Lê Lợi vẫn sử dụng voi, ngựa, thuyền, bè và những vũ khí truyền thống; đồng thời, tổ chức chế tạo được một số loại vũ khí mới, các loại xe đánh thành... để đánh giặc. Sau khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lập ra nhà hậu Lê, đã tổ chức ra “Vũ khí thanh lại ty” thuộc Bộ Binh, chuyên trách việc sản xuất, quản lý khí giới. Thời kỳ này, trong quân đội đã có quy định về trang bị. Chẳng hạn, Trung quân phủ có 8 vệ, vệ nào cũng có sở súng, quy định về vũ khí ở các điểm canh. Việc sản xuất vũ khí do các xưởng vũ khí, các cục súng, các xưởng thuyền (là một bộ phận của các Cục Bách công của Nhà nước) tiến hành.
 
Những người thợ trong các xưởng này gọi là công tượng, là những người thợ giỏi bị Nhà nước trưng tập, sung vào các cục đó. Hàng năm, triều đình giao cho các quan lại địa phương tuyển chọn thợ lành nghề đem nộp. Công tượng tổ chức thành đội ngũ như quân lính theo chế độ đi "phen" (phiên), nếu trốn thì bị truy bắt và trị tội như binh lính đào ngũ. Ngoài ra, các xưởng này còn có những công nô - những người bị tội để sung vào sản xuất với thân phận nô lệ. Bộ Công chịu trách nhiệm quản lý người làm việc ở các nhà xưởng. 
 
Thuốc nổ đen phát triển khá sớm ở nước ta. Đầu thế kỷ thứ XV, Hồ Nguyên Trừng đã cải tiến những kỹ thuật chế súng sẵn có, sáng tạo ra phương pháp chế “súng Thần cơ” (đại bác), sử dụng thuốc nổ đen. Nhà Minh khi đánh chiếm nước ta đã bắt và trọng dụng Hồ Nguyên Trừng, sai đúc súng và thành lập binh chủng "Thần cơ doanh" (sau này, ông còn được nhà Minh tôn là Thần hỏa khí và lập đền thờ). Thời Tây Sơn, trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), trang bị của quân đội có bước tiến dài, trung bình 5 người có một khẩu súng cá nhân; đến năm 1789, khi đánh quân Thanh, cứ 2 đến 3 người đã có 1 súng và có khá nhiều đại bác. Điều đó chứng tỏ các cơ sở sản xuất đạt tới một quy mô, trình độ khá cao, có quy trình chế tạo nhất định mới chế tạo được sản phẩm hàng loạt như vậy.
 
Ngoài vũ khí, các quân xưởng còn chế tạo các loại phương tiện chiến đấu cho quân đội như: xe vận chuyển, xe công thành, thuyền chiến lớn, thuyền trinh sát, thuyền chỉ huy, thuyền xung phong, thuyền hỏa công, thuyền vận tải... 
 
Đời Lý, việc đóng chiến thuyền có quy mô rất lớn, kỹ thuật cao, nhờ đó năm 1075 - 1076, Lý Thường Kiệt mới có thể đưa 5 vạn quân vượt biển cùng các cánh quân trên bộ sang đánh các châu Khâm, Liêm, Ung; nhằm “Tiên phát chế nhân”, phá tan âm mưu xâm lược của nhà Tống. Đặc biệt, năm 1077, đạo quân hơn 10 vạn người của Lý Thường Kiệt đã được trang bị vũ khí, thuyền chiến... đầy đủ, lập phòng tuyến sông Như Nguyệt, đánh bại quân Tống, bảo vệ được chủ quyền độc lập của dân tộc. Đời Trần, quy mô thủy quân ngày càng lớn; cuộc hội quân thủy - bộ ở Vạn Kiếp (năm 1284) có tới 20 vạn quân. Trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng (1288), Trần Hưng Đạo đã có một đội thủy quân rất mạnh, có chiến thuyền và vũ khí đủ sức diệt gọn hàng chục vạn quân Nguyên - Mông. Thế kỷ 17, bùng nổ chiến tranh Trịnh - Nguyễn, hai phe tham chiến đều nới bớt chính sách “bế quan, tỏa cảng”, cho người nước ngoài vào buôn bán; hàng hóa mua vào chủ yếu là vũ khí, thuốc súng... nên quân đội có một số loại vũ khí trang bị mới của Châu Âu.
 
Thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú trọng xây dựng hạm đội với nhiều chiến thuyền; có những chiến thuyền chở được cả voi, ngựa, có chiếc chở được 700 lính, gắn 60 đại bác và đội thuyền buồm vận tải có 1.600 chiếc. Nhờ vậy, thủy binh quân Tây Sơn có khả năng thần tốc trong các cuộc hành quân tác chiến. Trận thủy chiến lớn Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), Nguyễn Huệ đã tiêu diệt gọn hơn 4 vạn quân Xiêm và bọn tay sai. Năm 1786, nghĩa quân bất thần đổ bộ hàng vạn quân vào Thăng Long, giáng những đòn sấm sét, làm tan rã cơ đồ nhà chúa Trịnh trong cuộc tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, chấm dứt nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài hơn 200 năm.
 
Triệt phá nguồn cung cấp của địch, làm cho chúng khốn quẫn về tiếp tế; đồng thời lấy của địch để diệt địch là một kế sách lớn tổ tiên ta đã thực hiện rất thành công. Trần Quốc Tuấn đã nêu rõ: "Khó khăn về sức, thì mượn sức của địch; không có của, thì mượn của của địch; không có sản vật, thì mượn sản vật của địch”. Lê Lợi từ tay trắng dấy binh khởi nghĩa, coi việc lấy của giặc để diệt giặc là vô cùng quan trọng. Nguyễn Trãi đã chỉ rõ: “Lương thực, khí giới lấy của giặc làm của mình. Kế vạn toàn nắm vững, một mũi tên không để phí” và “Giặc có bao nhiêu mác, mộc, cung, tên ấy là giúp ta làm chiến cụ. Giặc có bao nhiêu vàng, bạc, châu báu, ấy là cung cho ta làm quân lương; cái mà chúng muốn dùng để hại ta, lại trở lại làm hại chúng, cái mà chúng muốn dùng để đánh ta lại trở lại đánh chúng”. Do coi trọng việc đánh chiếm vật chất, trang bị, vũ khí của giặc nên nghĩa quân ngày càng mạnh: “Trước kia ăn không nề hai bữa, mà nay với lương thực của các người (tức quân Minh), tích trữ ăn được ba chục năm. Trước kia thì khí giới không trơn, mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho...”.
 
Như vậy, bài học tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh của toàn dân, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội; đồng thời, chú trọng lấy của địch để giết địch, làm cho ta càng đánh càng mạnh và thắng lớn... là những bài học xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát triển các bài học đó là một trong các yếu tố góp phần xây dựng Quân đội ta để cùng toàn dân làm lên những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc chiến tranh cách mạng vừa qua. Ngày nay, những bài học đó cần được nghiên cứu, kế thừa và phát triển phù hợp với điều kiện mới để xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tìm hiểu công tác hậu cần thời xưa. Tổng cục Hậu cần, 1977, tr126-148.
Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang