Doanh nghiệp Quân đội tích cực tháo gỡ khó khăn, chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19

21/04/2020, 09:27

Nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp này, Ban Bí thư và Chính phủ đã có nhiều các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, với sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện, thậm chí là nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước ta, với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch, sản xuất kinh doanh bị đình trệ trên diện rộng; đồng thời ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động. Thống kê dự báo: những ngành, hàng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bao gồm xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải; những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp như: sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện-điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, đầu tư, thu chi ngân sách, phát triển doanh nghiệp...
 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%); khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng trong các năm 2016-2020... Đồng thời, tình hình lao động thiếu hụt việc làm cũng sẽ gia tăng theo thời gian diễn biến dịch bệnh, điều này sẽ dẫn tới giảm mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng phục hồi của doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.
 
Cũng như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) hiện đang sản xuất và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề; trong đó tập trung nhiều vào hoạt động xây dựng, thương mại xuất nhập khẩu, dịch vụ và sản xuất công nghiệp… Do đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các DNQĐ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, như: Khó khăn trong tìm nguồn, mua sắm vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất do nguyên liệu sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nhà máy của Trung Quốc, trong khi hiện nay hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chỉ đang ở mức cầm chừng, duy trì. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trang thiết bị máy móc phục vụ các hợp đồng thương mại bị gián đoạn do chịu ảnh hưởng của việc nhập khẩu, nghiệm thu bàn giao hàng hóa từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Thực tế này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ bàn giao hợp đồng cho khách hàng; nhiều hợp đồng đến nay đã bị khách hàng yêu cầu hoãn hoặc hủy. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ sản xuất cũng gây ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ triển khai công việc, sản lượng sản xuất của các đơn vị.
Nhiều hoạt động kinh doanh, bán lẻ bị đình trệ, doanh thu bán hàng sụt giảm do các đại lý, hộ kinh doanh tạm dừng ký hợp đồng mua hàng; học sinh sinh viên nghỉ học dài ngày; khách du lịch trong và ngoài nước giảm nên nhu cầu sử dụng, tiêu thụ sản phẩm không nhiều; hợp đồng vận tải ở nhiều khu vực giá giảm sâu do không có khách hàng…
Ngoài các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNQĐ như đã nêu trên; trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì các DNQĐ còn gặp vấn đề phát sinh khác gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị, cụ thể: Nhiều hoạt động tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ, triển lãm, hội chợ, hội thảo,… của các đơn vị, doanh nghiệp đối với khách hàng, đối tác bị hoãn, hủy; các đoàn công tác đi nước ngoài, đoàn chuyên gia nước ngoài cũng phải dừng xuất nhập cảnh nên ảnh hưởng lớn đến việc đàm phán, xúc tiến hợp đồng, cũng như tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra của đơn vị, doanh nghiệp. Các kế hoạch, hoạt động huấn luyện, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cả trong nước và nước ngoài của nhiều đơn vị phải thay đổi, tạm dừng ảnh hưởng đến việc duy trì, nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên…
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước, các DNQĐ vẫn tiếp tục phát huy vai trò trên mặt trận kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an sinh xã hội để cùng chung tay với công cuộc “chống dịch như chống giặc” của toàn dân. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho công tác phòng, chống dịch, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tích cực vận hành các hệ thống đảm bảo an toàn - an ninh mạng, miễn phí dịch vụ dạy và học trực tuyến, cung cấp và triển khai các ứng dụng giúp Chính phủ quản lý việc kê khai y tế tại các cửa khẩu sân bay, cảng biển…; các doanh nghiệp thuộc khối Hậu cần quân đội (Công ty X20, X26, Armephaco…) triển khai nghiên cứu chế tạo các mẫu khẩu trang, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch với khối lượng lớn để cung cấp cho thị trường; Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn triển khai các hoạt động hỗ trợ (tặng bồn chứa, bình lọc nước…) cho nhân dân vùng hạn, mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để nâng cao chất lượng sinh hoạt trong mùa dịch bệnh….
 
Trước những tác động, ảnh hưởng tiêu cực toàn diện và sâu rộng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh tế của Việt Nam,  ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, Chính phủ sẽ triển khai cung cấp gói tín dụng 250 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ thuế 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp cả nước đối phó, giảm thiệt hại do sự tác động của dịch gây ra. Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng cho giải pháp này. Bộ Tài chính cũng đang lên kế hoạch để thực hiện gói hỗ trợ thuế, giảm thuế, giãn thuế cho doanh nghiệp, trị giá 30 ngàn tỷ đồng. 
 
Đối với các DNQĐ, để đồng hành cùng với quyết tâm phòng, chống dịch bệnh và tăng cường ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Nhà nước, cần tập trung nâng cao hơn nữa tinh thần quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, trong đó chú trọng vào một số nội dung nhiệm vụ chủ yếu như sau:
 
Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, địa phương; chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch Covid-19; nhận thức đầy đủ và tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp vừa phòng, chống dịch vừa tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Hai là, các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên, người lao động về dịch và các biện pháp phòng chống dịch để tránh tư tưởng chủ quan, nhưng không hoang mang dao động trước những diễn biến phức tạp của dịch; chủ động đưa ra các giải pháp nhằm trấn an tâm lý người lao động, vì cán bộ công nhân viên là tài sản quý nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, phát huy nguồn lực, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài Quân đội, kết hợp quân dân y, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch.
 
Ba là, song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần chiến đấu, xác định đây là thời điểm “trong nguy có cơ” để tìm kiếm nắm bắt các cơ hội để triển khai đa dạng hóa, đa phương hóa sản phẩm, dịch vụ và thị trường, tránh "bỏ trứng vào một giỏ", phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác…; đồng thời đẩy nhanh quá trình nâng cao năng lực công tác quản trị, ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành cùng với tăng cường sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp một cách quyết liệt, mạnh mẽ. Tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh…
 
Bốn là, các doanh nghiệp cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Nhà nước về việc hỗ trợ tín dụng, thuế phí… và chủ động thực hiện các giải pháp vượt qua khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để triển khai thành công các nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn vị năm 2020.
 
Năm là, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần đồng hành, tích cực đề xuất tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng kịp thời có những định hướng, chỉ đạo để hỗ trợ các DNQĐ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, nhằm đảm bảo việc triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp công ăn việc làm như: Hỗ trợ ngân sách cho một số doanh nghiệp đặc thù, các doanh nghiệp phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, CN&VCQP, Hợp đồng lao động; Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt là các thị trường nước ngoài nơi chưa có dịch; Cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy mạnh công tác thông quan hàng hóa…
 
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của toàn thể bộ máy Chính phủ, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể trong Bộ Quốc phòng, với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNQĐ nói riêng, tin tưởng rằng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn và duy trì phát triển, góp phần vào việc ổn định, duy trì phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 
Đại tá Nguyễn Việt Anh
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP