Đối ngoại quốc phòng góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

01/06/2020, 13:09

Từ xa xưa, tổ tiên ông cha ta đã chú ý toàn diện việc dựng nước và giữ nước. Việc giao thương, đối nội và đối ngoại đều được chú ý. Từ khi có Đảng đến nay, qua các kỳ đại hội đều đưa ra những quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương pháp rất sâu sắc và cụ thể về công tác đối ngoại (CTĐN).

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần tạo vị thế, vai trò của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới. Trong ảnh: Lễ kéo cờ bàn giao Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Anh cho Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: QĐND.

Nhìn lại trong những năm qua, có thể điểm lại những kết quả quan trọng, đó là: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của CTĐN trong tổng thể đường lối phát triển đất nước, đồng thời nêu rõ hai nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đối ngoại là bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để triển khai các nhiệm vụ xây dựng đất nước trong 5 năm qua và những năm tiếp theo, Đảng ta đã đề ra mục tiêu ở mức cao nhất, đó là: “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.
 
Thực tế cho thấy, những năm qua, CTĐN gặt hái được không ít thành công trên cả bình diện song phương và đa phương. Việc thiết lập, mở rộng quan hệ với các quốc gia, cũng như tham gia và là thành viên của các tổ chức, định chế quốc tế trên tinh thần hai bên cùng có lợi, giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với đó, các hiệp định hợp tác được ký kết đã hỗ trợ sức mạnh cho sự phát triển có chiều sâu và bền vững của kinh tế theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chúng ta đã quán triệt, đi đúng theo đường lối, quan điểm của Đảng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, giữ vững phên giậu quốc gia để xây dựng, phát triển đất nước.
 
Đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) Việt Nam là bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu của ĐNQP Việt Nam là thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nhằm góp phần vào công cuộc củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN), xây dựng lực lượng vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
 
Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, ngoại giao nhân dân, hoạt động ĐNQP không ngừng được đẩy mạnh theo hướng phát triển sâu, rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, định chế quốc tế, góp phần từng bước đưa quốc phòng Việt Nam hội nhập thế giới. Đặc biệt, trong 5 năm qua, CTĐN, trong đó có ĐNQP, đã quán triệt đường lối, quan điểm, nguyên tắc, phương châm Đại hội XII của Đảng, có nhận thức và bước chuyển mình quan trọng và rộng khắp; đã thực hiện nghiêm túc các quan điểm của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
 
Bằng kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, ĐNQP đã có vị trí quan trọng trong quan hệ, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, phản ánh chân thực chính sách quốc phòng hòa bình của Việt Nam, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lợi ích chính đáng của Việt Nam, qua đó có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
 
Bên cạnh đó, cũng chính từ việc thúc đẩy ĐNQP sâu rộng, chúng ta đã tranh thủ được nhiều hơn các nguồn lực từ bên ngoài để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của quân đội và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, ĐNQP Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là những thành tựu hết sức quan trọng, khẳng định bước trưởng thành mới của Quân đội ta trên mặt trận đối ngoại.
 
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới bước vào giai đoạn mới. Bản chất của các thế lực thù địch không thay đổi nhưng sách lược tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Trong khi, có những quốc gia vì bảo vệ quyền lợi thậm chí bỏ qua cả luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Vì vậy, CTĐN, trong đó có ĐNQP đòi hỏi và đặt ra yêu cầu rất cao. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là mục tiêu, phương châm, nguyên tắc trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một cách sâu sắc, để nâng tầm công tác ĐNQP lên một tầm cao mới, phù hợp với tình hình và tính cấp bách trong 5 năm tới.
 
Trên cơ sở những phương châm, quan điểm, nguyên tắc đối ngoại của Đảng vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta cần:
 
- Chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong mọi tình huống. Thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các nguyên tắc, phương châm đối ngoại trong điều kiện mới. Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; mà cái bất biến là lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, để ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình và quan hệ quốc tế.
 
- Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, lấy hợp tác làm nền tảng, đấu tranh bằng biện pháp phi vũ trang là chủ yếu. Hợp tác khai thác, phát huy cao nhất mặt đồng thuận, tạo cơ sở để xây dựng lòng tin, thực hiện “cùng thắng, cùng có lợi”, hạn chế, hóa giải mâu thuẫn, đối đầu. Đấu tranh phi vũ trang nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, kiềm chế không để bùng phát thành xung đột vũ trang, chiến tranh.
 
- Chủ động thúc đẩy quan hệ song phương, đa dạng hóa quan hệ đa phương để phát triển các mũi nhọn kinh tế, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước;
 
- Chủ động chuẩn bị và tham gia các tổ chức quốc tế mà chúng ta có khả năng. Đồng thời, phải chuẩn bị đầy đủ nguyên tắc, chế độ, chính sách cho lực lượng này để họ yên tâm làm nhiệm vụ.
 
- Chủ động hợp tác quốc tế, phòng, chống thiên tai dịch bệnh với khả năng của mình.
 
Đó là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi. Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất. Muốn làm được trong điều kiện hiện nay và sắp tới, chúng ta phải nắm chắc, hiểu đúng, chủ động trên tất cả các mặt đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về kinh tế, quốc phòng. Tất cả để tạo thành sức mạnh tổng hợp thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Vì thế, cần phải hiểu thật đúng, đủ nội dung đối ngoại trong văn kiện của Đảng, bất cứ lĩnh vực đối ngoại nào đều nên chú ý “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN”. Vì thế, chúng ta cần củng cố niềm tin vào đường lối của Đảng, cần hiểu thật rõ bảo vệ chủ quyền trên cơ sở hiện trạng đó là dấu ấn lịch sử, đừng nóng vội hoặc hiểu sai, dẫn tới tư duy không đúng, tham mưu không trúng. Cũng như vậy, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” không có nghĩa là xóa sạch quá khứ, từ đó tham mưu cũng không trúng. Hoặc “đấu tranh và hợp tác, hợp tác và đấu tranh” không bị lẫn lộn khi đối tác thay đổi sách lược. Hiểu đúng, làm đúng là cả quá trình nghiên cứu, rèn giũa tư duy, không phải tự nhiên mà có. Mặt khác, hết sức tránh bộ phận tôi, nhóm tôi, cá nhân tôi dễ dẫn tới thất bại. Cũng như vậy, trong hội nhập quốc tế, “hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị”, hội nhập quốc tế phải phát huy tối đa nội lực, gắn với nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Hội nhập về chính trị cần tiếp tục làm sâu sắc hơn các quan hệ với những đối tác chiến lược. Hội nhập kinh tế thực chất hơn, đặc biệt là các mũi nhọn của nền kinh tế. Hội nhập trong lĩnh vực QPAN phải bảo đảm không bị bất ngờ. Đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động mà chúng ta cam kết với LHQ và các tổ chức quốc tế.
 
Do vậy, đòi hỏi cán bộ đối ngoại ở Trung ương tới địa phương, các ngành, các cấp khác nhau cần quán triệt các quan điểm của Đảng để nâng tầm bản lĩnh chính trị, hiểu đúng, hiểu đủ, làm đúng, linh hoạt nhưng không xa rời mục đích thì mới đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng, đất nước giao phó. Làm tham mưu một cách chủ động, muốn làm được cần có tư duy hệ thống, dự đoán trước, đón đầu, có công tác chuẩn bị thật tốt về các tình huống cho một nhiệm vụ cũng như cho cả một chiến dịch, chiến lược. Phải xác định cho được các cơ quan đối ngoại là tham mưu, các lực lượng ở phía trước là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận chiến đấu không có tiếng súng. Phải chấp nhận sự hy sinh quyền lợi cá nhân, quyền lợi bộ phận của ngành, bộ mới giành được thắng lợi. Không được lơ là chủ quan, luôn bám theo mục đích tối thượng chiến lược của Đảng, của đất nước. Bám sát chiến lược, sách lược của từng đối tác, đối tượng, tránh bị sa vào sách lược của họ. Từng cán bộ đối ngoại, nhất là cán bộ trẻ, gắng sức học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
 
Riêng về ĐNQP, cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa thực lực đất nước và đối ngoại, xây dựng sức mạnh tổng hợp, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Đối ngoại phải có nghệ thuật, nhưng không phải chủ yếu dựa vào tài khéo léo trong giao thiệp, mà còn bao gồm cả thực lực của đất nước. Trong thời đại hội nhập quốc tế, thực lực đất nước còn bao gồm cả vị thế, uy tín quốc tế, thể hiện qua các quan hệ song phương, đa phương và sự đóng góp của Việt Nam cho các hoạt động, tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
 
ĐNQP cũng phải tích cực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác, ĐNQP phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc, tiếp thu các kiến thức quân sự hiện đại của thế giới. Mặt khác, thông qua thương mại quốc phòng và các cơ chế hợp tác công nghiệp quốc phòng, ĐNQP cần tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học-công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến… để trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện.
 
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất cao; đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng, phát huy truyền thống, đổi mới tư duy, hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi quan điểm, phương châm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Trên đây là một vài nội dung nhỏ nhằm gợi ý giúp những cán bộ đang làm, sắp làm cùng suy ngẫm để tạo thêm động lực nhỏ, góp phần nhỏ vào nhiệm vụ đối ngoại thành công, để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đón nhận Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với một niềm tin phấn khởi, bước tiếp những chặng đường tiếp theo.
 
Trung tướng PHẠM THANH LÂN
Nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng