Động lực tinh thần... nâng những cánh bay

14/09/2019, 10:56

Là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh, Binh đoàn 18 (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam) có nhiệm vụ chính trị trung tâm là vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) được giao. Trong những năm qua, nhờ triển khai thực hiện sâu rộng Phong trào Thi đua Quyết thắng nên binh đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...

Trực thăng của Binh đoàn 18 thực hiện nhiệm vụ bay cấp cứu đưa bệnh nhân từ đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về đất liền an toàn.

Vượt khó bằng sự năng động, sáng tạo

Trong lĩnh vực SXKD, Binh đoàn 18 cung cấp dịch vụ trực thăng cho khách hàng trong nước và nước ngoài với các loại hình cơ bản như: Bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí, bay MIA, bay cứu hỏa, bay du lịch-dịch vụ; bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu và cung cấp vật tư, khí tài trực thăng; huấn luyện, đào tạo phi công trực thăng và nhân viên kỹ thuật hàng không. Trong khi đó, nhiệm vụ QS, QP binh đoàn được giao là trực sẵn sàng chiến đấu cấp 2; kết hợp bay thương mại với bay quan sát, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; bay chuyên cơ; bay cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, vận tải quân sự...
   
Đại tá Nguyễn Xuân Bội, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 18 chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2015 đến 2017, do thị trường dầu khí có những diễn biến phức tạp, giá dầu thô giảm sâu, dẫn đến nhu cầu sử dụng trực thăng phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí của các khách hàng giảm nhiều. Điều đó đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD của đơn vị.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Binh đoàn 18 đã tìm hướng đi mới cho hoạt động SXKD, thông qua “khai mở” những dịch vụ mới. Ngoài thị trường truyền thống trong nước, binh đoàn đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài như bay dân dụng tại Ấn Độ; bay cứu hỏa tại Indonesia; đẩy mạnh phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu máy bay trực thăng hệ Mi ra thị trường các nước trong khu vực như Ấn Độ, Australia, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Lào, Campuchia...

Theo nhiệm vụ được giao, từ giữa năm 2017, Binh đoàn 18 triển khai thực hiện nghiêm chế độ trực SSCĐ cấp 2 cả ngày và đêm. Ngoài ra, công tác trực cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, vận tải quân sự tại cơ quan binh đoàn và các đơn vị đều được duy trì nghiêm, bảo đảm tốt lực lượng, máy bay, phương tiện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ bay quân sự theo lệnh của Bộ Quốc phòng. Trong 5 năm qua, toàn binh đoàn đã thực hiện 557 giờ bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đi công tác trong nước và nước ngoài; bay cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, vận tải quân sự... Gần đây nhất, vào giữa tháng 8 vừa qua, máy bay của Công ty Trực thăng miền Nam (Binh đoàn 18) đã bay vượt biển nhiều giờ trong đêm tối, cất hạ cánh nhiều lần tại các đảo Trường Sa, Sơn Ca (thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), đưa quân nhân bị đột quỵ về đất liền điều trị kịp thời...

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với phong trào thi đua “Giờ vàng nâng những cánh bay”, “Năng suất, chất lượng”, Công ty Trực thăng miền Nam đã phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật để khắc phục tốt sự cố lỗi kỹ thuật hộp số trên máy bay EC-225, phục vụ bay an toàn; động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên tự nguyện làm thêm ca, thêm giờ, cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ mà không cần tính công và bồi dưỡng, để thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa những hư hỏng của máy bay nhằm bảo đảm tốt số lượng, chất lượng máy bay đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động bay với cường độ cao.

Đại tá Tạ Xuân Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Nam cho biết: “Thông qua phong trào thi đua, cán bộ, nhân viên công ty đã nghiên cứu, tìm ra hướng đi mới, với loại hình dịch vụ mới, như đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ bay cứu hỏa ra thị trường nước ngoài. Đây là một khoa mục bay rất khó đối với lực lượng trực thăng, nhưng với quyết tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên, công ty đã tổ chức huấn luyện và xuất khẩu thành công dịch vụ sang thị trường Indonesia từ năm 2016 đến nay, với số giờ bay thực hiện khoảng 400 giờ/năm. Nhờ uy tín được xây dựng từ loại hình bay cứu hỏa, năm 2019, công ty đã ký thành công hợp đồng cho thuê trọn gói với đối tác thứ hai ở Indonesia. Với hợp đồng mới này, trực thăng của công ty sẽ hoạt động liên tục tại Indonesia từ 2 đến 3 năm”.

Ở Công ty Trực thăng miền Bắc, phong trào thi đua “Vượt khó vươn lên” đã thể hiện được tính hiệu quả và sự lan tỏa trong những năm qua. Lãnh đạo, chỉ huy công ty luôn coi trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; kết hợp giữa đào tạo chuyên môn với nâng cao nhận thức chính trị và trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật, văn hóa… giúp cán bộ, nhân viên khai thác, làm chủ các trang thiết bị hiện đại và giao tiếp, phục vụ hiệu quả các đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài. Thượng tá Phạm Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc cho biết: “Đến nay, Công ty đã thực hiện được 135 đợt bay MIA trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Giai đoạn 2014-2019, công ty cũng đã tạo được dấu ấn trong hoạt động SXKD với việc xuất khẩu dịch vụ máy bay sang thị trường Ấn Độ và đầu tư dự án mua máy bay mới, phát triển bay du lịch ngắm cảnh Vịnh Hạ Long bằng máy bay Bell-505, bước đầu đạt kết quả tốt”.

Với phong trào thi đua “Ham bay, say học”, Trung tâm Huấn luyện của Binh đoàn 18 đã góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là huấn luyện, đào tạo cơ bản phi công trực thăng cho binh đoàn. Đến nay, Trung tâm Huấn luyện đã được Cục Hàng Không Việt Nam phê chuẩn là Tổ chức huấn luyện hàng không mức 1 (ATO – Lever1). 5 năm qua, Trung tâm đã đào tạo cơ bản được 25 phi công; huấn luyện chuyển loại trên các máy bay cho hàng trăm lượt phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không thuộc các đơn vị thành viên của Binh đoàn, Quân chủng Hải Quân và thực hiện hợp đồng huấn luyện cho nhân viên kỹ thuật hàng không của Ấn Độ. Trong khi đó, thông qua phong trào thi đua “Đôi bàn tay vàng”, “Sáng về phẩm chất, giỏi về kỹ thuật”, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Trực thăng (Helitechco) đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những năm qua, công ty đã ký được nhiều hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu hơn 20 máy bay trực thăng hệ Mi các loại, sửa chữa lớn hơn 600 bộ phụ tùng và hàng trăm thiết bị phức tạp; cải tiến nhiều hệ thống trên trực thăng cho khách hàng trong nước và nước ngoài như: Ấn Độ, Australia, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Lào, Campuchia. Sản phẩm dịch vụ của Helitechco đã khẳng định được vị thế của công ty nói riêng và Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nói chung đối với khách hàng trong nước và khu vực.

Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng được Binh đoàn 18 triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Từ năm 2014 đến 2019 đã có 19 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được triển khai, qua đó tiết kiệm chi phí hàng triệu USD. Trong đó có một số sáng kiến đáng chú ý như: Nghiên cứu và hoàn thiện phần mềm quản lý bảo dưỡng vật tư, khí tài trực thăng RAMCO; quản lý bảo dưỡng từ xa thông qua mạng Internet trong công tác quản lý kỹ thuật khi máy bay hoạt động xa căn cứ; lắp đặt thiết bị ghi hình buồng lái Vision 1.000 để ghi hình ảnh, tham số bay và hành động của tổ bay trên máy bay hệ Mi và Cabri G2; lắp đặt hệ thống Helisafe trên máy bay Cabri G2, giúp theo dõi hành động của tổ bay, ghi tham số của máy bay, động cơ và có thể dựng lại toàn bộ quỹ đạo, hành trình, trạng thái của máy bay, giúp phi công xem lại đánh giá kỹ thuật bay và có biện pháp rút kinh nghiệm, cải thiện chất lượng huấn luyện...

Đề cập đến kết quả đạt được của Binh đoàn 18 trong thời gian qua, Đại tá Nguyễn Xuân Bội vui mừng cho biết: “5 năm qua, toàn binh đoàn thực hiện được gần 70.000 giờ bay an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao; hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ giao nộp ngân sách với Nhà nước và cấp trên. Năm 5 liên tục, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đạt Doanh nghiệp loại A; là một trong những đơn vị dẫn đầu khối doanh nghiệp Quân đội và Nhà nước về hiệu quả SXKD và thực hiện nhiệm vụ QS, QP”.

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng là minh chứng sinh động cho thấy, phong trào thi đua của Binh đoàn 18 đã trở thành động lực tinh thần quan trọng khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó góp phần nâng những cánh bay...

HOÀNG HÀ - XUÂN NAM