Xã hội hóa bảo đảm hậu cần quân đội trong tình hình mới

15/03/2022, 10:16

Xã hội hóa (XHH) bảo đảm hậu cần quân đội là xu hướng chủ yếu và cho hiệu quả tốt với quân đội các nước: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc… thông qua vai trò của các nhà thầu (trong nước và quốc tế) cung cấp vật chất, trang bị và các dịch vụ hậu cần tiện ích có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quân đội. 

Ảnh minh họa.

Trong 42 ngày chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Mỹ tiêu tốn 61,1 tỉ USD (50 tỉ USD các nước viện trợ), bình quân 1,5 tỉ USD/ngày. Nhờ XHH bảo đảm hậu cần, họ đã huy động hơn 80 ngành nghề kỹ thuật, kinh tế của Mỹ sản xuất 1/3 số thiết bị hậu cần theo yêu cầu tác chiến ở sa mạc; có 73 công ty cung cấp lương thực thực phẩm, quân trang và thuốc men (riêng công ty Holmui và Ficher, đã sản xuất “bữa ăn chất lượng cao” trị giá 670 triệu USD); trưng dụng máy bay hành khách của 38 công ty hàng không và 341 máy bay vận tải của lực lượng dự bị, 170  tàu buôn, 7 ngành đường sắt của 7 bang, hàng vạn chiếc xe vận tải vận chuyển vật tư đến vùng Vịnh. Mỹ đã thuê chuyên gia thuộc 26 đơn vị thầu ổcTung Đông tổ chức thành các tổ công tác đến Ả-rập Xê-út xây dựng và quản lý kho tàng, tư vấn kỹ thuật, tiến hành chỉ đạo sửa chữa tại chỗ.. Ả-rập Xê-út không chỉ cung cấp cảng, các căn cứ quân sự ở phía Bắc cho quân đội Mỹ mà còn cung cấp các loại vật tư, khí tài, xăng dầu, đồ ăn, nước uống, chăn màn, thiết bị tắm rửa... và dịch vụ vận tải trị giá 14,3 tỉ USD. Mỹ còn đặt mua các khí tài trang bị với giá trị hàng mấy tỉ USD của hơn 1000 công ty của Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ca-na-đa... Được sự chi viện to lớn của lực lượng dân dụng trong nước và các nước đồng minh, lực lượng hậu cần của quân đội Mỹ ở vùng Vịnh nhanh chóng được mở rộng (tại ngũ chỉ chiếm 30%, ngạch dự bị chiếm tới 70%). Điều đó cho thấy XHH bảo đảm hậu cần không chỉ cho phép giảm biên chế hậu cần quân đội mà còn lợị dụng được nguồn lực hậu cần to lớn trong nước và quốc tế. Với quân đội Trung Quốc, XHH bảo đảm hậu cần cũng được quan tâm. Hiện nay, trừ các đơn vị từ sư đoàn trở xuống, còn lại tất cả các cơ quan, bệnh viện, nhà trường... việc bảo đảm ăn uống đều do các nhà thầu tổ chức dưới hình thức tự chọn; các lĩnh vực xây dựng, bảo đảm xăng dầu thông dụng đều do các doanh nghiệp dân sự đảm nhiệm. 
 
Với quân đội ta, XHH bảo đảm hậu cần là xu hướng mới, nhưng đã có tiền đề lịch sử - đó là hậu cần nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, để chống lại kẻ thù xâm lược, tổ tiên ta lấy “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, thực hiện kế sách “ngụ binh ư nông”, phát triển “đồn điền binh” để “quốc thịnh, binh cường”… Khi giặc đến thì “tận dân vi binh”, “cả nước chung sức”, “cử quốc nghênh địch”, lập kho, lập áng nơi hiểm ải kết hợp với “nhà nhà chứa trữ”, làm “vườn không nhà trống”, “lấy của địch, diết địch”. Với tư tưởng chỉ đạo “Nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân...”(1) từ khi ra đời và suốt những năm tiền khởi nghĩa quân đội ta có “Tổng cục Cung cấp là nhân dân Cao - Bắc - Lạng”(2). Sau cách mạng Tháng Tám, quân đội quốc gia được thành lập, nhưng “lương thực, khí giới, chăn áo, thuốc men cái gì cũng thiếu thốn”(3) nên chủ yếu dựa vào dân, có gì bảo đảm nấy. Tuy vừa trải qua nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhân dân vẫn “nhường cơm, xẻ áo”, ủng hộ “Tuần lễ vàng” 370 kg vàng, “Quỹ độc lập” 20 triệu đồng và 5.842 mét vải, 149 kg len(4) giúp Chính Phủ giải quyết các khó khăn trước mắt của quân đội. Từ 3.1946 đến 4.1947, cùng với ngăn chặn quân Pháp, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, sáng lập phong trào “Mùa đông binh sĩ” và “Hũ gạo kháng chiến”.... nhân dân ta cùng với quân đội, bằng sức người là chính di chuyển 42.000 tấn máy móc vật tư ngành Quân giới, 20.400 tấn muối và 2,5 triệu mét vải, hơn 1.000 tấn gạo(5) lên Việt Bắc và các căn cứ địa phương để “trường kỳ kháng chiến”, “vừa kháng chiến. vừa kiến quốc”. 
 
Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Tổng cục Cung cấp được thành lập và hệ thống hậu cần quân đội dần được hình thành thống nhất, nền kinh tế kháng chiến có sự phát triển vững chắc... song, suốt 9 năm kháng chiến việc bảo đảm hậu cần vẫn dựa vào dân là chủ yếu và kết hợp chặt chẽ hậu cần nhân dân và hậu cần quân đội trong bảo đảm. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 35.465 tấn gạo, 2.354 tấn thực phẩm, 1.182 tấn muối, huy động  515.556 lượt dân công với trên 20 triệu ngày công, huy động hơn 25.208 xe thồ và 4.559 thuyền(6). “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, nhân dân ta đã đóng góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954… Vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng,.. khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ra có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù” (7).
 
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc, huy động nguồn lực của nhân dân bảo đảm hậu cần cho LLVT tác chiến được kế thừa, phát triển lên tầm cao. Nhân dân miền Bắc đã “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “thóc thừa cân, quân thừa người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” để chi viện tiền tuyến. Ở miền Nam, đi đôi với xây dựng LLVT, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân với 3 mũi giáp công trên 3 vùng chiến lược, nhiều “căn cứ lõm” trong vùng địch tạm chiếm được hình thành; các căn cứ hậu cần được xây dựng củng cố… Ở đâu nhân dân cũng luôn là chỗ dựa, cung cấp cho LLVT trụ vững tác chiến trong mọi điều kiện, nhất là khi chuyển giai đoạn chiến lược. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh “cả nước lên đường” dốc toàn tâm, toàn lực cho chiến thắng. Hơn 10.000 xe ô tô, 311 toa tàu hỏa, 32 tàu biển… của các ngành kinh tế đựợc huy động cùng phương tiện của quân đội để cơ động lực lượng, vận chuyển bổ sung trên 20 ngàn tấn vật chất còn thiếu chi viện chiến trường(8)...
 
Ngày nay, sau hơn 20 năm đổi mới, thế là lực của nước ta ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra những tiền đề rất cơ bản để thực hiện XHH và nâng cao hiệu quả bảo đảm hậu cần cho quân đội. Những năm gần đây, cùng với đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần theo hướng mở rộng phân cấp và kết hợp bảo đảm bằng tiền với bảo đảm bằng hiện vật hợp lý... một số lĩnh vực, mặt hàng đã từng bước XHH dưới hình thức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu... để khai thác từ các nguồn trong xã hội, bước đầu mang lại hiệu quả khích lệ, nhưng chưa thật vững chắc. Trong giai đoạn mới, sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng - an ninh đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới; nhu cầu hậu cần của quân đội ngày càng lớn, đa dạng, nhưng nguồn ngân sách có hạn. Vì vậy, đòi hỏi phải đẩy mạnh XHH bảo đảm hậu cần quân đội nhằm huy động rộng rãi, có hiệu quả nguồn lực tổng hợp to lớn của toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế cùng lo bảo đảm cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đây là vấn đề mới có ý nghĩa chiến lược, cơ bản lâu dài, cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải phápẩntong đó cần tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề chủ yếu sau:
 
Một là, thống nhất nhận thức, quan điểm, chủ trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý tạo cơ sở nền tảng để XHH bảo đảm hậu cần trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược quốc phòng - an ninh, hậu cần toàn dân, kết hợp kinh tế - quốc phòng. Quân đội là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân dân trong quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Sự nghiệp xây dựng quân đội, đòi hỏi không ngừng xây dựng và tăng cường tiềm lực hậu cần, từng bước hiện đại hóa vũ khí trang bị, bảo đảm sự đồng bộ trang bị hậu cần với trang bị tác chiến, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe bộ đội… trên cơ sở nguồn lực tổng hợp của đất nước, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Để huy động và phát huy vai trò to lớn của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội vào sự nghiệp quốc phòng, an ninh phải tạo được sự chuyển biến nhận thức, có sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời phải có chủ trương, quan điểm nhất quán và được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện. Với chức năng của mình, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất để Chính phủ ban hành các văn bản đó; đồng thời là trung tâm phối hợp hiệp đồng với các Bộ, ban ngành và các địa phương trong tổ chức thực hiện và tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện.
 
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ, sử dụng rộng rãi, linh hoạt các hình thức cung cấp (đấu thầu, chào hàng cạnh tranh...). Trong xu hướng toàn cầu hóa, hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa nước ta đang và sẽ được xây dựng hoàn thiện theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tạo thuận lợi cho giao thương, quản lý, thanh quyết toán. Những mặt hàng phổ thông, có tính lưỡng dụng có thể vận dụng hệ thống tiêu chuẩn này; những mặt hàng có tính đặc thù chỉ sử dụng trong quân đội cần nghiên cứu hệ tiêu chuẩn riêng làm cơ sở để đặt hàng kiểm tra, quản lý, thanh quyết toán. Vì vậy, cần sớm kiện toàn hệ thống tổ chức Tiêu chuẩn đo lường chất lượng các cấp và tổ chức kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng với chức năng làm tham mưu chuyên sâu cho các ngành và Bộ trong mua sắm tạo nguồn. Hiện nay, một số đơn vị, cục nghiệp vụ hậu cần quân đội đã sử dụng một số hình thức cung cấp hàng hóa và dịch vụ hậu cần từ xã hội. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, có quy chế thống nhất cho từng lĩnh vực nhằm sử dụng linh hoạt, rộng rãi các hình thức đấu thầu, đặt gia công sản xuất, hợp đồng cung cấp dịch vụ, chào hàng cạnh tranh, hạn chế chỉ định thầu... để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả XHH bảo đảm hậu cần, hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực, gây thất thoát kinh phí, tài sản công.
 
Ba là, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và quản lý của hậu cần các cấp phù hợp với quá trình XHH bảo đảm hậu cần. Bởi quá trình đó sử dụng ngày càng nhiều hơn nguồn lực của các thành phần, tổ chức kinh tế - xã hội; đồng thời cho phép giảm biên chế; giảm đầu tư để duy trì, đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong quân đội mà các ngành kinh tế - xã hội đang và sẽ có với ưu thế cạnh tranh hơn. Hậu cần các cấp sẽ dần có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ: chuyển từ tạo nguồn bảo đảm là chủ yếu sang quản lý quá trình bảo đảm với chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý thông tin là chính. Do vậy, đòi hỏi phải chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp; đặc biệt là nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp, kinh tế, xã hội, trình độ quản lý điều hành, sử dụng và phát huy hiệu quả của các phương tiện hiện đại trong quản lý công tác hậu cần, trong đó công nghệ thông tin là công cụ chủ yếu.
 
Song, không loại trừ khả năng một số lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn (nhất là thời chiến) khó thu hút các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ do tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp... Do đó, cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút  họ, đồng thời có phương án duy trì và sẵn sàng phát triển các tổ chức, doanh nghiệp hậu cần quân đội sẵn sàng thay thế đảm nhiệm khi cần thiết. Mặt khác, cần đổi mới, đa dạng hoá cơ chế chính sách và hình thức huy động nguồn lực từ nhân dân phù hợp với thực tế (vay trừ vào thuế, dùng tín phiếu, trái phiếu, trưng dụng, trưng mua, trưng thu...). Thực tế chiến tranh IRắc (2003) tốc độ tiến quân của Mỹ và liên quân bị chậm 6 ngày so với kế hoạch do một số nhà thầu sợ nhân viên bị thương vong không dám tiếp cận vùng chiến sự bảo đảm xăng dầu, nước sinh hoạt... cho tác chiến.
 
Bốn là, tổ chức thực hiện chặt chẽ, với lộ trình thích hợp, chú trọng rút kinh nghiệp, sơ kết tổng kết không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm hậu cần quân đội. Trên cơ sở làm điểm ở một số lĩnh vực chuyên ngành vừa qua (xây dựng, xăng dầu, lương thực thực phẩm, thuốc và vật tư y tế...) để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng ở phạm vi rộng. Ở hậu cần các đơn vị làm điểm cần có Ban chỉ đạo đảm nhiệm chức năng theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử trí kịp thời các vấn đề thực tiễn nảy sinh; cơ quan hậu cần làm tham mưu, tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, cần chú trọng nghiên cứu hoàn thiện lý luận, các chế độ, quy định, quy chế... bảo đảm cho XHH bảo đảm hậu cần phát triển vững chắc phục vụ tốt đời sống bộ đội.
 
XHH công tác bảo đảm hậu cần quân đội là xu hướng tất yếu đang từng bước được đẩy mạnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với xu thế chung và thực tiễn đất nước. Chủ động, sáng tạo với những bước đi thích hợp, tin rằng ngành hậu cần sẽ phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực to lớn của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quân đội. Quá trình đó cần có sự quan tâm, đầu tư có chiều sâu và phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, các cấp, các ngành và địa phương./.                  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Nguyên Giáp - Từ  nhân dân mà ra, Nxb QĐND 1969, tr 132&134.
2, 3, 4, 5, 6. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập I, Nxb QĐND 1995, tr 7, 37, 39, 61- 64, 305 - 306.
7. Võ Nguyên Giáp - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND 1974, tr 159.
8. Công tác hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân 1975, Nxb QĐND, H, 1998 tr 17 & 32-33.

ĐẠI TÁ, THS. TRẦN ĐÌNH QUANG