Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam - 72 năm một chặng đường

12/07/2022, 15:33

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ chí Minh, lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được tiến hành.

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đồng Chí Võ Nguyên Giáp, được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo, chỉ huy Đội đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc. Sau lễ thành lập, tối 22/12, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sỹ cách mạng và tổ chức "Đêm du kích" liên hoan nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân cá - nước với đồng bào địa phương.
 
Buổi đầu thành lập, Đội có 34 cán bộ chiến sỹ được lựa chọn rất kỹ lưỡng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng; biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng. Trang bị của Đội có 34 khẩu súng các loại. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Văn Mạc) làm chính trị viên. Đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) người cao tuổi nhất Đội, "yêu quý các đồng chí trong Đội như con, em; coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ" [1, tr.147] được giao lo việc bảo đảm đời sống vật chất cho toàn Đội - đây là cán bộ hậu cần đầu tiên của quân đội ta.
 
Một trong những nội dung rất quan trọng được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là vấn đề bảo đảm cung cấp, tiếp tế cho đội quân cách mạng ấy hoạt động, chiến đấu. Người căn dặn rất kỹ đồng chí Võ Nguyên Giáp: Người trước, súng sau và “... Phải dựa chắc vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể thắng được, nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân...” [2, tr.125]. 
 

Đoàn ngựa thồ vận tải cho bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

 
Để có nguồn bảo đảm, Bác Hồ trao cho chỉ huy Đội 500 đồng (Đông Dương đồng). Cùng thời gian này, Việt kiều ta ở Côn Minh, Trung Quốc gửi về 500 đồng, 01 khẩu súng tiểu liên Mỹ và 150 viên đạn, 1 hộp bom nổ chậm, 6 quả bom lửa [2, tr.23], góp thêm vào nguồn vũ khí, trang bị hậu cần của đội.  
 
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sỹ và gây truyền thống hành động tích cực cho bộ đội" [3, tr.128]; trong hai ngày 25 và 26/12/1944, Đội liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng" của quân đội ta. Việc bảo đảm hậu cần cho Đội trong hai trận này do Đồng chí Văn Tiên liên hệ, hiệp đồng với nhân dân địa phương sở tại để nấu ăn, tiếp tế. Sau đó, Đội tiến hành chấn chỉnh củng cố và phát triển lực lượng. Chỉ 1 tuần sau lễ thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành một đại đội gồm 4 trung đội.
 
Như vậy, ngay từ khi chủ trương và buổi đầu tổ chức quân đội và lực lượng vũ trang để đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lo trước, tính trước việc cung cấp (hậu cần). Song, trong điều kiện vô cùng khó khăn khi đó, nguồn cung cấp và tổ chức tiếp tế chủ yếu dựa vào dân, có gì dùng nấy. Hậu cần lúc này là hậu cần nhân dân.
 
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà độc lập, chính quyền cách mạng các cấp được thành lập trong cả nước, Giải phóng quân phát triển nhanh chóng, trở thành quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các tổ chức hậu cần quân đội như quân nhu, quân giới, quân y các cấp dần được hình thành để bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, sức khỏe, vũ khí trang bị cho quân đội. Nhưng, trong vòng vây dày đặc của chủ nghĩa đế quốc, mọi nhu cầu bảo đảm cho quân đội vẫn chủ yếu dựa vào dân. 
 
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức hậu cần quân đội ngày càng phát triển, từng bước được tập trung và ngày 11/7/1950, Tổng cục Cung cấp được thành lập. Từ đây, ngành Cung cấp Quân đội (Hậu cần Quân đội ngày nay) hình thành, thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các ngành Quân nhu, Quân y, Quân giới, Quân khí, Vận tải đã được tổ chức từ trước. Nhờ vậy, từ cuối năm 1950 trở đi, kết hợp với Hội đồng Cung cấp mặt trận các cấp, cùng sự đóng góp to lớn của nhân dân, ngành Hậu cần Quân đội đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho quân và dân ta chiến đấu trên các chiến trường giành thắng lợi ngày càng lớn như chiến dịch Biên Giới thu đông (10/1950), Tây Bắc, Hòa Bình (1952)...  và chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1053 - 1954. Kết quả 9 năm bảo đảm cho quân đội xây dựng lớn mạnh, chiến đấu giành thắng lợi là chặng đường đầu tiên với những cơ sở vững chắc để ngành Hậu cần vững bước trong giai đoạn tiếp theo.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), với điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, công tác hậu cần và Hậu cần Quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cho quân đội, cho lực lượng vũ trang xây dựng, chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm quan phương tiện vận tải của ngành hậu cần quân đội.

Có được kết quả đó là do ngành Hậu cần đã luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần nhân dân. Hậu cần Quân đội tích cực tham gia củng cố, xây dựng hậu phương, căn cứ địa được hình thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời, quán triệt nhiệm vụ quân sự, quyết tâm chiến lược của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương để xác định nhiệm vụ và giải pháp tiến hành công tác hậu cần một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn đất nước và Quân đội... Dù không gian thực hiện nhiệm vụ rộng lớn rất phức tạp, tác chiến ác liệt, nhưng nhờ tích cực chủ động kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, giữa các nguồn bảo đảm, các phương thức bảo đảm đã tạo nên thế trận hậu cần vững mạnh và cơ động, phát huy được sức mạnh tổng hợp, đáp ứng kịp thời sự phát triển của chiến tranh, nhất là các bước ngoặt chiến lược. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, ngành Hậu cần Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Sau khi giành được độc lập và thống nhất đất nước không lâu, Hậu cần Quân đội lại bước ngay vào bảo đảm cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cuộc chiến đấu để giữ vững biên cương của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế kéo dài tới 14 năm. Đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, phức tạp vì vừa phải bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, vừa phải triển khai bảo đảm cho lực lượng hải quân trụ vững ở Trường Sa để giữ vững chủ quyền biển đảo của ta, vừa phải bảo đảm cho quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và bảo vệ chính quyền nhân dân... trong điều kiện kinh tế đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, hậu quả nặng nề chưa kịp khắc phục, lại bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, bao vây cấm vận. 
 
Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Hậu cần đã chủ động nghiên cứu đổi mới tổ chức và phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng hậu cần KVPT; xây dựng các kế hoạch bảo đảm hậu cần cho phòng thủ đất nước, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Trước những thử thách nghiệt ngã, Hậu cần Quân đội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến trang bị đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành, xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"; chỉ đạo và tổ chức bảo đảm cho các Đoàn KTQP, các nhiệm vụ đột xuất khác như: Phòng chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, hợp tác quốc tế về hậu cần...
 

Cán bộ hậu cần Vùng 4 Hải quân bảo đảm nhiên liệu cho tàu hoạt động dài ngày trên biển.

 
72 năm phục vụ quân đội, xây dựng, chiến đấu, ngành Hậu cần đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ phân tán riêng lẻ từng chuyên ngành đến tập trung thống nhất, đồng bộ các mặt bảo đảm; trở thành tổ chức hậu cần chính quy, tương đối hiện đại và trưởng thành, lớn mạnh không ngừng, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu hậu cần cho Quân đội ta hoạt động, tác chiến với quy mô ngày càng lớn, dài ngày trong điều kiện chiến tranh rất ác liệt. Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang ấy, công tác hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội đã luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng; tích cực tham gia xây dựng căn cứ địa hậu phương, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, giữa các nguồn đảm bảo. Để sẵn sàng đáp ứng sự phát triển của quân đội, thích ứng với chiến tranh hiện đại, Hậu cần Quân đội còn tích cực, chủ động xây dựng tạo thế, tạo lực hậu cần trước một bước và luôn phát huy truyền thống cần, kiệm, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hết lòng phục vụ bộ đội. 72 năm phục vụ, chiến đấu cũng là 72 năm xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện. Đó là quy luật phát triển và điều kiện cơ bản để ngành Hậu cần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho.
 
Hiện nay và những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, khó lường. Gần đây tình hình Biển Đông trở nên "rất nóng" do tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đặc biệt, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. 
 
Cùng với thuận lợi cơ bản, Đảng và nhân dân ta tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mới trong quá trình đấu tranh, xây dựng và hội nhập quốc tế sâu rộng, do âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch... Vì vậy, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng đất nước, quân và dân ta luôn coi trọng tăng cường QP, AN để không bị bất ngờ trong mọi tình huống và giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển bền vững của đất nước.
 

Bộ đội Sư đoàn 325 - Quân đoàn 2 tăng gia sản xuất.

 
Yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho quân đội thực hiện các nhiệm vụ trên rất nặng nề, phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác hậu cần trong giai đoạn mới, lãnh đạo, chỉ huy hậu cần các cấp cần tiếp tục quán triệt, vận dụng và thực hiện sáng tạo các quan điểm cơ bản của Đảng về hậu cần; luôn đề cao quan điểm “phục vụ bộ đội”, tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp công tác, coi trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ theo phương châm "chủ động lo trước, tính trước". Trong đó, chú trọng đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần của chiến tranh nhân dân liên hoàn, vững chắc trên từng hướng, địa bàn chiến lược và phạm vi cả nước; trên cơ sở kết hợp chặt chẽ KT với QP, AN trong quá trình xây dựng các vùng chiến lược kinh tế, chuẩn bị hậu phương cho chiến tranh tương lai (nếu xảy ra).
 
Để thực hiện tốt những vấn đề đó, phải đặt lên hàng đầu việc xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ngang tầm với vị trí, vai trò là nòng cốt của hậu cần quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
 
Kế thừa và phát triển những thành quả cùng các kinh nghiệm quý báu 72 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ quân đội, với bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống vẻ vang, tin rằng ngành Hậu cần Quân đội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, Hà Nội, 1969.
2. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995. 
3. Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang