Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của Nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị

01/12/2022, 18:51

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng, đạo đức, phong cách trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2 năm 1951.

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam gồm những nội dung sau:
 
Một là: Trung với nước, hiếu với dân. Con người Việt Nam phải trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, làm cho đất nước ngày càng phát triển; cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người làm chủ đất nước.
 
Hai là: Yêu thương con người, sống có nghĩa tình. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết ở tình thương yêu đối với đại đa số nhân dân, những người lao động bình thường trong xã hội, những người nghèo. Phải tin vào con người; chặt chẽ, nghiêm túc với mình nhưng khoan dung, độ lượng với người khác. Phải biết đấu tranh để giải phóng con người.
 
Ba là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo. Triệt để tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền bạc. Không tham địa vị, tiền tài. Không tự cao, tự đại. Phải khiêm tốn, giản dị. Sống trong sáng, không thiên vị cả với việc và với người.
 
Bốn là: Có tinh thần quốc tế trong sáng. Đoàn kết với nhân dân các nước vì mục tiêu chung là đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội.
 
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân; sống đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.
 
Hồ Chí Minh thực hành triệt để tất cả những quan niệm đạo đức mình đưa ra; thậm chí, Người còn làm nhiều hơn, tốt hơn những gì Người nói. Trong công việc, Hồ Chí Minh sắp xếp có kế hoạch, giờ nào việc ấy và bằng mọi cách duy trì thời gian biểu đã vạch ra. Người thường xuyên suy nghĩ để đổi mới cách nghĩ, cách làm, tìm tòi những biện pháp tối ưu để công việc được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất. Hồ Chí Minh luôn cố gắng phân công hợp lý công việc cho mọi người, để ai cũng có thể làm đúng năng lực, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của mình. Người luôn sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. Tích cực đấu tranh không biết mệt mỏi để chống lại những biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước và trong xã hội.
 
Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân, vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán trong con người Hồ Chí Minh. Người đấu tranh không ngừng nghỉ để giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Người nhận rõ trách nhiệm phải lo cho dân, để mọi người đều có cơm ăn, có áo mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
 
Không chỉ hết mực yêu thương nhân dân, Hồ Chí Minh còn tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Theo Người, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân; dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Do vậy, điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm; điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
 
Còn trong cuộc sống hàng ngày, Người luôn thể hiện đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm chính một cách cần mẫn. Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất trên thế giới có nhiều đóng góp vĩ đại cho Tổ quốc mình, nhưng khi đi vào cõi vĩnh hằng, trên ngực áo không hề có bất kỳ một tấm huân chương, huy chương nào.
 
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ, đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng hiện nay cần phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cán bộ phải ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ nhân dân. Có trung thành và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc thì mới dám dũng cảm hi sinh quên mình vì nghĩa lớn. Phải quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 
Cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành dân chủ. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH hiện nay, tham nhũng, lãng phí đang làm cản trở sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần phải nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân tham gia giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác, thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định; sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật; sáng tạo, kỷ cương trong lao động; tiết kiệm trong lối sống và công việc...
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 19 tháng 5 năm 1955.
 
Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả, cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên trong các tổ chức cơ sở đảng nói riêng cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau:
 
Thứ nhất: Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân.
 
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, không một phút ngơi nghỉ, suốt đời suy nghĩ, lo lắng, chăm lo cho nước, cho dân. Việc đẩy mạnh công tác giáo dục và tuyên truyền tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay sẽ khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân, đặt độc lập dân tộc, chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết và trước hết.
 
Ý thức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mỗi người phải được phát hiện, cổ vũ, động viên trong từng hành động nhỏ nhất; khuyến khích mỗi người đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước theo con đường XHCN.
 
Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ, đảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình theo đúng Luật Cán bộ, công chức. Biểu hiện cụ thể là: làm tốt những công việc hàng ngày, nhất là những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.
 
Đồng thời với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, công tác giáo dục, tuyên truyền cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự nhầm lẫn giữa nhiệm vụ chức trách được tổ chức giao phó với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới cơn khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị. Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở lên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân, “dĩ công vi tư”. Sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
 
Thứ hai: Hiện thực hóa và quyết tâm tổ chức thực hiện là “người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân” trong tất cả các cơ quan, đơn vị.
 
Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm cho lòng dân không yên. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì việc quyết tâm thực hiện và làm theo tấm gương của Bác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho việc tiếp tục đẩy mạnh và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nói phải đi đôi với làm, lý luận phải gắn với thực tiễn. Quần chúng đã chán những cán bộ nói mà không làm, nói hay nhưng làm dở, nói người nhưng mình không làm... Do vậy, để thực sự lấy lại được hình ảnh của những cán bộ, đảng viên tận tụy, trung thành vì dân, một mặt, chúng ta cần động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên làm theo Bác; mặt khác, cần kiên quyết trừng trị và loại trừ những kẻ hành dân, khinh dân, lừa đảo và ăn cắp của dân.
 
Cần cụ thể hóa thái độ tận tụy, trung thành phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thành các nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từng loại công việc. Thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ của Bác Hồ để vận dụng, cụ thể hóa nội dung những lời dạy của Bác đối với cơ quan, đơn vị mình.
 
Thứ ba: Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức, hướng dẫn với động viên, kiểm tra, giám sát việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng vào việc nâng cao vai trò tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi người tự giác đề ra chỉ tiêu phấn đấu thiết thực. Xây dựng kế hoạch cá nhân học tập và làm theo Bác với những việc làm cụ thể; định kỳ báo cáo trước Chi bộ, cơ quan, đơn vị
Để hỗ trợ mỗi cá nhân thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi tập thể cấp ủy đảng cần xây dựng các chương trình hành động, giúp đỡ, giám sát và kiểm tra việc tự giác làm theo của cán bộ, đảng viên của mình. Định kỳ yêu cầu các cá nhân báo cáo những việc đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Thứ tư: Phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đều phải nêu gương về đạo đức. Ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng... Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức có ý nghĩa to lớn không chỉ trước mắt mà còn mãi mãi sau này.
 
Trong phạm vi xã hội, việc nêu gương về đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải biết nêu gương. Không biết nêu gương, không nêu gương được thì không hoặc chưa xứng đáng là người lãnh đạo tốt.
 
Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là sự vận động, mà phải trở thành những quy định, ràng buộc trách nhiệm để mỗi người đều tự giác và cần phải thực hiện. Các cấp, các ngành cần chủ động tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt...

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP