Hỏi đáp pháp luật về doanh nghiệp

29/01/2019, 09:46

Câu hỏi:
Thế nào là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là công ty TNHH một thành viên do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện chủ sở hữu.

Câu hỏi:
Doanh nghiệp nào là doanh nghiệp không cổ phần hóa được?
Trả lời:
Theo khoản 19 Điều 3 Nghị định số 128/2014/NĐ-CP thì Doanh nghiệp không cổ phần hóa được là doanh nghiệp mà theo Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thuộc danh mục cổ phần hóa, sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa nhưng vẫn không cổ phần hóa được hoặc không đáp ứng đủ điều kiện cổ phần hóa.

Câu hỏi:
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định như thế nào? Trường hợp nào thì công ty TNHH có ít hơn 11 thành viên thì không bắt buộc thành lập Ban kiểm soát.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2014 thì cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định cụ thể như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.
Căn cứ quy định trên thì công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát.

Câu hỏi:
Trường hợp thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp? Căn cứ pháp lý?
Trả lời:
Mua lại phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là việc hay diễn ra trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn được yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp trong một số trường hợp.
- Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
+ Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
+  Tổ chức lại công ty gồm các hình thức chia công ty, tách công ty, sáp nhập công ty, hợp nhất công ty.
+Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên.
- Giá khi mua lại phần vốn góp
Khi có yêu cầu của thành viên yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp thì giá khi mua lại phần vốn góp được xác định như sau:
+ Thành viên yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và công ty tự thỏa thuận về giá.
+ Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
- Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo khi thành viên không đồng ý tán thành với nghị quyết của Hội đồng thành viên thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Căn cứ pháp lý: Điều 52 Luật doanh nghiệp 2014.

Câu hỏi:
Hiện tại doanh nghiệp của tôi là công ty cổ phần. Công ty này có thành lập 2 công ty con là công ty TNHH một thành viên. Công ty A thành lập tháng 9.2013 và công ty B thành lập tháng 3. 2014. Hiện tại công ty mẹ đang có ý muốn sáp nhập công ty B vào công ty A. Đăng ký hoạt động trên công ty A. Lưu ý là cho đến thời điểm này công ty mẹ vẫn chưa góp đủ 100% vốn cho 2 công ty con. Vì vậy tôi muốn hỏi nếu thực hiện sáp nhập như vậy thủ tục và trình tự như thế nào? So với việc đóng cửa hoàn toàn công ty B thì việc nào dễ thực hiện hơn?
Trả lời:
Việc thực hiện sáp nhập 2 công ty không phải dễ dàng. Vì vậy, nếu Công ty B có thể làm thủ tục giải thể doanh nghiệp (đóng cửa hoàn toàn như bạn nói) sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc sáp nhập 2 công ty

Câu hỏi:
Công ty tôi được thành lập vào ngày 21/04/2014 (theo giấy đăng ký kinh doanh) và các thành viên trong Hội đồng thành viên đều góp vốn bằng tiền mặt. Tôi muốn hỏi việc góp vốn bằng tiền mặt như vậy là có phù hợp với quy định hiện hành hay không? Vì tôi được biết theo nghị định 222/2013/NĐ-CP thì các giao dịch tài chính của doanh nghiệp như góp vốn, mua bán và chuyển nhượng vốn sẽ không thanh toán bằng tiền mặt.
Trả lời:
Đúng vậy, theo Điều 6, Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì:
Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
Công ty bạn  được thành lập vào ngày 21/04/2014 và các thành viên trong Hội đồng thành viên đều góp vốn bằng tiền mặt, như vậy căn cứ vào quy định trên thì việc góp vốn bằng tiền mặt như trên là trái với quy định của pháp luật.

Câu hỏi:
Tôi & chị tôi có công ty TNHH về môi giới, kinh doanh, quản lý BDS, trang tri nội thất, xây dựng, dân dụng... chủ yếu về môi giới  BDS những nghành nghề còn lại chỉ là phụ hỗ trợ cho BDS thôi. Thành lập năm 2003, không có nợ & báo cáo, nộp thuế đầy đủ. Chúng tôi muốn bán công ty này thì phải làm như thế nào? Hiện tại công ty vẫn hoạt động bình thường, người mua tiếp tục duy trì hoạt động.
Trả lời:
Trường hợp của bạn chỉ cần hai bên đồng ý, bạn có thể soạn thảo hợp đồng mua bán công ty, thỏa thuận trong hợp đồng thì theo ý chí của hai bên.
Sau đó bạn chuẩn bị hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh tại sở kế hoạch đầu tư gồm các tài liệu sau:
- Biên bản hợp hội đồng thành viên;
- Quyết định thay đổi đăng ký kinh doanh;
- Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh: thay đổi phần vốn góp, ...
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Hợp dồng chuyển nhượng vốn góp;
- Giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Sổ đăng ký thành viên cũ và mới;
- Đăng ký kinh doanh cũ ( bản sao chứng thực);
- Chứng minh nhân dân của các thành viên mới của công ty (bản sao chứng thực)