Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Kinh tế quốc phòng trong tình hình mới

29/05/2022, 18:16

Trải mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, tiền nhân đã tạo dựng và trao truyền cho chúng ta hệ thống tri thức to lớn, phong phú, sâu sắc, trong đó có kế sách lớn kết hợp kinh tế (KT) với quốc phòng (QP) để “nước thịnh, binh cường”. Đồn điền binh là một mô hình kết hợp KT với QP hiệu quả, ra đời sớm và phát triển qua nhiều triều đại, đó là tiền đề của Khu kinh tế quốc phòng (KTQP) ngày nay.

Đoàn KTQP 4 - Quân khu 4 cấp cây giống cho nhân dân tại các xã biên giới huyện Kỳ Sơn - Nghệ An

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đánh giá: “Từ xưa, muốn cho quân lương được đầy đủ, quốc dụng được dồi dào thì không gì bằng đồn điền. Lính tráng đều là người thổ dân, có công việc làm ăn thì không đào ngũ, ấy là một. Chỗ nào cũng đóng đồn để cầy bừa, trồng trọt, đội ngũ liên lạc với nhau để bảo đảm các chỗ trọng yếu chẳng phải lo ngại gì, ấy là hai. Tính ra trong 4 trấn 2 khương (đơn vị hành chính thời Lê) thì có 2 đội với một số nội trấn thì số lính làm ruộng được là 1.430 người; nếu mỗi người làm 3 mẫu ruộng, sản lượng 60 bát thóc thì mỗi năm được 5 vạn bát (1 bát = 0,5 lít) thu vào kho Nhà nước, lâu ngày tích lũy đầy đủ, ấy là ba. Khi đồn quân đã thành lập thì làng, xã dần dần phục hồi, không phải nhọc lòng tập họp và do đó hộ khẩu thêm nhiều, ấy là bốn. Đất thang mộc là chỗ gốc, nhờ đó mà từ chỗ khốn khổ biến thành giàu mạnh, ấy là năm”.
 
Kế thừa, phát triển kế sách hay của tổ tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. Sau năm 1954, để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn của cách mạng Việt Nam, chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, Đảng và Chính phủ ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự, điều chuyển hơn 3 vạn quân sang xây dựng 29 nông trường quân đội. Trong đó, Sư đoàn 316 đi xây dựng các nông trường Điện Biên, Nà Sản, Mộc Châu, Tuần Giáo; Sư đoàn 304 xây dựng các nông trường Sông Bôi, Ba Vì; Sư đoàn 330 xây dựng nông trường Lam Sơn... Những nơi hoang vu, xa xôi hẻo lánh ở Tây Bắc, Tây Thanh - Nghệ - Tĩnh... vùng ven biển Ninh Bình, Nam Định được khai hoang, tạo dựng các nông, lâm trường, hình thành những vùng KT trù phú, QP, AN được củng cố. Khi chiến tranh lan rộng ra cả nước, nhiều người tái ngũ đi chiến đấu. Tại các vùng căn cứ, vùng giải phóng Nam Bộ - Cực Nam Trung Bộ (B2), dù chiến tranh ác liệt, các quân khu vẫn tổ chức nhiều đội sản xuất, nông trường, nhằm tạo thế, tạo lực tại chỗ bảo đảm cho tác chiến. Sau năm 1975, quân dân ta phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, bị phương Tây bao vây, cấm vận, khó khăn chồng chất. Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta chủ trương kết hợp KT với QP. Năm 1986, Chính phủ ra Quyết định số 68/CT thành lập Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) - đơn vị KTQP đầu tiên. Sau hơn 10 năm xây dựng, hoạt động, Binh đoàn 15 đã góp phần quan trọng phát triển KT - XH, củng cố QP, AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, năm 1998, Chính phủ có Quyết định số 135/QĐ-TTg, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) có Nghị quyết số 150/ĐUQSTW ngày 01/8/1998 về xây dựng 19 Khu KTQP trên cả nước với tổng số vốn đầu tư 3.150 tỷ đồng. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2009-NĐ/CP ngày 07/5/2009 và phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng, phát triển 33 Khu KTQP (đầu tư chuyển tiếp 21 Khu KTQP; triển khai đầu tư xây dựng mới 08 Khu KTQP trên đất liền, đảo gần bờ, 03 Khu KTQP trên biển, đảo; kết thúc đầu tư 01 Khu KTQP).
 

Đoàn KTQP 327 - Quân khu 3 làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới
 
Đến năm 2022, đã triển khai 30/33 Khu KTQP; các Đoàn KTQP được kiện toàn, xây dựng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm qua, các Đoàn KTQP đã hoàn thành xây dựng: 403 tuyến đường giao thông (1.499 km); 89 cầu (1.296 m); 390 phòng học (43.786 m2); 130 công trình điện với 14.636 km đường dây; 154 trạm biến áp và 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ 20.238 hộ dân; 536 bản, điểm dân cư mới; 58 trạm xá quân y và 33 bệnh xá quân dân y; 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 1.482 km kênh mương; 39 khu chợ dân sinh và nhà văn hóa... Quân y các Đoàn KTQP phối hợp với y tế địa phương khám bệnh cho 1.699.584 lượt người, tiêm chủng 82.630 lượt người, thu dung điều trị trên 200.000 bệnh nhân, cấp cứu trên 12.000 bệnh nhân, phẫu thuật trên 15.000 trường hợp; đào tạo 350 nhân viên y tế thôn, bản; tổ chức 65 lớp tập huấn cho 2.000 nhân viên y tế thôn, bản; hỗ trợ đồng bào về trang bị y tế, tiền thuốc, tiền ăn, trị giá hơn 1.343 tỷ đồng; phối hợp với các bệnh viện 108, 175... tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch cho nhân dân các Khu KTQP. Hoàn thành xây dựng mới 1.318 điểm dân cư tập trung; đón nhận, sắp xếp 31.528 hộ dân, hoàn thành mục tiêu tiếp nhận, hỗ trợ 100.000 hộ dân; đỡ đầu, ổn định cho 68.106 hộ dân tại chỗ; đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách giúp dân yên tâm, ổn định cuộc sống bền vững. Các Đoàn KTQP đã làm tốt công tác dân vận; tập trung giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, chính quyền cơ sở vững mạnh, phát triển đảng viên mới, bồi dưỡng 2.766 quần chúng tạo nguồn phát triển Đảng; giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội kiện toàn, củng cố hoạt động có nền nếp; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, truyền đạo trái phép, di cư tự do, chặt phá rừng; đấu tranh phòng chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch... nâng cao dân trí, văn hóa, tăng cường lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
 
Các Đoàn KTQP còn tích cực huấn luyện DBĐV, DQTV, tham gia cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, cháy nổ, xây dựng KVPT, duy tu, bảo dưỡng các công trình QP thuộc Khu KTQP. Binh đoàn 15, 16, Công ty Cà phê 15 đã trồng được 44.551 ha cao su (có 35.000 ha đang cho sản phẩm); 2.718 ha cà phê, hơn 10.000 ha điều; gần 1.000 ha cây nguyên liệu giấy... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 hộ gia đình; tổ chức tốt dịch vụ 2 đầu; triển khai 266 mô hình chăn nuôi cho 10.759 hộ dân; 18 mô hình trồng trọt cho 7.526 hộ dân; tập huấn chuyển giao kỹ thuật 537 lớp cho 21.774 lượt người với tổng giá trị 145 tỷ đồng. Các Đoàn KTQP còn trồng mới 5.794 ha rừng; bảo vệ 118.851 ha rừng tự nhiên; khoanh nuôi, tái sinh 2.422 ha rừng; chăm sóc 10.186 ha rừng... tổng giá trị 164 tỷ đồng. Những việc làm trên đã góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của người dân, giúp giảm đáng kể tỉ lệ hộ nghèo tại địa bàn (có nơi từ 45 - 90%, nay còn 30 - 10%)... 
 

Cán bộ Đoàn KTQP 379 - Quân khu 2 thường xuyên bám cơ sở, nắm tình hình địa bàn
 
Với sự quan tâm tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và sự hỗ trợ, phối hợp của các địa phương; với nỗ lực to lớn, những năm qua, các Đoàn KTQP đã hoàn thành nhiệm vụ; thế trận QP, AN dọc tuyến biên giới được củng cố; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; KT hàng hóa từng bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; lòng tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được nâng cao. Tuy nhiên, công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy đảng tại đơn vị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có lúc chưa thống nhất; tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm, chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu QP, AN, có hạng mục chưa đồng bộ với các quy hoạch khác. Chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận. Mô hình tổ chức sản xuất tập trung tại các Khu KTQP chưa thật sự phù hợp; việc hỗ trợ dịch vụ 2 đầu còn nhiều hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng dự án cải thiện chưa bền vững. Tổ chức biên chế của Đoàn KTQP còn bất cập, chế độ chính sách đối với các lực lượng xây dựng Khu KTQP chậm sửa đổi, bổ sung kịp thời... Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn KTQP trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
 
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu, quân chủng, binh đoàn đối với các Đoàn KTQP; đảm bảo định hướng phát triển bền vững, làm cho các lực lượng tham gia nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển Khu KTQP, vai trò của Đoàn KTQP; từ đó nêu cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện một cách tự giác, thực sự, thực tế. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển các Khu KTQP và hoạt động của Đoàn KTQP. Đây là nhiệm vụ lâu dài, gắn liền với địa phương trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về vùng nông thôn biên giới, hải đảo. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào trong xây dựng các Khu KTQP, phát triển KT - XH, giữ gìn sự ổn định chính trị và củng cố QP, AN trên địa bàn; góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ của các thế lực thù địch.
 
Hai là, xây dựng các Đoàn KTQP vững mạnh toàn diện, gắn chặt xây dựng đơn vị VMTD với xây dựng tổ chức Đảng TSVM; lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng TSVM làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm trung tâm. Đây là nhân tố trực tiếp, quyết định thắng lợi trong xây dựng, phát triển các Khu KTQP trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo, nơi đặc biệt khó khăn, gian khổ. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền quán triệt, triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng; chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chỉ huy, tổ chức quần chúng và cơ quan, đơn vị VMTD. Kiện toàn tổ chức, biên chế Đoàn KTQP theo hướng không tăng quân số so với biên chế nhưng vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ; giảm khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho đơn vị cơ sở, các đội sản xuất. Xây dựng mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; làm tốt công tác dân vận, công tác chính sách và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức thực hiện tốt công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật, tham gia cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai; thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Đoàn KTQP. Tăng cường trang bị, phương tiện sản xuất cho các Đoàn KTQP; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường kỷ luật, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị...  
 

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra hoạt động của Đoàn KTQP 338 - Quân khu 1
 
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động KT của Đoàn KTQP. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất của Đoàn KTQP, vừa cải thiện bữa ăn của bộ đội, vừa làm gương và tạo mô hình sản xuất cho đồng bào địa phương. Đầu tư mở rộng các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung ở các nông, lâm trường và các đội sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ cho dân phát triển sản xuất KT, xóa đói giảm nghèo và tăng khả năng dự trữ vật chất cho các Đoàn KTQP. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất chế biến hàng nông, lâm sản phù hợp với thực tế mỗi Đoàn KTQP để nâng cao hiệu quả KT, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, gắn các Khu KTQP với chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các địa phương...
 
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn KTQP. Tập trung vào các vấn đề chủ yếu là: Cụ thể hóa chính sách đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua, khen thưởng; Xây dựng cơ chế khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong các Khu KTQP (ngân sách Nhà nước cấp, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, vốn trong dân); Hoàn thiện thủ tục pháp lý về giao đất, xây dựng chính sách thuế và thương mại phù hợp; Có chính sách giãn dân, di dân, duy trì cuộc sống dân cư trong vùng dự án hợp lý; Chú trọng chính sách đầu tư cho sản xuất, bảo vệ môi trường; Chính sách tạo việc làm, phát triển ngành nghề; Chế độ, chính sách đối với người dân lao động, trí thức trẻ tình nguyện; Hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt cơ chế quản lý Khu KTQP.
 
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Đoàn KTQP. Thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, các loại máy móc, phương tiện hiện có; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống. Đầu tư nâng cấp, mua mới một số trang thiết bị kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới trong thi công các công trình hạ tầng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, xây dựng các mô hình phát triển KT; nghiên cứu lai tạo, thực nghiệm các cây trồng, vật nuôi mới có giá trị cao... Tổ chức các lớp học về kiến thức quản lý dự án, khuyến nông, khuyến lâm cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, nhất là các lâm trường, các tổ, đội sản xuất; qua đó phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng trong cộng đồng. Nghiên cứu công nghệ mới trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản cho đồng bào trong vùng dự án. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật (thông qua xây dựng mô hình KT, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư) cho đồng bào một cách khoa học, phù hợp.
 
Sáu là, nghiên cứu xây dựng các Đoàn KTQP đáp ứng yêu cầu triển khai các Khu KTQP trên biển, đảo; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển trong tình hình mới. Phối hợp giữa Đoàn KTQP với lực lượng trên các đảo, xây dựng tuyến phòng thủ đảo vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Duy trì thường xuyên sự có mặt của các lực lượng quản lý vùng biển, lực lượng xây dựng kinh tế trên biển; đấu tranh kịp thời với các hoạt động vi phạm của nước ngoài, ứng phó với các tình huống xảy ra theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp quốc tế. Tăng cường sự hiện diện của ngư dân, bảo vệ ngư dân của ta khai thác tại các ngư trường truyền thống; tiếp tục dân sự hóa và củng cố hệ thống chính trị trên các vùng biển đảo; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển. Nâng cao khả năng làm chủ vùng biển, bổ sung phương tiện, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Điều phối các hoạt động trong Khu KTQP biển, đảo; tổ chức các hoạt động kinh tế và chương trình đưa dân ra sinh sống, xây dựng đảo và sẵn sàng chiến đấu. 
 
Xây dựng, phát triển các Khu KTQP là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta, góp phần phát triển bền vững KT - XH, củng cố và tăng cường QP, AN trên địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của các địa phương, các Đoàn KTQP đã, đang và sẽ nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.
 
Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng
Cục trưởng, Cục Kinh tế/BQP