Sự giúp đỡ quốc tế cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp

07/05/2021, 09:47

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữa bốn bề vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, Việt Nam khó có điều kiện quan hệ với các nước anh em. Nhưng từ sau chiến thắng Biên Giới (Thu - Đông 1950), cùng với 6 tỉnh, hơn 750 km biên giới Việt - Trung được giải phóng; thế bao vây cô lập của thực dân Pháp với cách mạng Việt Nam hoàn toàn bị phá vỡ. Đồng thời, hậu phương kháng chiến của ta được nối liền với Trung Quốc, qua đó nối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, khởi nguồn giao lưu nhiều mặt giữa cách mạng Việt Nam với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Hỏa tiễn 6 nòng 122 ly do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau khi Trung Quốc chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa (18/1/1950) thì Liên Xô và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Hunggari, Bungari, Rumani, Anbani lần lượt chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đó là thắng lợi to lớn về chính trị, làm cho thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày càng mạnh, có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là kết quả sau 4 năm tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, nỗ lực phấn đấu, hy sinh của Nhân dân ta theo đường lối “kháng chiến, kiến quốc”; cùng những hoạt động ngoại giao tích cực của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ tháng 1 - 3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm (bí mật) Trung Quốc, Liên Xô, làm tăng thêm sự hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em đối với cuộc kháng chiến trường kỳ của Nhân dân ta. Việc các nước nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến của Nhân dân ta, xuất phát từ mục tiêu chung là chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, xây dựng một xã hội mới theo con đường chủ nghĩa xã hội. Sự giúp đỡ của các nước bạn đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam ngày càng tăng lên; cùng với nguồn lực trong nước, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp ngày càng lớn, đưa công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” nhanh đến thắng lợi.
 
Từ năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em bắt đầu giúp đỡ, viện trợ vật chất, trang bị... cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Theo đó, Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36), Trung đoàn 174, Trung đoàn 209, 01 trung đoàn sơn pháo, 02 tiểu đoàn công binh và Trường sỹ quan Lục quân được đưa sang học tập, huấn luyện quân sự và tiếp nhận vũ khí tại vùng biên giới Trung - Việt. Số cán bộ sang Trung Quốc học, tính đến tháng 6/1950 là 3.100 người (trong đó có 650 cán bộ học bổ túc trung và sơ cấp, 1.200 cán bộ học đào tạo, chỉ huy bộ binh sơ cấp, còn lại học về binh chủng như pháo binh, công binh...). Từ tháng 7/1952 - 1/1953, Trung đoàn 45 pháo binh hạng nặng đầu tiên của Quân đội ta đã huấn luyện ở Vân Nam, Trung Quốc; Trung đoàn 367 pháo cao xạ (thành lập ngày 1/4/1953), sau 6 tháng huấn luyện ở Quảng Tây, Trung Quốc, cuối năm 1953, trên đường hành quân về nước, được điều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trang bị vũ khí của 2 trung đoàn trên do Liên Xô giúp; Trung Quốc đảm nhiệm đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện bộ đội.
 
Sự cổ vũ về tinh thần và trao đổi, giúp đỡ kinh nghiệm chiến đấu, cùng sự chi viện về vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực... của các nước xã hội chủ nghĩa đã góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng trong các chiến dịch. Đến hết năm 1950, ta đã tiếp nhận từ Trung Quốc 1.020 tấn vũ khí, đạn dược; 180 tấn quân trang, quân dụng; 800 tấn hàng quân giới; 30 xe ô tô; 120 tấn xăng dầu, phụ tùng ôtô... Trong các năm 1951 - 1952, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em (gồm cả Trung Quốc) thông qua Trung Quốc cho Việt Nam được duy trì thường xuyên và tương đối đều đặn. 
Do phải chi viện lớn cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trong kháng chiến chống Mỹ nên đạn pháo 105 mm của Trung Quốc khan hiếm, cuối năm 1953 bạn chỉ viện trợ cho ta được 3.600 viên (đi theo 24 khẩu pháo viện trợ) và đã phát huy tác dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (trong chiến dịch đã sử dụng 20.000 viên). Trước yêu cầu của ta, Trung Quốc quyết định viện trợ thêm 7.400 viên nhưng khi số đạn này về đến nơi thì chiến dịch đã kết thúc. Trung Quốc còn chuyển cho ta 12 dàn hoả tiễn 6 nòng (Cachiusa-H6), 01 tiểu đoàn ĐKZ 75 mm; kịp thời phát huy tác dụng rất lớn trong đợt tiến công cuối cùng (1-7/5/1954) của chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Tính chung, từ năm 1950 - 5/1954, các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã viện trợ cho Việt Nam 21.517 tấn hàng hóa các loại (năm 1950 là 3.983 tấn, năm 1951 là 6.086 tấn, năm 1952 là 2.156 tấn, năm 1953 là 4.400 tấn, năm 1954 là 4.892 tấn). Trong đó, có 4.253 tấn vũ khí đạn (1.100 viên đạn 105 mm, 32.484 viên đạn 75 mm, 51.620 viên đạn cao xạ 37 mm); hàng quân giới 703 tấn; hàng thông tin 200 tấn; hàng công binh 40 tấn... Về phương tiện trang bị, có: 715 xe ô tô vận tải; 24 khẩu pháo 105 mm, 48 khẩu sơn pháo 75 mm, 76 khẩu cao xạ 37 mm. Tổng giá trị 136 triệu Nhân dân tệ (tương đương 34 triệu Rúp). Tuy khối lượng chưa nhiều, song viện trợ quốc tế về quân sự giai đoạn 1950 - 1954 là cực kỳ quý báu, đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giúp quân và dân ta làm nên các thắng lợi liên tiếp, đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Về công tác tham mưu, đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn đã sang giúp Quân đội ta về công tác chỉ huy tham mưu, huấn luyện quân sự và truyền đạt những kinh nghiệm hay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trên cơ sở những kinh nghiệm của bạn, vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của chiến trường Việt Nam, Quân đội ta đã thực hiện hết sức thành công chiến thuật “đánh điểm, diệt viện”, chiến thuật “bôn tập”- cơ động từ xa đến, đánh nhanh, giải quyết chiến trường nhanh, rút nhanh và giúp ta trong bảo đảm tác chiến... Trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đề ra phương châm chiến lược “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chính; đồng thời, mở các đòn tiến công trên các hướng chiến trường quan trọng khác trên toàn chiến trường Đông Dương; sau đó thông qua quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cùng cán bộ Quân đội ta trực tiếp đi nghiên cứu chiến trường, giúp chuẩn bị các mặt cho tác chiến trong chiến dịch này. Sự giúp đỡ, viện trợ về vũ khí đạn, trang bị... của các nước cho Quân đội ta, đặc biệt là pháo và đạn 105 mm, các dàn hoả tiễn 6 nòng (H6) đã giúp quân và dân ta tăng thêm sức mạnh, giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ; đồng thời là vốn quý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
 
Với tinh thần quốc tế vô sản cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, vì mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp, các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã dành cho Nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ, viện trợ vô tư, trong sáng và hiệu quả. Đó là nguồn lực quan trọng, hợp cùng nội lực của quân và dân ta (có tính quyết định), tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, đưa cuộc kháng chiến vượt qua mọi khó khăn và đi đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thắng lợi, dẫn tới Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã nâng cao vị thế của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trên trường quốc tế; thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng mạnh; tạo tiền đề vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau đó đi đến thắng lợi, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 (1945-1954). Nxb QĐND, H 1995.
2. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập 1. Nxb QĐND, H 1994.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG - CỤC KINH TẾ/BỘ QUỐC PHÒNG