Chuyển hóa linh hoạt các hình thức tác chiến

03/01/2022, 14:44

Chiến thắng Ấp Bắc đầu năm 1963 đánh dấu bước trưởng thành của LLVT cách mạng miền Nam, trong đó nổi bật là việc chuyển hóa linh hoạt các hình thức tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích đánh địch cơ động bằng máy bay trực thăng và xe thiết giáp (chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”).

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 (tỉnh Mỹ Tho) tham gia đánh trận Ấp Bắc năm 1963. Ảnh tư liệu

Đây là chiến thuật cơ bản mà Mỹ, ngụy sử dụng trong các cuộc hành quân càn quét những năm 1961-1962, gây cho cách mạng miền Nam nhiều khó khăn và tổn thất.
 
Tình hình đó đặt ra cho ta phải tìm cách đánh và kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân càn quét bằng “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Sau Hội nghị dân quân, du kích Nam Bộ lần thứ nhất (tháng 11-1962), dưới sự chỉ đạo của Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8, các đơn vị, địa phương trên địa bàn quân khu triển khai phổ biến, tổ chức huấn luyện bộ đội và du kích về chiến thuật chống địch càn quét, cách bố trí trận địa phòng ngự và kỹ thuật bắn các loại máy bay, nhất là bắn máy bay trực thăng, bắn xe thiết giáp bằng vũ khí có trong biên chế; xây dựng kế hoạch dựa vào xã, ấp chiến đấu-nơi các đơn vị cơ động đến đóng quân-quyết tâm đánh cả bộ binh, tàu chiến, máy bay và xe bọc thép của địch.
 
Phát hiện LLVT ta ở Ấp Bắc, ngày 2-1-1963, địch huy động lực lượng lớn, có 13 xe thiết giáp M-113, 13 tàu chiến, 32 máy bay và pháo binh hỗ trợ, mở cuộc càn quét quy mô lớn mang tên “Đức Thắng 1-63” vào Ấp Bắc, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
 
Lực lượng ta tham gia trận đánh có Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (chủ lực Quân khu 8), Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 (tỉnh Mỹ Tho), một trung đội bộ đội huyện Châu Thành và dân quân, du kích, nhân dân địa phương.

Dựa vào hệ thống hầm hào, công sự, trận địa được xây dựng khá vững chắc trong ấp và những kiến thức cơ bản vừa tập huấn về kỹ, chiến thuật, bộ đội và dân quân, du kích đã kiên cường bám trụ, chuyển hóa linh hoạt các hình thức tác chiến, chủ động mở 5 đợt tiến công: Đánh bộ binh địch (đợt 1, 3), máy bay trực thăng (đợt 2), xe lội nước (đợt 4) và quân nhảy dù (đợt 5).
 
Trong đợt 1 diễn ra rạng sáng 2-1-1963, bộ đội và du kích Ấp Bắc anh dũng chiến đấu, đánh bại 3 mũi tiến công của bộ binh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.
 
Tiếp đó, chặn mũi tiến công bằng đường thủy, dùng thủy lôi tự tạo đánh chìm một tàu chiến và phá hỏng một chiếc khác, buộc số còn lại phải rút lui. Đợt đầu tiến công bằng đường bộ, đường thủy không thành, sang đợt 2, địch sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”, huy động 10 máy bay trực thăng CH-21 chở một tiểu đoàn bộ binh đổ bộ xuống phía sau Ấp Bắc. Nhân lúc máy bay địch đang hạ cánh, các đơn vị bộ đội và du kích ta bất ngờ nổ súng bắn rơi 2 chiếc, buộc địch phải đưa 5 máy bay trực thăng vũ trang UH-1A đến yểm trợ thì 2 chiếc bị bắn rơi, 1 chiếc CH-21 khác đổ quân xong cũng bị ta bắn hạ. 
 
Đến đợt 3, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514) trấn giữ ấp Tân Hội, chờ địch lọt hẳn vào khu vực trận địa đã bố trí sẵn thì ta bất ngờ nổ súng, diệt khoảng một trung đội, số còn lại rút chạy. Phối hợp với bộ đội và du kích Ấp Bắc, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 514) tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân địch trên lộ 4; trung đội trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa; Đại đội 211 (Tiểu đoàn 514) chốt giữ ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.
 
Liên tiếp thất bại và bị nhiều tổn thất, địch sử dụng chiến thuật “thiết xa vận”, huy động 13 xe thiết giáp M-113 hỗ trợ một tiểu đoàn bộ binh mở đợt tiến công thứ 4 vào Ấp Bắc. Dựa vào hệ thống trận địa, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261) chờ địch đến đúng tầm bắn, bất ngờ đồng loạt nổ súng, diệt một xe M-113, phá hỏng một chiếc khác, buộc chúng phải lui ra chờ quân tiếp viện.
 
17 giờ ngày 2-1, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514) và du kích đánh chặn quân địch mở đợt tiến công thứ 5, khi 7 máy bay vận tải C-47 chở tiểu đoàn dù 8 đổ bộ xuống ấp Tân Hội. Với quyết tâm chiến đấu cao, bộ đội và du kích tập trung nổ súng ngay khi lính dù còn lơ lửng trên không và vừa chạm xuống mặt đất; một số lớn bị tiêu diệt, số còn lại chạy tìm nơi ẩn nấp, chờ trời tối rút lui.
 
Ở hướng Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261), các xe M-113 còn lại của địch cố tập trung hỏa lực tiếp tục tiến công, chiếm được một đoạn hào khoảng 30m. Bộ đội ta dùng súng phóng lựu diệt một xe và toàn bộ lính trên xe, buộc số xe còn lại phải lùi ra khỏi khu vực trận địa. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 8 trực thăng, bắn cháy và phá hỏng 3 xe M-113, đánh chìm 2 tàu chiến, thu hơn 100 súng các loại.
 
Thắng lợi trận Ấp Bắc đánh dấu bước tiến bộ mới về trình độ, khả năng phối hợp tác chiến, kịp thời chuyển hóa linh hoạt các hình thức tác chiến giữa bộ đội chủ lực Quân khu 8, bộ đội địa phương, dân quân, du kích chống cuộc càn quét quy mô lớn với quân số đông gấp 10 lần của ngụy quân Sài Gòn do cố vấn Mỹ chỉ huy, có vũ khí tốt, sức cơ động cao và hỏa lực mạnh chi viện đánh vào Ấp Bắc.
 
Đây là lần đầu tiên LLVT cách mạng miền Nam đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch; mở ra Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP (QĐND ONLINE)