Trung Quốc viện trợ kinh tế, quân sự cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp

06/06/2022, 13:53

Nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện khó khăn ngặt nghèo, bị bao vây, cô lập, cùng một lúc phải ứng phó với nhiều kẻ thù. Trước tình thế đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; đồng thời xây dựng, củng cố tình đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, phát huy các nhân tố thuận lợi, khắc phục khó khăn, không ngừng tăng cường thế và lực của cuộc kháng chiến. Với đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, sáng tạo, Đảng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thực hiện những hoạt động đối ngoại tích cực, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến Chiến dịch Biên giới 1950

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng vốn có mối quan hệ lâu đời. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công xây dựng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc. Sau khi cách mạng thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (01/10/1949), thì ngày 18/1/1950, Trung Quốc tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa và là nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, một mốc son trong quan hệ giữa hai nước và trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam. Tiếp sau đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thắng lợi to lớn đó đã tạo đà cho những thắng lợi sau này.
 
Trải qua 4 năm kháng chiến, thế và lực của ta ngày càng phát triển: Từ bị động chuyển sang chủ động, từ phòng ngự chuyển sang cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Đặc biệt, sau chiến thắng Biên giới (Thu Đông 1950) quân và dân ta đã giải phóng 6 tỉnh với hơn 750 km biên giới, phá tan thế bao vây, cô lập của thực dân Pháp, nối thông Việt Nam với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để tiếp nhận sự chi viện quốc tế to lớn, mà chủ yếu là từ Trung Quốc và Liên Xô. Cũng sau chiến thắng này, nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa càng thêm tin tưởng, đẩy mạnh ủng hộ, viện trợ cho Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Với chính sách ngoại giao đoàn kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa để chống lại sự uy hiếp của Mỹ, Trung Quốc trực tiếp đối đầu và coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Trung Quốc đã tích cực kháng Mỹ, viện Triều và giúp đỡ Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ to lớn cả về tinh thần và vật chất và là nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Trong buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm bí mật Liên Xô và Trung Quốc (cuối tháng 1/1950), Chủ tịch Mao Trạch Đông khẳng định: Việt Nam cần trang bị 10 Đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 Đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. 
 

Bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954
 
Các tỉnh của Trung Quốc liền kề với Việt Nam như Vân Nam và Quảng Tây trở thành hậu phương trực tiếp, nơi tập kết hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và Trung Quốc để chuyển cho Việt Nam; nơi đặt các trường đào tạo đội ngũ cán bộ, huấn luyện bộ đội ta. Và Trung Quốc trở thành hậu phương lớn của cách mạng Việt Nam. 
 
Theo thỏa thuận trên, tháng 4/1950, hai trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 sang Mông Tự, Vân Nam, tiếp đó một trung đoàn thuộc Đại đoàn 312 sang Hoa Đồng, Quảng Tây nhận vũ khí. Trung Quốc còn chở vũ khí sang Cao Bằng để trang bị cho hai trung đoàn khác. Ngoài ra, còn có hai tiểu đoàn công binh và Trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Những đơn vị sang Trung Quốc, ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được huấn luyện thêm về kỹ thuật, chiến thuật. Tính đến tháng 6/1950, có 3.100 người sang Trung Quốc học tập (trong đó 650 cán bộ học bổ túc trung và sơ cấp, 1.200 học đào tạo, chỉ huy bộ binh sơ cấp, còn lại học về binh chủng như pháo binh, công binh...). Để thuận tiện cho việc đào tạo nguồn nhân lực quân sự giúp Việt Nam, năm 1951, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc mở hai cơ sở đào tạo cho Việt Nam trên đất Trung Quốc, đó là Khu học xá ở Nam Ninh và Trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn. Từ tháng 7/1952 - 1/1953, Trung đoàn pháo binh 45 - Trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của Quân đội ta được huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc); Trung đoàn pháo cao xạ 367 (thành lập ngày 1/4/1953), sau 6 tháng huấn luyện ở Tân Dương (Quảng Tây, Trung Quốc), cuối năm 1953 được điều động về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả hai trung đoàn này được Liên Xô giúp trang bị vũ khí; còn Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc giúp huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật... Để bảo đảm hậu cần cho bộ đội Việt Nam hoạt động, huấn luyện trên đất Trung Quốc, ngày 6/8/1950, Tổng bộ Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở Nam Ninh. 
 
Về viện trợ quân sự, trong kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc là nước trực tiếp viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam và tập trung vào hai thời điểm có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến: Năm 1950 - khai thông biên giới, nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa và năm 1954 ta tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng miền Bắc Việt Nam. Tính chung, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 4.136,8 tấn vũ khí đạn dược; 2.093 tấn quân giới, quân dụng; 10.504 tấn gạo, 62,8 tấn muối, 26.854 tấn xăng dầu, 30 chiếc ô tô vận tải. Ngoài ra, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn cho ta mượn 144 chiếc ô tô phục vụ tác chiến. Trong đó, năm 1950, Trung Quốc viện trợ cho ta 3.983 tấn hàng, gồm 1.020 tấn vũ khí đạn (kể cả số vũ khí đạn các đơn vị Quân đội ta sang Trung Quốc huấn luyện và đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 2.634 tấn gạo và 30 xe vận tải. 
 
Vũ khí trang bị, Trung Quốc giúp đã được Quân đội ta sử dụng hiệu quả trong chiến đấu. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ta đã sử dụng 3.600 viên đạn pháo 105 mm do Trung Quốc viện trợ (là số đạn đi theo 24 khẩu pháo ta tiếp nhận cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch. Những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp ta thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng, góp phần tăng cường hỏa lực mạnh cho đợt tổng công kích cuối cùng của chiến dịch. Ngoài ra, trước yêu cầu của ta, dù sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105mm rất khan hiếm, nhưng Trung Quốc vẫn quyết định chi viện 7.400 viên; song việc vận chuyển rất khó khăn nên khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, số đạn này mới về đến Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, trang bị vũ khí của Quân đội ta được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1953, Trung Quốc phải dốc sức tham gia kháng Mỹ, viện Triều nên việc viện trợ cho Việt Nam gặp khó khăn; nguồn vũ khí của Quân đội ta dựa vào chiến lợi phẩm là chủ yếu và tự sản xuất một phần.
 
Cùng với viện trợ vật chất, trang bị, vũ khí, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm sang giúp Việt Nam như Tư lệnh Quân khu Hồ Nam Trần Canh, Tư lệnh Quân đoàn 13 Chu Hy Hán, Sư đoàn phó Sư đoàn 7 Ngô Huy Vân… Cố vấn quân sự Trung Quốc đã giúp Quân đội ta về công tác chỉ huy tham mưu, xây dựng kế hoạch tác chiến trong các chiến dịch lớn ở chiến trường chính Bắc Bộ (trong đó có chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ), về huấn luyện và truyền đạt những kinh nghiệm của Quân giải phóng Trung Quốc. Các cố vấn quân sự Trung Quốc đã kề vai sát cánh với Quân đội ta trong cuộc kháng chiến. Tính đến tháng 10/1954, có 237 cố vấn quân sự Trung Quốc sang giúp Việt Nam.
 
Trong hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn và đang giúp Triều Tiên kháng chiến chống Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn tích cực giúp Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều đó có ý nghĩa to lớn với Việt Nam cũng như Trung Quốc, góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Trung Quốc và Liên Xô, quân và dân ta có điều kiện tăng cường thế và lực, liên tiếp mở những chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Trong bối cảnh sau Chiến thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ tìm mọi cách chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới được thành lập, việc các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến cũng chính là nhằm phá vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đối với chủ nghĩa xã hội và cũng vì lợi ích của Trung Quốc. Việt Nam độc lập, Trung Quốc không bị chủ nghĩa đế quốc uy hiếp từ phía Nam. Ngược lại, Trung Quốc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam tránh được sự đe dọa của chủ nghĩa đế quốc từ phía Bắc. Sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân, Chính phủ và quân đội hai nước Việt Nam, Trung Quốc những năm 1950 - 1954 là hết sức quý báu, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: 
 
"Mối tình hữu nghị Việt - Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em".

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1 (1944-1954), Nxb QĐND, 1995.
2. Các nước XHCN giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, 2013.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang