Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/3): Moscow thành công ‘né’ trừng phạt, thương mại Nga-EU đạt kỷ lục 9 năm, tăng trưởng toàn cầu bị "gây nhiễu"

13/03/2023, 09:07

Bất chấp trùng điệp trừng phạt, hàng hóa Nga sang EU tăng sốc, cao nhất 9 năm; Mỹ muốn tăng sản lượng dầu, xuất khẩu Trung Quốc giảm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nga nhìn chung đã thành công trong việc tránh luật trừng phạt của EU. (Nguồn: Export.org.uk)

Kinh tế thế giới: Suy thoái toàn cầu chỉ đang bị trì hoãn chứ không biến mất?

Hai số liệu mới công bố đang kể những câu chuyện hoàn toàn khác nhau về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Những chỉ báo ngắn hạn thì lạc quan song những tín hiệu dài hạn cho thấy kinh tế toàn cầu đang hướng đến một cuộc suy thoái. Trong khi kinh tế Mỹ và châu Âu có thể khó tránh được cú sốc suy thoái thì yếu tố Trung Quốc có thể là tín hiệu “gây nhiễu” trong bức tranh toàn cảnh thế giới.
 
Các số liệu gần đây chỉ ra rằng, kinh tế châu Âu và Mỹ đang tăng tốc trở lại sau khi đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế trong năm ngoái. Với việc tránh được kịch bản “hạ cánh cứng”, các nền kinh tế trên đang hướng tới một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mới dựa vào tăng trưởng việc làm cùng với những hậu quả lạm phát đi kèm.
 
Quan điểm này nhanh chóng trở nên phổ biến và khiến thị trường trái phiếu toàn cầu trị giá 130.000 tỷ USD “dậy sóng”. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng vọt 80 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 2/2023 - mức cao nhất kể từ giữa năm 2007 ngay trước khi hệ thống tài chính quốc tế sụp đổ.
 
Trong khi đó, những thước đo truyền thống đang cho thấy triển vọng ảm đạm hơn. Chỉ số kinh tế tổng hợp của về Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thu thập đã giảm trong 17 tháng liên tiếp và vẫn chưa cho thấy xu hướng ổn định.
 
Chỉ số này - dự đoán nền kinh tế thực trong 6-9 tháng tới - ở mức thấp suy thoái mới là 98,4 (điểm) vào tháng 1/2023. Chỉ số kinh tế tổng hợp cho Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thậm chí còn thấp hơn ở mức 98,1 (điểm) và thấp hơn bất kỳ thời điểm nào trước hoặc trong cuộc suy thoái bắt nguồn từ bong bóng công nghệ (dotcom) vào đầu những năm 2000.
 
Lakshman Achuthan, nhà kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI, Mỹ), cho biết các nền kinh tế lớn đang bước vào chu kỳ suy giảm, và đó là điều chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái.
 
Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết, bộ phận giám sát thương mại toàn cầu của họ vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thương mại toàn cầu đã tạo đáy. Quý IV/2022 chứng kiến một trong những giai đoạn sụt giảm lớn nhất trong thương mại hàng hóa thế giới kể từ những năm 1980, và các chỉ số hàng đầu cho thấy xu hướng giảm còn tiếp diễn. (Telegraph)
 
Kinh tế Mỹ
 
* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 8/3 cảnh báo rằng, nước này vẫn phải đối mặt với áp lực lạm phát lan rộng - một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương đã sẵn sàng đẩy mạnh nhịp độ tăng lãi suất với mức tăng có thể cao hơn dự đoán nếu cần thiết, động thái khiến thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm.
 
Kinh tế thế giới nổi bật (24/2-2/3): Giữa vòng vây trừng phạt, Nga nói có thể học kinh nghiệm từ Iran, Ukraine đón tin vui, Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’Kinh tế thế giới nổi bật (24/2-2/3): Giữa vòng vây trừng phạt, Nga nói có thể học kinh nghiệm từ Iran, Ukraine đón tin vui, Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’
Trong báo cáo Sách Be (Beige Book) mới nhất khảo sát 12 khu vực của Mỹ, Fed cho rằng, các điều kiện kinh tế có sự gia tăng ở mức khiêm tốn đến vừa phải trong hầu hết các khu vực, trong khi điều kiện thị trường lao động vẫn vững chắc.
 
Hoạt động kinh tế nói chung tăng nhẹ trong năm tính đến ngày 27/2, với 6 trong số 12 khu vực của Fed cho thấy sự mở rộng khiêm tốn trong tốc độ hoạt động, trong khi 6 khu vực còn lại báo cáo ít thay đổi hoặc không thay đổi.
 
Một số khu vực đã báo cáo về sự gia tăng lạm phát về giá, với áp lực lạm phát dai dẳng được ghi nhận ở khu vực New York và sự gia tăng "mạnh mẽ" trong chi phí cho thuê nhà ở khu vực Cansas City. (TTXVN)
 
* Phát biểu bên lề diễn đàn năng lượng CERAWeek diễn ra tại Houston (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez cho biết, nước này muốn sản lượng dầu gia tăng, trong đó có cả các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
 
Theo ông Fernandez, khi các nền kinh tế trên thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ sẽ cao hơn. Do đó, Mỹ muốn nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu. (Reuters)
 
Kinh tế Trung Quốc
 
* Xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay giảm, cho thấy sự suy yếu tiếp diễn trong nhu cầu của nước ngoài và củng cố lo ngại của chính phủ nước này về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu sẽ cản trở sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch.
 
Hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm trong cùng kỳ, cũng phản ánh nhu cầu nước ngoài suy yếu, bởi Trung Quốc thường mua linh kiện và vật liệu từ nước ngoài để sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu.
 
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu tháng 1 và tháng 2/2023 của Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 9,9% vào tháng 12/2022. Hoạt động nhập khẩu trong cùng kỳ cũng giảm 10,2% so với năm trước đó, kết quả tồi tệ hơn so với tháng 12/2022, khi mức giảm chỉ là 7,5%. (Reuters)
 
* Theo thông tin từ tờ Financial Times, các công ty Trung Quốc đang đổ xô đến Thụy Sỹ để huy động vốn sau khi không được niêm yết ở Mỹ, do căng thẳng địa chính trị và do các tiêu chuẩn kiểm toán khắt khe hơn ở Anh.
 
Nhà điều hành thị trường chứng khoán Thụy Sỹ SIX cho biết, 9 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Zurich vào năm ngoái, huy động được 3,2 tỷ USD tại quốc gia châu Âu này. Con số đó vượt xa con số 470 triệu USD mà họ huy động được ở New York, theo dữ liệu từ Dealogic.
 
“Thụy Sỹ có rất nhiều nguy cơ trở thành thị trường Trung Quốc”, một giám đốc điều hành cấp cao tại một sàn giao dịch đối thủ của SIX nói. (TTXVN)
 
Kinh tế châu Âu
 
* Hãng tin RIA Novosti của Nga trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 2,3% vào năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 tới thời điểm báo cáo.
 
Theo đó, xuất khẩu hàng hóa từ Nga sang EU trong năm 2022 tăng 25% đạt 203,4 tỷ Euro (214,23 tỷ USD), thấp hơn 230 triệu Euro so với mức đỉnh hồi năm 2012 là 203,6 tỷ Euro.
 
Trong khi đó, xuất khẩu từ EU sang Nga giảm khoảng 38% xuống còn 55,2 tỷ Euro, mức thấp nhất kể từ năm 2005. (TTXVN)
 
* Ngày 4/3, hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cấp cao của EU cho rằng Nga nhìn chung đã thành công trong việc tránh luật trừng phạt của EU, và kim ngạch nhập khẩu của nước này phần lớn đã trở lại "mức trước xung đột" năm 2020.
 
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga với hy vọng "làm suy yếu nền kinh tế nước này". Tuy nhiên, theo Bloomberg, các phân tích dữ liệu thương mại cho thấy "tác động thực sự ở một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với những gì giới chức phương Tây có thể đã hy vọng".
 
Theo đó, bất chấp những hạn chế xuất khẩu của EU đối với "hàng trăm hàng hóa và công nghệ", Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà mình cần, chủ yếu thông qua tái xuất khẩu từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Trung Quốc. (Bloomberg)
 
* Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 8/3 cho biết, bà sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao và khôi phục sự ổn định giá cả.
 
Bà Lagarde nhấn mạnh, ECB sẽ khôi phục lại sự ổn định của giá cả và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết.
 
ECB đã tăng lãi suất với tốc độ chưa từng thấy kể từ tháng 7/2022 để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Trong tuần trước, bà Lagarde nói rằng lãi suất tại Eurozone có thể cần tăng hơn nữa, sau khi ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối tháng này. (AFP)
 
* Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis ngày 8/3 công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này phục hồi trong tháng 1/2023, đưa đến sự lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể tránh được suy thoái.
 
Sản lượng công nghiệp của Đức tăng 3,5% trong tháng 1/2023, sau khi giảm 2,4% trong tháng 12/2022. Bộ Kinh tế Đức lạc quan về triển vọng của nền kinh tế khi những vấn đề về nguồn cung giảm bớt và lượng đơn hàng lớn có nghĩa sự giảm tốc của nền kinh tế vào đầu năm sẽ không mạnh. (AFP)
 
* Liên hợp quốc (LHQ) ngày 8/3 thông báo Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan sẽ gặp các quan chức cấp cao của Nga tại Geneva (Thụy Sỹ) trong tuần tới để thảo luận về khả năng gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
 
Phát biểu với báo giới, Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq bày tỏ: “Đó là bước tiếp theo, và chúng tôi sẽ xem liệu có cần thêm bất cứ điều gì hơn thế hay không. Tổng thư ký LHQ sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để loại bỏ các trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga”. (Reuters)
 
* Các nước G7 đang lên kế hoạch điều chỉnh lại mức giá trần với dầu thô của Nga trong tháng 3. Đây là phát biểu của bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về chống tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính.
 
Bà Rosenberg cũng lảng tránh khi được hỏi liệu Washington có mong đợi rằng việc áp mức giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến lập trường của Moscow đối với xung đột ở Ukraine hay không. (Sputnik)
 
Trong tháng 1/2023, tài khoản vãng lai của nước này bị thâm hụt tới 1.980 tỷ Yen, cao nhất từ trước tới nay. (Nguồn: AFP)
 
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
 
* Ngày 8/3, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo, trong tháng 1/2023, tài khoản vãng lai của nước này bị thâm hụt tới 1.980 tỷ Yen (khoảng 14 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu do giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất của Nhật Bản trước đó là 1.460 tỷ Yen được ghi nhận vào năm 2014.
 
Nguyên nhân chủ yếu khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng là do các công ty nước này hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến sớm hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, giá năng lượng nhập khẩu tăng cao và sự mất giá của đồng yen cũng tác động tiêu cực tới cán cân thương mại của Nhật Bản. (TTXVN)
 
* Ngày 6/3, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo đã quyết định dừng khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc tham vấn liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu sử dụng cho công nghệ cao.
 
Thông báo nêu rõ chính phủ hai nước đã nhất trí tiếp tục tham vấn về các vấn đề song phương chờ giải quyết liên quan đến hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc nhằm trở lại trạng thái trước tháng 7/2019. Phía Nhật Bản đã quyết định sớm tổ chức đối thoại với Hàn Quốc về chính sách quản lý xuất khẩu. (THX)
 
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 8/3 cho biết, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục giảm tốc do xuất khẩu đi xuống và lãi suất tăng nhanh.
 
Trong tháng Hai, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 7,5% so với một năm trước đó, duy trì xu hướng giảm tháng thứ năm liên tiếp. Trước sự sụt giảm xuất khẩu, sản lượng trong ngành khai khoáng và sản xuất trong tháng Một đã giảm 12,7% so với năm trước. Sản xuất chất bán dẫn đã giảm 33,9% trong tháng.
 
Doanh số bán lẻ, phản ánh mức tiêu dùng cá nhân, đã giảm 2,1% trong tháng Một so với tháng trước, duy trì xu hướng giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Đầu tư vào cơ sở vật chất cũng giảm 3,9% trong tháng Một. (THX)
 
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
 
* Vấn đề phát triển bền vững đã được thảo luận tại cuộc họp lần thứ 43 Nhóm đặc trách cấp cao về hội nhập kinh tế ASEAN (HLTF-EI) diễn ra vào ngày 2-3/3 nhằm chuẩn bị cho khu vực ứng phó với các thách thức toàn cầu, từ tác động của đại dịch, biến đổi khí hậu đến căng thẳng địa chính trị.
 
Trong một thông cáo ngày 6/3, Thứ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Edi Prio Pambudi cho biết, các đại biểu đã ủng hộ việc phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) từ thượng nguồn đến hạ nguồn và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như thành lập chuỗi cung ứng phụ tùng EV và cơ sở xử lý chất thải pin.
 
HLTF-EI cũng nhất trí về ý tưởng phát triển Khung kinh tế xanh ASEAN - tài liệu này được kỳ vọng sẽ trở thành kim chỉ nam giúp khu vực bảo vệ và tạo ra giá trị gia tăng từ tiềm năng biển - và ủng hộ sáng kiến của Indonesia nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối khu vực. (TTXVN)
 
* Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Thái Lan ngày 7/3, lạm phát toàn phần của nước này trong tháng 2/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua, nhờ giá năng lượng và lương thực giảm.
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần trong tháng Hai tăng 3,79% so với cùng kỳ năm ngoái và đã giảm khá nhiều so với mức tăng 5,02% được ghi nhận tháng 1/2023.
 
Bộ Thương mại Thái Lan dự báo lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng Ba để giúp đưa lạm phát toàn phần trong cả năm 2023 về mức từ 2-3%. (TTXVN)
 
* Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo các thành viên nội các thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư vào lĩnh vực chế biến hạ nguồn từ than đá thành khí dimethyl ether (DME).
 
Phát biểu với báo giới ngày 7/3, Bộ trưởng Bahlil cho hay tại cuộc họp nội các cùng ngày, Tổng thống Widodo đã chỉ thị tối ưu hóa than đá có hàm lượng calo thấp thành khí DME để sử dụng trong nước.

LÊ NGÂN/TTXVN