Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

01/12/2022, 18:55

Năm mươi năm trước, những ngày cuối tháng 12 năm 1972, đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với Không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng. Cả thế giới hướng về Việt Nam, về Hà Nội “Thủ đô của lương tâm và phẩm giá con người”. Với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã quật đổ thần tượng pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”. Với tầm nhìn chiến lược, từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn gì, đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 đánh ra Hà Nội trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam”. Người đã cùng Đảng ta chỉ đạo toàn dân, toàn quân chuẩn bị mọi mặt rất sớm, nhất là xây dựng quyết tâm, nghiên cứu cách đánh để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức lịch sử này. 

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm.

Sau những thất bại nặng nề, liên tiếp trên các chiến trường, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Mỹ đã phải chấp nhận dự thảo Hiệp định Pari do phái đoàn ta chuẩn bị. Nhưng Mỹ đã tráo trở, lật lọng để thực hiện bước phiêu lưu quân sự mới nhằm giành thế mạnh buộc ta chấp nhận điều kiện của họ. Cuối tháng 11/1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: có khả năng địch đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội và Hải Phòng. 
 
Nhân dân các địa phương, các kho tàng, nhất là nơi dự kiến B52 sẽ oanh tạc được lệnh khẩn trương sơ tán. Hệ thống còi, loa phóng thanh phục vụ báo động, công sự chiến đấu và hầm ẩn nấp ở các tỉnh, nhất là thành phố Hà Nội và Hải Phòng nhanh chóng được tu sửa, làm thêm; nếp sống, sinh hoạt, sản xuất thời chiến... được tái lập, duy trì chặt chẽ. Để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tổ chức chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng (18 - 29/12/1972). Tham gia chiến dịch có: 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn rađa, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. 
 
Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh; công tác chuẩn bị chiến dịch tiến hành rất khẩn trương, chặt chẽ và từ tháng 4/1972 trở đi được đẩy nhanh hơn. Nhiều kíp chiến đấu của tên lửa, không quân, ra đa cùng Viện Kỹ thuật Quân sự được phái vào nam Quân khu 4, sang Lào nghiên cứu và thực nghiệm để hoàn thiện cách đánh B52. Sau Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và tài liệu “Cách đánh B52” được thông qua (31/10/1972), Quân chủng PK-KQ nhanh chóng đưa vào huấn luyện bộ đội. Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263/Sư đoàn phòng không 367 bắn rơi 1 chiếc B52 ở biên giới Việt - Lào, cách trận địa khoảng 200 km đã khẳng định lòng tin đánh thắng B52 trong toàn quân chủng. 
 
Nhu cầu bảo đảm hậu cần (BĐHC) chiến dịch rất lớn và khẩn trương, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chuyển sinh hoạt của bộ đội phù hợp với điều kiện tác chiến, nhanh chóng sơ tán kho tàng, bổ sung vật chất, khí tài, đạn dược cho các đơn vị, trong đó bảo đảm đạn tên lửa, khí tài và xăng dầu là trọng tâm.
 
Quân nhu các cấp đẩy nhanh việc tiếp nhận, vận chuyển đưa hàng hóa còn ứ động ở các bến bãi, nhà ga, bến cảng... về kho nơi sơ tán. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm cấp đủ vật chất cho các đơn vị phòng không, đặc biệt là Sư 361, 363 và hiệp đồng với các cơ quan, địa phương phối hợp bảo đảm tại chỗ cho các đơn vị theo từng khu vực, hạn chế tối đa vận chuyển bảo đảm khi tác chiến. Ngoài lượng dự trữ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu, Cục Quân nhu đã cấp cho cho Quân chủng PK-KQ gần 400 tấn lương khô và thực phẩm các loại. Các loại vật chất được dự trữ sẵn trên từng khu vực gần trận địa, sân bay, có hầm hố phòng tránh để bổ sung kịp thời cho đơn vị sau ngày hoặc đợt chiến đấu. Trong 12 ngày đêm chiến dịch, bộ đội phòng không được bảo đảm ăn nóng, ăn tăng thêm định lượng bằng thực phẩm tươi, có đủ nước uống... Riêng người lái máy bay phản lực chiến đấu còn có khẩu phần lương khô không quân để sẵn trong khoang lái và khi trực chiến đấu được ăn 5 bữa, đủ nhiệt lượng 4.745 Kcalo. Vì vậy, bộ đội có sức khoẻ dẻo dai, chiến đấu liên tục.  
 
Bảo đảm đạn dược, khí tài cho chiến dịch yêu cầu rất khẩn trương, nhưng dự trữ khi đó rất hạn chế và thiếu đồng bộ, số khí tài mới do các nước bạn viện trợ chưa tới kịp; đạn tên lửa dự trữ không nhiều, một số lại quá niên hạn sử dụng... Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Cục Quân khí và Cục Quản lý xe đã phối hợp với hậu cần Quân chủng PK-KQ tập trung kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa khôi phục khí tài, trang bị, đạn. Tổng cục Hậu cần huy động tối đa phương tiện vận chuyển bổ sung vũ khí, khí tài, đạn và vật chất thiết yếu cho các đơn vị. Đầu tháng 12/1972, Quân chủng PK-KQ có dự trữ 5 cơ số đạn các loại; Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3) có đủ cơ số đạn bộ binh, 3 cơ số đạn pháo, 5 cơ số đạn cao xạ. Đạn pháo phòng không được dự trữ trên từng khu vực, theo từng cấp (2-3 cơ số) để bảo đảm 2-3 đợt chiến đấu trong 5-7 ngày; ở trận địa có 1 cơ số đủ chiến đấu 1-2 ngày. Sư đoàn 361 và 363 là lực lượng nòng cốt bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đã khẩn trương kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng khôi phục vũ khí, khí tài, bảo đảm hệ số kỹ thuật tên lửa đạt 100%, pháo cao xạ hơn 90%, ra đa 98%, khí tài khác 75 - 100%. Máy bay phản lực chiến đấu, hệ số kỹ thuật đạt 71%. Bước vào chiến dịch, các đơn vị tên lửa ở Hà Nội có dự trữ 2,16 cơ số đạn, ở Hải Phòng dự trữ 1,8 cơ số. 
 

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không.
 
Quân y các đơn vị phòng không đã kết hợp với các cơ sở dân y hình thành cứu chữa người bị thương theo khu vực và theo tuyến (có 4 tuyến). Tuyến 1, quân y trận địa kết hợp với tổ chức y tế của cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã... làm nhiệm vụ cấp cứu ban đầu. Tuyến 2, kết hợp quân y đơn vị với trạm y tế của các xã, khu phố, làm nhiệm vụ bổ sung cấp cứu. Tuyến 3, kết hợp quân y với các bệnh viện, bệnh xá huyện, khu phố, nhà máy lớn... làm nhiệm vụ cấp cứu, xử trí phần lớn các vết thương không quá phức tạp, tổ chức các đội phẫu thuật cơ động sẵn sàng xử trí khi cần thiết. Tuyến 4 gồm các bệnh viện quân y kết hợp với bệnh viện tỉnh, thành phố, đảm nhiệm xử trí các vết thương phức tạp, chuyên khoa sâu, chỉ đạo và chi viện kỹ thuật cho tuyến trước. 
 
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, năm 1972 đã hoàn thành thi công, đưa vào vận hành hai tuyến đường ống chiến lược: Lạng Sơn - Hà Nội và Bãi Cháy, Quảng Ninh - Hà Nội, nối với tuyến đường ống nam Hà Nội (Nhân Vực) vào tới Cam Lộ và sang nam Đường 9 (3278 km) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển lớn xăng dầu nước bạn viện trợ chi viện các chiến trường và bảo đảm cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Dưới sự điều hành của Ban Xăng dầu Trung ương, các kho xăng dầu quốc gia như: Hữu Lũng - Lạng Sơn (12.000 m3); Trại Sơn - Thủy Nguyên - Hải Phòng (10.000 m3), phối hợp cùng các kho chiến lược ở bắc sông Hồng dự trữ bảo đảm đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho các đơn vị phòng không, các sân bay: Gia Lâm, Kiến An, Đa Phúc, Yên Bái, Kép; các kho nam sông Hồng dự trữ bảo đảm các đơn vị phòng không trên hướng này và các sân bay Hòa Lạc, Thọ Xuân... Mỗi sân bay có dự trữ 30 - 40 ngày chiến đấu, riêng sân bay Đa Phúc dự trữ nhiều hơn. Những tháng đầu năm 1972, Quân khu Tả ngạn còn dùng xe xitéc vận chuyển 1.600 tấn xăng dầu từ Lạng Sơn, Bắc Thái về bảo đảm cho các đơn vị; Quân chủng PK-KQ đã thu hồi các bể cũ loại 4,5m3 sửa chữa lắp cho xe tải vận chuyển và xúc rửa hàng ngàn thùng phuy chuẩn bị cấp cho đơn vị...; tháng 3/1972 toàn bộ máy bay chiến đấu đã thay dầu mới...
Ngày 03/12/1972, mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B52 hoàn thành.
 
Từ giữa tháng 12/1972, tình hình diễn biến rất khẩn trương, phức tạp: Hội nghị Pari bế tắc; Mỹ đưa thêm tàu sân bay đến Vịnh Bắc Bộ, liên tục cho máy bay trinh sát Hà Nội, Hải Phòng, thả thủy lôi phong tỏa vùng ven biển, cửa sông ở miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn quyết định mở chiến dịch “Lainơbếchcơ II” dùng B52 đánh phá hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng.
 
Mở màn chiến dịch (18/12), Mỹ sử dụng 129 lần chiếc B52 và trên 160 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Do chuẩn bị chu đáo, quân dân ta đã bắn rơi 8 máy bay của Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52 và 1 chiếc F111. Ngay ngày 18/12, Binh trạm 20 tập trung lực lượng cùng Tiểu đoàn 936 của Cục Vận tải và các lực lượng tăng cường đã nhanh chóng giải tỏa xong 4.000 tấn hàng quân sự và trên 1.000 tấn hàng kinh tế ở khu vực Đông Anh, Yên Viên đưa đến nơi an toàn. 
 
Các ngày sau đó, ta bắn rơi 45 máy bay nữa (có 15 B52, 4 F111); riêng đêm 20/12, ta bắn rơi 7 B52 và 7 máy bay chiến thuật của Mỹ. 
 
Trong đợt 2 (26-29/12), Mỹ đã huy động đến mức cao nhất lực lượng không quân chiến lược, đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng (chủ yếu đánh đêm), tập trung ném bom rải thảm các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Đặc biệt, đêm 26/12, Mỹ huy động 129 lần chiếc B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, trong đó có các khu đông dân cư như phố Khâm Thiên, khu lao động Tương Mai, Mai Hương, bệnh viện Bạch Mai, An Dương, thị xã Thái Nguyên, giết hại hàng ngàn dân thường. Trận chiến đấu đêm 26/12 chỉ diễn ra 1 giờ, nhưng lực lượng phòng không Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B52, bắt nhiều giặc lái. Đêm 27 và 28/12/1972, nhiều máy bay B52 Mỹ tiếp tục bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội. 
 
Ở tuyến 1, các đội cứu sập kết hợp với dân quân tự vệ đã kịp thời có mặt ở từng ngõ phố, từng nhà bị đánh phá để tìm kiếm, cứu người bị thương. Tiểu đoàn 4/Trung đoàn 2 phòng không/Quân chủng PK-KQ, trong 2 giờ đã sơ cứu hết những người bị thương đưa về tuyến sau. Bệnh viện các thành phố, khu phố, các bệnh xá của các nhà máy, xí nghiệp làm việc suốt ngày đêm... Tỉnh Hải Hưng và Thái Bình đã đón nhận và cứu chữa giúp Hải Phòng 300 người bị thương.
 
Sau 12 ngày đêm, dù đã huy động 740 lần chiếc B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, nhiều khí tài điện tử hiện đại, ném hàng vạn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng... nhưng không đạt được mục tiêu, lại bị tổn thất lớn (81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111 bị bắn rơi, nhiều giặc lái Mỹ bị bắt). Ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nichxơn phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch Lainơbếchcơ II, ngừng ném bom từ bắc Vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại đàm phán ở Pari. Quân và dân Hà Nội, Hải Phòng cùng các địa phương miền Bắc đã lập nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”. 
 
Trong chiến dịch, hậu cần các cấp đã bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu cho lực lượng phòng không ba thứ quân chiến đấu. Đạn tên lửa và cao xạ tiêu thụ rất lớn; riêng Sư đoàn 361 trong 12 ngày đêm tiêu thụ 2.500 tấn đạn các loại (bằng 12% tổng số đạn tiêu thụ trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của cả Quân chủng PK-KQ). Dù chiến đấu ác liệt, nhưng việc sửa chữa, thay thế và bổ sung vũ khí, trang bị và cứu chữa thương binh, nhân dân bị thương vẫn được triển khai nhanh chóng, kịp thời... góp phần cùng quân và dân Hà Nội, Hải Phòng đập tan cuộc tập kích chiến lược của Mỹ, lập nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này cùng với thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari. Nhân dân ta đã “Đánh cho Mỹ cút” tạo điều kiện và thời cơ lớn để tiến lên “đánh cho Ngụy nhào” trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Thành công của công tác hậu cần chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” để lại nhiều bài học sâu sắc về: nhạy bén trong nắm bắt dự báo chiến lược, tích cực chủ động nghiên cứu chuẩn bị thế trận và tiềm lực hậu cần; phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu cần toàn dân, kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội và hậu cần nhân dân trong bảo đảm; chuẩn bị chu đáo, có nhiều phương án bảo đảm, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tiễn; bố trí hậu cần hợp lý, lấy bảo đảm theo khu vực và hướng là chủ yếu; chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, tích cực phòng tránh, sơ tán bảo toàn lực lượng để duy trì khả năng bảo đảm kịp thời liên tục...
 

Xác B52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội.

 
Năm mươi năm đã trôi qua, các bài học kinh nghiệm đó vẫn nguyên giá trị cần nghiên cứu, kế thừa, phát triển trong BĐHC cho các LLVT sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (tương lai) sẽ là chiến tranh nhân dân phát triển cao chống lại chiến tranh VKCNC của địch. Chúng sẽ chú trọng “làm mềm chiến trường” sau đó tiến công từ hướng biển, trên bộ, đổ bộ đường không từ nhiều hướng; thực hiện chia cắt chiến lược, chiến dịch trên hướng, địa bàn trọng điểm, phối hợp với bọn phản động nội địa từ trong đánh ra; tìm cách quốc tế hóa cuộc chiến tranh, xiết chặt bao vây, cấm vận, phong tỏa về kinh tế, ngoại giao... sẽ không còn khái niệm phía sau, phía trước, tiền tuyến và hậu phương, điều đó đặt ra những yêu cầu và thách thức mới về BĐHC.  
 
Ta có thuận lợi cơ bản là thế trận chiến tranh nhân dân đã được chuẩn bị trước với lực lượng tổng hợp, gồm: bộ đội chủ lực cơ động của Bộ, của quân khu và các lực lượng trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố; vận dụng linh hoạt các loại hình và quy mô tác chiến... Về mặt hậu cần, thế và lực của ta ngày càng được tăng cường trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Hậu cần KVPT là nền tảng của hậu cần QPTD và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đã và đang được xây dựng, hoàn thiện trên 63 tỉnh, thành phố; cùng với các CCHC chiến lược, chiến dịch từng bước được triển khai tạo ra các khu vực hậu cần có khả năng độc lập bảo đảm tại chỗ vững chắc trên các hướng chiến lược. Chúng ta có điều kiện kế thừa và phát triển kinh nghiệm BĐHC trong các cuộc chiến tranh, các cuộc diễn tập vừa qua và tương lai... Tuy nhiên, địa hình nước ta dài và hẹp, biển rộng, có nhiều đảo dễ bị chia cắt; trong điều kiện địch có ưu thế về VKCNC, việc cơ động, bảo toàn lực lượng hậu cần để duy trì bảo đảm liên tục, kịp thời nhu cầu lớn trong mọi tình huống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phải chủ động chuẩn bị mọi mặt, chú trọng tăng cường khả năng bảo đảm tại chỗ. Vận dụng kinh nghiệm BĐHC chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, chuẩn bị thế trận và tiềm lực hậu cần ngày nay, cần chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau:
 
Một là, vận dụng bài học về nhạy bén nắm chắc dự báo chiến lược, luôn chủ động chuẩn bị trước về hậu cần, trong giai đoạn mới, trên cơ sở Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đường lối, chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đất nước, của ngành, chủ động nghiên cứu tham mưu cho Bộ về xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần chung và tại chỗ trên từng hướng, địa bàn chiến lược. Trước hết cần tham mưu cho Bộ trong quy hoạch, chỉ đạo, đầu tư, từng bước xây dựng hệ thống CCHC chiến lược và của KVPT địa phương, ưu tiên các hướng, khu vực trọng điểm trên cơ sở kết hợp KT với QP và QP với KT. Chú trọng xây dựng và duy trì hệ thống giao thông thông suốt trong mọi tình huống; đầu tư cải tạo hang động, bảo vệ, chăm sóc và trồng mới rừng... tạo cảnh quan môi trường phát triển KT - XH thời bình và thời chiến là nơi triển khai kho trạm, bệnh viện, CCHC phục vụ tác chiến. Theo đó, cần có lộ trình thích hợp trong xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, tăng cường các công trình lưỡng dụng trên cơ sở kết hợp kinh tế với quốc phòng lồng ghép trong các dự án KT - XH; đẩy mạnh phát triển các Đoàn KTQP, cơ sở sản xuất hậu cần các cấp, nghiên cứu phương án đưa đến dự trữ trước (khi có nguy cơ chiến tranh) vật tư chiến lược và dự trữ công nghệ của một số nhà máy, xí nghiệp hậu cần nhằm tăng cường nguồn lực tại chỗ trên các địa bàn chiến lược trọng yếu.
 
Xây dựng TTHC các cấp phải toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở kinh tế với hậu cần quân đội; coi trọng “Thế trận lòng dân”, lấy hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần KVPT làm nền tảng và hậu cần chiến lược, chiến dịch làm nòng cốt; tạo nguồn, khai thác tiềm năng tại chỗ là cơ bản, từng bước hình thành các khu vực hậu cần tại chỗ có khả năng độc lập bảo đảm và chuyển hóa nhanh, thích ứng mọi tình huống trên từng hướng chiến lược.
 
Hai là, quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên hậu cần có bản lĩnh vững vàng, tri thức cao, kỹ năng nghề nghiệp giỏi, sức khỏe tốt... chú trọng xây dựng LLHC dự bị động viên (nhất là lực lượng quân y và vận tải) có chất lượng cao để sẵn sàng huy động, động viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong các tình huống. Đồng thời, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị hậu cần đồng bộ với trang bị tác chiến. Trong đó, ưu tiên phát triển trang thiết bị hậu cần cho các đơn vị xây dựng hiện đại, trước hết là Quân chủng PK-KQ và đơn vị không quân thuộc Quân chủng Hải quân theo hướng “đón đầu, đi tắt” vào công nghệ hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới vừa đáp ứng yêu cầu tác chiến tương lai. Vì vậy, định kỳ cần rà soát, hoàn thiện chiến lược mua sắm, phát triển trang bị hậu cần phù hợp với điều kiện của đất nước, quân đội và yêu cầu bảo đảm cho tác chiến tương lai; đồng thời đẩy mạnh cải tiến trang bị hiện có, nghiên cứu ứng dụng phát triển tiến tới tự sản xuất ngày càng nhiều trang bị hậu cần hiện đại, đồng bộ cho tác chiến.
 
Ba là, định kỳ rà soát kỹ lưỡng, phát hiện các bất cập và bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch BĐHC trong các tình huống chiến lược, trước hết là kế hoạch BĐHC phòng tránh đánh địch tiến công hỏa lực (Kế hoạch hậu cần A4) của các cấp sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ tác chiến tương lai. Trong đó chú trọng biện pháp phòng tránh bảo toàn lực lượng trong điều kiện địch sử dụng rộng rãi VKCNC; kết hợp giữa hậu cần chiến lược, chiến dịch và KVPT địa phương, hình thành BĐHC theo khu vực tại chỗ trên từng hướng chiến lược.
 
Trong tác chiến, chỉ huy hậu cần phải mưu trí, linh hoạt, quyết đoán xử trí kịp thời, chính xác mọi tình huống. Triệt để tận dụng thời cơ giữa các đợt tác chiến, trận chiến đấu để vận chuyển, cơ động trên hướng, khu vực bổ sung kịp thời vật chất, trang bị và chuyển thương binh theo địa chỉ chính xác. 
 
Bốn là, vận dụng, phát triển bài học về tổ chức sơ tán, ngụy trang nghi binh, phối hợp tác chiến bảo toàn lực lượng để duy trì khả năng bảo đảm kịp thời liên tục. Trong điều kiện mới, cần nghiên cứu hoàn thiện về phương pháp tổ chức và thời cơ sơ tán, giải tỏa vật chất hậu cần chiến lược, chiến dịch (trọng tâm là nghiên cứu giải tỏa sơ tán nhiên liệu, vận chuyển vũ khí đạn) nhằm vừa bảo toàn tiềm lực, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tác chiến. Cần tính toán, có phương án vận chuyển sơ tán hợp lý vật chất, phương tiện nhiên liệu vào các khu triển khai bảo đảm và các CCHC. Quá trình sơ tán giải tỏa vật chất phải nắm vững khả năng, nhu cầu, cân đối chặt chẽ trên cơ sở kết hợp lực lượng, phương tiện của Quân đội, Nhà nước và huy động trong dân cần sử dụng đa phương thức, đa phương tiện... hòa lẫn trong các hoạt động xã hội thời chiến và cố gắng hạn chế vận chuyển xa. Ngay từ thời bình cần có phương án chuẩn bị hang hầm, điều kiện cần thiết để triển khai kho trạm trong thời chiến được nhanh và an toàn, phân tán, sơ tán kho trạm, cơ sở hậu cần hòa lẫn trong dân (làng, bản, đình, chùa, kho địa phương...), đây cũng là kinh nghiệm quý trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
 
Trong chiến tranh CNC của địch, để bảo vệ hậu cần phải vận dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và nghệ thuật trong ngụy trang, nghi trang nhằm “giấu thật, bày giả” kho, trạm, phương tiện. Bố trí hậu cần phân tán hợp lý, triệt để tận dụng và cải tạo địa hình, nhất là hang động; dịch chuyển, di chuyển kịp thời; đồng thời luôn có lực lượng hậu cần dự bị cơ động đủ mạnh đủ sức xử trí kịp thời các tình huống, nhất là trong phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực. Mặt khác, cần hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tác chiến, nhất là lực lượng phòng không và KVPT trong bảo vệ hậu cần; tổ chức khắc phục nhanh hậu quả do địch đánh phá, duy trì khả năng bảo đảm liên tục.
 
BĐHC trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực có phạm vi rộng, đang phát triển, yêu cầu rất khẩn trương, môi trường tác chiến sẽ rất khốc liệt... Kế thừa và phát triển các bài học kinh nghiệm BĐHC chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, hậu cần các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư đúng mức trong nghiên cứu và từng bước hoàn thiện các phương án bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển bách khoa quân sự. Nxb QĐND 2005, tr 179, 189.
2. Tổng kết công tác kỹ thuật trong KCCM cứu nước. Nxb QĐND 2001, tr 121-123.
3. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam. Nxb QĐND tập 2, 1999, tr 452-456.
4. Lịch sử ngành Hậu cần Phòng không- Không quân. Nxb QĐND 2008, tr 138-143.
5. Lịch sử Quân nhu QĐND Việt Nam (1945-1975). Nxb QĐND 1998, tr 518-519.
6. Lịch sử ngành Xăng dầu QĐND Việt Nam, tập 1 (1945-1975). Nxb QĐND 1993, tr 198-199.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP