Cú bứt tốc ngoạn mục

03/01/2022, 14:42

Chúng tôi đã đến xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhiều lần, nhưng lần nào cũng có những ấn tượng, cảm xúc mới lạ về sự đổi thay của vùng đất miền biên viễn. Đặc biệt, trong những ngày chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, cả Mô Rai rộn ràng, hứng khởi lao động sản xuất, xây dựng thôn làng, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cán bộ Công ty 78 hướng dẫn người lao động kỹ thuật khai thác mủ cao su.

Trong bức tranh mùa xuân nhiều gam màu tươi sáng của Mô Rai, Công ty TNHH Một thành viên 78 (Công ty 78), Binh đoàn 15 nổi lên sống động với những hình thức, giải pháp sáng tạo từ tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng, động viên người lao động (NLĐ) hăng say sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và các hoạt động hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đón chúng tôi ngay sảnh nhà chỉ huy, Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Giám đốc Công ty 78 hồ hởi nói: "Hôm nay, các anh ở lại thức đêm cùng NLĐ để thấy Mô Rai chuyển mình vào xuân".
 
Chúng tôi háo hức chờ đón đêm cuối năm ở vùng biên giới, địa danh từng là căn cứ cách mạng và là nơi có Vườn quốc gia Chư Mom Ray nổi tiếng. Vậy là lịch làm việc chuyển về đêm và qua câu chuyện với Trung tá Nguyễn Xuân Chung, chúng tôi được biết, đơn vị vừa kết thúc thành công đợt thi đua đột kích “Nâng cao chất lượng tay nghề thợ khai thác mủ cao su”.
 
Đợt thi đua đã “điểm trúng” vấn đề của đơn vị khi có đến 42,1% NLĐ tuyển mới trong năm 2021 tư tưởng chưa thật sự yên tâm, trình độ tay nghề và kinh nghiệm làm việc trong đêm còn hạn chế; một số thợ lâu năm có biểu hiện làm sai, làm ẩu quy trình kỹ thuật, thỏa mãn dừng lại. Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 78 tổ chức thi đua để huy động sức mạnh tập thể, thợ có trình độ tay nghề giỏi đào tạo, bồi dưỡng, kèm cặp, giúp đỡ thợ mới, thợ có tay nghề thấp.
 
Yêu cầu cán bộ từ ban giám đốc đến các cơ quan, đội sản xuất luân phiên “thức đêm cùng NLĐ” để kiểm tra, động viên thợ trong quá trình khai thác mủ. Tổ chức hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su từ cấp đội đến công ty và đánh giá chấm điểm nghiệm thu thường xuyên; quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tiếp tục triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội để NLĐ an cư lạc nghiệp, như: "Nghĩa tình đồng đội 78", “Chăn ấm mùa đông”, “Bữa sáng đại đoàn kết”, “Tết sum vầy”, “Gắn kết hộ”...
 
Lãnh đạo Công ty 78 ví đợt thi đua đột kích là “cú bứt tốc ngoạn mục” để kết thúc năm 2021, giúp đơn vị xây dựng được đội ngũ thợ với hơn 95% có tay nghề khá, giỏi; giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra; giải quyết việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động, trong đó có 67,6% là người dân tộc thiểu số với thu nhập hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Kết quả đó góp phần tạo niềm tin, sức bật mới cho năm 2022 và những năm tiếp theo trên vùng biên giới tỉnh Kon Tum.
 
“Để Phong trào Thi đua Quyết thắng không đi vào lối mòn, nhàm chán, hiệu quả thấp, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chọn được khâu đột phá; tạo ra nhiều động lực mới để thi đua trở thành một phong trào tự giác, tự nguyện của mọi cán bộ, chiến sĩ, NLĐ. Đồng thời, phải tích cực bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
 
Thực tiễn chứng minh những yếu tố này đã giúp gần 400 lao động tuyển mới năm 2021 của công ty, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số, bắt nhịp nhanh với điều kiện lao động sản xuất, yên tâm tư tưởng và phần lớn muốn gắn bó lâu dài, xây dựng cuộc sống mới ở Mô Rai”-Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty 78 chia sẻ kinh nghiệm và dẫn chúng tôi đến vườn cây của vợ chồng người dân tộc Khơ Mú từ Nghệ An vào làm công nhân cho Đội 5, Công ty 78 từ đầu mùa cạo mủ năm nay.
 
Đại úy QNCN Lê Viết Hán, Đội trưởng Đội 5 giới thiệu: “Vợ chồng anh Lo Văn Quý và chị Moong Thị Bùi là công nhân mới nhưng tay nghề giỏi. Ánh đèn pin trên đầu hằng đêm luôn phát sáng sớm nhất và cũng rời vườn muộn nhất, những dòng nhựa trắng vợ chồng anh Quý khai thác đều đạt chuẩn. Anh chị là điển hình tiên tiến mới chúng tôi đang xây dựng”.
 
Trời đang chuyển dần về sáng, sương rơi nặng hạt và khá lạnh nhưng hai chân anh Lo Văn Quý vẫn bước thoăn thoắt giữa các cây cao su, mọi tác động vào cây đều đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, vuông tiền, vuông hậu, đúng độ sâu, độ dốc.
 
Lấy tay thấm những giọt mồ hôi trên má, anh Quý tâm sự: “Ngày nhận tháng lương đầu tiên, vợ chồng tôi không sao ngủ được. Nếu như ở quê, cuộc sống chật vật, có khi mất mùa, thiếu đói thì nay, lương mỗi tháng của hai vợ chồng là hơn 18 triệu đồng. Ngày mới vào, từ cái chiếu, cái chăn, nồi cơm, bát, chén đều được công ty và công nhân đi trước hỗ trợ. Vợ chồng tôi đang tính sẽ định cư lâu dài ở đây”. “Đất lành chim đậu phải không các anh?”, chị Bùi hỏi chúng tôi, rồi nở nụ cười giòn tan, xua tan cái lạnh của núi rừng.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN ANH SƠN (QĐND ONLINE)