Bảo đảm Hậu cần - Kỹ thuật, nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi chiến dịch Trị Thiên (Năm 1972)

07/03/2022, 17:46

Sau những thắng lợi to lớn năm 1970 và 1971; Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược, nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972; Trị Thiên được chọn là hướng chủ yếu; Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai hướng phối hợp quan trọng. 

Quân giải phóng đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu

Thực hiện quyết định của Trung ương, Tổng cục Hậu cần (TCHC) khẩn trương chuẩn bị, chi viện 163.000 tấn vật chất cho các chiến trường (trong đó Chiến trường miền Nam được chi viện 17.470 tấn; Mặt trận Trị Thiên được chi viện 16.100 tấn để bảo đảm cho chiến dịch Trị Thiên và 9.500 tấn cho bước phát triển tiếp theo). Từ tháng 10/1971, Cục Vận tải cùng Công ty 2 và 6/Bộ Giao thông vận tải, Công ty 8/tỉnh Quảng Bình phối hợp chuyển nhanh hàng vào tuyến trong. Các kho chiến lược ở cảng Gianh, Khương Hà, Minh Cầm và Đường 10, 14, 16 được mở rộng để tiếp nhận vật chất, tạo chân hàng cho Đoàn 559. Các đoàn tàu hỏa liên tục chuyển quân và hàng vào miền Nam (riêng tháng 11/1971, có 18 chuyến tàu chở binh khí kỹ thuật nặng). Tháng 7/1971, Đoàn vận tải thủy Hồng Hà/Cục Vận tải tổ chức 7 chuyến tàu tăng kít, 2 xà lan tự hành và 22 xà lan chở hàng đến đích; đầu tháng 1/1972, Đoàn tiếp chuyển binh khí kỹ thuật nặng từ Bến Thủy, Minh Cầm qua cảng Gianh vào Xuân Bồ (Quảng Bình).
 
Nhằm tăng khả năng bảo đảm tại chỗ, TCHC đã tăng cường cho các chiến trường 65 phân đội hậu cần - kỹ thuật. Trong đó, chiến trường Trị Thiên, được tăng cường 2 đoàn cán bộ; Mặt trận Quảng Trị (B5) được tăng cường 1 đoàn cán bộ, 1 trạm sửa chữa xe, 1 trạm sửa chữa quân giới...; tuyến 559 và tuyến vận tải hậu phương được tăng cường lái xe và thợ sửa chữa gấp 2 lần năm 1970 - 1971. Trên tuyến 559, mạng cầu, đường được xây dựng ngày càng vững chắc, vận tải cơ giới được sử dụng hợp lý và hiệu quả; với 2 chiến dịch vận tải "vượt khẩu" và “dồn hàng vào sâu trong tuyến”, sau 3 tháng, nhu cầu của các chiến trường được đáp ứng.
 
Tại chiến trường Trị Thiên, sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ Quốc phòng đã giao cho Đoàn 559 và Quân khu 4 xây dựng các tuyến đường vào Bắc sông Bến Hải, vận chuyển 727 tấn vật chất vào dự trữ ở các căn cứ hậu cần (CCHC) - cụm hậu cần mặt trận. Tháng 8/1971, Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất Binh đoàn 70 và Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị thành Bộ Tư lệnh B5 trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Cục Hậu cần B5 được thành lập trên cơ sở Cục Hậu cần B70, Phòng Hậu cần B5, Tiền phương Cục Hậu cần Quân khu 4 và lực lượng do TCHC tăng cường. Cục Hậu cần B5 nhanh chóng nghiên cứu chiến trường, bố trí các CCHC chiến dịch (1 phía sau và 4 phía trước) với đủ các thành phần lực lượng: vận tải, kho, trạm sửa chữa xe pháo, đội điều trị. CCHC phía sau ở khu vực Bến Quang; CCHC 1 triển khai ở Miệt Xá - Làng Xuất, bảo đảm cho khu giữa và các đơn vị binh chủng; CCHC 2 ở Hướng Hóa - Tà Cơn, bảo đảm cho hướng Tây; CCHC 3 ở Sa Trầm, bảo đảm cho hướng Nam; CCHC 4 (tháng 4/1972 mới triển khai) ở khu vực Gia Vòng - Bắc sông Bến Hải, bảo đảm cho hướng Bắc. Cuối tháng 3/1972, hậu cần chiến dịch triển khai xong lực lượng, chuẩn bị được 18.385 tấn vật chất (đạt 112,5% kế hoạch); ở tuyến tiền phương hậu cần chiến lược còn có 9.000 tấn dự trữ cho kế hoạch tiếp theo.
 
 Nhằm phá thế chuẩn bị của ta, địch mở các cuộc hành quân lớn sang Cánh Đồng Chum, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia... đánh phá rất ác liệt các căn cứ hậu phương, tuyến vận tải. Trên tuyến 559, chúng sử dụng máy bay AC-130 (cải tiến) săn lùng, tiêu diệt các đoàn xe vận tải, gây cho ta nhiều thiệt hại (có 1.425 xe và 8.500 tấn hàng bị bắn cháy). Các đơn vị chủ động khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương chuẩn bị và giữ bí mật tuyệt đối ý đồ tác chiến.
 
Quyết tâm chiến dịch Trị Thiên được cấp trên phê chuẩn; giữa tháng 3/1972, các đơn vị tham gia chiến dịch gồm: 03 sư đoàn bộ binh (304, 308, 324); 02 trung đoàn độc lập (48, 27); 04 tiểu đoàn bộ binh/Quân khu Trị Thiên; Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công; 03 sư đoàn phòng không (365, 367, 377); 04 tiểu đoàn tên lửa phòng không; 07 trung đoàn pháo binh; 02 trung đoàn xe tăng, thiết giáp (202, 203); 02 trung đoàn công binh... cùng LLVT địa phương (tổng cộng 77.600 người) bí mật cơ động vào vị trí tập kết đúng quy định. 
 

Đội nữ du kích Gio Linh - Quảng Trị
 
Đúng 11 giờ ngày 30/3/1972, chiến dịch Trị Thiên mở màn với 15.000 quả đạn pháo từ 150 khẩu pháo và 90 khẩu cối cấp tập nã vào các cứ điểm địch ở Nam, Bắc đường 9. Các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch bị phá vỡ. Ta giải phóng các huyện Gio Linh, Cam Lộ và phát triển vào thị xã Đông Hà, nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại củng cố lực lượng và kết thúc đợt 1 (9/4/1972). Lực lượng hậu cần - kỹ thuật đã nhanh chóng cơ động, bám sát đội hình tác chiến để bảo đảm. 
 
Chuẩn bị cho đợt 2, trong tháng 4, hậu cần chiến dịch đã bảo đảm cho các đơn vị 4.860 tấn vật chất, trong đó có 1.500 viên đạn pháo 122 mm, 300 viên đạn pháo 130 mm...; nhưng bị tổn thất 52 xe (20%). 
 
Đợt 2 (2/4 - 2/5), ta tập trung tiêu diệt các cứ điểm ở Ái Tử, Đông Hà, La Vang và truy kích địch rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Hậu cần - kỹ thuật chiến dịch đã bảo đảm 7.530 tấn vật chất, trong đó có 3.677 tấn đạn dược và 30 tấn vật tư kỹ thuật. 
 
Sau khi giải phóng Quảng Trị, Sư đoàn 324 được điều vào Bắc sông Bồ, cùng Quân khu Trị Thiên tiến công địch ở Thừa Thiên. Hậu cần - kỹ thuật chiến dịch đã điều chỉnh lại thế bố trí cho phù hợp quyết tâm tác chiến: CCHC 1 ở khu vực Mai Lộc - Cam Lộ để bảo đảm cho lực lượng pháo binh, cao xạ, lực lượng dự bị cơ động, chi viện cho CCHC 2 và 3 ở Nam sông Ba Lòng. CCHC 2 chuyển sang Nam sông Ba Lòng (ở khu vực Động Ông Do - Khe Trai - Văn Vạn) để bảo đảm cho Sư đoàn 308 và các đơn vị binh chủng ở Tây thị xã Quảng Trị (Thượng Phước). CCHC 3 chuyển lên khu vực điểm cao 367 (Bắc Tân Điền) để bảo đảm cho Sư đoàn 304 ở Bắc sông Mỹ Chánh. CCHC 4 chuyển sang khu vực Mai Xá Thị - Mỹ Thủy để bảo đảm cho hướng Đông. Việc điều chỉnh, di chuyển lực lượng hậu cần - kỹ thuật được tiến hành rất khẩn trương, bí mật và an toàn. Hai tháng 5 và 6, trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt nhưng hậu cần - kỹ thuật chiến dịch đã vận chuyển bổ sung cho các đơn vị 2.415 tấn vật chất, trong đó có 968 tấn đạn dược.
Đợt 3 (20 - 27/6/1972), ta tiến công địch từ Nam sông Mỹ Chánh vào Thừa Thiên. Nhưng quân ngụy đã tăng cường lực lượng phòng thủ, chuẩn bị phản công, mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” nhằm chiếm lại Quảng Trị và các vùng đã mất với sự yểm trợ đắc lực của không quân và pháo binh Mỹ. Trong khi đó, việc chuẩn bị của ta chưa chu đáo, địch đánh phá rất ác liệt, trời mưa, đường trơn lầy không sử dụng được ô tô nên không đủ sức bảo đảm cho tác chiến. Vì vậy, sau 6 ngày ta phải dừng tác chiến, kết thúc chiến dịch Trị Thiên để chuyển sang chiến dịch phòng ngự Quảng Trị. Đợt 3, ta đã bảo đảm 6.600 tấn vật chất, trong đó có 1.668 tấn đạn dược. 
 
Chiến dịch Trị Thiên, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 27.000 tên địch (bắt 3.388 tên), thu và phá hủy 636 xe tăng, xe bọc thép, 1.870 xe quân sự, 419 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay của địch; giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên). 
 
Hậu cần - kỹ thuật chiến dịch đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các đơn vị tác chiến, gồm: 14.130 tấn vật chất (đạt 87,8% kế hoạch); trong đó có 5.345 tấn đạn, 150 tấn vũ khí, vật tư kỹ thuật. Các trạm sửa chữa xe đã trung tu 311 lượt chiếc, tiểu tu 1.452 lượt xe các loại, góp phần duy trì khả năng bảo đảm của các cấp. Tuy nhiên, vũ khí trang bị của ta bị thiệt hại khá nhiều, gồm: 3.638 khẩu súng bộ binh (có 153 khẩu cối 82 mm và 60 mm, 64 khẩu ĐKZ) hư hỏng; pháo cơ giới (85 mm đến 130 mm) có 28 khẩu bị hỏng và 51 khẩu bị phá hủy; pháo cao xạ có 71 khẩu bị phá hủy, 72 khẩu bị hỏng; xe xích 54 chiếc bị phá hủy và 403 xe ô tô bị phá hủy... 
 
Thắng lợi của ta trên các chiến trường năm 1972, đặc biệt trên chiến trường Trị Thiên và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đã buộc để quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra thời cơ lớn để quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
⁕    ⁕
 
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm bảo đảm hậu cần - kỹ thuật trong chiến dịch Trị Thiên, đặc biệt là bài học về chuẩn bị thế trận, tiềm lực, tiến hành các mặt bảo đảm, chỉ huy, bảo vệ, duy trì khả năng bảo đảm đáp ứng nhu cầu tác chiến vẫn nguyên giá trị; cần được nghiên cứu kế thừa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hậu cần - kỹ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 2, Nxb QĐND, 1999.
2. Hậu cần chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb QĐND, 2000.
3. Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb QĐND, 2005.
4. Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb QĐND, 2001.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG