Đặc điểm công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

07/03/2022, 17:43

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá; ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; đồng thời, sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược khi có thời cơ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác, chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trên các lĩnh vực để sẵn sàng cho các tình huống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo về tình hình tài chính của đất nước tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

Đối với công tác bảo đảm tài chính quân đội, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu, phù hợp với các nhiệm vụ của quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Muốn vậy, cần nắm chắc các đặc điểm chủ yếu sau:
 
Một là: Công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được chuẩn bị từ thời bình và tiến hành liên tục trong các giai đoạn chiến tranh.
 
Trên cơ sở các phương án tác chiến, trong thời bình, các cấp các ngành có trách nhiệm liên quan đến bảo đảm tài chính cho tác chiến phải tiến hành làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Nội dung chủ yếu là chuẩn bị về nhân lực, nguồn bảo đảm tài chính; chuẩn bị kế hoạch, phương án huy động bảo đảm; chuẩn bị các cơ sở pháp lý để sẵn sàng huy động, khai thác các nguồn tài chính. Trong quá trình chiến tranh, chuẩn bị tài chính vẫn tiếp tục được duy trì. Việc chuẩn tài chính bảo đảm trong quá trình chiến tranh dựa trên nền tảng đã chuẩn bị từ thời bình; có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước, ở từng địa bàn, trên từng chiến trường, hướng chiến lược. 
 
Khi đất nước chuẩn bị chuyển sang chiến tranh và trong quá trình chiến tranh, huy động các nguồn tài chính chủ yếu là để bảo đảm cho tác chiến. Nội dung huy động tài chính trên cơ sở các nguồn bảo đảm; tiến hành các hình thức, phương pháp hợp lý để có thể huy động nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ nhu cầu ngân sách, mua sắm phương tiện, trang bị và các mặt bảo đảm theo đúng yêu cầu, kế hoạch. Trong quá trình lực lượng vũ trang tác chiến, phải thường xuyên khai thác các nguồn lực để bổ sung hay giải quyết những tình huống khó khăn của lực lượng vũ trang.
 
Hai là: Nguồn lực tài chính bảo đảm cho xây dựng quân đội, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chịu sự tác động trực tiếp từ khả năng kinh tế đất nước và nguồn thu nội bộ từ sản xuất của quân đội. 
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta không còn sự viện trợ, giúp đỡ về tài chính, vật chất, vũ khí trang bị của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa như trong chiến tranh giải phóng trước đây. Trước đây, trong chiến tranh giải phóng, nước ta nhận được sự viện trợ, giúp đỡ to lớn về kinh tế, tài chính, chuyên gia, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất... từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Ngày nay, địch tiến hành bao vây, cô lập về chính trị, quân sự; cấm vận về kinh tế; phong tỏa kết nối quốc tế… khi tiến công xâm lược nước ta; chúng ta không còn nhận được sự giúp đỡ, nguồn viện trợ như trước đây nữa.
 
Vì vậy, nguồn tài chính bảo đảm cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chủ yếu được phân bổ từ ngân sách Nhà nước và nguồn thu nội bộ từ sản xuất kinh tế của quân đội; ngoài ra còn có những nguồn tài chính khác. Tuy vậy, nguồn thu ngân sách có hạn, chưa cân đối được với nhu cầu bảo đảm tài chính cho mục tiêu xây dựng quân đội “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do đó, quân đội cần sử dụng có hiệu quả nguồn bảo đảm từ ngân sách Nhà nước; đồng thời, cần tích cực lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tạo nguồn thu từ nội bộ; đáp ứng nhu cầu tài chính cho thực hiện nhiệm vụ được giao.
 

Nhân dân miền Bắc hưởng ứng cuộc vận động mua công trái Quốc gia theo lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, năm 1951
 
Ba là: Môi trường tác chiến, địa lý, thời tiết, khí hậu và năng lực bảo đảm của các ngành nghiệp vụ, ngành bảo đảm tác động trực tiếp đến phạm vi, hiệu quả bảo đảm tài chính cho chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.
 
Ngày nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong điều kiện mới, trên các môi trường: không, bộ, biển, vũ trụ, điện từ, không gian mạng...; phải bảo đảm cho nhiều loại hình tác chiến; cho xây dựng và hiện đại hóa các quân binh chủng mới với trang bị hiện đại, công nghệ cao, đồng bộ. Do vậy, nhu cầu đầu tư, bảo đảm tài chính là rất lớn.
 
Công tác bảo đảm tài chính theo yêu cầu nhiệm vụ chuẩn bị và tác chiến bảo vệ Tổ quốc thông qua các ngành nghiệp vụ, ngành bảo đảm (công binh công trình, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng...) chịu tác động của môi trường tác chiến, điều kiện địa lý, khí hậu thời tiết phức tạp. Điều đó làm cho chi phí vận chuyển, xây dựng công trình quân sự tăng lên, thời gian kéo dài, thất thoát lớn; chi phí bảo quản, bảo dưỡng, bảo đảm hệ số kỹ thuật và chất lượng vũ khí trang bị, vật chất tăng cao.
 
Phương thức bảo đảm, trình độ bảo đảm của các ngành nghiệp vụ, ngành bảo đảm chưa đồng bộ, hiện đại; chủ yếu do cấp trên trực tiếp bảo đảm cho cấp dưới; chưa hình thành và vận dụng phương pháp bảo đảm lập thể (cấp chiến lược, chiến dịch nắm chắc tình hình và trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng theo tình hình cụ thể). Do đó, công tác quản lý thiếu chặt chẽ; dự trữ vật chất tồn đọng ở các cấp nhiều, gây lãng phí, phân tán nguồn lực tài chính, hiệu quả bảo đảm thấp.
 
Bốn là: Nhu cầu bảo đảm tài chính cho tổ chức, xây dựng lực lượng, đổi mới, hiện đại hóa vũ khí trang bị, xây dựng các công trình quân sự ngày càng lớn.
 
Để chuẩn bị tiềm lực quốc phòng, xây dựng quân đội vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải đầu tư nguồn ngân sách tài chính rất lớn. Đầu tiên là bảo đảm tài chính cho nuôi dưỡng bộ đội, thực hiện tiêu chuẩn chế độ chính sách, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên chiếm phần lớn ngân sách Nhà nước phân bổ cho quân đội trong giai đoạn hiện nay.
 
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách bảo đảm cho đổi mới, hiện đại hóa vũ khí trang bị cũng rất lớn: tập trung từng bước đầu tư xây dựng lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, các lực lượng mới thành lập và từng bước đầu tư cho lục quân... Cho đến hiện nay, tiềm lực công nghiệp quốc phòng của đất nước mới tự lực sản xuất được một số chủng loại vũ khí, chưa đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại, công nghệ cao; đòi hỏi phải đầu tư tài chính mua sắm vũ khí trang bị, công nghệ theo yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng đánh thắng các tình huống chiến tranh xâm lược của địch.
 
Đồng thời, việc xây dựng các công trình quân sự, công trình bảo đảm hậu cần - kỹ thuật phục vụ cho chiến tranh như: công trình sở chỉ huy chiến lược, căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ hậu cần - kỹ thuật các cấp... theo các phương án; chi phí xây dựng, củng cố các khu vực phòng thủ then chốt, khu vực phòng thủ chủ yếu, chốt chiến dịch, chốt chiến dịch - chiến lược, các khu kinh tế - quốc phòng cũng cần được bổ sung nguồn tài chính rất lớn...
 
Năm là: Tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với nhiều quy mô lực lượng, bằng nhiều loại hình kết hợp chặt chẽ với nhau diễn ra liên tục, khẩn trương, quyết liệt, phức tạp, tính biến động cao, nhu cầu bảo đảm rất lớn, lượng tiêu thụ, tiêu hao vũ khí trang bị, vật chất hậu cần, kỹ thuật nhiều, công tác hiệp đồng bảo đảm tài chính khó khăn.
 

Nguồn lực tài chính bảo đảm cho Quân đội trong chiến tranh BVTQ phụ thuộc rất lớn vào khả năng của nền kinh tế đất nước
 
Để phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân, ta phải tổ chức tác chiến nhỏ và vừa; tiến hành rộng khắp trên toàn chiến trường. Tạo điều kiện và thời cơ tập trung lực lượng chủ lực cơ động, tổ chức tác chiến hợp đồng quân, binh chủng với quy mô, hình thức thích hợp; tiến hành các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược phòng ngự, phản công, tiến công mang tính quyết định; tạo ra bước ngoặt cho từng giai đoạn tác chiến chiến lược và chiến tranh, trong đó tác chiến của các binh đoàn chủ lực mang tính quyết định.
 
Quá trình chiến tranh, tác chiến diễn ra liên tục, khẩn trương, quyết liệt, phức tạp, tính biến động cao, lượng tiêu thụ, tiêu hao vũ khí trang bị, vật chất hậu cần - kỹ thuật lớn. Nhu cầu nguồn tài chính bảo đảm cho tác chiến nhiều, thời gian gấp; công tác hiệp đồng bảo đảm tài chính đầy đủ, kịp thời cho việc khai thác nguồn vật chất, vũ khí trang bị khó khăn.
 
Sáu là: Khi tiến hành xâm lược Việt Nam, địch gây cho ta tổn thất, tiêu hao lực lượng, vũ khí trang bị, vật chất rất lớn, cần phải bảo đảm tài chính kịp thời để bổ sung, duy trì khả năng chiến đấu được liên tục, dài ngày.
 
Đối tượng tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, nhất là vũ khí công nghệ cao, trang bị chiến tranh hiện đại, khả năng cơ động nhanh, tác chiến điện tử rộng rãi; có kinh nghiện tác chiến liên hợp trên quy mô lớn và đã có kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường Việt Nam; chuyển hóa thế trận nhanh, tạo ra nhiều tình huống đột biến trên chiến trường... Do vậy, yêu cầu công tác bảo đảm tài chính phục vụ cho tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất cao.
Quá trình chiến tranh, địch sử dụng rộng rãi phương thức tác chiến phi tiếp xúc, phi đối xứng, tác chiến liên hợp; kết hợp với sự phá hoại của bọn phản động nội địa, gây cho ta tiêu hao, tiêu thụ vật chất lớn; yêu cầu phải bảo đảm tài chính, hậu cần - kỹ thuật kịp thời để duy trì khả năng tác chiến liên tục.
 
*      *
*
 
Xác định đúng các đặc điểm công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cần thiết; tạo cơ sở để đề ra các nội dung, giải pháp bảo đảm tài chính phù hợp; góp phần quan trọng cho quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng (2007), Điều lệ công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội.
2. Đảng cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Hà Nội.
3. Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
4. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng (2011), Lịch sử Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG