Một số định hướng cơ bản trong công tác đối ngoại quốc phòng năm 2019

20/02/2019, 16:38

Năm 2018, công tác đối ngoại quốc phòng được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động sâu sắc, tình hình trong nước cơ bản là thuận lợi, song cũng nảy sinh không ít khó khăn, phức tạp mới, đặt ra cho công tác quan trọng này những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các đại biểu chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại lễ xuất quân lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng, ngày 1/10/2019. (ảnh: Nguyên Hải)

Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020”, bằng quyết tâm chính trị và nỗ lực cao, Quân đội đã triển khai toàn diện, có trọng điểm các mặt công tác đối ngoại. Trong đó, chúng ta đã thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo tư duy mới, sáng tạo bằng các biện pháp phù hợp, khâu đột phá quyết định; đồng thời, cụ thể hóa quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia và các chiến lược khác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bảo đảm cho quan hệ quốc phòng thực sự là một trụ cột trong quan hệ quốc tế, gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế và đối ngoại trên các lĩnh vực khác, nhằm thực hiện kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.

Nổi lên là, các cơ quan chức năng đối ngoại của Quân đội đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng, thứ trưởng với quan chức quốc phòng các nước; tham dự nhiều diễn đàn quốc phòng, an ninh khu vực và thế giới... Trên các diễn đàn quốc tế, chúng ta đã đóng góp nhiều sáng kiến có giá trị, được các nước ghi nhận, đánh giá cao. Các cơ quan chức năng của Bộ đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Quân đội các nước tổ chức thành công các hoạt động “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”; “Giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị” với 5 nước [1] và các hoạt động kết nghĩa, khám, chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới; diễn tập chung khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa… góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Bộ đội Biên phòng, Hải quân, cơ quan quân sự và chính quyền địa phương của Việt Nam với lực lượng hữu quan, chính quyền, nhân dân các nước. Những hoạt động thiết thực ấy, không chỉ tăng cường tình đoàn kết, củng cố lòng tin, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, mà còn góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết các bất đồng, vướng mắc nảy sinh trong quan hệ quốc phòng và các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý là, trong năm 2018, chúng ta đã tăng cường thêm sĩ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có một nữ sĩ quan; tổ chức Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia hoạt động tại Nam Xu-đăng; huấn luyện chuyên môn cho sĩ quan, nhân viên của một số nước theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các cá nhân, đơn vị của QĐND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc, Chính phủ và nhân dân nước sở tại đánh giá rất cao. Những kết quả đó là minh chứng sinh động cho phương châm: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu, tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Cùng với đó, công tác đối ngoại quốc phòng còn tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chúng ta đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Lào, Cam-pu-chia tiếp tục tìm kiếm, quy tập, hồi hương nhiều hài cốt của Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh trong quá trình làm nghĩa vụ quốc tế. Hoàn thành Dự án xử lý ô nhiễm chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng, bàn giao 13,7 ha đất sạch cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý; tiếp tục triển khai Dự án xử lý ô nhiễm chất độc đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa và các dự án xử lý bom, mìn, vật liệu nổ ở nhiều khu vực, địa bàn khác, bảo đảm an toàn, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Thông qua hoạt động đối ngoại quốc phòng, một mặt, chúng ta đã làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn đường lối, chính sách quốc phòng, đối ngoại quốc phòng minh bạch, cởi mở, vì hòa bình của Việt Nam là nhằm hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định chung của khu vực, thế giới; đồng thời, nâng cao vị thế của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế. Mặt khác, chúng ta còn tranh thủ được nguồn lực của các nước phát triển, có trình độ quân sự, khoa học - công nghệ quân sự tiên tiến… phục vụ nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.Năm 2019, công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng tiến hành trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhất là khi thế và lực về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước khá vững chắc. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Môi trường đối ngoại phức tạp, khó lường do sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn ngày càng quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ, nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định; các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; vai trò của các thể chế có xu hướng suy giảm; chủ nghĩa cường quyền, dân tộc cực đoan có xu hướng gia tăng... Bối cảnh đó, đặt ra cho công tác đối ngoại quốc phòng nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả nhằm phục vụ đắc lực mục tiêu “… bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế” [2]. Theo đó, các cơ quan, đơn vị Quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự quản lý, điều hành của cơ quan chuyên trách; tiếp tục đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Toàn quân đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo kế hoạch, lộ trình đã xác định. Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen hết sức phức tạp trong quan hệ quốc tế như hiện nay, phải luôn nhất quán chủ trương vừa tăng cường hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; đồng thời, vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đối ngoại quốc phòng.

Hai là, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, đối sách, giải pháp tổng thể về đối ngoại quốc phòng, trọng tâm là các biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, củng cố lòng tin, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn... Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cần phát huy vai trò trụ cột của quan hệ quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong nắm, dự báo tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược, chính sách của các nước; từ đó, tham mưu, đề xuất đối sách xử lý các tình huống cả trước mắt và lâu dài; đặc biệt là những vấn đề chiến lược, phức tạp, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ.

Ba là, đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc phòng song phương với các đối tác chủ chốt theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, nước lớn, ASEAN và các nước bạn bè truyền thống, giữ cân bằng chiến lược trong quan hệ, hợp tác quốc phòng; đồng thời, coi trọng hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực: đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo - cứu trợ thảm họa, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nghiên cứu chiến lược, công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật, thương mại quân sự và an ninh biển... Tiếp tục thiết lập, mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước có thiện chí, có chung lợi ích, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đất nước, Quân đội và khả năng của đối tác.

Bốn là, chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN, do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; thúc đẩy các sáng kiến trong hợp tác quốc phòng ASEAN - Trung Quốc. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mọi mặt cho năm 2020 - Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; đề xuất các sáng kiến, lộ trình của ADMM+ đến năm 2030, xây dựng chủ đề các hội nghị quân sự, quốc phòng... Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả, đúng tiến độ kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức các Hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN năm 2020; Đề án tăng cường hợp tác quốc phòng với Liên minh châu Âu. Phát huy kết quả, kế thừa kinh nghiệm của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tiếp tục chuẩn bị để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội Công binh đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Thông qua hợp tác đa phương, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế; chú trọng nâng cao khả năng thích ứng và trình độ tổ chức các sự kiện quốc tế của Quân đội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Năm là, bám sát các động thái quốc tế, khu vực, tình hình Biển Đông, nhất là quan hệ, sự cạnh tranh chiến lược, cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, đánh giá thuận lợi, khó khăn và những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; chủ trương, giải pháp hợp tác khai thác chung vùng biển thực sự có tranh chấp, chồng lấn. Chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các nước liên quan trong thực thi Luật Biển quốc tế (UNCLOS) 1982, DOC; tham gia xây dựng COC thiết thực, khả thi, ràng buộc về pháp lý.

Sáu là, nâng cao chất lượng dự báo chiến lược; trình độ tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại quốc phòng, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các khâu (lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng; triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; phát ngôn, thông tin, tuyên truyền…) thành một trục xuyên suốt, thống nhất theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bảy là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng phù hợp với sự phát triển của tình hình và luật pháp quốc tế. Trước mắt, cần ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/3/2016 của Chính phủ về đối ngoại quốc phòng; trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2012/NĐ-CP, ngày 5/12/2012, quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước ta. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu luật pháp về biển đảo, trong đó có vấn đề chủ quyền pháp lý, chủ quyền tuyên bố và chủ quyền thực tế; hoàn thành các đề án, triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả quan hệ quân sự, quốc phòng với Cu-ba, Liên bang Nga...

Tám là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại quốc phòng, tập trung vào các hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương với các nước; các sáng kiến và những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương năm 2019. Tuyên truyền đậm nét các kết quả hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh; hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, biển, đảo, đối ngoại biên giới, kết quả của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tăng cường quảng bá sản phẩm công nghiệp quốc phòng, hậu cần, kỹ thuật quân sự của nước ta ra ban bè quốc tế.

Chín là, đẩy mạnh thực hiện chủ trương điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội (tinh, gọn, mạnh) của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị đối ngoại quốc phòng. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác đối ngoại quốc phòng theo tiêu chí “công dân toàn cầu”; đảm bảo cho họ có đủ khả năng tham gia vào thành phần của các tổ chức quốc tế, khu vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài.

Nắm vững chủ trương, đường lối, phương châm, nguyên tắc tiến hành công tác đối ngoại của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm chính trị, phát huy hơn nữa vai trò “đội quân công tác”, phấn đấu thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[1] - Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Mi-an-ma.

[2] - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016; tr. 433.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng