Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động của ngành kinh tế quân đội

25/07/2022, 13:36

Môi trường là tất cả những yếu tố tự nhiên và nhân tạo xung quanh, gắn bó mật thiết đến sự tồn tại, phát triển bền vững của mỗi quốc gia và nhân loại trong hiện tại và tương lai. Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, với mức tăng trưởng GDP, tăng trưởng công nghiệp, tăng dân số và mức đô thị hóa như hiện nay thì khả năng ô nhiễm môi trường của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Nếu không đầu tư để khắc phục sớm các vấn đề môi trường thì sẽ phải trả giá gấp nhiều lần; chậm hơn nữa, có những cái có tiền cũng không thể giải quyết được. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 - Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 và đoàn viên, thanh niên địa phương giúp nhân dân nạo vét mương tại xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Hoạt động kinh tế trong quân đội là một trong các hoạt động của xã hội có tính tổng hợp, đa lĩnh vực, ngành nghề, có nhiều người tham, trên phạm vi cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho bộ đội trong xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu... Các hoạt động đó gắn bó mật thiết, vừa chịu tác động của môi trường, vừa tác động làm biến đổi, dẫn tới ô nhiễm, suy thoái và gây ra sự cố môi trường nếu không có ý thức và khả năng phòng ngừa, giảm thiểu các ảnh hưởng đối với môi trư¬ờng tự nhiên. Môi trư¬ờng ngành kinh tế quân đội, ngoài yếu tố tự nhiên của môi trường chung còn có yếu tố do hoạt động của ngành tạo ra, có ảnh hưởng tới môi trư¬ờng tự nhiên, đời sống và hoạt động của con người nói chung; cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên nói riêng. Bảo vệ môi trường ngành kinh tế là tổng thể những hoạt động ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xấu do hoạt động của ngành gây ra, góp phần xây dựng, giữ vững môi trường hoạt động quân sự và sự phát triển bền vững của đất nước. Xét đến cùng, mỗi sự biến đổi của môi trường tự nhiên đều liên quan chặt chẽ tới con người; sự đe dọa với tự nhiên, môi trường là sự đe dọa chính mình và tương lai của thế hệ mai sau. Vì vậy, phát triển bền vững của mỗi ngành, mỗi địa phương và cả nước luôn gắn với bảo vệ môi trường và môi trường là thành tố hữu cơ quan trọng của phát triển bền vững.
 
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, ngành kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương tổ chức học tập, quán triệt tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về bảo vệ môi trường. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn quân đã xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường, “Tuần lễ quốc gia an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, “Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới”... và đưa phong trào “xây dựng doanh trại chính quy, xanh - sạch - đẹp” đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống quy chế bảo vệ môi trường trong ngành, đơn vị được nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa phù hợp với “Luật Bảo vệ môi trường”, tình hình nhiệm vụ quân đội trong giai đoạn mới. Cục Kinh tế/BQP phối hợp với Cục Khoa học quân sự/BQP thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp theo quy định. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành cơ bản việc điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường, đầu tư thích đáng cho cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, cải thiện điều kiện cho người lao động; xác định phí nước thải, bước đầu ứng dụng một số công nghệ sạch thân thiện với môi trường…  Một số doanh nghiệp đang phấn đấu để được cấp chứng chỉ về chất lượng môi trường. Vấn đề nước sạch cho sinh hoạt của các doanh nghiệp, Đoàn kinh tế quốc phòng đóng quân ở rừng núi, hải đảo được quan tâm giải quyết…; góp phần hạn chế đến thấp nhất mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên các địa bàn đóng quân.
 
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế cũng có những thách thức, bất cập; đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng do hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh với các chất thải của một số cơ sở may mặc, sản xuất giày da, sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm, các nhà máy dệt - nhuộm, các kho dự trữ xăng dầu, các bệnh viện quân y, các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng phương tiện vận tải…  dẫn tới môi trường ở một số đơn vị vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái, có nơi nghiêm trọng; nhiều vấn đề bức xúc về môi trường chưa đủ khả năng giải quyết triệt để. Việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và giám sát các yếu tố gây ô nhiễm, điều tra đánh giá, báo cáo hiện trạng môi trường hằng năm chưa thường xuyên và triệt để; điều kiện làm việc của công nhân ở một số doanh nghiệp ít được cải thiện. Kinh phí cho thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường ở các cơ sở khối hành chính sự nghiệp rất khó khăn khi nguồn thu hạn chế hoặc không có. Việc duy tu, bảo dưỡng vận hành, phát huy hiệu quả các trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng ở các doanh nghiệp và một số bệnh viện quân y chưa cao. Vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn y tế ở các bệnh viện quân y, hiện đang bỏ ngỏ do chưa có kinh phí và cơ chế cho việc giải quyết triệt để. Chất thải từ các nhà máy dệt nhuộm, từ các phân xưởng, các kho, bể dự trữ xăng dầu... hầu như chưa được xử lý triệt để (chủ yếu là chôn lấp), một số nơi còn lẫn trong cả rác thải sinh hoạt…  Năng lực quản lý, chuyên môn, trang bị kỹ thuật phục vụ cho công tác môi trường còn nghèo nàn. Quân đội chưa có chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực bên ngoài vào lĩnh vực này. 
 
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết bảo vệ môi trường chưa thành thói quen, ý thức tự giác của mọi người; hệ thống tổ chức quản lý môi trường chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ (chủ yếu kiêm nhiệm và tự học); nguồn kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường hạn hẹp, cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan quản lý môi trường của ngành còn nghèo nàn, lạc hậu; một số đơn vị chưa thực sự quan tâm thực hiện đồng bộ, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động; vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người và chất lượng môi trường… 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
 
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về bảo vệ môi trường; nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn thể bộ đội trong bảo vệ môi trường. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp với công tác bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị. Trong các nghị quyết, kế hoạch công tác cần lồng ghép, kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với bảo vệ môi trường, đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục tại các đơn vị, doanh nghiệp, Đoàn kinh tế quốc phòng. Đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường, nhất là phong trào “xây dựng doanh trại chính qui xanh - sạch - đẹp”; phát triển, nhân rộng các mô hình tiên tiến và nghiên cứu bổ sung đưa chỉ tiêu bảo vệ môi trường thành chỉ tiêu cơ bản xem xét đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
 
Hai là, tăng cường năng lực quản lý, xây dựng nền nếp chính quy trong công tác bảo vệ môi trường. Trước hết, cần rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý môi trường các cấp. Đây là vấn đề cơ bản nâng cao hiệu quả công tác, song cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng mới giải quyết được. Đồng thời, cần có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sử dụng hợp lý cán bộ, nhân viên môi trường, có thể gửi cán bộ đi đào tạo ở các trường trong và ngoài nước; có chính sách thu hút tuyển dụng cán bộ môi trường từ ngoài vào quân đội theo yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý tiến hành công tác bảo vệ môi trường trong ngành. Đồng thời, xây dựng nền nếp chính quy khoa học cải cách hành chính, tăng cường các trang bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, quản lý và tham gia giải quyết các sự cố môi trường.
 

Hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp đạt chuẩn, góp phần bảo vệ môi trường.
 
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đầu tư ứng dụng phát triển công nghệ trong bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù và điều kiện của ngành. Trong đó, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật - công nghệ trong quản lý môi trường, phòng chống khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; góp phần khôi phục, nâng cao chất lượng môi trường; chú trọng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sạch thân thiện với môi trường, trọng điểm là nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý chất thải các bệnh viện quân đội, các kho xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất có nhiều chất thải độc hại và chất thải ở các cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn ở các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng trên cơ sở phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương; làm có trọng điểm và giải quyết dứt điểm có hiệu quả thiết thực các vấn đề thực tiễn về môi trường của ngành, đơn vị đặt ra. 
 
Bốn là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, điều tra, đánh giá tác động môi trường trong ngành. Trên cơ sở Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, chức năng nhiệm vụ, khả năng... cần phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học quân sự/BQP và Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát môi trường và quản lý, xử lý các chất thải... của các đơn vị, doanh nghiệp. Các dự án đầu tư phát triển nhất thiết phải thực hiện đúng quy định về đánh giá tác động môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động. Chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, quy định và thực hiện nghiêm chế độ thưởng - phạt trong bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, doanh nghiệp.
 
Năm là, tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị trong quân đội và giữa ngành kinh tế quân đội với các cơ quan Nhà nước, các địa phương trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bởi, môi trường là vấn đề lớn, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, sử dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ, trong khi năng lực và ngân sách của quân đội và từng ngành có hạn; nên cần có sự kết hợp chặt chẽ (nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, quản lý...), tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường. Trước hết, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện các dự án xử lý chất thải trong hoạt động kinh tế của các đơn vị, doanh nghiệp.
 
Sáu là, tăng cường công tác đăng kiểm, kiểm định các phương tiện, sản phẩm do các hoạt động kinh tế tạo ra trước khi sử dụng. Các vật chất, trang bị kỹ thuật phải được kiểm định chặt chẽ theo quy định hiện hành của Nhà nước và Quân đội; nhằm bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật và môi trường, không gây độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng mới được đưa vào sử dụng. Các phương tiện giao thông vận tải quân sự phải được đăng kiểm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Quân đội, nhằm bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật và môi trường mới được sử dụng. Các công trình xây dựng, giao thông vận tải quân sự phải được giám định chặt chẽ bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật công trình và môi trường theo đúng quy định từng bước, từng giai đoạn để không xảy ra sự cố gây tác động xấu đến môi trường, tính mạng và sức khỏe của người lao động…  Các sản phẩm hàng hóa phải được kiểm định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa,  không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bộ đội, cộng đồng và môi trường mới đựợc sử dụng.  
 
⃰      ⃰
 
Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành kinh tế phải nâng cao nhận thức, nắm vững các nội dung, các biện pháp cơ bản về bảo vệ môi trường, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của từng cấp, từng đơn vị, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành, của Quân đội và đất nước.

ĐẠI TÁ, THS. NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Cục Kinh tế/BQP