Nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Quân đội - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”

07/06/2022, 13:57

Để nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các đơn vị trong toàn quân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, góp phần tô thắm truyền thống của Quân đội anh hùng.

Kiểm tra trang bị, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Miền Bắc.

Trong năm 2021, không chỉ đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề mà các sự cố, thiên tai cũng diễn ra hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi cả nước1. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với các lực lượng, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nổi bật là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, đề xuất điều động các lực lượng trong và ngoài Quân đội tham gia phòng, chống, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ thiên tai, tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn cả nước. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân với trách nhiệm, tình cảm tương thân, tương ái đã chia sẻ những thiệt hại, mất mát của nhân dân các vùng bị thiên tai, sự cố; huy động hàng chục nghìn lượt người, phương tiện với hàng trăm nghìn ngày công giúp nhân dân chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn2. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương ủng hộ hàng trăm tỉ đồng cùng nhiều hàng hóa, vật chất thiết yếu,… khắc phục hậu quả, góp phần ổn định xã hội, sản xuất, đời sống của nhân dân. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội dầm mình trong mưa, mang lương thực, thực phẩm tiếp tế đến từng nhà dân và trao từng hũ tro cốt người mất vì đại dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho người thân của họ, để lại tình cảm xúc động mạnh mẽ, tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Năm 2022, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo tình hình sự cố, thiên tai ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, dị thường3. Các hình thái thiên tai, như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên diện rộng, lũ lụt, triều cường, nước biển dâng, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, cháy rừng, lũ quét, sạt lở đất,... không chỉ gia tăng về tần suất, cường độ, tính chất phức tạp, mà còn mang tính cực đoan, trái quy luật và khó lường cả về loại hình, cấp độ, vùng phân bố và chu kỳ xuất hiện. Điều này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Quân đội có sự bổ sung, phát triển, với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn. Tình hình đó, đòi hỏi các đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau.
 
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công ước tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (SAR-79). Tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thực hiện xử lý thảm họa về tàu, thuyền trên biển và ứng phó sự cố tràn dầu; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau sự cố, thảm họa hóa chất độc xạ,... làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm ứng phó các sự cố, thiên tai; nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trước diễn biến phức tạp, dị thường của thiên tai, các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát, đúng tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình thiên tai, sự cố có tính phổ biến ở từng vùng, miền, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai, v.v. Đồng thời, phân công chỉ huy, điều hành chặt chẽ; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ứng trực 24/24, luôn nắm chắc tình hình, diễn biến của thiên tai, sự cố; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, nhất là ứng phó với các cơn bão mạnh, tình huống sập, đổ công trình, cháy nổ, cháy rừng, v.v. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành được chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo.
 
Ba là, huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện khoa học, hợp lý, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đúng, trúng, phù hợp, hiệu quả với từng tình huống, nhất là khi xảy ra các tình huống nghiêm trọng, phức tạp, bất ngờ. Trong đó, phải quán triệt, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm phát huy được mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, lực lượng tại nơi xảy ra sự cố, thiên tai, nhất là việc huy động, trưng dụng các loại phương tiện, trang bị, vật tư của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội tham gia ứng phó, nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đây là phương cách tốt nhất, nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả nhất trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
 
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện về ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm qua, các đơn vị trong toàn quân đã duy trì nền nếp huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi về ứng phó thiên tai, sự cố đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đăng cai tổ chức tốt môn thi “Vùng tai nạn” trong Hội thao Quân sự quốc tế - Army Games 2021 tại Việt Nam. Đội tuyển của Quân đội tổ chức huấn luyện, tham gia hội thao và giành được Huy chương Bạc. Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, khả năng cơ động lực lượng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng, chú trọng huấn luyện khả năng cơ động và thực hành tìm kiếm cứu nạn; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập theo các phương án, tình huống. Thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ gắn với phòng thủ dân sự ở các cấp nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, khả năng ứng phó với các hình thái thiên tai, năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong những điều kiện khó khăn, phức tạp. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị coi trọng công tác bảo đảm an toàn, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ và làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Năm là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thời gian qua, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã tham mưu cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự, như: Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 05 năm (2021 - 2025), Kế hoạch ứng phó với các sự cố, thảm họa hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ban hành Danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự; làm hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các đề án, kế hoạch lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các cấp, ngành, lực lượng, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, như: Luật Phòng thủ dân sự; Đề án phát triển, nâng cao năng lực lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần; Thông tư quy định hợp tác quốc tế về lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn,... tạo cơ sở pháp lý để các cấp, ngành và cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
 
Sự cố, thiên tai dù không mong muốn nhưng nó vẫn xảy ra và ngày càng phức tạp. Để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước, của các tổ chức và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”.
 
 

1 - Cả nước xảy ra 1.816 vụ thiên tai, sự cố, làm 336 người chết, 141 người mất tích, 256 người bị thương; chìm, cháy, hỏng gần 500 phương tiện; cháy gần 800 nhà xưởng, hơn 1.150 ha rừng và thảm thực vật; hư hỏng gần 4.000 ngôi nhà và hơn 300.000 ha lúa, hoa màu, v.v.
 
2 - Toàn quân đã điều động hơn 41.000 lượt người, gần 4.000 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn hơn 1.000 vụ. Cứu được 1.144 người, 99 phương tiện; di dời gần 8.000 hộ dân đến nơi an toàn; khắc phục, sửa chữa 1.643 nhà dân hư hỏng, dập cháy 433 ngôi nhà và gần 1.200 ha rừng; kêu gọi hơn 395.000 lượt phương tiện với hơn 1,8 triệu lượt người vào nơi tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn.
 
3 - Cuối tháng 02/2022 ở khu vực miền núi phía Bắc có đợt rét lịch sử, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 lại xảy ra mưa lũ lớn trái mùa kèm theo giông lốc trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung.
 
Thiếu tướng DOÃN THÁI ĐỨC
Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn