Bazoka - Một kỳ tích của ngành quân giới những ngày đầu kháng chiến chống Pháp

02/06/2022, 08:09

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, trắng trợn khiêu khích và tiến công ta. Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc đã nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”(1)

Thiếu tướng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa kiểm tra vũ khí do một nhà máy quốc phòng chế tạo

Để bảo toàn tiềm lực và đáp ứng yêu cầu trường kỳ kháng chiến, Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ thị cho ngành Quân giới về chọn địa điểm đặt xưởng, phương châm xây dựng và sản xuất của các binh công xưởng “tiểu quy mô, cơ động linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết”(2). Theo đó, các cơ sở quân giới từ các thành phố, thị xã chuyển về nơi an toàn ở vùng nông thôn, rừng núi các tỉnh lân cận. Chiến sự ngày càng lan rộng, phức tạp, ngày 20/11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và khiêu khích ở nhiều nơi. Theo lệnh của Trung ương, các cơ sở quân giới tổng di chuyển lên các căn cứ để kháng chiến lâu dài. Vừa di chuyển, ngành Quân giới vừa nghiên cứu sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí phục vụ chiến đấu chặn bước tiến của địch. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, việc chế tạo súng và đạn Bazoka để tiêu diệt xe tăng, thiết giáp - chỗ mạnh nhất của quân Pháp, được đẩy mạnh. Tháng 3/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp giao cho xưởng Giang Tiên (ở Thái Nguyên) nghiên cứu sản xuất súng và đạn Bazoka. 
 
Súng Bazoka là loại vũ khí hiện đại, dài 1,27 mét, nặng 11 kg, có thể vác cơ động dễ dàng; tầm bắn hiệu quả 50 - 100 m. Đạn Bazoca là loại đạn lõm, dài 0,56 mm, nặng 1,7 kg, có 220 gam thuốc nổ mạnh và 60 gam thuốc nổ đẩy, có sức xuyên thép 150 mm, công dụng chủ yếu để diệt chiến xa. Từ mẫu súng và 2 viên đạn Bazoka của Mỹ (trên cấp), cán bộ, công nhân xưởng Giang Tiên đã nghiên cứu đạn trước, bằng cách tháo viên đạn mẫu ra từng bộ phận, vẽ và chế thử. Trong điều kiện rất thiếu kiến thức và phương tiện (không có máy dập, máy hàn điện...) nhưng với ý chí, quyết tâm cao, cán bộ, công nhân xưởng Giang Tiên đã hoàn thành chế tạo quả đạn đầu tiên như mẫu. Song, khó khăn nhất lúc đó là việc tính toán buồng thuốc đẩy, loa phụt hơi (tuy - e), liều thuốc đẩy, thuốc nổ (toàn bộ phần hóa chất, hỏa thuật) để khi bắn, viên đạn bay đi theo tốc độ và tầm bắn quy định, khi chạm đích thì đạn nổ xuyên và đạt hiệu ứng lõm của khối thuốc nổ(3).
 
Tháng 9/1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ - một trí thức Việt kiều có đức, có tài theo Bác Hồ trở về Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông phụ trách Cục Quân giới, với lời dặn: “Chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí cho sự nghiệp kháng chiến của Nhân dân ta”. Và ngày 27/10/1946, Người trực tiếp gặp, giao nhiệm vụ cho kỹ sư Phạm Quang Lễ lên xưởng Giang Tiên nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Bazoka của Mỹ. Tháng 11/1946, xưởng Giang Tiên đã sản xuất thành công 1 khẩu súng và 50 viên đạn Bazoka; bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên. 
 
Chiến tranh đến rất gần, ngày 5/12/1946 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời và trực tiếp giao cho Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới (tiền thân Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa(4) (theo Bác là để giữ bí mật cho ông và cho gia đình, họ hàng ở miền Nam).
 
 

Súng Bazoka do quân giới Việt Nam sản xuất

Giữa tháng 12/1946, đồng chí Lê Đình Tạo - Trưởng ty Quân giới Khu 4 cũng được Bộ Quốc phòng và Cục Quân giới giao nghiên cứu chế tạo súng, đạn Bazoka, nhưng kết quả phần hóa chất và hỏa thuật trong chế tạo đạn Bazôka cũng chưa giải quyết được. 
 
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đầu tháng 01 năm 1947, tại Ứng Hòa, Hà Đông (nơi Cục Quân giới vừa di chuyển từ Hà Nội ra), việc nghiên cứu hoàn thiện súng, đạn Bazoka đã được tiến hành khẩn trương. Nhóm nghiên cứu gồm 5 người, do đồng chí Phạm Văn Gián làm Tổ trưởng, làm việc dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Trần Đại Nghĩa để hoàn thiện việc sản xuất đạn; còn hoàn thiện súng Bazoka giao cho Xưởng K1 của Khu 11 (Khu Hà Nội) chế thử theo mẫu của Cục Quân giới. Cùng thời gian, một số viên đạn do xưởng Giang Tiên chế tạo gửi về Cục, bắn thử nổ nhưng vẫn không xuyên.
 
Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, nhóm nghiên cứu của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đi đến kết luận: đạn không xuyên là do khối thuốc nổ mạnh ở thân đạn đã nổ không hết nên không tạo ra được tốc độ lớn, luồng xuyên mạnh, nhiệt độ cao, mà nguyên nhân khối thuốc nổ mạnh không nổ hết là do thuốc gợi nổ ở ống nổ quả đạn chưa nhồi đúng liều lượng. Sau một số lần cải tiến, thử nghiệm, cuối cùng ống thuốc nổ mới (nhồi 50% fminát thủy ngân và 50% axít picríc) đem bắn thử vào đầu tháng 3/1947 đã thành công: viên đạn nổ, bức tường thành bị phá to, lỗ xuyên vào tường 75 mm. 
 
Biết tin thử thành công đạn Bazoka ở Vân Đình, Ứng Hòa, tối hôm sau, đồng chí Phan Mỹ - Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng trực tiếp đến yêu cầu đồng chí Trần Đại Nghĩa cung cấp ngay súng và đạn Bazoka để bắn chiến xa quân Pháp đang từ Hà Nội tiến theo Đường số 6 lên đánh chiếm khu vực Sơn Tây - Chương Mỹ. Lập tức, toàn bộ Tổ nghiên cứu của đồng chí Trần Đại Nghĩa đã cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật (do đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân phụ trách) thức thâu đêm, dưới ánh đèn dầu đã nhồi lắp hoàn chỉnh được 10 quả đạn. Đồng chí Phan Mỹ và Tôn Thất Hoàng - cán bộ Nha Nghiên cứu kỹ thuật mang ngay súng và số đạn đó về Mặt trận Đường số 6, kịp trước khi trời sáng. Ngày 5/3/1947, trong trận Trúc Sơn - Chùa Trầm, bằng 3 súng Bazoka và 10 quả đạn  vừa xuất xưởng, bộ đội ta đã bắn cháy 2 xe tăng địch, số xe còn lại hốt hoảng quay về Hà Nội, cuộc tiến quân của địch nhằm vây quét vùng Chương Mỹ - Quốc Oai - Sơn Tây bị bẻ gẫy(3)
 
Nhưng chỉ mấy ngày sau, trong lần bắn thử (để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa súng, đạn Bazoka) ở Chợ Bến, Hòa Bình - nơi dừng lại của Cục Quân giới trên đường di chuyển lên Việt Bắc, 02 công nhân của Tổ nghiên cứu Bazoka đã hy sinh do đạn nổ cướp ngay trong nòng súng. Tổ nghiên cứu đã ở lại cùng với Xưởng B4 của Khu 2 tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh và chỉ mấy ngày sau, trong trận đánh trên sông Sinh Dược (Ninh Bình), một chiến sỹ Trung đoàn 34 dùng Bazoka bắn phát đầu làm bị thương 01 ca nô địch; nhưng phát thứ 02, đạn lại nổ cướp ngay trong lòng súng, chiến sỹ đó bị hy sinh. Và ở Khu 4, trong một lần bắn thử, đạn cũng nổ cướp, làm một cán bộ hy sinh. Sau đó, súng và đạn Bazoka tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, bắn thử nhiều lần đều thành công. Đến tháng 4/1947, súng và đạn Bazoka do Cục Quân giới chế tạo đã hoạt động ổn định; bản vẽ mẫu hoàn chỉnh viên đạn đã được phổ biến đến các Ty Quân giới từ Việt Bắc vào Khu 5 để ứng dụng chế tạo hàng loạt. 
 
Sau đó, các khu đều có 01 hoặc 02 xưởng chuyên chế tạo Bazoka. Trên cơ sở bản vẽ mẫu hoàn chỉnh và từ kinh nghiệm thực tế, nhiều cán bộ, công nhân có thêm cải tiến sáng tạo về phương pháp công nghệ như: chóp đạn, côn đồng được dập bằng máy dập vít, thân đạn được rèn sát kích thước hơn, đuôi đạn (buồng đốt đẩy) được làm bằng ống thép nồi hơi xe lửa thay thép đặc, khúc nối thân với đuôi đạn đúc bằng kim loại trắng... Nha Nghiên cứu kỹ thuật ở Khe Khao (Bắc Cạn) đã hướng dẫn xưởng sản xuất Bazoka cách lựa chọn phối hợp bề dày thuốc phóng, bán kính eo ống phụt, thể tích và bề dày thành buồng đốt để đạn đạt tốc độ cần thiết mà buồng đốt không bị vỡ. Nha còn lập toán đồ giúp lựa chọn các tham số trên khi thiết kế ống phụt và nhồi đạn dùng rất dễ, sau đó in cấp cho các xưởng. Nhờ sáng kiến cải tiến, nhiều xưởng chuyên sản xuất súng đạn Bazoka đã đưa năng suất sản xuất lên nhiều lần như xưởng Lê Đình Dủ (Khu 4); riêng xưởng K3 thuộc Đặc khu Hà Nội, cuối năm 1947 đã sản xuất được hàng chục khẩu súng và 300 viên đạn Bazoka/tháng.
 
Nhờ sự phổ biến kịp thời, hướng dẫn chu đáo của Cục Quân giới, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều xưởng quân giới các khu và xưởng vũ khí dân quân ở phía Bắc đã chế tạo được súng và đạn Bazoka. Xưởng XC của Khu 3 từ mẫu súng đạn Bazoka 60 mm đã nghiên cứu chế tạo được súng, đạn Bazoka cỡ 73 mm để đánh ca nô, tàu chiến trên sông. Cùng thời gian này, ngành Quân giới còn chế tạo thành công đạn đạn chống tăng AT lắp vào ống phóng, bắt vào đầu súng trường, bắn bằng khí nén của thuốc đạn súng trường, có hiệu quả chiến đấu khá cao.
 
Nghiên cứu chế tạo thành công súng, đạn Bazoka và đạn AT ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến là một trong các kỳ tích. Thành công đó bắt nguồn từ sự quan tâm, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh; thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tài năng, sáng tạo, dũng cảm quên mình của đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành Quân giới trong vận dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào điều kiện khó khăn ngặt nghèo lúc bấy giờ.(6)
 
Chế tạo thành công các loại vũ khí khá hiện đại Bazoka và đạn AT, ngành Quân giới đã góp phần quan trọng phá tan ưu thế mạnh nhất của quân Pháp lúc đó là xe tăng, thiết giáp; chặn bước tiến của chúng để Tổng di chuyển an toàn và chuyển đất nước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là kỳ tích của ta và là bất ngờ lớn với thực dân Pháp./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1, 2. Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Lao động, H.1990, tr.41 và 52. 
3, 5, 6. Lịch sử Quân giới... Sđd, tr.73, 75, 76 - 78.
4. Lịch sử ngành Kỹ thuật QĐND Việt Nam. Nxb QĐND, H.1996, tr.50.

THƯỢNG TÁ LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP