Về tổ chức, xây dựng quân đội giai đoạn 2021 - 2030 theo định hướng của Đảng

08/04/2023, 15:21

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 17/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, ngày 02/4/2022, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 230-NQ/QUTW lãnh đạo thực hiện, với mục tiêu xác định là đến năm 2025, Quân đội sẽ được xây dựng cơ bản tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; đồng thời, cũng thỏa lòng mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của toàn dân, toàn quân ta.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đối với quân đội của mọi quốc gia, việc tổ chức và điều chỉnh tổ chức lực lượng trong quá trình phát triển luôn cần thiết, quan trọng và là yêu cầu khách quan. Nếu điều chỉnh tổ chức quân đội đúng thời điểm, phù hợp với biên chế, vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật, chiến lược quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh, đặc điểm tình hình quốc tế, đất nước,… thì sức mạnh sẽ được tăng cường; còn nếu không phù hợp thì tất nhiên kết quả sẽ ngược lại. Đây là vấn đề khoa học, vì thế không phải cứ muốn là có thể làm, mà đòi hỏi phải hội tụ đủ điều kiện cần thiết thì thực hiện mới thành công. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam cũng vậy, không phải là ngoại lệ. Đáng nói là Quân đội ta đã trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong quá trình đó, đã tiến hành một số lần điều chỉnh tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và tình hình của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, những đợt điều chỉnh tổ chức lực lượng trước đây chưa lớn, chưa căn bản, có khi chỉ mang tính cục bộ với mục tiêu, yêu cầu nhất định. Đợt điều chỉnh tổ chức Quân đội lần này thì khác, đó là cơ bản, quy mô và toàn diện hơn, nhằm mục tiêu đảm bảo cho Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Qua nghiên cứu về phương hướng, mục tiêu, yêu cầu,… điều chỉnh tổ chức, xây dựng Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 theo quan điểm của Đảng, để thực hiện tốt, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết những vấn đề chính sau.
 
Thứ nhất, về nhận thức tư tưởng. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chúng ta cần nhận thức rõ việc điều chỉnh tổ chức Quân đội lần này là chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, cấp thiết; đồng thời, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai thực hiện chủ trương trên, chúng ta thấy Đảng ta không hề chủ quan, nóng vội, mà trái lại đã rất khách quan, khoa học. Đảng đã kiên trì lãnh đạo xây dựng Quân đội với thời gian đủ dài (gần 80 năm), kinh nghiệm đủ nhiều, sự trưởng thành đủ độ,... và đến nay là thời điểm phù hợp để tiến hành thực hiện. Phương hướng xây dựng Quân đội từ năm 2021 - 2030 có thể chia thành hai giai đoạn: 2021 - 2025 và 2025 - 2030. Mỗi giai đoạn có mục tiêu, yêu cầu riêng, nhưng gắn kết chặt chẽ với nhau, giai đoạn trước là tiền đề của giai đoạn sau, giai đoạn sau là kết quả tổng hợp và tiếp nối giai đoạn trước. Trong đó, trọng tâm của xây dựng Quân đội từ năm 2021-2025 là điều chỉnh tổ chức, xây dựng lực lượng cơ bản “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Như vậy, kết quả điều chỉnh tổ chức, xây dựng lực lượng của giai đoạn này rất quan trọng, thực hiện tốt hay không sẽ tác động tương ứng đối với giai đoạn sau. Mục tiêu, yêu cầu của giai đoạn này rất rõ, nhưng để thực hiện được lại không dễ, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trực tiếp là Quân đội. Bởi, điều chỉnh tổ chức Quân đội là vấn đề khoa học quân sự, hay nói rõ hơn là khoa học tổ chức lực lượng quân sự theo tính đặc thù cao, liên quan đến nhiều yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp. Cho nên, trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải triệt để tuân thủ tính khoa học, phải nghiên cứu kỹ, sâu tình hình, thực trạng, những vấn đề liên quan, hạn chế tới mức thấp nhất những sai lầm, thiếu sót làm ảnh hưởng xấu đến kết quả. Quán triệt tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị cần rất thận trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chặt chẽ, không chủ quan nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo thời gian, tiến độ công việc theo đúng kế hoạch.
 
Thứ hai, điều chỉnh tổ chức Quân đội phải đạt mục tiêu cơ bản “tinh, gọn, mạnh”. Xét về tổng thể, kế hoạch điều chỉnh tổ chức Quân đội sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, nhưng không phải tất cả các đầu mối cơ quan, đơn vị thực hiện cùng lúc và đến khi đó mới hoàn thành, mà với những bộ phận đủ điều kiện thì khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành trước, những bộ phận chưa đủ điều kiện thì triển khai và hoàn thành sau. Như vậy, từ năm 2021 đến năm 2025, trong từng quý, từng năm đều có cơ quan, đơn vị hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức. Một điểm cần chú ý là, đến cuối năm 2025 mới hoàn thành mục tiêu cơ bản “tinh, gọn, mạnh”. Cơ bản có nghĩa chưa phải là tất cả các đầu mối tổ chức đều đã “tinh, gọn, mạnh”, còn lại là việc tiếp tục phải làm của giai đoạn 2025-2030. Xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” là xu hướng chung của mọi quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại, chứ không phải vấn đề riêng của Việt Nam. Nhưng thế nào là “tinh, gọn, mạnh” và làm sao để đạt được mục tiêu đó? Thực ra đây là ba nội dung (vấn đề) khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau, nên trong quá trình điều chỉnh tổ chức Quân đội không được xem nhẹ bất cứ nội dung nào. Trước hết, về yếu tố “tinh”. Đối với quân đội “tinh”, có nghĩa là tinh nhuệ, muốn nói đến chất lượng con người và vũ khí, trang bị, trước hết là tinh nhuệ về chính trị, trình độ tác chiến - nội dung cốt lõi, căn bản nhất của xây dựng Quân đội. Các bậc tiền nhân có câu: “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” tức là “quân cốt tinh, không cốt nhiều”, “tinh binh, tinh cán”. Về yếu tố “gọn”, tức là các đầu mối tổ chức cơ quan, đơn vị được xây dựng cân đối, đồng bộ, hợp lý, khoa học giữa các thành phần lực lượng, không để cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động thấp. Về yếu tố “mạnh”, muốn chỉ đến sức mạnh của Quân đội, trước hết là sức mạnh chiến đấu - một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội ta. Quân đội mạnh hội tụ nhiều yếu tố, dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố tổ chức, con người với vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp vượt trội đối phương, nhằm đánh thắng mọi kẻ thù trong các hình thái chiến tranh.
 
Để đạt được mục tiêu đó, cần triển khai điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng: Về tổ chức, tiến hành điều chỉnh tổ chức từ cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật. Điều chỉnh thế bố trí lực lượng để đáp ứng nhiệm vụ trên cả 5 môi trường tác chiến (không, bộ, biển, không gian mạng, không gian vũ trụ). Trong đó, chú trọng vào giải thể, sáp nhập, điều chuyển một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; điều chỉnh và tổ chức lại các đơn vị thuộc khối quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng;... khối học viện, nhà trường, khối viện, trung tâm nghiên cứu, khối kho hậu cần - kỹ thuật, khối doanh nghiệp quốc phòng. Về quân số, trên cơ sở thực hiện đúng quy định của Đảng về tổng quân số, tiến hành điều chỉnh cơ cấu quân số theo hướng nâng tỷ lệ thành phần hưởng lương để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại, v.v. Đây là mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để đến năm 2030 phấn đấu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
 
Thứ ba, điều chỉnh tổ chức lực lượng thường trực phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ. Quân đội có hai thành phần lực lượng: lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Mỗi thành phần lực lượng có vai trò, vị trí chiến lược riêng, tạo nên sức mạnh của Quân đội. Đề cập xây dựng Quân đội nói chung, điều chỉnh tổ chức Quân đội nói riêng có nghĩa là đối với cả hai thành phần lực lượng, chứ không chỉ lực lượng thường trực. Trong đó, lực lượng thường trực đảm nhiệm vai trò nòng cốt, thường trực trong hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng dự bị động viên được tổ chức, xây dựng ngay từ trong thời bình và được huy động với quy mô khác nhau để bổ sung kịp thời cho Quân đội. Sức mạnh chiến đấu của Quân đội chỉ có thể được duy trì liên tục khi có lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng tổng hợp cao. Vì thế, có thể khẳng định cùng với lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên có vai trò chiến lược, là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà đối với mọi quốc gia đều như vậy, đều phải tiến hành động viên khi cần thiết. Cần nhấn mạnh rằng, do nhiều nguyên nhân, nên hiện nay chất lượng tổng hợp, nhất là trình độ, khả năng tác chiến giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên vẫn còn khoảng cách nhất định, thậm chí khá xa. Hướng phấn đấu của chúng ta là từng bước thu hẹp dần khoảng cách đó, chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Quân đội thực sự vững mạnh. Cho nên trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng thường trực nói riêng, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nói chung cần phải coi trọng gắn chặt với tổ chức, xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dự bị động viên.
 
Cùng với đó, không được coi nhẹ việc xây dựng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ. Bởi, đây là một thành phần của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) có vai trò rất quan trọng. Trong thời bình, dân quân tự vệ là lực lượng chủ yếu bảo vệ cấp ủy, chính quyền cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong hoạt động quân sự, quốc phòng và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Trong chiến tranh, dân quân tự vệ cùng với bộ đội địa phương là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân địa phương, phong trào toàn dân đánh giặc. Do đó, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại cần phải được thực hiện đồng bộ với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, chất lượng tổng hợp cao, trước hết là chất lượng chính trị.
 
Thực tiễn cho thấy, quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc là nhất quán, nhưng luôn có nội dung mới, phát triển, thể hiện tư duy mới, sáng tạo. Định hướng của Đảng tại Đại hội XIII về tổ chức, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cũng vậy, không tách rời Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”. Mấy nội dung lớn đề cập ở trên, một mặt, phân tích rõ định hướng của Đảng về tổ chức, xây dựng Quân đội trong từng giai đoạn (2021 - 2025, 2025 - 2030); mặt khác, có đề cập những nội dung không thể tách rời trong quá trình thực hiện cũng nhằm thể hiện tinh thần đó.
 
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG - Đại tá NGUYỄN CÔNG HUYNH*
 

/Tạp chí QPTD