Ngành quân giới trong Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

10/10/2022, 15:17

Sau khi thông qua Bộ Chính trị Đề án tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 với Tây Bắc là hướng tác chiến chính, ngày 15/11/1953, Đại đoàn 316 từ Thanh Hóa lên Tây Bắc phối hợp với Trung đoàn 148/Liên khu Tây Bắc và bạn Lào để giải phóng Lai Châu, Phôngxalỳ, Luôngphabăng. Thấy Lai Châu bị uy hiếp mạnh, địch điều quân đến Điện Biên Phủ và đến ngày 15/12/1953, tổng số quân địch ở đây lên tới 11 tiểu đoàn. Tây Bắc đã thực sự trở thành hướng tác chiến chính trong Đông Xuân 1953 - 1954 và Điện Biên Phủ đã trở thành tập đoàn cứ điểm lớn. 

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 07/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Bộ Chính trị đã chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta. Với tinh thần "Tất cả cho chiến thắng", quân và dân ta, trong đó có ngành Quân giới đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị chu đáo cho tác chiến trên các chiến trường, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ giành thắng lợi. 

1. Chủ động chuẩn bị cho tác chiến
 
Sau chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi, biên giới được khai thông, bộ đội ta ngày càng được cung cấp nhiều vũ khí do các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện. Vì vậy, từ năm 1951, theo chỉ đạo của Bộ, quân giới phía Bắc giảm sản xuất nhiều loại vũ khí: bom phóng còn 25%, súng đạn cối còn 30%... nhưng các loại vũ khí Bazôka, SKZ, lựu đạn và mìn sản xuất nhiều hơn. 
 
Năm 1952, vũ khí đạn các nước anh em viện trợ nhiều hơn nên quân giới phía Bắc ngừng sản xuất 9 loại vũ khí, trong đó có cả Bazôka, súng và đạn cối; nhưng các loại vũ khí như mìn, lựu đạn, đạn AT, bộc phá, các bộ phận thay thế của súng pháo được tăng cường sản xuất theo yêu cầu tác chiến. Đến năm 1953, sản xuất mìn, lựu đạn, bộc phá tiếp tục tăng so với năm 1952 (lựu đạn tăng 63%, mìn tăng 53%, bộc phá tăng 57%), đạn AT giảm chút ít. Sang năm 1954, ta chỉ tập trung sản xuất mìn, lựu đạn, quân cụ và các bộ phận thay thế của súng, pháo, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên các chiến trường, nhất là trên mặt trận Điện Biên Phủ.
 
Về sản xuất quân cụ (chủ yếu là dao, cuốc, xẻng, búa...), các cơ sở quân giới đã tích cực tổ chức các lò rèn, phát huy sáng kiến cải tiến hạ định mức lao động và vật tư, tăng năng suất lao động. Vì vậy, năm 1953 - 1954 quân giới phía Bắc đã sản xuất được gần 100.000 chiếc xẻng, 45.000 chiếc cuốc... đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp thiết trong đào, đắp công sự, hầm hào trong tác chiến.
 
Sản xuất bộ phận thay thế súng, pháo lúc này được quan tâm đẩy mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu sửa chữa tại các xưởng và ở đơn vị. Do bộ đội được trang bị ngày càng nhiều loại vũ khí mới nên nhu cầu sản xuất các bộ phận, chi tiết thay thế ngày càng lớn với nhiều chủng loại phức tạp. Công nghệ sản xuất các chi tiết bộ phận súng pháo đòi hỏi phải tạo phôi, gia công cơ khí phức tạp, nhiệt luyện khó khăn nên giá trị lao động chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm và các xưởng còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, muốn sản xuất một bộ phận súng, pháo phải có mẫu hiện vật hoặc bản vẽ kỹ thuật. Nhưng cơ quan cấp trên thường chỉ ghi tên chi tiết đưa vào kế hoạch sản xuất của các xưởng (có khi tên cũng chưa chuẩn) nên rất khó khăn trong sản xuất. Vì vậy, các xưởng phải cử cán bộ kỹ thuật đến kho quân khí hoặc đơn vị xem mẫu hiện vật để đo đạc, tính toán kích thước chính xác, vẽ, xác định công nghệ và loại thép sản xuất từng bộ phận, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. 
 
Vượt lên mọi khó khăn, từ năm 1952, các xưởng quân giới đã sản xuất thành công 260 loại chi tiết với hàng ngàn sản phẩm, bộ phận thay thế của súng, pháo. Năm 1954 sản xuất được 400 loại, với hơn 50.000 sản phẩm. Các Xưởng Z1, Z6, X22, X23... đã nỗ lực, sáng tạo phát huy sáng kiến cải tiến để tăng năng suất lao động: thời gian sản xuất kim hỏa súng cối từ 180 phút giảm còn 120 phút/chiếc; sản xuất díp súng ngắn, díp M trong hộp tiếp đạn súng trường, đầu ruồi súng, thông nòng súng đại liên... đều giảm thời gian/1 sản phẩm. Nhiều xưởng đã sản xuất thành công các bộ phận thay thế của súng pháo, là bước tiến về công nghệ trong điều kiện thời chiến khó khăn, thiếu thốn mọi bề .
 
Về sửa chữa vũ khí, tuy không mới với ngành Quân giới, nhưng lúc này khối lượng và trình độ đòi hỏi cao hơn trước rất nhiều. Bởi bộ đội ta được trang bị các loại pháo cao xạ 37 mm, pháo mặt đất 105 mm... tác chiến liên tục trong các chiến dịch lớn, tỷ lệ hư hỏng khá cao. Khó khăn lớn nhất trong sửa chữa pháo là thiếu dụng cụ, thiết bị chuyên dùng, thiếu thợ hiểu biết sâu về cấu tạo cả khẩu pháo và từng bộ phận mới sửa được. Xưởng Z1 có 25 thợ, chỉ có 13 người mới qua học nghề; X23 không có thợ sửa súng pháo tay nghề khá; X25 khi nhận sửa súng pháo mới đào tạo thợ; X22 khá nhất cũng mới có 5 thợ sửa súng pháo tay nghề khá... Song, trước đòi hỏi của mặt trận, cán bộ công nhân các xưởng quân giới đã khắc phục mọi khó khăn, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến. Nửa đầu năm 1954, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lượng súng pháo (chủ yếu là pháo) sử dụng tăng lên 4 lần so với năm 1953. Việc sửa chữa lại đòi hỏi chủ động, linh hoạt, nhưng không thể dự kiến trước, thường là đột xuất, khẩn trương phải tập trung lực lượng thợ sửa liên tục hoàn thành trước hoặc đúng thời gian quy định.
 
Về sản xuất lựu đạn và mìn, năm 1953, các xưởng đều đạt sản lượng lớn. Quân giới Liên khu 3, 4 đạt sản lượng vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao, nhưng một số xưởng tỷ lệ sản phẩm hỏng phải sửa lại khá cao (ZH15 là 34%, Z1 là 48%...). Tháng 10/1953, Tổng cục Cung cấp giao cho Sở Quân giới Liên khu 3, 4 nhiệm vụ đột xuất là trong 2 tháng sửa lại 30.000 quả lựu đạn do các đơn vị chuyển đến. Một công trường bên bờ sông Mực (Thanh Hóa) được thành lập, làm việc ngày đêm, nên chưa đầy 2 tháng đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm số lựu đạn trên nổ 98% trong vòng 12 tháng.
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ về chuyển hướng sản xuất vũ khí, quân giới phía Bắc từng bước chấn chỉnh tổ chức, nhiệm vụ. Đến tháng 4/1954 chỉ còn 6 xưởng với 10.000 người (trong đó cơ quan Cục gần 200 người). Các xưởng quân giới còn lại được đổi phiên hiệu và bổ nhiệm cán bộ: X23 ở Bắc Giang đổi thành Z61, do đồng chí Nguyễn Đăng Đắc phụ trách; Z7 ở Thái Nguyên đổi thành Z62, do đồng chí Ưng Quốc Tuynh phụ trách; Z1 ở Tuyên Quang đổi thành Z63, do đồng chí Đặng Hữu Thập phụ trách; X24 ở Ninh Bình đổi thành Z64, do đồng chí Mai Thế Huân phụ trách; Z4 ở Thanh Hóa đổi thành Z65, do đồng chí Nguyễn Duy Tảo phụ trách; Z10 ở Hà Tĩnh đổi thành Z66, do đồng chí Trần Đình Bá phụ trách.
 
Nguyên vật liệu sản xuất lúc này có nhiều khó khăn, nhất là gang để sản xuất lựu đạn và mìn theo yêu cầu rất lớn của chiến trường. Kế thừa kinh nghiệm xây dựng lò nhỏ sản xuất gang của Sở Kỹ nghệ Trung Bộ (do kỹ sư Võ Quý Huân chỉ đạo) và của xưởng Phan Bội Châu (ở Thái Nguyên), Liên khu 4 đã tập hợp đội ngũ công nhân tay nghề vững, do đồng chí Trịnh Tam Tỉnh phụ trách; máy móc thiết bị được Cục Quân Giới điều từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... về khu vực Bến Sung, Bến Mực (Thanh Hóa); xây dựng lò cao Như Xuân, năm 1952 sản xuất hơn 200 tấn gang, năm 1953 được 100 tấn và 7 tháng đầu năm 1954 được 100 tấn. Ngoài ra, ta còn tổ chức một số lò luyện thép ở Bản Thi (Tuyên Quang). Việc sản xuất các loại a xít để điều chế fuminát thủy ngân, khai thác diêm tiêu để sản xuất thuốc nổ đen, a xit nitơríc... tiếp tục được đẩy mạnh (năm 1953 sản xuất được 17 tấn a xít). Cơ sở Con Dừa ở Con Cuông - Nghệ An đã khai thác phân dơi, sản xuất diêm tiêu để sản xuất thuốc nổ đen và cung cấp a xít cho các xưởng. Viện Nghiên cứu Quân giới đã nghiên cứu chế tạo thành công êbônít, là nguyên liệu dùng chế tạo nhiều bộ phận của các loại vũ khí: bầu đạn AT, bầu đạn SKZ... Các binh công xưởng Hoàng Hữu Nam và Lê Lai (Liên khu 4) có nhiều sản phẩm bằng êbônít(1).
 

Bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
 
2. Bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ
 
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”; thời gian tác chiến ước độ 45 ngày. Trận đánh có thể bắt đầu vào tháng 2/1954. Đây là trận công kiên lớn nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, 312, 316, toàn bộ pháo binh, công binh, lực lượng phòng không...; tổng quân số là 42.000 người”(2). Tổng Quân ủy nhận định: chiến dịch này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá. Bởi Tây Bắc là địa bàn rừng núi, dân thưa thớt, kinh tế rất lạc hậu... nên chủ yếu phải vận chuyển từ hậu phương cách xa 500 - 700 km đưa đến, qua địa hình rừng núi hiểm trở, đường xấu và hẹp, phần lớn là đường độc đạo, lại bị địch đánh phá ác liệt, có 40 điểm địch có thể cắt đứt hoàn toàn. Các đèo Lũng Lô, Pha Đin và các đầu mối giao thông quan trọng như Cò Nòi, Tuần Giáo... là các trọng điểm đánh phá của địch (có ngày chúng ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160 - 300 quả bom các loại). 02 tiểu đoàn cao xạ 37 mm, các tiểu đoàn súng máy 12,7 mm được sử dụng đánh máy bay; 04 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công ngày đêm bám các trục đường bảo đảm giao thông. Vì vậy, suốt thời gian chiến dịch, chỉ có 37 đêm, đường bị tắc một số đoạn(3)
 
Khác với các chiến dịch trước đây, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội sử dụng khá nhiều pháo binh, pháo cao xạ, các trang bị kỹ thuật mới do các nước viện trợ. Nhu cầu sản xuất các bộ phận, chi tiết súng, pháo để kịp thời sửa chữa, thay thế theo yêu cầu tác chiến rất lớn và khẩn trương. Do thiếu trận địa dự bị nên pháo cao xạ trong suốt chiến dịch hầu như ở nguyên vị trí ban đầu. Bị địch đánh phá ác liệt, một số cán bộ chiến sỹ hy sinh và hỏng 7 khẩu pháo cao xạ 37 mm. Cán bộ chiến sỹ kỹ thuật đã khẩn trương sửa chữa, dồn lắp được 3 khẩu, kịp đưa vào tác chiến đợt 2, còn 4 khẩu phải kéo về trạm Quân khí Tiền phương ở Km 52, đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ để sửa.
 
Trong chiến đấu, các chi tiết, bộ phận hay hỏng trong các khẩu pháo cao xạ là máy nạp đạn, máy ngắm, càng kéo... Đồng chí Đỗ Đức Dục, Chủ nhiệm Quân khí Tiền phương Trung đoàn 367 đã tổng hợp, đề nghị các xưởng quân giới tuyến hậu phương sản xuất gấp để thay thế. Chỉ thời gian ngắn, các xưởng quân giới đã nghiên cứu chế tạo thành công: trục máy tống đạn, bướm tống đạn, cán ngoắc pháo cao xạ 37 mm, kim hỏa súng phòng không 12,7 mm... gửi lên Điện Biên Phủ. Tại mặt trận, các trạm sửa chữa đã nhanh chóng sản xuất cuốc chim, cuốc, xẻng phục vụ sửa đường, làm hầm hào công sự. 
 
Trong chiến đấu với máy bay địch, súng phòng không 12,7 mm của ta sử dụng liên tục, có khẩu bắn đỏ nòng, ngoài kim hỏa bị hỏng, còn hay bị gãy phiến khóa của khóa nòng mà ta không có dự trữ tại chỗ, phải chờ đưa từ hậu phương lên. Để kịp thời khắc phục, đồng chí Đỗ Đình Hữu cùng cán bộ kỹ thuật đã lập lò rèn, chế tạo được những phiến khóa nòng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thay thế(4)... Cán bộ, chiến sỹ các trạm quân khí tiền phương còn làm việc suốt ngày đêm, rèn thêm cuốc, xẻng cung cấp kịp thời cho bộ đội đào hầm hào xiết chặt vòng vây, tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.
 
Sau 55 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) chiến đấu liên tục, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", cán bộ, công nhân, chiến sỹ ngành Quân giới đã nỗ lực vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất là vấn đề cung cấp; góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"./.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Lao động, H.1990, tr.145-1950.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H.2006, tr.891.
3. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, H.1995, tr.280-281.
4. Lịch sử Kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb QĐND, H.2002, tr.323-324.
 
Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Thiếu tá Ngô Mạnh Thắng