Nghiên cứu tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

27/07/2022, 08:49

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong giai đoạn sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách. Qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót trong phương thức, lề lối làm việc. Nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng. Đến nay, tác phẩm vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng May 10 năm 1959, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng.

Có thể tóm tắt tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành 6 điều cơ bản mà cán bộ, đảng viên cần sửa đổi lề lối làm việc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cách mạng: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; lý luận và đổi mới vai trò lý luận; vai trò đạo đức cách mạng; vai trò của đội ngũ cán bộ; lãnh đạo và yêu cầu đổi mới công tác lãnh đạo; công tác tuyên truyền.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng sửa đổi lối làm việc của Đảng là nhằm nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân. Đảng lãnh đạo cách mạng là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, huy động được quần chúng nhân dân, bởi vậy Đảng phải thực sự tiên tiến, thực sự có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn mình. Sửa đổi lối làm việc là một yêu cầu khách quan, bắt buộc để Đảng nâng cao được uy tín của mình trước nhân dân. Đồng thời sửa đổi lối làm việc cũng là để Đảng nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của mình. Ngoài ra, ngay trong tác phẩm chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng sửa đổi lối làm việc nhằm một lần nữa khẳng định những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được.
 
Sửa đổi lối làm việc là một yêu cầu cấp thiết để khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm về tư tưởng (bệnh chủ quan), khuyết điểm về quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng (bệnh hẹp hòi, coi khinh quần chúng), khuyết điểm trong cách nói và cách viết (thói ba hoa). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thái độ đúng và chưa đúng đối với những khuyết điểm của Đảng. Thái độ không đúng là xuyên tạc, bôi nhọ, thờ ơ, vô trách nhiệm, máy móc, tả khuynh; thái độ đúng là phải bình tĩnh xem xét ưu khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân rồi dùng tự phê bình và phê bình rộng rãi, giúp đỡ lẫn nhau để khắc phục, thực hiện đấu tranh trong nội bộ Đảng để dẫn đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
 

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947.
 
Trong tác phẩm này, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập đến vấn đề lý luận. Người đã đưa ra những luận giải hay nhất về vấn đề lý luận, Người chỉ ra lý luận chân chính phải xuất phát từ thực tế, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, thực tiễn kinh nghiệm của mỗi người, lý luận chính là sự tổng kết thực tiễn. Lý luận có vai trò rất quan trọng, nó là kim chỉ nam vạch phương hướng, định hướng đi cho mỗi người và cho Đảng. Lý luận phải luôn gắn chặt với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn với cuộc sống. Học lý luận là để áp dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn chứ không chỉ học lý luận suông, vô giá trị.
 
Khi đề cập đến vấn đề đạo đức và tư cách của Đảng trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và phân tích 12 điều về tư cách của Đảng. Người cho rằng nếu Đảng có lòng khoan dung, độ lượng, Đảng biết cách dung nạp về mình tất cả những tinh túy của dân tộc thì Đảng đó là Đảng đạo đức và Đảng đó đủ tư cách để dẫn dắt dân tộc. Đảng có tư cách là Đảng phải luôn luôn nhất trí đoàn kết một cách thực chất trên cơ sở có lý có tình, mà tình là quan trọng. Đảng phải luôn sâu sát với quần chúng và gắn bó với quần chúng.
 
Về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành phần lớn nội dung để đề cập đến vấn đề này. Người xác định rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng. Người nêu ra tiêu chuẩn của một người cán bộ cách mạng là phải có lòng trung thành, lòng hăng hái đối với cách mạng, gần gũi, gắn bó với nhân dân; dám làm, dám chịu trách nhiệm; giữ nghiêm kỷ luật, có ý thức kỷ luật. Người chỉ ra những nội dung của công tác cán bộ của Đảng gồm nhiều khâu liên kết chặt chẽ với nhau. Thứ nhất là khâu tuyển chọn cán bộ; thứ hai là khâu huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ (huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận); thứ ba là khâu đánh giá cán bộ; thứ tư là khâu sử dụng cán bộ; thứ năm là khâu chính sách đối với cán bộ. Những nội dung này là cẩm nang hết sức quan trọng cho công tác cán bộ của Đảng không chỉ trong giai đoạn đó mà trong cả tiến trình Đảng ta xây dựng và trưởng thành.
 
Về phương thức lãnh đạo và phương pháp công tác của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải đạt được 3 yêu cầu và 3 nguyên tắc. Yêu cầu thứ nhất là lãnh đạo đúng tức là phải định vấn đề cho đúng; yêu cầu thứ hai là biết tổ chức thực hiện quyết định cho đúng; yêu cầu thứ ba là có một cơ chế kiểm soát đúng. Nguyên tắc thứ nhất là phải kết hợp chính sách chung và chỉ đạo riêng; nguyên tắc thứ hai là biết kết hợp lãnh đạo với quần chúng; nguyên tắc thứ ba là muốn lãnh đạo quần chúng phải xuất phát từ chữ "Dân".
 
Đối với "thói ba hoa" của cán bộ ta lúc đó biểu hiện với nhiều hình thức như dài dòng, rỗng tuếch, cầu kỳ, khuôn sáo, hay nói chữ, trau chuốt, đại ngôn. Để chống thói ba hoa phải xuất phát từ nhu cầu của quần chúng, hiểu quần chúng, nghiên cứu thật kỹ, chuẩn bị thật kỹ, có kế hoạch cụ thể, khi viết xong phải xem đi, xem lại nhiều lần.
 
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" ra đời đã 75 năm, tuy nhiên những giá trị quý báu của nó thì vẫn còn nguyên vẹn. Đảng ta qua bao đấu tranh gian khổ đã trưởng thành vượt bậc, phất cao lá cờ xã hội chủ nghĩa vượt qua những gian khó trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu đã đạt được của Đảng ta là không thể phủ nhận. Những thế hệ cán bộ, Đảng viên cũng từng bước trưởng thành hơn. Tuy nhiên không thể chủ quan mà không nhận thấy rằng những bất cập, yếu kém vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Tình trạng thoái hóa, biến chất vẫn xảy ra phổ biến, nhất là trong đội ngũ cán bộ Đảng viên có chức có quyền. Hoạt động của một số tổ chức Đảng còn hình thức, hời hợt, sức chiến đấu kém, thậm chí là tê liệt. Phương pháp, tác phong công tác của nhiều Đảng viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng nặng về hình thức, nhẹ về thực tiễn, lý luận suông, quan liêu, xa rời quần chúng, hay là yếu về lý luận, chủ quan, duy ý chí... Chính vì vậy, tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một cuốn cẩm nang, một cuốn sách gối đầu giường của mọi cán bộ, Đảng viên.
 
Từng cán bộ, Đảng viên phải hiểu sâu, nắm kỹ những tinh thần của tác phẩm và vận dụng vào điều kiện công tác của mình. Quán triệt rõ kinh nghiệm công tác không phải tự nhiên mà có, phải thường xuyên tu dưỡng, tìm tòi nghiên cứu, học hỏi từ mọi người, đúc rút ra những kinh nghiệm cho mình để từng bước cải thiện phương pháp, tác phong công tác cho phù hợp, hiệu quả hơn. Nhận thức một cách khách quan về những ưu, nhược điểm của bản thân để tìm cách phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, từng bước trưởng thành. Thấy việc làm được không chủ quan, thấy việc làm chưa được không e ngại, thoái chí. Liên tục bổ sung, rèn luyện về trình độ lý luận và tư duy lý luận của bản thân, đặt mọi vấn đề trong góc nhìn biện chứng và cộng sản, rút ra được những lý luận thiết thực, phục vụ cho thực tiễn công tác. Không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của một người Đảng viên trong sáng, giữ gìn tốt mối đoàn kết trong và ngoài đơn vị, thực hiện triệt để những điều Đảng viên không được làm. Thấm nhuần tư tưởng "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" để phấn đấu vươn lên, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức, tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới có cơ hội học tập nâng cao trình độ, sử dụng đúng người, đúng việc. Thực sự khiêm tốn, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Thiết nghĩ rằng, nếu làm tốt những điều trên nghĩa là đã thực sự làm theo Bác, thực hiện đúng tinh thần tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" và những mong muốn của Người thể hiện qua tác phẩm đó.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG/Cục Kinh tế/BQP