Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn

16/03/2020, 15:43

Những năm gần đây, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN), nhiệm vụ kỹ thuật và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật các cấp. Sản phẩm từ các hoạt động trên sau khi thử nghiệm, đánh giá đủ điều kiện đều được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn hoặc sản xuất hàng loạt, biên chế cho các đơn vị, góp phần giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT), trực tiếp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân chủng.

Kỹ thuật viên Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371) bảo đảm kỹ thuật cho máy bay chiến đấu

Trong số những đề tài, sáng kiến đó, có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo cụm khối CB5B70-CM của máy tính Simvol-G1B trên máy bay Su-27” do Viện Kỹ thuật PK-KQ chủ trì nghiên cứu. Theo chia sẻ của nhóm tác giả, máy bay Su-27 được trang bị đã lâu, do đó, việc mua trang bị vật tư, khí tài thay thế phục vụ công tác BĐKT gặp nhiều khó khăn. Trong số các bộ phận trên máy bay, sau nhiều năm sử dụng, máy tính Simvol-G1B cùng một số khí tài khác đã xuất hiện hỏng hóc. Các đơn vị, nhà máy của quân chủng đã đầu tư nhiều công sức để sửa chữa khắc phục nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Chính vì vậy, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã được giao nhiệm vụ chế tạo cụm khối CB5B70-CM-V đáp ứng các chỉ tiêu theo chức năng, có thể thay thế cụm khối tương tự đã cũ của máy tính. Sau thời gian nghiên cứu vẽ lại sơ đồ nguyên lý; phân tích nguyên lý làm việc, nhóm tác giả đã chế tạo thành công khối CB5B70-CM-V, thay thế cho khối cũ. Đề tài thành công đã giúp ngành kỹ thuật quân chủng chủ động sửa chữa các cụm khối CB5B70-CM trong nước, không phải đưa đi sửa chữa tại nước ngoài. Qua đó, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian sửa chữa khi phát sinh các hỏng hóc trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra kỹ thuật trước khi huấn luyện. Từ khi có cụm khối mới này, các đơn vị sử dụng máy bay và Nhà máy A32 đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ, có thể chủ động sửa chữa, khắc phục được hoàn toàn các hỏng hóc phát sinh trên cụm khối CB5B70-CM, giúp chủ động hoàn toàn việc BĐKT cho máy bay Su-27 về những vấn đề liên quan đến máy tính Simvol-G1B.

Ngoài đề tài trên, vừa qua, Quân chủng PK-KQ còn triển khai một đề tài quan trọng khác là “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo vành chuyển tiếp giữa động cơ và máy bay trên máy bay Su-22M4/UM3”. Đây là đề tài do nhóm tác giả thuộc Phòng Nghiên cứu máy bay động cơ (Viện Kỹ thuật PK-KQ) đảm nhiệm. Qua tìm hiểu, được biết, Su-22M4/UM3 là máy bay tiêm kích ném bom có tính năng kỹ thuật chiến đấu ưu việt, hỏa lực mạnh. Tuy nhiên, do đưa vào sử dụng từ khá lâu nên máy bay này đã xuất hiện nhiều dạng hỏng hóc, như: Các chi tiết cao su, phi kim loại của hệ thống nhiên liệu, hệ thống khí nén, thủy lực… bị lão hóa, trong đó có hỏng hóc của vành chuyển tiếp giữa động cơ và máy bay. Đây là phần tiếp nối vành đầu động cơ và mặt bích đường dẫn khí của máy bay, có tác dụng bù trừ các sai lệch về góc và chuyển dịch dài giữa động cơ và đường dẫn khí. Do việc nhập ngoại vật tư gặp nhiều khó khăn, ảnh hướng đến tiến độ sửa chữa, nên nhóm tác giả đã quyết định nghiên cứu giải pháp công nghệ và xây dựng quy trình chế tạo vành chuyển tiếp giữa động cơ và máy bay trên máy bay Su-22M4/UM3. Sau thời gian nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khuôn, dụng cụ, đồ gá, đệm và vành chuyển tiếp; chế tạo thiết bị kiểm thử đánh giá tham số, mô phỏng hoạt động của vành chuyển tiếp tương tự như trên máy bay, rồi tổ chức thử nghiệm sản phẩm, đề tài đã hoàn thành nội dung, yêu cầu đề ra. Quá trình triển khai thực hiện, nhóm tác giả đã kết hợp thành công và đồng bộ nhiều công nghệ của các lĩnh vực khác nhau, như: Công nghệ gia công khuôn mẫu bằng máy phay CNC, công nghệ chế tạo sản phẩm cao su có cốt kim loại, công nghệ định hình và lưu hóa cao su trong khuôn kín dưới áp lực nội áp… Việc chế tạo thành công sản phẩm vành chuyển tiếp đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác BĐKT, đồng thời mở ra khả năng chế tạo các loại vành chuyển tiếp của những máy bay khác hiện có của quân chủng. Hiện nay, sản phẩm đã được áp dụng rộng rãi tại các đơn vị được biên chế loại máy bay này.

Từ những thành công của các đề tài trên, được biết, thời gian tới, Quân chủng PK-KQ sẽ tập trung vào triển khai các đề tài, nhiệm vụ kỹ thuật, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật theo hướng nghiên cứu, sửa chữa, hồi phục phụ tùng, kết hợp sản xuất vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BĐKT cho các vũ khí trang bị kỹ thuật. Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến, sản xuất vũ khí, khí tài, nhằm bảo đảm trang bị PK-KQ phù hợp với yêu cầu, kỹ thuật và đặc điểm sử dụng trong nước. Cùng với đó, quân chủng từng bước nghiên cứu kỹ thuật tác chiến điện tử trên trang bị hiện có của quân chủng và các thủ đoạn chiến đấu của địch, đề xuất các biện pháp kỹ thuật để đối phó. Quân chủng chủ động hợp tác với các ngành kỹ thuật khác để nghiên cứu phục vụ công tác chỉ huy, BĐKT và huấn luyện bộ đội; tham gia đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật thuộc lĩnh vực PK-KQ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ tay nghề cao, có thể tiếp cận, hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐKT của quân chủng trong giai đoạn mới. 

VĂN CHIỂN