Những cánh bay của biển đảo

03/06/2020, 14:27

Công ty bay trực thăng miền Nam (VNHS) thuộc Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam (VNS)-Binh đoàn 18, luôn tự hào với thành tích hơn 35 năm bay dịch vụ và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QSQP).

Máy bay của Công ty bay trực thăng miền Nam chở bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền cấp cứu

5 năm qua, khắc phục khó khăn, thử thách, đơn vị luôn hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là điển hình tiêu biểu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Binh đoàn 18.

Vươn mình trong gian khó

Từ năm 2014 đến nay, ngành dầu khí nói chung và bay phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí nói riêng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn chồng chất khó khăn đối với VNHS, có giai đoạn đơn vị còn rơi vào tình cảnh “khủng hoảng kép” khi thị trường bay dầu khí toàn cầu giảm sâu, giá dầu lao dốc thảm hại vào tháng 2-2016 và tháng 4-2020, khiến các hãng dầu phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc ngừng hoạt động, đi theo đó là VNHS bị cắt giảm hợp đồng bay dịch vụ. Không những vậy, do xảy ra tai nạn máy bay EC-225 của Công ty CHC (Canada) tại Biển Bắc (29-4-2016) nên Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) ra lệnh dừng bay tạm thời, rồi kéo dài dừng bay đối với các loại máy bay EC-225 và Super Puma-L2, trong khi hai loại máy bay này là phương tiện chủ lực của VNHS trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Những tác động tiêu cực từ thị trường, hoạt động bay trên thế giới, cũng như tình hình phức tạp ở khu vực Biển Đông ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD của VNHS. Làm sao để “thoát hiểm”, khôi phục và phát triển các hoạt động của đơn vị? Tìm lối đi từ hướng nào? Bắt đầu từ đâu?... Những câu hỏi cứ găm vào óc, xoáy vào tim, đi vào bữa ăn, giấc ngủ của lãnh đạo, chỉ huy cùng đội ngũ phi công, thợ máy và các phòng, ban chức năng của VNHS. Mọi vấn đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận trong các cuộc họp của Đảng ủy, Ban giám đốc công ty. Những chuyên gia về thương mại cũng chụm đầu lại cho ý kiến. Những phi công kỳ cựu về thương trường tập trung hiến kế. Tất cả, dồn trí tuệ, công sức và lòng nhiệt thành để đưa đơn vị vượt qua khó khăn.

Trước hết công ty siết lại đội ngũ, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy bản lĩnh, trí tuệ tập thể. Đảng ủy, Ban giám đốc công ty họp bàn và đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, như: Đánh giá đúng nguồn lực, xác định mục tiêu, hướng đi, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, phát triển các thị trường, dịch vụ mới; xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch SXKD hàng năm phù hợp và có những biện pháp ứng phó tích cực; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động hiểu rõ những khó khăn, thách thức công ty phải đối mặt, động viên mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, sáng tạo, tích cực làm việc...


Đại tá Lê Đức Long, Giám đốc VNHS trao đổi: “Thị trường dầu khí sụt giảm nên bay dịch vụ trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình này, công ty chủ động tìm kiếm thị trường mới ở các nước, như: Malaysia, Indonesia, Na Uy, Timor Leste, Ấn Độ...”. Với thương hiệu và những nỗ lực của mình, VNHS đã ký hợp đồng bay dịch vụ 3 năm với Tập đoàn NUH và hợp đồng với Công ty Komala bay cứu hỏa tại Indonesia; hợp đồng bay dầu khí với Tập đoàn Weststar (Malaysia). Năm 2019, lần đầu tiên, công ty đưa 3 máy bay ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng với 3 đối tác và trở lại thị trường bay dầu khí tại Malaysia sau 5 năm. Các hoạt động bay trong và ngoài nước đều bảo đảm an toàn và hiệu quả; khẳng định uy tín, thương hiệu, tính chuyên nghiệp của công ty trong khu vực và trên thế giới.

Nâng cánh bay xuyên màn đêm, vượt gió lớn

VNHS hiện quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động bay, gồm: Sân bay Vũng Tàu, sân bay Năm Căn, sân bay Côn Đảo, căn cứ Tân Sơn Nhất và các bãi hạ cánh trong khu vực phía Nam của đất nước. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD, VNHS đã hoàn thành tốt nhiệm vụ QSQP được giao. Đó là kết hợp giữa bay thương mại với bay quan sát để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; thực hiện bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác.

Từ tháng 10-2017 đến nay, VNHS đã thực hiện thành công 27 chuyến bay cấp cứu chở người bị ốm đau, tai nạn trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 về đất liền chữa trị, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Những chuyến bay cấp cứu quân và dân trên các đảo: Thuyền Chài, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Phan Vinh, Phú Quốc...; Nhà giàn DK1 và các giàn khoan trong điều kiện ban đêm, thời tiết phức tạp, thời gian bay dài, góp phần tích cực vào nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Với bản lĩnh vững vàng, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm cao, các tổ bay đã đưa đội ngũ y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 vượt hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn cây số, thời gian bay dài hơn 12 giờ 20 phút (có ngày thực hiện 2 lần/chuyến), bảo đảm kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Hiện nay, VNHS luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực SSCĐ cấp 2, trực tìm kiếm cứu nạn. Từ năm 2015 đến nay, đơn vị thực hiện hơn 400 giờ bay quân sự, bay chuyên cơ; 1.574 giờ bay huấn luyện; hỗ trợ Quân chủng Hải quân bảo đảm trang thiết bị, tạo điều kiện, cơ sở mặt đất và huấn luyện phi công, giáo viên, nhân viên kỹ thuật... trên loại trực thăng EC-225, góp phần nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Khi có tình huống tác chiến, VNHS sẽ nhanh chóng chuyển sang đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.

Theo Trung tá Phạm Ngọc Hoài, Phó giám đốc VNHS, những năm qua, đơn vị luôn chú trọng đào tạo, phát triển, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, phi công, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật… theo chuẩn quốc tế. Chính vì thế, 65% phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị có đủ trình độ và khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Với tiềm lực cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, "Những cánh bay của biển đảo"-VNHS sẽ tiếp tục vươn cao, bay xa hơn nữa, góp phần làm giàu cho đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu.

PHÚ HƯNG