Những điểm mới của Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

22/10/2019, 08:08

Luật Dân quân tự vệ (DQTV) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, Luật DQTV hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi.

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân thay mặt Ban soạn thảo Luật DQTV (sửa đổi) tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Góp ý về Dự thảo Luật DQTV (sửa đổi) do Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội tổ chức, tháng 7/2019. (ảnh: quochoi.vn)

Sự cần thiết sửa đổi Luật DQTV

Từ năm 2009 đến nay, Đảng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật DQTV chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV... Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật DQTV (sửa đổi) là cần thiết.

Mục đích của việc xây dựng Luật DQTV (sửa đổi) nhằm xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với QĐND Việt Nam làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về quan điểm chỉ đạo quá trình xây dựng Luật DQTV (sửa đổi) đó là giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với DQTV; thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để hoàn thiện hệ thống pháp luật về DQTV, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật về DQTV hiện hành; thu hút, nâng cao hiệu lực pháp lý một số quy định trong văn bản dưới luật; bổ sung quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp vào Luật DQTV (sửa đổi). Nghiên cứu những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề xuất rút ra từ tổng kết thực hiện Luật DQTV; tiếp thu những ý kiến hợp lý của cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khả thi. Nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc việc tổ chức dân quân, dân binh của một số nước trên thế giới, vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta.

Ngày 31/1/2019, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2019, Chính phủ đã thông qua dự án Luật DQTV (sửa đổi) để trình Quốc hội, với tên gọi: “Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)”. Bố cục Dự thảo Luật DQTV sửa đổi gồm 8 chương, 50 điều (giảm 1 chương, 16 điều so với Luật DQTV năm 2009).

Một số quy định mới của Dự thảo Luật DQTV (sửa đổi)

Dự thảo Luật DQTV (sửa đổi) kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật DQTV hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản như sau: Bỏ quy định về “DQTV nòng cốt” thay bằng “Dân quân tự vệ”, “DQTV rộng rãi” thay bằng “nguồn mở rộng DQTV”, để phù hợp với Điều 66 Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Luật Quốc phòng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và một số luật có liên quan khác. Bỏ quy định “thôn đội”, vì trên thực tế chưa có địa phương nào thành lập “thôn đội”; bổ sung quy định thôn đội trưởng kiêm tiểu đội trưởng hoặc trung đội trưởng dân quân tại chỗ ở thôn, để thể chế Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân ở thôn. Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của DQTV để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng. Quy định DQTV thường trực là một trong những thành phần của DQTV, không luân phiên trong dân quân cơ động để khẳng định địa vị pháp lý của DQTV thường trực, phù hợp với thực tế hiện nay các địa phương đã và đang thực hiện. Bổ sung quy định lồng ghép đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV với đăng ký nghĩa vụ quân sự nhằm cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của công dân và cơ quan, tổ chức theo tinh thần cải cách hành chính của Đảng và nhà nước. Bổ sung quy định đối tượng miễn đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự và phù hợp với thực tế. Bổ sung quy định đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự. Bổ sung quy định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trước thời hạn. Đồng thời, quy định đưa ra khỏi danh sách DQTV để khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và bảo đảm vấn đề bình đẳng giới.

Dự thảo Luật bỏ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành: “Doanh nghiệp chưa tổ chức lực lượng tự vệ, thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động”. Vì thực tiễn những năm qua hầu hết các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ và địa phương không thực hiện được và đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật. Luật hóa quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 5/1/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật DQTV về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; quy định này là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm minh bạch. Bổ sung quy định hệ thống chỉ huy DQTV, phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng và bảo đảm chặt chẽ về pháp lý trong chỉ huy DQTV. Quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Quy định Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để phù hợp với thực tế hiện nay 100% Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định là người hoạt động không chuyên trách. Luật hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BNV-BQP ngày 10/3/2013 của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban CHQS xã, phường, thị trấn: Dự thảo Luật quy định học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngành Quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị.
 

Lực lượng dân quân xã Đại Xuân (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) huấn luyện SSCĐ.

Về chế độ, chính sách của DQTV, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật DQTV năm 2009; đồng thời, điều chỉnh bổ sung theo hướng Luật chỉ quy định chế độ, chính sách được hưởng, còn định mức được hưởng Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm tính linh hoạt. Dự thảo Luật bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực; phụ cấp đặc thù đi biển; bảo đảm tiền ăn (Luật DQTV hiện hành quy định là hỗ trợ tiền ăn) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của DQTV trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện. Về kinh phí, dự thảo Luật quy định theo hướng: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho DQTV của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và địa phương. Kinh phí của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm cho tự vệ của cơ quan, đơn vị mình.

Về nhiệm vụ chi, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để khắc phục quy định chồng chéo nhiệm vụ chi cho DQTV trong hệ thống pháp luật về DQTV hiện hành và pháp luật có liên quan. Đối với nhiệm vụ chi đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngành Quân sự cơ sở, dự thảo Luật quy định theo hướng: Bộ Quốc phòng bảo đảm chi đào tạo trình độ cao đẳng, đại học; địa phương bảo đảm chi đào tạo trình độ trung cấp, vì thực tế hiện nay đa số các địa phương đều do ngân sách Trung ương điều tiết để bảo đảm đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành Quân sự cơ sở. Dự thảo Luật bổ sung quy định Điều 50 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc phòng về công nhận dân quân thường trực hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; phong quân hàm sĩ quan dự bị đối với học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngành Quân sự cơ sở.

Ban soạn thảo đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, được Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đại đa số ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo và dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời có một số ý kiến đóng góp cụ thể. Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
 
Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu)