Những “từ mẫu” của đồng bào Na Ngoi

25/06/2019, 16:47

Đối với đồng bào các dân tộc xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An), các thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đã trở nên thân quen, gần gũi như người thân trong gia đình. Bất kể ngày hay đêm, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn đến thế nào, hễ nhận được thông tin bà con nhân dân không may gặp nạn là các anh tức tốc lên đường…

Các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 khám bệnh cho đồng bào huyện Kỳ Sơn

Cứu người - mệnh lệnh trái tim

Đêm cuối năm, đang chìm sâu trong giấc ngủ sau một ngày làm việc vất vả, bỗng tiếng chuông điện thoại reo lên từng hồi khiến Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Phúc Quang giật mình tỉnh giấc. Từ đầu dây bên kia, anh nhận ra giọng nói của Mùa Nỏ Chá, y tế bản Na Cáng, xã Na Ngoi, hổn hển: “Bộ đội Quang à, ông Già Nỏ Tra lại ốm quá, sắp không thở được. Bộ đội xuống cứu ông ấy với…”.

Đồng hồ lúc này chỉ 1 giờ sáng. Ngoài trời tối như mực. Chưa đến 5 phút, tổ cấp cứu cơ động do đồng chí bệnh xá trưởng trực tiếp phụ trách nhanh chóng hòa vào màn đêm đen đặc, hướng về bản Na Cáng.

Được bộ đội quân y cấp cứu kịp thời, ông Già Nỏ Tra may mắn qua cơn nguy kịch. Đây là lần thứ hai ông được bác sĩ Quang cứu sống. Do lần này căn bệnh hen suyễn của ông bị nặng hơn nên các thầy thuốc bộ đội vận động gia đình đưa lên bệnh xá đơn vị để điều trị. Không quản ngại đêm tối, đường xa, các y sĩ, bác sĩ trong tổ cấp cứu cơ động thay phiên nhau khiêng bệnh nhân Già Nỏ Tra vượt hơn 5 cây số đường rừng về tới bệnh xá, cũng vừa lúc tiếng kẻng báo thức vang lên.

Lật giở từng trang nhật ký khám, chữa bệnh cho nhân dân của đơn vị, chúng tôi thấy không ít những câu chuyện xúc động về tình người, tình quân dân nơi miền tây xứ Nghệ. Điển hình như trường hợp cháu Lỳ Y Bướm, bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi. Ngày 17-4-2018, khi vào rừng kiếm củi, cháu không may ăn phải nấm độc, người nhà đưa cháu vào bệnh xá trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các thầy thuốc bộ đội đã cứu Y Bướm thoát khỏi bàn tay tử thần trong niềm vui mừng của gia đình và bà con dân bản.

Hoặc như trường hợp sản phụ Xồng A Đía, trú tại bản Na Cáng, xã Na Ngoi, được người thân đưa đến bệnh xá vào 1 giờ sáng khoảng cuối năm 2018 do sinh khó. Sản phụ được các bác sĩ chẩn đoán thai ngược, được các thầy thuốc bộ đội hồi sức tích cực, chăm sóc tận tình, gần hai tiếng đồng hồ sau đã hạ sinh “mẹ tròn con vuông”. Ôm cậu con trai bé bỏng vào lòng, anh Mùa Bá Xênh (chồng chị Đía) cười mãn nguyện: “Bộ đội tốt bụng quá. Không những cứu được vợ con mình lại còn cho nhiều thuốc bổ nữa. Từ ngày có thầy thuốc bộ đội về đây, đồng bào Na Ngoi mình ai cũng khỏe mạnh, chẳng còn lo sợ cái bệnh nữa”.

Chung tay tạo dựng vùng biên vững mạnh

Na Ngoi là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện 60km và TP Vinh (Nghệ An) 300km. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, xa bệnh viện lớn nên nhiều năm trở lại đây, mỗi khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, hay không may mắc bệnh hiểm nghèo, đồng bào các dân tộc Na Ngoi đều tìm đến thầy thuốc bộ đội. Theo Đại tá Đặng Đức Mậu, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, Khu KT-QP Kỳ Sơn do đơn vị quản lý gồm 8 xã biên giới đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của hơn 90% đồng bào dân tộc Mông. Địa bàn đa phần là rừng núi, nơi phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Sốt xuất huyết, sốt mò, tiêu chảy cấp… Những năm trước, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương cũng như đời sống của nhân dân còn hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp, tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, như: Tổ chức ma chay kéo dài; ăn cơm với nước lạnh; ngủ không mắc màn, xây dựng công trình vệ sinh gần nơi ở, người ốm đau không được đưa đến bệnh viện mà để ở nhà làm “vía”.

Trước thực tế đó, bên cạnh nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các đội sản xuất phụ trách các xã trong vùng dự án tăng cường bám nắm cơ sở, tích cực hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa; đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với trạm y tế các xã trong vùng dự án và Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, kết hợp khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào; chủ động giám sát dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng... Hàng năm, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 đều chủ động phối hợp với lực lượng y tế địa phương xuống từng thôn, bản để nắm tình hình dịch bệnh, kết hợp với chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh xá kết hợp với đoàn viên, thanh niên địa phương giúp bà con di dời toàn bộ công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; vận động 100% hộ gia đình đào hố rác ở vị trí thích hợp, đồng thời tạo thói quen xử lý rác thải vào ngày cuối tuần. Nhờ đó, những năm gần đây, đa số phụ nữ ở Na Ngoi và các xã lân cận đã biết tìm đến trạm y tế xã hoặc Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 để sinh đẻ; biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình; các hủ tục trong đời sống nhân dân giảm đáng kể, sức khỏe của đồng bào không ngừng được cải thiện, yên tâm làm ăn sinh sống, gắn bó với bản làng.

Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiện Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 còn đảm nhiệm quản lý hơn 3.500 thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo trong Khu KT-QP Kỳ Sơn. 5 năm trở lại đây, bệnh xá kết hợp với y tế địa phương tổ chức cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho 20.679 lượt đồng bào. Riêng năm 2018 tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 4.500 lượt người với tổng trị giá tiền thuốc là 550.000.000 đồng. Để đạt được kết quả cao trong thu dung, điều trị, hàng năm, bệnh xá đều chủ động bám nắm kế hoạch của trên, phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Quân y 4, Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn và trạm y tế các xã trong vùng dự án tiến hành khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng, bảo đảm chất lượng ngày càng cao.

Với những việc làm và kết quả thiết thực của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4, ý thức chăm sóc sức khỏe ban đầu của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án được nâng lên rõ rệt. Đa số người dân tin tưởng, coi bệnh xá quân dân y nơi đây là địa chỉ tin cậy trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

NGUYỄN HỒNG SÁNG